Nghĩ trong sương sớm Sa Pa
Sa Pa đã trở thành thị xã du lịch của tỉnh Lào Cai, điều dễ nhận thấy là tốc độ đô thị hóa đang diễn ra một cách chóng mặt. Rất nhiều vẻ đẹp hoang sơ, những hàng thông cổ thụ, nếp nhà cổ đã không còn, nhiều quán hàng được bố trí na ná đô thị lớn như Hà Nội. Làm sao để gìn giữ bản sắc độc đáo trong phát triển du lịch là một thách thức lớn cho chính quyền và bản thân con dân của thị xã non trẻ này.
Sương có còn đẹp khi người người chen chúc?
Khi đến Sa Pa, tôi vẫn giữ thói quen dạo bộ buổi sớm như đã từng thực hiện cách đây hai mươi năm. Nhưng có lúc, cảm giác lành lạnh buổi sáng không còn nữa. Cũng có năm thật khó tìm được cảm giác một ngày trải qua bốn mùa xuân buổi sáng, hạ buổi trưa, thu buổi chiều, đông buổi tối. Những ngày đầu hè năm 2023, Sa Pa trải qua cảnh nắng nóng kinh khủng, gây ra sự thất vọng cho khách đến du lịch nơi đây. Ở lại lâu, thể nào cũng tìm được buổi sương rơi mùa hè, nhưng sương sớm đâu còn đẹp khi nhà cửa chen chúc. Những nếp nhà bản địa xa xưa của đô thị này hoàn toàn biến mất.
Tôi từng tìm hiểu và được biết, tại Sa Pa từng có sự hiện diện của khoảng 240 căn biệt thự cổ nằm dưới những tán cây lãng mạn, cạnh con dốc liêu xiêu. Từ năm 1990, Sa Pa phát triển du lịch, đến năm 2010 phát triển mạnh và mấy năm nay phát triển nhanh khủng khiếp. Nhà cũ bị đập đi, biết bao cây thông bị đốn hạ. Các đại gia địa ốc đầu tư mua đất san đồi xây nhà nghỉ khách sạn. Những quả đồi xanh bị băm nát, được xây dựng những khối nhà tuy đẹp nhưng lại kém duyên nơi núi rừng. “Nàng công chúa” đã không được cưng chiều như trước, mà thay vào đó là sự khai thác triệt để.
Ở khu chợ được bày bán nông sản, thực phẩm đa số là người dân ở Phú Xuyên (Hà Nội), Thái Bình, Hà Nam lên mua chỗ, kinh doanh. Người bản địa trở thành đối tượng được phục vụ. Bởi họ có tiền từ bán đất, từ phục vụ du lịch. Những khách sạn lớn được đầu tư xây dựng từ năm 2016, 2017, đến nay đã hoàn thành và tiếp tục các khách sạn lớn, khu vui chơi được xây dựng, khiến nơi đây trở thành đại công trường xây dựng. Khách du lịch bây giờ lội bộ dọc các chân dốc khi hai bên là vật liệu xây dựng và lán trại của công nhân. Ngay cả chợ Tình, vốn được tổ chức vào tối thứ bảy, thì khu chợ ấy cũng không còn. Người dân tộc phải vào bìa rừng để họp chợ, giao duyên.
Có một điều đáng phải bàn là tình trạng sốt đất, vốn là tất yếu của các đô thị đang phát triển. Từ năm 2020 đến 2022, giá đất ở Sa Pa trở nên “sốt nóng sốt rét”, khi một đoạn đường Điện Biên Phủ (đầu thị xã theo hướng từ Lào Cai lên) cắm la liệt cọc. Trên những cái cọc đó treo biển bán đất, ghi thêm số điện thoại. Và những người có điều kiện sẽ chớp luôn thời cơ đón đầu sự phát triển, mua luôn, dựng nhà, làm cửa hàng kinh doanh. Nào là làm đậu, kinh doanh tạp hóa, cây cảnh, sửa chữa ô tô, nhà nghỉ, quán ăn…. Bà con bán đất có tiền làm nhà và những thửa đất vừa được giao dịch cũng biến thành nhà. Có hộ bán đất mặt đường, khuân đống tiền lớn tiến vào trong chân núi xây nhà.
Đến nay, khi giá đất ở nhiều nơi đã hạ nhiệt, thì ở Sa Pa cũng không còn quá “nóng”, nhưng vẫn còn hiện tượng “ngáo giá đất”. Tại các xã ven tỉnh lộ 152 đi Bản Dền vẫn nhiều nơi treo biển bán đất và được “hét” với giá cao. Ở khu vực này, nhiều mô hình homestay phát triển, đời sống người dân được nâng lên, đó là điều không phải bàn cãi. Nhưng có một thứ cũng đang âm thầm đe dọa đến địa tầng, khí hậu và vẻ đẹp văn hóa của huyện Sa Pa là các nhà máy thủy điện. Đã có thời kỳ cơ quan chức năng cấp phép cho hơn 100 dự án thủy điện nhỏ và vừa, rồi bị “dẹp” bớt bởi dư luận “kêu” quá nhiều. Tất nhiên, nhiều dự án đã được thực hiện và thời điểm ấy, những cánh rừng đã rùng mình sợ hãi bởi máy móc ngoạm vào núi, đốn ngã nhiều cổ thụ.
