Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu : Không dùng tài năng để trục lợi

Thứ Năm, 11/08/2022, 12:59

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu ở làng đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã có năm tác phẩm được xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam. Suốt hơn 20 năm qua, ông cùng một số người tâm huyết trong làng khơi dậy sức sống của nghề đúc đồng truyền thống. Có tay nghề cao, đặc biệt là tài đúc trống đồng và chuông, ông Châu bảo, mình đã góp sức cho nghề, cho làng và tuyệt đối không dùng tài năng để trục lợi.

Say nghề và được vinh danh từ nghề

Bằng kỹ thuật điêu luyện, sự sáng tạo không ngừng nghỉ, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Bá Châu đã đúc ra nhiều tác phẩm độc đáo và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận. Tác phẩm đầu tiên của ông được xác lập kỷ lục là trống đồng lớn nhất Việt Nam, với đường kính 2,3m được đặt ở cổng nhà ông, cạnh đường dẫn vào làng nghề đúc đồng Trà Đông. Sau đó là trống đồng Ngọc Lũ lớn nhất Việt Nam bằng phương pháp thủ công, xác lập lại kỷ lục, cao 1,6m, rộng 2,4m hiện đang trưng bày tại khu dã ngoại huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Ông Châu cũng là tác giả của đôi tượng thần đèn ngồi quỳ và chiếc trống đồng hai mặt đánh kêu như trống da đã được xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam. Hai hiện vật này đang được lưu giữ tại chùa Đông Sơn và Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng (Thanh Hóa).

quả cầu thành phẩm.jpg -0
Diên KhánhNghệ nhân Nguyễn Bá Châu bên quả cầu đã thành phẩm.

Năm 2016 qua một cuộc thi chọn mẫu, ông được giao trọng trách đúc 1.000 pho tượng mẹ Âu Cơ làm quà tặng các nguyên thủ, chính khách dự Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng tháng 11/2017. Ông Châu chính thức xác lập kỷ lục thứ năm khi đúc tượng mẹ Âu Cơ số lượng nhiều nhất.

Mới đây ông cùng công nhân đã hoàn thành bộ đôi quả cầu có chất liệu đồng cao 2m, nặng 6 tấn để trưng bày tại thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Song điều quý nhất như nhiều người dân tại xã Thiệu Trung bày tỏ: "Nhờ ông Châu mà làng nghề truyền thống đúc đồng được hồi sinh và người dân có công ăn việc làm, cuộc sống trở nên khấm khá".

Chia sẻ thêm về trống đồng hai mặt, kêu như trống da, ông Châu bảo: đúc trống đồng hai mặt khác hoàn toàn với đúc trống đồng truyền thống và đây là thách thức lớn bởi từ trước tới nay, làng nghề chưa có ai đúc thử cả. Về kỹ thuật của khuôn đúc trống hai mặt thì khó hơn nhiều. Tôi làm cái đầu tiên ở Việt Nam vì nó là biểu tượng cho những cái sau, nó đã chứng minh rằng có thể làm được mọi thứ bằng đồng.

Theo tìm hiểu, Trà Đông là làng đúc đồng truyền thống nhưng có thời gian bị mai một. Và những người như ông Châu đã không chịu ngồi yên, khi thấy một số làng nghề phát triển, còn làng đúc của quê hương lại… chìm. Ông Châu kể: "Năm 1998 tôi có nghiên cứu, đi tìm hiểu để khôi phục nghề xưa, nhưng mấy lần đúc trống bị thất bại, phải đến năm 2000 mới thành công. Từ đó, tôi dạy cho nhiều anh em trong làng, rồi được các cơ quan chức năng mời mở lớp đào tạo nghề đúc trống đồng để lan tỏa và để nghề có thể phát triển. Có không ít người ở nơi khác học tôi và họ cũng thành công".

Nhiều người kể lại, năm 2000 là thời khắc đậm dấu ấn với NNƯT Nguyễn Bá Châu khi là người đầu tiên trong cả nước đã đúc thành công trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống. Điều này thật sự quá sức tưởng tượng của chính bản thân ông và nhiều người. NNƯT Nguyễn Bá Châu nhớ lại: "Khi còn sống, bố tôi có nói với tôi rằng, nghề này rất quý bởi chỉ từ than, củi, đồ phế liệu và qua bàn tay người lao động đều sẽ trở thành sản phẩm giá trị. Tôi trăn trở và may thay, nhờ sự động viên của gia đình nên tôi đã vượt qua nhiều khó khăn".

untitled-16.jpg -0
Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu cùng con trai bên chiếc trống đồng đã được xác lập kỷ lục.

