Một tuyển thơ có nhiều bài hay

Thứ Bảy, 22/01/2022, 16:57

Mới đây, tôi nhận được tập “Thơ tuyển chọn Báo Văn nghệ Thái Nguyên 2010-2020” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2021) do Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên gửi tặng, tôi đọc liền một mạch trên 300 trang in với hàng trăm bài thơ của 148 tác giả gần như đủ các lứa tuổi, đủ vùng miền của cả nước và các nhà thơ người Việt đang sinh sống ở nước ngoài.

Nói có nhiều bài thơ hay là hay theo ý tôi, mong được bạn đọc thẩm định. Sau hai tuyển tập thơ tôi được tặng, tôi thích vì có nhiều bài thơ, nhiều câu thơ hay là “Biển bắt đầu từ sóng” do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2020 và “Lục bát xứ Nghệ” (Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành 2021). Mới đây, tôi nhận được tập “Thơ tuyển chọn Báo Văn nghệ Thái Nguyên 2010-2020” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2021) do Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên gửi tặng, tôi đọc liền một mạch trên 300 trang in với hàng trăm bài thơ của 148 tác giả gần như đủ các lứa tuổi, đủ vùng miền của cả nước và các nhà thơ người Việt đang sinh sống ở nước ngoài.

Từ những nhà thơ đang giữ các trọng trách trong Hội Nhà văn Việt Nam như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương đến các nhà thơ còn ít người biết đến. Từ thế hệ lớp trước như Vũ Quần Phương, Bằng Việt... đến những người viết trẻ mới xuất hiện gần đây; cả những nhà thơ đã rời cõi tạm như Nguyễn Trọng Tạo, Ngô Minh... nhưng điều cơ bản như “Lời giới thiệu” mở đầu tuyển thơ: “Tiêu chí quan trọng bậc nhất của công tác tuyển chọn là chất lượng tác phẩm. Ngoài ra cũng có sự cân đối của đề tài, vùng miền, giữa các tác giả trong và ngoài tỉnh...”.

sach.jpg -0

Nhà thơ Bằng Việt trong bài thơ “Em và tôi” với những câu thơ gợi và mở: “Em có nét buồn sâu như ngọn gió/ Thổi lang thang qua năm tháng hao gầy/ Tôi có cút buồn xa như vạt cỏ/ Khuất chìm trong cát bỏng đến chân mây...”. Nhà thơ trẻ Bình Nguyên Trang trong bài “Tưởng nhớ” với nhiều  kỷ niệm quê hương đẹp và da diết: “Về một cánh đồng tuổi thơ/ Tháng năm đổ xuống từng vạt lúa/ Nhũng dải vàng...”.  Nhà thơ Du Tử Lê đang định cư tại Hoa Kỳ trong bài “Ai nhớ ngàn năm một ngón tay” cảm nhận tháng tư cũng lạ: “...Tháng tư khao khát, đêm, vô tận/ Tôi với người riêng một góc trời/ Làm sao anh biết trăng không lạnh/ Và cánh chim nào sẽ bỏ tôi...”.

Đinh Ngọc Diệp, một người thơ Thanh Hóa với những câu thơ gây ấn tượng mạnh: “...Nháy mắt với mặt trời/ Dù phía biển không giông tố/ Đoàn người biến đâu?/ Gió hoang mang tìm...” (Viết bên bờ sóng)

Tôi thiển nghĩ, một tuyển thơ ngoài chất lượng những bài thơ, yếu tố đa dạng phong cách trong cả tập khá quan trọng, nó làm nên sức cuốn hút người đọc.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, trưởng ban tuyển chọn theo như tôi biết từng là một cán bộ Đoàn xinh đẹp, năng động của Tỉnh đoàn Thái Nguyên. Sau khi đoạt giải cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” do Báo Tiền Phong tổ chức đã chuyển sang làm báo, là Tổng Biên tập Báo Văn Nghệ Thái Nguyên nhiều năm. Qua tuyển thơ này, tôi mừng vì những người tuyển chọn tôn trọng sự đa dạng của nhiều phong cách thơ.

 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người được coi là có công tạo ra “cú hích” cho việc đổi mới, làm mới thơ sau 1975 qua tập thơ “Sự mất ngủ của lửa”. Là nhà thơ có giọng điệu riêng,  hai bài thơ in trong tập này, tôi thích những câu thơ như: “Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ/ Canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi” (Bài hát về cố hương”.

Nguyễn Bình Phương cũng là một nhà thơ có phong cách riêng. Trong “Bài thơ cũ” của Nguyễn Bình Phương in trong tuyển này lại có nhiều ý tưởng mới: “Ta sinh ra cô đơn/ Giờ cô đơn đã cũ/ Ta trưởng thành bởi sợ hãi/ Sợ hãi cũng cũ rồi...”.

Hãy để bóng đi theo người thực/ Con người này chỉ có bóng này thôi/ Khi hai người yêu nhau/ Họ chỉ còn một bóng...”. ( Bóng- Hoàng Vũ Thuật); “ ...Trên đỉnh Côcadơ/ Prômetê chọn Tự Do/ Trói thân thể ta - xiềng xích/ Thiêu thịt da ta - mặt trời/ Vùi hơi thở ta - băng tuyết/ moi lá gan ta - ác điểu/ Tự Do/ Ta lựa chọn/ ngọn lửa cho nhân gian” (Lựa chọn Prômmê tê - Hoàng Xuân Tuyền). Trong bài thơ  “Khí xuân” nhà thơ Mai Văn Phấn, một người thơ luôn tìm cách đổi mới, làm mới thơ được dư luận chú ý đã có một chùm thơ ba câu ấn tượng “Cánh đồng rộng/ Hạt sương/ Trong hơn” (Khúc cảm)... "Nắng mới/ Khắp vườn/ Đừng dậy khép bớt cửa” (Chưa quen).

