Mưa rơi ở các chân trời văn hóa!

Thứ Năm, 28/04/2022, 20:12

Các hiện tượng tự nhiên gần gũi bước vào trong ngôi nhà văn hóa nhân loại chịu sự khúc xạ của tâm lý, tính cách người nên đều mang phẩm chất nhân tính rất rõ. Khi trở thành biểu tượng thì chúng đã được tích lũy rất nhiều hàm lượng ý nghĩa biểu hiện những quan niệm, suy nghĩ, ước mong của cả cộng đồng. Với cư dân nông nghiệp Á Đông mưa là một trong những biểu tượng được ký gửi nhiều lớp mã nhất.

Theo "Kinh Dịch" mưa thuộc quẻ "càn" tức thuộc trời. Điều này được hiểu theo 2 nghĩa: Một là, trời làm ra mưa, trời cho mưa thì được, không cho thì phải chịu, nên khi cần phải xin (cầu) trời. Lễ hội cầu mưa là cầu trời cho mưa. Đồng dao Việt Nam đã nói đúng về bản chất tín ngưỡng này: "Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày...".

Hai là coi tầm quan trọng của mưa cũng lớn lao như trời vậy. Nghĩa này đẩy hình tượng về phía thiêng, tức được thiêng hóa. Các nền văn hóa cổ xưa hầu như cũng quan niệm thế. Đạo Hồi cho rằng Chúa Trời sai thiên thần xuống cùng với những giọt mưa. Tức đồng nhất mưa với các thiên thần giáng thế. Đạo Hinđu quan niệm các đấng anh linh giấu mình trong những giọt mưa đi từ mặt trăng xuống... Hầu hết các tôn giáo rất đề cao mưa, coi đó là ơn trời; là hạnh phúc, may mắn; là sứ giả nhà trời; là cầu nối trời - đất...

Về điểm này người Việt có cách nói "ơn mưa móc" chỉ ơn huệ của bề trên, đồng thời quan niệm mưa cũng là hạnh phúc nên có thành ngữ "Mưa bao giờ mát mặt bấy giờ" tức sung sướng hạnh phúc lúc nào biết lúc ấy (!?), cho thấy triết lý của người Việt cũng song hành và tương đồng với nhân loại!

Mưa rơi ở các chân trời văn hóa! -0
Lễ cầu mưa của đồng bào X’tiêng!

Người Việt có câu thật hay: "Mưa tháng ba hoa đất" tức mưa tháng ba rất đẹp, rất quý, đất như nở hoa, cây cối xanh tốt. Nhìn rộng ra tất cả các vùng văn minh nông nghiệp mưa đều quý. Các so sánh, ẩn dụ về mưa như "quý như vàng", "trận mưa vàng"... đều có ở hầu hết mọi vùng dân cư. Thậm chí có quốc gia cổ vùng Trung Á đồng nhất tên tiền tệ với mưa, cũng là một cách đề cao: "Mưa quý như tiền/vàng"! Những điều ấy dựa trên một thực tế là nhờ có mưa (một thứ đạm tự nhiên rất tốt cho cây trồng) sự vật mới sinh sôi phát triển.

Mưa tạo ra sự nảy nở, nên như một sự tất yếu lại có mã văn hóa gắn liền với tín ngưỡng phồn thực còn sinh động, thú vị hơn nhiều lớp nghĩa hiện thực ban đầu.

Khởi nguyên ở phương Tây là câu chuyện liên quan đến thần Zeus trong văn hóa Hy Lạp cổ. Công chúa Danae con gái vua Acrisius là người đẹp nổi tiếng. Nhận được lời sấm không có người nối dõi, nhưng con gái sẽ sinh được con trai và đứa cháu này sẽ giết chết ông ngoại, vua Acrisius hoảng sợ bèn nhốt Danae vào một căn phòng bí mật, kín đến mức chỉ có nguồn sáng le lói từ vết nứt mái vòm. Zeus bèn hóa thành một cơn mưa vàng rơi xuống bụng Danae. Nàng mang thai rồi sinh ra Perseus. Vua Acrisius lại nhốt Danae và Perseus sơ sinh vào một cái hòm rồi thả xuống biển. Zeus nhờ thần biển Poisedon cho họ dạt vào hòn đảo.

