Nàng Mạnh Khương phương Đông!

Thứ Bảy, 08/06/2024, 11:07

Ở các nước tương đồng nhau về lịch sử sẽ có những cổ mẫu giống nhau nhưng không phải là một. Xin bàn đến trường hợp hình tượng nàng Mạnh Khương có ở nhiều quốc gia phương Đông, nhưng đạt đến độ ám ảnh thì ở Việt Nam và Trung Quốc.

1.Truyền thuyết Trung Quốc "Mạnh Khương nữ khốc Trường thành" (Mạnh Khương khóc Trường thành) kể nàng Mạnh Khương sống vào đời Tần (221-207 trước Công nguyên) con nhà giàu có, danh giá. Vừa mới cưới chồng là Phạm Kỷ Lương được ba ngày thì chồng phải đi phu xây trường thành. Mỏi mòn chờ đợi, không thấy chồng về, nàng may áo rét đem cho chồng. Tìm được đến nơi mới biết chồng đã chết. Đau đớn tột cùng, nước mắt người góa phụ chảy thành sông làm sụp đổ cả một đoạn thành dài. Rồi nàng đập đầu vào đá…

Nàng Mạnh Khương phương Đông! -1
Tranh "Mạnh Khương nữ" (Trung Quốc).

Lại có dị bản kể, bị ốm chết vì lao lực, chồng nàng liền bị chôn vào trong trường thành, nước mắt của nàng làm lộ ra xương cốt người xấu số… Căn cứ vào nội dung truyền thuyết thì thời gian câu chuyện sớm hơn nhiều so với thời điểm nhà Tần thống nhất 6 nước, do vậy có thể không phải là "Vạn lý trường thành" mà Tần Thủy Hoàng cho xây dựng. Nhưng đi vào văn chương, câu chuyện trở nên cảm động với màu sắc bi kịch nhân văn thấm thía. Để phù hợp với tính chất bi thương, nhiều bản kể gắn liền với danh từ Vạn lý trường thành và Tần Thủy Hoàng.

Xét trong sử sách, truy ngược về trước thì chuyện về nàng Mạnh Khương lần đầu có trong "Tả truyện" có tên "Kỷ Lương thê" (Vợ Kỷ Lương), kể chuyện võ tướng Kỷ Lương nước Tề bị chết trong chiến tranh. Vợ của ông giữ trung tiết chịu tang chồng. Trong "Liệt nữ truyện", tác giả Lưu Hướng thời Tây Hán cũng viết về vị hiền thê của tướng Kỷ Lương nước Tề. Theo đó, Tề Trang Công đích thân ra trận, tướng Kỷ Lương đi theo hộ vệ nhưng chẳng may bị chết. Tiếc thương một tướng tài, trung nghĩa, Tề Trang Công đưa thi hài Kỷ Lương về tổ chức tang lễ chu đáo. Quá thương chồng, sa vào cảnh không con cái, vợ Kỷ Lương đau đớn khóc nhiều đến mức nước mắt làm đổ sụp một góc thành.

Cuối đời Đường, nhà thơ Quán Hưu viết bài "Kỷ Lương thê", có câu: "Nhất hào thành băng tái sắc khổ/ Tái hào Kỷ Lương cốt xuất thổ" (Khóc lên một tiếng, nơi biên tái mịt mờ sắc khổ/ Khóc lên lần nữa, hài cốt Kỷ Lương lộ ra). Nội dung bài thơ cho thấy gần giống với truyền thuyết nàng Mạnh Khương. Đến đời Tống, tác giả Trịnh Tiều viết: "Kỷ Lương chi thê, vu kinh truyện sở ngôn giả, sổ thập ngôn nhĩ, bỉ tắc diễn thành vạn thiên ngôn" (Vợ của Kỷ Lương, trong kinh truyện chỉ nói có mấy chục lời, nhưng được diễn thành ngàn vạn lời). Ý nói câu chuyện vốn chỉ có "mấy chục lời" nhưng "thiên biến vạn hóa" thành "ngàn vạn lời". Đây là một đặc trưng của truyền ngôn dân gian, chỉ một "cổ mẫu" ban đầu, theo thời gian, được khúc xạ qua nhiều người, câu chuyện biến hóa thành muôn vàn chi tiết, ý nghĩa khác nhau.

Cũng đời Tống, Văn Thiên Tường (1236-1282), khi đến địa danh Sơn Hải quan (nơi dựng miếu thờ nàng Mạnh Khương), có thơ: "Tần hoàng an tại tai/ Vạn lý trường thành trúc oán/ Khương nữ vị vong giả/ Thiên thu phiến thạch minh trinh" (Tần Hoàng há yên chăng/ Muôn dặm trường thành xây oán hận/ Mạnh Khương không chết được/ Ngàn thu phiến đá khắc kiên trinh). Sau này trong "Đường sang nước bạn" (1959), Tố Hữu đồng cảm tiếp nhận ý thơ này: "Văn Thiên Tường ơi!/ Nếu anh sống lại/ Đến bên bờ Bột Hải/ Thăm Sơn Hải Quan/ Anh sẽ không còn khóc mãi/ Nàng Mạnh Khương xưa mùa đông/ Bơ vơ đi mang áo rét cho chồng/ Đắp Trường thành vạn lý!".

Câu chuyện mang một chủ đề tố cáo triều đình phong kiến coi rẻ mạng sống con người; chà đạp lên hạnh phúc lứa đôi; tình nghĩa vợ chồng sâu nặng; nỗi khổ đau của phận người thiếu phụ… Những chủ đề ấy liệu có ánh xạ vào truyền thuyết Việt Nam, gần gũi bối cảnh, không gian, tình huống, tên gọi…?