Người dân có quyền được hưởng, nhưng…
Cũng có những ý kiến cho rằng đô thị hóa là tất yếu và người dân có quyền được hưởng điều kiện nhờ đô thị hóa và những tiện lợi, cuộc sống đủ đầy hơn từ quá trình phát triển ấy. Quả vậy trong thời buổi công nghệ, đô thị hóa nhanh chóng, Sa Pa không thể đứng im. Nếu buộc Sa Pa phải đứng im để “thủ thế” như một bảo tàng thì có phần nhẫn tâm. Huyện Sa Pa trước đây và nay là thị xã sẽ bị bỏ lại phía sau. Thị xã sở hữu kho tàng di sản thiên nhiên và văn hóa độc đáo và cần biến di sản đó thành tài sản.
Trong bối cảnh hiện nay, làm sao để đô thị này phát triển du lịch, đồng thời giữ gìn được bản sắc, đó mới là điều đáng bàn. Hiện nay, thị xã đang phát triển khá mạnh du lịch cộng đồng. Theo UBND thị xã Sa Pa, địa phương có hơn 360 cơ sở kinh doanh homestay, 126 cơ sở dịch vụ ăn uống tại các điểm du lịch cộng đồng; 157 cơ sở quà tặng lưu niệm, 39 dịch vụ tắm thuốc và 222 dịch vụ khác.
Còn theo ông Lê Mạnh Hào, Chủ tịch UBND xã Tả Van, hiện ở địa phương có hơn 50 hộ đăng ký làm mô hình du lịch cộng đồng (homestay), mỗi nhà có sức chứa từ 10 đến 20 người, trung bình vào mùa cao điểm, mỗi ngày phục vụ từ 200 đến 300 khách. Giá lưu trú một đêm tại Tả Van khá rẻ, dao động từ 100 đến 150 nghìn đồng, tùy từng hạng phòng.
Cũng phải thấy rằng, nghề thủ công truyền thống của các dân tộc trên địa bàn thị xã khá phong phú và đa dạng như: nghề thổ cẩm của người Dao, Tày, Mông, nghề rèn đúc của người Mông, nghề đan lát của người Phù Lá, nghề chạm khắc bạc và làm đồ trang sức của dân tộc Dao, Mông; trang phục truyền thống của các dân tộc cũng tạo nên sức hấp dẫn. Tuy nhiên, hầu hết các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn thị xã mới chỉ khai thác dịch vụ ăn, nghỉ và biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch, còn thiếu các hoạt động thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại địa phương. Các nghề thủ công truyền thống mới chỉ dừng lại ở những mô hình thí điểm nên chưa tạo được sức lan tỏa.
Họa sĩ Bùi Mai Hiên, người từng có nhiều thời gian nghỉ dưỡng, sáng tác tại Sa Pa, cho hay: “Thị xã này sở hữu những vẻ đẹp tuyệt vời, tuy nhiên nhiều vẻ đẹp đang bị đánh mất. Bây giờ, để tìm một khung cảnh trầm lắng dưới hàng thông là không thể nữa. Do ở vùng trung tâm đô thị, tốc độ xây dựng nhanh khủng khiếp”.
TS Dương Văn Sáu, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, cần có giải pháp để khôi phục lại bản sắc văn hóa thông qua ứng xử của người dân bản địa. Bởi, hiện nay, sự bùng nổ của du lịch đã làm thay đổi rất nhiều đến cách sinh hoạt, cách sống của người dân bản địa và sự tăng trưởng về kinh tế đối với các điểm du lịch cần được kiểm soát để phát triển bền vững vừa không làm mất đi các giá trị văn hóa đậm bản sắc.
Sa Pa, cũng như các đô thị du lịch khác là Đà Lạt, Tam Đảo đang “thay da đổi thịt”. Nhưng đang có sự đánh đổi quá đắt. Muốn có kinh tế, người ta đã đầu tư xây dựng dày đặc công trình. Nếu nhìn vào bản quy hoạch từ cách đây hơn 100 năm, sẽ thấy mật độ xây dựng chỉ chiếm chưa đầy 30% so với hiện tại - đây là con số người ta đã tính toán đến ngày nay, chứ không phải trước đây. Vậy là hôm nay con người đang “ăn” vào tự nhiên quá nhiều. Bây giờ là lúc cần bình tĩnh, đánh giá lại, chúng ta đã được gì và mất gì, để có cách ứng xử với đô thị du lịch một cách hợp lý. Không nên biến “nàng công chúa” trong rừng thành một đô thị quá hiện đại và ngột ngạt như đô thị vùng xuôi. Sẽ có lúc, người ta ước giá đô thị này đừng phát triển quá nóng như thế, để chầm chậm tiến trong bền vững, trong tăng trưởng xanh, và khoa học.