Lớn lên biết được mọi chuyện, Perseus cố tránh xa vương quốc ông ngoại. Chàng tham dự thế vận hội đang được tổ chức tại thành Larissa. Số phận thật trớ trêu, tại đây vua Acrisius cũng đang tham dự với tư cách khách mời. Ngọn lao của Perseus lạc đường vô tình bay trúng đầu Acrisius. Lời sấm thành sự thật...

Từ đó thuật ngữ "cơn mưa vàng" trở thành ẩn dụ để chỉ hành động những cuộc giao phối sẽ sinh nở ra tài năng, thần thánh. Trong nhiều từ vựng châu Âu, châu Mỹ, mưa đồng nghĩa với tinh khí (làm thụ thai), với hạt giống, với sữa mẹ, với cả máu. Người Sumer cổ tin rằng mưa là tinh dịch của thần bầu trời (An) rơi xuống để thụ tinh cho vợ là nữ thần trái đất (Ki). Thần Ki sinh ra mọi cây cối, hoa màu.

Người Akkad lại cho rằng mây là ngực còn mưa là sữa của nữ thần Antu, cây cối được uống sữa này mới tươi tốt… Mưa đồng nghĩa với hạt giống, tinh khí, sữa thì dễ hiểu. Còn với máu? Lại gắn liền với nghi lễ hiến tế cổ xưa (thường là giết các con vật lấy máu hiến tế. Vì có gì quý hơn và tinh khiết hơn máu đâu. Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên trước đây cũng thuộc loại nghi lễ này) của vùng văn minh nông nghiệp nguyên thủy cầu xin mùa màng tươi tốt!

Mưa rơi ở các chân trời văn hóa! -0
Thần Zeus và cơn mưa vàng ái ân!

Không nằm trong quy luật tiếp biến văn hóa nhưng có thể do tương đồng cùng một mẫu số chung về ước mơ khát vọng mà phương Đông cũng có khái niệm "mưa" để chỉ hành động tính giao của người. "Truyện Kiều" - một câu chuyện tình tất nhiên có thuật ngữ này: "Một cơn mưa gió nặng nề/ Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương" (câu 847, 848). Câu này tả cảnh Mã Giám Sinh chiếm đoạt thân thể Kiều đầy thô bạo. Cô Kiều rơi vào nhà chứa phải chịu cảnh hoa nguyệt, nguyệt hoa: "Mặc người mưa Sở mây Tần/ Những mình nào biết có xuân là gì" (câu 1239,1240).

Thuật ngữ "mây mưa" chỉ hành động trai gái giao hoan vốn có từ thành ngữ cổ "mưa Sở mây Tần" được rút gọn. Truyện rằng vua nước Sở du ngoạn nước Tần, ban ngày ngủ nằm mơ gặp thần nữ xinh đẹp đa tình tự nguyện hầu hạ chăn gối. Tích truyện xa với đời sống nên được "hợp lý hóa" bằng cách rút gọn lại cho phù hợp với chuyện sinh sản nhờ mưa... Đến tận ngày nay, trong ngôn ngữ Ấn Độ người phụ nữ mắn đẻ vẫn được gọi là mưa!

Nếu nắng thuộc dương thì mưa thuộc âm. Mưa tác động trực tiếp đến năng lực sinh sôi, phát triển, nên không chỉ trong văn hóa Việt mà ở nhiều nơi vị thần chuyên chủ về mưa thường là phái nữ.

