Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Nguyễn Công Thành: Những bài học trong đời
Nguyễn Công Thành thuộc thế hệ nhà báo trưởng thành sau 1975, từng giữ chức vụ Trưởng phòng ảnh Báo Tuổi trẻ. Ông được đồng nghiệp nhận xét là một nhà báo lịch lãm và thận trọng. Suốt đời mình ông hết lòng với nghề và đi đâu cũng vậy, ông luôn đeo trước ngực hai chiếc máy ảnh.
Bắt đầu từ tự học
Lần đầu tôi đến gặp ông, trời mưa lớn suốt một buổi chiều, ông không tiếp được. Vợ ông đang đau yếu, ông không nỡ xa bà. Sáng hôm sau ông đến. Ông bước đi chắc nịch. Kéo ghế ngồi vào bàn, hai cườm tay to sạm nắng, trông ông còn mạnh lắm. Nhưng ông đã 76 tuổi: tóc đã bạc, lưa thưa rủ xuống. Và hai mắt hiền nhướng lên sáng trong sau cặp kiếng cận cũ…
Nguyễn Công Thành sinh ra trong một gia đình nghèo trên Đất Thủ - Bình Dương. Cha ông theo cách mạng, bị giặc bắt rồi hy sinh. Chưa thôi sữa mẹ, ông đã mồ côi cha. Mẹ con ông lâm vào cảnh khổ: nhà thiếu ăn, phải lo cơm từng bữa, không có gì hơn mấy bộ đồ chẳng được lành lặn. “Không chi bằng học”, ông nghĩ vậy khi lớn hơn một chút. Mẹ tảo tần cho ông ăn học.
Vào những năm đầu bậc trung học (1962-1965), ông khăn gói đi ở nhờ nhà dì Ba một thời gian rồi qua nương tựa cậu Mười để tiếp tục chuyện học hành tại Trường trung học công lập An Mỹ (nay là trường THPT An Mỹ, Bình Dương). Ít lâu sau, ông ra giúp việc và ăn ở tại một cây xăng của cha một người bạn học. Đều đặn một buổi học, hai buổi làm. Sáng sớm bật đèn quét dọn, đến nửa đêm ông lại quét dọn, bơm nước rửa sân và lau chùi các trụ bơm xăng. Thiếu hụt đủ thứ nhưng ngẫm ra, ông nói không buồn mà nên người nhờ nó.
Ông có người cậu tự đi xuống Sài Gòn học rồi khi học xong đem về cho ông rất nhiều sách. Lòng ham thích con chữ của ông phần nhiều được bắt nguồn từ đó. Ông mày mò học thêm Anh văn, rồi đọc được "The Old Man and the Sea" (Ông già và biển cả) của Ernest Hemingway - tác phẩm ảnh hưởng nhiều ít tới ý hướng của ông sau này. Thấy ông nhà nghèo ham học, một giáo sư đã tặng cuốn tự điển Webster cho ông thuận tiện tra từ mới.
Có học bổng du học nước ngoài nhưng ông chọn ở lại. Ở trường, ông vào nhóm Thi ca văn đoàn rồi được bạn bè tin tưởng cho làm trưởng nhóm báo chí, cho ra vài giai phẩm xuân. Nguyễn Công Thành xuất hiện lần đầu tiên trên Nắng Mới, một tờ báo dành cho thiếu nhi phát hành ở Sài Gòn. Ông sung sướng khi nhớ về bài báo đầu tiên: “Mừng ghê lắm. Có tiền ăn cơm và mua được thêm ít cuốn sách, vài ba tờ báo”.
Năm 1965, đang học đến nửa năm đệ tứ (lớp 9) thì ông từ giã quê nhà ra Vũng Tàu lập nghiệp. Tích cóp được chút vốn, ông mua một chiếc máy ảnh chụp phim đen trắng hiệu Asahi Pentax. “Tôi bắt đầu từ tự học chụp. Sau đó mỗi lần tôi ra tiệm rửa hình, nghe người ta nói chỗ này thiếu sáng, chỗ kia bố cục chưa chặt…, rồi bắt chước làm theo”. Năm 1968, ông bị bắt lính. Đến năm 1972, ông học tiếp tại Trường Bách khoa Bình dân và Hội Việt Mỹ, định bụng cất một tiệm hình kiếm sống. Trong năm đó, ông có giải thưởng nhiếp ảnh đầu tiên. Rồi những ngày biến động, ly tán, ý định không thành. Sau 1975, ông chụp và viết cho các tờ Công nhân Giải phóng (nay là Người Lao động), Sài Gòn Giải phóng và Tuổi trẻ. Sau cùng (1979), ông chọn Báo Tuổi trẻ làm bến đậu. Chưa đầy năm năm sau, ông trở thành Trưởng phòng ảnh cho tới ngày về hưu.
Đi để ghi lại từng câu chuyện
Đi vì tòa soạn, vì bạn đọc và cũng vì chính mình, ông từng dọc ngang xuôi ngược, trong Nam ngoài Bắc, đi nhiều nước: Lào, Campuchia, Thái Lan, Mỹ… Đời cầm máy của ông cũng khó tránh khỏi chuyện nọ chuyện kia. Ông hiểu nghề và ít khi nào bàn luận to tiếng về nghề.
Nhà báo Đỗ Đình Tấn - cựu Phó tổng Thư ký tòa soạn Báo Tuổi trẻ nhận xét Nguyễn Công Thành là một nhà báo yêu nghề và không nề hà trong việc đi lại. Ông nói: “Nguyễn Công Thành luôn học hỏi cách chụp ảnh từ đồng nghiệp. Nhà báo chịu học hỏi như Công Thành rất hiếm. Anh rất nhạy bén với nghề nghiệp. Mỗi sự kiện lớn nhỏ, anh biết mình cần chụp cái gì, chụp ai, chụp như thế nào để có ảnh tốt. Mấy chục năm qua, anh vẫn đi để ghi lại từng câu chuyện cuộc sống bằng hình ảnh.