Vì sao ông lại có ý tưởng ngay từ ban đầu là đúc thí điểm với trống đồng mà không phải một sản phẩm đồng nào khác? NNƯT Nguyễn Bá Châu trả lời: "Lúc đầu tôi không nghĩ sẽ làm trống đồng. Tìm hiểu qua một số anh em, bạn bè thì tôi được biết trên thị trường giá trống đồng rất cao. Biết là khó nhưng tôi vẫn quyết tâm vì phải làm cái chưa ai làm mới có giá trị. Hơn nữa, tôi cứ tự hỏi vì sao trước đây các cụ đúc được mà giờ thời hiện đại lại không làm được?".

Đúc trống là công việc phải làm thủ công, không có máy móc nào có thể thay thế bàn tay con người. Ông đã làm từ những chiếc trống nhỏ nhất, đúc rút kinh nghiệm để có thể làm nên những sản phẩm đạt kỷ lục. Say nghề, yêu nghề và quyết tâm giữ nghề, ông đã nỗ lực truyền dạy nghề cho con và các cháu, đến giờ ai cũng có tay nghề cao. Con trai của ông Châu là anh Nguyễn Bá Quý cũng đã được công nhận là nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Làng Trà Đông cũng có nhiều nghệ nhân giỏi nghề khác là các ông Lê Văn Bảy, Lê Văn Dương, Đặng Ích Hoàn... Họ đã thực sự khiến làng nghề "sống dậy" với sản phẩm nổi tiếng cả nước.

"Nếu tham, tôi đã giàu lắm rồi"

Hiện nay ông Châu đang là Giám đốc công ty TNHH đúc đồng truyền thống Đông Sơn - Trà Đông chuyên sản xuất và kinh doanh về đồ đồng. Công ty ông luôn có từ 15-20 lao động thường xuyên là những thợ có tay nghề cao về đúc đồng với mức thu nhập trung bình từ 7-10 triệu đồng/người/tháng và 20 lao động mùa vụ.

Trong quá trình làm việc, ông Châu nghiên cứu các loại trống đồng của người Việt cổ trước đây, từ kiểu dáng, họa tiết, hoa văn rất đẹp nhưng rất khó làm, để tạo ra những sản phẩm đẹp, tinh xảo. Vì nhiều chi tiết nhỏ phải khắc họa, trong khi đó lại làm thủ công nên đòi hỏi sự kiên trì.

Đưa tôi đến gần một quả chuông đồng mới đúc, ông Châu gõ vào thân chuông. Tiếng đồng như ở cõi xa vọng về, dội lên từ lồng ngực. Quả thực, tôi đã bất ngờ. Tiếng chuông cứ vang mãi, ngân mãi. Rõ ràng âm vang ấy không hề phụ thuộc vào dùi to hay sức vóc. Sự ngân vang của chuông, hay trống, là nhờ kỹ thuật đúc. Theo ông Châu, đồng nhiều hay ít, phụ gia ra sao sẽ quyết định tiếng kêu của chuông, trống. Khuôn làm không chuẩn hoặc bị nong hoặc bị vênh sẽ vừa tốn nguyên liệu, vừa không tạo ra âm thanh trầm, không vang.

 NNƯT Thiều Quang Tùng, là người học nghề từ NNƯT Nguyễn Bá Châu, tâm sự: "Muốn có sản phẩm thành công buộc người thợ phải nghiên cứu kỹ chất đất, chất đồng, cách làm. Ông Châu luôn tâm niệm, những kỷ lục là điều ai cũng cần, nhưng đã tạo cho nghệ nhân những trách nhiệm lớn lao hơn, là phải giữ gìn nghề tốt hơn. Đó là điều rất đáng quý của ông Châu".

Ông Châu cũng bảo rằng, tay nghề của ông có thể làm giả cổ rất giỏi, phải nói là giỏi nhất. Nhưng ông đã không làm vì sợ bán ra thị trường, dân buôn sẽ đi lừa. "Tôi không thể tiếp tay cho dân buôn bảo đồ giả cổ là đồ cổ để bán giá cao, dù nếu làm thế, tôi sẽ thu lợi rất nhiều. Đó là đạo đức nghề nghiệp, cũng là cách để giữ tiếng thơm cho làng nghề", nghệ nhân Nguyễn Bá Châu nhấn mạnh.

NNƯT Nguyễn Bá Châu đã từng mở 6 lớp học với hơn 300 học viên, trong đó có học viên sau này cũng đã thành nghệ nhân. Ông luôn tâm niệm, nghề thủ công thì đôi bàn tay con người là chủ đạo. Ông Châu chia sẻ thêm: "Muốn phát huy được nghề này, đòi hỏi phải có nhân lực, phải tổ chức thành khóa đào tạo trong vài năm, nghề mới duy trì và tồn tại. Tôi đang có dự định quy hoạch lại khu xưởng, khu bán hàng và xây dựng một khu trưng bày các hiện vật tái hiện nghề truyền thống của làng nghề xưa. Tôi muốn qua đó, du khách trong nước và nước ngoài đến thăm, sẽ hiểu hơn về nghề truyền thống Trà Đông và có được những trải nghiệm thú vị".

Diên Khánh
.
.