Vì là biểu tượng cơ bản, quan trọng nhưng phân cực hai mặt, mưa quá ít hoặc quá nhiều đều không tốt đến việc trồng cấy mà phải "mưa thuận gió hòa" nên đã chi phối đến mỹ cảm người Việt cũng như của văn minh nông nghiệp là ưa sự hài hòa, nhỏ nhắn, thanh mảnh. Nhỏ mà hài hòa tốt hơn nhiều cái hoành tráng đồ sộ nhưng thiếu cân đối. Ngay với mưa, người ta cũng thích mưa nhẹ, vừa phải hơn là "mưa dầm dề", "mưa như trút"... Mưa quá nhiều sinh ra lũ lụt thì lại thành một thứ "giặc" nguy hiểm, thậm chí "đầu bảng" (thủy, hỏa, đạo, tặc). Vì lưỡng tính như vậy nên mưa cũng có 2 vị thần cả nam, cả nữ.

Theo cực dương, truyện cổ dân gian kể thần Mưa hình rồng, hút nước ở sông biển rồi bay lên trời phun nước làm mưa. Thần có tính hay quên nên có vùng cả năm hạn hán; có nơi thần lại đến luôn luôn thành ra lụt lội. Vì quá nhiều việc, thần Mưa không làm hết nên Trời mở một cuộc thi chọn các loài thủy tộc tài năng để biến thành rồng. Cuộc thi hóa rồng này ở cửa Vũ (Vũ môn): "Mồng ba cá đi ăn thề/ Mồng bốn cá về cá vượt Vũ môn". Lại có nơi hạn hán kéo dài nên các con vật gồm Cóc, Gấu, Cọp, Cua, Gà, Ong lên thiên đình kiện mà có câu ca: "Con cóc là cậu ông trời/ Ai mà đánh nó thì trời đánh cho".

Theo cực âm, "Truyện Man Nương" giải thích: Thời Sĩ Nhiếp có người con gái đẹp tên A Man theo học Phật pháp. Một ngày nàng ngủ quên trước cổng chùa, sư Khâu Đà La đi về không nỡ đánh thức bèn bước qua người. Man Nương có thai sinh ra được một bé gái. Sư Khâu Đà La đặt đứa bé vào trong một thân cây rồi đưa cho Man Nương một cây trượng, dặn khi nào hạn hán thì cắm xuống đất. Đến năm đại hạn, Man Nương làm theo lời dặn thì nước tuôn ra xối xả. Dân chặt cây gỗ có đứa bé bên trong chỉ thấy một khối đá liền lấy đá tạc bốn pho tượng gọi là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện chia cho bốn chùa để thờ, cầu mưa rất linh ứng. Dân gọi Man Nương là "Phật Mẫu" (mẹ của Phật). Hàng năm, ngày Mẫu mất, dân mở hội cúng tế.

Tín ngưỡng Tứ pháp là sự kết hợp giao hòa giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Những nữ thần nông nghiệp của người Việt cổ đã được Phật hóa trở thành những vị Phật Bà cho thấy văn hóa Việt rất đề cao người nữ!

Nghi thức cầu mưa có trong nhiều nền văn hóa. Ngày nay nước Mỹ văn minh đưa người lên cả vũ trụ nhưng vẫn có nơi (bang Texas) thường tổ chức nghi lễ này rất hoàng tráng. Thì ra dù ở không gian nào, tín ngưỡng cũng có sức sống rất mạnh, bền bỉ.

Ở nước ta nghi thức lễ hội cầu mưa được ghi nhận còn khá đầy đủ, chi tiết là của dân tộc X'tiêng (tỉnh Bình Phước). Đồng bào tổ chức để tri ân các vị thần Bra Ân - Bra Trốk (thần Trời), Bra ter (thần Đất), Bra va (thần Lúa)… đã cho nguồn nước quý giúp dân làng gieo trồng đúng mùa vụ, cái chum, cái ché đầy nước, thóc gạo đầy bồ.

Có một nét chung cho cả thế giới: Vì quan niệm mưa gắn liền với thần thánh nên chủ tế các lễ hội đều phải "trai giới" chay tịnh, kiêng khem thật trong sạch thì cầu mưa mới linh nghiệm!

Nguyễn Thanh Tú
.
.