Những bài học trong đời làm báo
Một năm mùa nước lên, tòa soạn giao ông xuống Cần Thơ chụp ảnh. Ông gọi liền cho văn phòng đại diện của báo ở miệt Cần Thơ, đầu dây bên kia trả lời gọn ơ: “Ở dưới nầy khô queo à”. Ông không tin như vậy. Ông lao đi nhưng xuống tới thì đúng là “khô queo thiệt”. Ông vọt xe đi tiếp rồi mới bật ngửa: “Nước ngập trắng dã rồi”. “Tới tận nơi mà nhìn chứ nghe sao hay vậy thì đâu được”, ông đã lặn lội gần năm trăm cây số để có một tấm hình.
Suốt 5 năm (2000-2005), ông nhiều lần chạy đi chạy lại dọc Trường Sơn từ những ngày đầu khởi công làm đường. Không khí của một thời sôi nổi nhưng cũng đầy khó nhọc hiện lên qua lời ông nói: “Bất kể đêm ngày, mưa gió gì mình cũng đi”. Cũng trên đường đó, nhìn lên là đèo Lò Xo cheo leo dốc thẳm (cao khoảng 1.150 mét), lên đèo nhìn xuống thì hun hút vực sâu. Đèo gian nan, có nhiều khúc cua gắt. Và cũng bởi đó là đèo gian nan nên ông muốn đến để chụp một tấm hình thật ưng ý cho số báo tân niên. Ông kiếm xe xin quá giang lên đèo để sau này ông kể lại: “Tôi cùng anh em trên xe quỳ xuống giữa đường, chắp tay lạy tạ trời đất, núi rừng. Vì suýt chút nữa là không bao giờ về đến tòa soạn”. Lần đó, chiếc xe của đoàn gặp tai nạn trong chuyến trở về. Hình ảnh dự định cho số báo tân niên thành ra phóng sự ảnh "Suýt chết trên đèo Lò Xo"!
Nhà báo Tố Oanh (con gái Nguyễn Công Thành) có lần nhắc ông: “Hôm nay 27/11, sinh nhật của má”. Vậy mà hai cha con xách ba lô đi biền biệt. Nhà báo Tố Oanh cho biết, hết trung học, dường như được “di truyền” từ cha nên đã chọn theo nghề báo: “Cha đã đánh thức một phần khả năng nghề nghiệp của tôi. Cha vừa là người thầy vừa là tri kỷ trong bàn luận các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp, rất hợp gu”.
Sau loạt tin về Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, có bạn đọc gửi thư yêu cầu cải chính: làm gì có địa danh Dinh Cố. Ông tức thì đưa danh thiếp và ảnh chụp bảng hiệu nhà máy cho anh tổng thư ký tòa soạn. Trên đó đều ghi là Dinh Cố. “Ảnh nói người ta sai mình cũng sai theo à, anh phải chứng minh là Dinh Cô hay Dinh Cố”. Ông tức tốc chạy ra Bà Rịa - Vũng Tàu rồi được bà con trong vùng cho biết địa danh này có núi Dinh Cố, trên đỉnh có Dinh Bà Cố. Lên núi, đứng đó nhìn sang bên bờ Long Hải, ông còn thấy Dinh Cô. Tòa soạn có được câu trả lời thỏa đáng cho bạn đọc: Bà Rịa - Vũng Tàu có cả Dinh Cô và Dinh Cố. “Người làm báo đưa ra sự thật trên mặt báo. Khi độc giả nghi ngờ, mình tiếp tục đưa ra sự thật sau trang báo đó”, ông nói.
Với đồng nghiệp thân thích, ông hết lòng giúp đỡ, đôi khi có phần thiệt về mình. Ông cho rằng sự cạnh tranh về chuyên môn nghiệp vụ trong làng báo là việc cần thiết nhưng cũng có những việc không nên. “Các tờ báo không nên tị hiềm, lôi những chuyện nào đó ra để nói xấu nhau mà phải đoàn kết đứng về lẽ phải. Khi có sự việc gì xảy ra thì sức mạnh của báo chí mới vững”.
Bạn đọc nhớ ông qua những câu chuyện được kể bằng hình ảnh về những nhân vật đời thường với những câu chuyện cũng rất đời thường. Một xóm lao động nghèo kiếm kế sinh nhai, một vùng quê nghèo thiếu nước hay tình người trong bão lũ: "Mẹ vẫn tảo tần", "Con trai đi nuôi bệnh", "Cấp nước cho dân", "Lại lên đường vì “khúc ruột miền Trung”", "Miền Trung: miếng khi đói"…
Đồng nghiệp trọng và coi ông như một chứng nhân qua những lần ông chụp những yếu nhân: Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch Trương Tấn Sang, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, Tỷ phú Rockefeller… và qua những câu chuyện ông can đảm đi vào vùng dịch, thiên tai: "Cúm gia cầm AH5N1", "Hạn hán Nam Trung Bộ", "Lỗ hổng trách nhiệm"… Hoặc những tin bài theo sự kiện thời sự: "Khởi công công trình Nhà máy thủy điện Yaly", "Cháy lớn ở IMEXCO", "Bốn ngày trên đường Hồ Chí Minh"… Hiện nay, ông còn nhận lời làm giám khảo nhiều cuộc thi nhiếp ảnh lớn nhỏ trong nước.