Nàng Mạnh Khương phương Đông! -0
Đền thờ nàng Bình Khương (Việt Nam)

2.Truyền thuyết "Nàng Bình Khương" (Vĩnh Lộc - Thanh Hóa) kể công cuộc đắp Thành Nhà Hồ được làm rất gấp rút, khẩn trương. Viên quan Trần Cống Sinh (chồng nàng Bình Khương) được giao phụ trách việc xây dựng đoạn tường thành phía Đông. Nhưng thành cứ xây gần xong lại bị sụt lở. Nghi ngờ cố ý chậm trễ, Hồ Quý Ly bèn ghép Cống Sinh tội làm phản, bèn cho vùi thân chàng vào bên trong tường thành cửa Đông.

Nghe tin chồng bị chôn sống, nàng Bình Khương vội vã tìm tới. Nhưng chồng đã chết, quá đau đớn, nàng đập đầu vào đá kêu oan. Cái chết đau đớn, tiết liệt đã đánh thức lương tri. Triều đình cho điều tra lại bằng cách đào sâu xuống dưới thì phát hiện ra mạch nước ngầm… Cống Sinh được giải oan. Nhưng nàng Bình Khương không thể sống lại. Dân bèn lập đền thờ tạm…

Đến năm 1903, tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh  đêm ấy nằm mộng gặp người phụ nữ khóc lóc rũ rượi bèn hỏi mới biết đó là nàng Bình Khương. Ông liền cho quyên tiền xây dựng ngôi đền thờ khang trang tưởng nhớ tấm lòng liệt nữ, cho dựng bia nhắc đời sau nhớ về đôi vợ chồng đáng kính trọng mà chết oan uổng: "Tấm lòng trinh tiết in vào đá/ Lưu mãi muôn đời vạn tiếng thơm". "In vào đá" bằng cả nghĩa đen, nghĩa bóng. Những dòng chữ ấy khắc vào một tảng đá còn in dấu tay và đầu nàng Bình Khương.

Theo sử sách thời vua Gia Long (1816), "Góc Đông Nam thành có một phiến đá lớn, ở giữa lõm xuống như hình đầu người, hai bên có hai vết lõm nhỏ như hình đôi tai. Lại thấy hai bên có hai vết lõm như in hình đôi bàn tay người, còn thấy rõ hình ngón tay". Lại có truyền thuyết, ở đời vua Đồng Khánh (nhà Nguyễn), lo sợ dân gian truyền tin đồn về dấu tay và đầu nàng Bình Khương sẽ ảnh hưởng đến trị an của làng, viên hào lý nọ bèn thuê thợ đục cả phiến đá đem chôn. Nhưng sau đó, người thợ bỗng nhiên mắc bệnh mà chết. Viên hào lý cũng chết một cách bí ẩn. Sự việc truyền lên đến huyện lệnh, viên Tri phủ Đoàn Thước bèn sai thay vào tảng đá khác, có khắc dòng chữ: "Trần triều Cống Sinh - Bình Khương nương, phu nhân chi thạch" (Đá này khắc ghi chuyện nàng Bình Khương, vợ Cống Sinh, triều Trần).

Hai truyền thuyết ở hai vùng văn hóa, có chung mô típ, tình huống, sự kiện, nhân vật, nhưng khác về thời gian, chi tiết. Không loại trừ có sự ảnh hưởng qua tiếp biến, giao lưu giữa hai nước gần gũi. Nhưng cách lý giải sự giống nhau dễ chấp nhận đó là do tương đồng lịch sử: đều chung sự kiện xây trường thành (Vạn lý trường thành và Thành nhà Hồ); tương đồng tình huống bi kịch: người vợ tìm đến thì chồng đã chết oan khốc; tương đồng nỗi đau không gì bù đắp: chồng chết thì vợ chết theo…    

Cái lõi truyền thuyết là sự thật nhưng bao phủ sự thật ấy là lớp lớp ánh hào quang hư cấu, tưởng tượng, thêu dệt… Không ai có thể bóc hết những lớp vỏ bọc ấy nên chỉ còn cách lật mở một vài lớp nghĩa của biểu tượng mà thôi.

Một là, xây dựng "trường thành" để bảo vệ một cơ quan đầu não của chế độ nên đó là công việc to lớn, khó khăn, gian nguy, tốn kém, thường biểu tượng cho công việc quốc gia, đại sự. "Vạn lý trường thành" bên Trung Quốc hay "Thành nhà Hồ" ở Việt Nam là rất tiêu biểu. Những cái chết tận cùng oan khốc của dân phu là biểu trưng cho sự hy sinh vô ích và vô nghĩa cho chế độ phong kiến. Đó là sự tố cáo, lên án, kết án của dân cùng chống lại cường quyền.

Phải chăng còn một ý này: "trường thành" còn là biểu tượng cho sự trở ngại, chông gai, những chướng ngại vật trong cuộc đời mà con người, nhất là những đôi vợ chồng trẻ phải vượt qua. Nếu không vượt qua sẽ là bi kịch (!?).

Hai là, nước mắt nàng Mạnh Khương chảy thành sông tức nỗi đau mất chồng (của người phụ nữ xưa) là nỗi đau lớn nhất, thảm khốc nhất. Nếu không có con (trai) mà chồng chết thì người vợ sống không bằng chết nên cũng chết theo. Ngoài ca ngợi tình nghĩa vợ chồng còn ngầm lên án xã hội bất bình đẳng nam nữ.

Ba là, tên/hình dáng nhân vật được khắc vào đá như một sự vĩnh cửu hóa, bất tử hóa tình nghĩa con người. Vì đá thì còn mãi…!!!

Nguyễn Thanh Tú
.
.