Trong những nhà thơ đã rời cõi tạm, tôi nhớ nhất thi sỹ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo. Bài thơ “Nhớ rờn rợn xa” in trong tuyển tập này tuy chưa phải là bài thơ tiêu biểu của Nguyễn Trọng Tạo nhưng vẫn mang phong cách “đồng dao” một thời của thi nhân:

Ngồi buồn nhớ đẩu nhớ đâu
Nhớ con để khóc
Nhớ bầu rượu quê
Nhớ từ trên tỉnh nhớ về
Nhớ cô bạn gái miệt quê hái trầu...
...Nhớ gì như nhớ giấc mơ
Có chàng thi sỹ đọc thơ nhớ nàng...

Nhà thơ Võ Thanh An sinh thời thỉnh thoảng lại qua tòa soạn Báo Tiền Phong đập cửa phòng làm việc của tôi bảo đi uống rượu. Ông đã về với cõi vĩnh hằng, giờ đọc bài thơ “Uống rượu một mình” của ông in trong tập này, mắt tôi như rớm lệ:

Đã quen ngồi giữa bạn bè
Đêm nay lặng lẽ một be, một mình
Bốn bề thin thít lặng thinh
Vui buồn thế thái nhân tình đều suông...
Một mình rót, một mình khà
Một mình nhấm nháp bao la chuyện buồn
Bao nhiêu là dại, là khôn
Bay theo hương rượu, đời còn vỏ chai
Này là đúng, này là sai
Nhìn xuống đáy chén có ai ngoài mình.

Thi sỹ Ngô Minh sau cú ngã định mệnh đã ra đi để lại nhiều thương nhớ cho bạn bè, người yêu thơ. Bài “Thơ tặng tuổi” in trong tuyển thơ này có nét thâm trầm của xứ Huế:

Tuổi ơi
Tuổi đi đâu ở đâu
Khuya lại lén về trắng bầm chân tóc
Soi không tìm thấy
Chỉ gặp gương mặt khốn khó một thời
Chằng chịt dấu chân chim chân tuổi...

Không những các bài thơ trữ tình, các bài thơ triết luận, mà còn trích cả trường ca. Nhà thơ Hữu Thỉnh, người có nhiều trường ca đã xuất bản, mới đây lại có trường ca “Bão biển” rất thời sự! Tôi thích những câu như: “...ra sông lấy sóng mà yêu/ Đường xa gặp núi lấy đèo mà tin...”.

Khi nhận được tập thơ “Mắt bò” của nhà thơ Hữu Việt, tôi thực sự ngạc nhiên. Xưa nay chưa thấy ai làm thơ về mắt những con bò! Ấy vậy mà mắt bò trong thơ Hữu Việt lại rất thơ: “Tôi gặp/ Một con bò đứng kiên nhẫn nhai mưa/ Nó không đứng chơi, trên vai ách nặng/ Mắt rợp buồn chiều đông...”.  (Bài Mắt bò in trong tuyển tâp này).

Trần Quốc Toàn một người thơ ở Bình Định có con mắt rất thơ khi nhìn thấy những nét đẹp trên những bông hoa đang lụi tàn: “...Những dòng suối chảy trên hoa/ Những vì sao sáng trên hoa/ Những chồi non nhú lên từ hoa/ Bóng tối lùi dần bình minh ló rạng...” (Từ bông hoa lụi tàn). Tôi rất thích hai câu thơ trong bài thơ “Tôi” của nhà thơ Thạch Quỳ, tuy thi nhân đã ở tuổi 80 nhưng sức sáng tạo vẫn không ngừng:

...Tôi một mình
Tôi lớp lớp triều dâng...

Nguyễn Hưng Hải, một nhà thơ từng được giải “Tác phẩm tuổi xanh” với nhiều bài thơ lục bát tôi thích, như bài “Mù sương ngọn khói” in trong tập thơ này: “...Lập lòe vừa sáng vừa bay/ Đêm đang đom đóm mà ngày ở đâu/ Hóa ra cái yếm Thị Mầu/ Nửa là quả táo, nửa câu ỡm ờ...”. Bài “Lá phiếu của bác xích lô” nhà thơ Hải Đường vốn là nhà báo, nhiều năm ở Báo Nhân Dân có cái nhìn khá tinh tế: “...Bác xích lô bỏ phiếu cho mình/ Bánh xe lăn/  phập phòng/ hy vọng...”.

Nhà thơ Văn Công Hùng (Gia Lai) có bài thơ “ Chiều lên” viết theo phong cách thơ hai câu khá ấn tượng:

Cỏ mềm xanh nỗi phiêu diêu
Cây nghìn năm tuổi và điều vu vơ...
Tôi ơi tôi chợt tình cờ
Hoa đương thắm lại đợi chờ thì xanh...

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, người chủ trì biên tập cuốn sách này có hai bài, tôi thích những câu thơ nhiều ám ảnh trong bài “Buổi chiều cuối cùng” : ... Thanh khiết còn một chút này:

Tĩnh lặng còn một chút này
Năm cũ chiều nay chưa qua
Năm mới ngày mai chưa tới
Ta một mình trong nhập nhoạng chiều
Luẩn quẩn nghĩ về việc làm sao mang theo, làm sao để lại
Trà một mình thơm.

 Viết tại nhà vườn Sóc Sơn

Dương Kỳ Anh
.
.