Một tập thơ ra đời trong đại dịch

Thứ Bảy, 02/04/2022, 10:51

Có lẽ nhân loại chưa bao giờ trải qua một cơn đại dịch khủng khiếp như vậy; nó làm đảo lộn cuộc sống triệu triệu con người trên toàn thế giới. Thời gian qua đã có nhiều bài thơ, nhiều trang thơ của nhiều nhà thơ viết về đại dịch COVID-19. Tập thơ "MAI NGÀY" (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2021) của nhà thơ Ngô Đức Hành quả thật đã đem lại nhiều ấn tượng cho tôi.

Anh không ngờ mình đến từ một thế giới khác
thế giới của hắt hơi
làm hàng triệu con người chảy nước mũi
nơi bắt đầu trang sách mượn vay...

(Có thể nào bất lực)

trang 19.jpg -0
Bìa tập thơ “Mai ngày” của nhà thơ Ngô Đức Hành.

Nhà thơ không dừng lại ở hiện tượng bị nhiễm COVID -19. Đi xa hơn là nỗi sợ hãi của con người:

Em có thể tìm ra vaccine
Diệt virus Corona
Có thể tìm nguyên nhân bắt đầu từ loài rắn, bầy dơi
Nhưng bất lực trước virus sợ hãi...

(Có thể nào bất lực).

Thế giới đã có hàng triệu người chết vì Virus Corona, nên nỗi sợ hãi là có thật.  Đau đớn, sợ hãi và sợ hãi trong đau đớn:

Cái chết nào chẳng nhuốm đau thương
Dụi mắt thay dấu hỏi
Những ngày này mắt trời không với tới
Âm u mệt mỏi thẳm cùng...

(Cái chết và dấu hỏi).

Thực lòng tôi không thích xu hướng thơ "thời sự"... Đó là công việc của báo chí, truyền thông. Nhưng đại dịch COVID-19 không phải là một hiện tượng "thời sự" bình thường, đó là tai họa, là nỗi đau của toàn nhân loại. Nhà thơ cảm nhận nỗi đau này và hơn hết là niềm tin vào "Mai Ngày" như tên tập thơ.

Nhà thơ Ngô Đức Hành đặt tên "Mai ngày" tôi thiển nghĩ cũng là muốn nói tới niềm tin vào ngày mai, phải, MAI NGÀY, nhân loại sẽ vượt qua đại dịch, vượt qua nỗi đau để trở về với cuộc sống bình thường mới.

Thực ra "Mai ngày" là một tập thơ và nhạc. Nhiều bản nhạc được in trong này như "Cùng chống giặc Corona"; "Niềm tin chiến thắng"; "Sài Gòn không ngủ"; "Đồng đội ơi lên đường"... Đều là những ca khúc phổ thơ Ngô Đức Hành. Được biết nhà thơ Ngô Đức Hành có 50 bài thơ được phổ nhạc. Nhà thơ PGS TS Nguyễn Linh Khiếu viết: "Mai ngày" là tập thơ tiếp tục khẳng định cá tính sáng tạo riêng biệt của Ngô Đức Hành. Với cảm xúc chủ đạo là nạn dịch COVID-19, thơ anh đã cất lời. Sự cất lời đầy trách nghiệm ấy không chỉ ở những câu thơ mà cả ở lời bài hát. Tâp thơ càng cho ta trân trọng hơn về một nhân cách, một tấm lòng trước sự sống, cuộc đời và thân phận con người". Đây là một nhận định theo tôi là thỏa đáng về một tập thơ ra đời trong đại dịch.

Điều mà tôi nói đến trong tập thơ này là cảm nhận về thân phận con người, về nỗi đau, về kiếp nhân sinh, về nhân tình thế thái, về tâm hồn con người trong những ngày này. Đó chính là thơ.

...Nỗi buồn tôi vô tận
chẳng ai giấu nỗi mình
đừng
bỏ
tôi

đi
(Mắc nợ)

...Em ngọt môi
Anh đắng đót
Ngay cả tình yêu mãi mãi là bí mật
Lưỡi hóa thi nhân khám phá cuộc đời
Lưỡi biết đi

Chân lý này không mới!
(Lưỡi)

...Hà Nội rộng hơn
và đa chiều hơn
phép thử chẳng dễ dàng khó làm ai bối rối
kim đồng hồ
nhỏ giọt

thong dong
(Hà Nội)

...Nỗi đau có nhiều khuôn mặt
những thi nhân xác chữ
con thuyền bèo
trôi nổi đời sông

trăm năm
ngàn năm
văn nhân thi nhân

mon men cây sào chống đẩy
(Mắc nợ)

...Rửa tay bạn ơi
dễ hơn rửa cuộc đời
khẩu trang bạn ơi
kì người luôn đeo mặt nạ...
….
Khẩu trang bạn ơi
hai mét một người
rửa tay bạn ơi

ai rửa mặt người
(Đồng dao cho COVID-19)

Anh đừng đi đâu
đứng yên như cuộc đời đã đứng
em ạ, cây ngay thường chết đứng

Những cây nằm dễ sống, dễ leo...
(Đứng yên)

Thế đấy! Thơ nói về COVID-19, nhưng sâu xa hơn là nói về cuộc đời, về con người, về nhân tình thế thái… Tôi là người yêu thơ từ nhỏ và tình yêu đó vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu. Nói về thơ, ông cha ta đã đúc kết trong mấy chữ theo tôi luôn đúng "Ý tại ngôn ngoại". Chẳng phải ông cha ta ngày xưa mà ngay trong thời hiện đại, trong bản "Tuyên ngôn tượng trưng" của các nhà thơ trong nhóm DẠ ĐÀI cũng đã viết: "...Thơ phải cấu tạo bằng tính chất của vô biên. Sau cái thế giới hiện trên hàng chữ, phải ẩn giấu muôn ngàn thế giới, cả thế giới đương thành và đương hủy... Một bài thơ phải chứa đựng những cái gì đã có nhưng phải mang trạng thái tiềm tàng những gì có thể có và cả những gì không có nữa...".

Tôi nói điều này vì trong tập thơ "Mai ngày" của nhà thơ Ngô Đức Hành có nhiều câu thơ "Ý tại ngôn ngoại", những câu thơ "ẩn giấu" nhiều điều khiến người đọc phải suy ngẫm:

...Đêm choàng tay
Ngày không rèm cửa...
...Anh nợ em

Lở lún
(Xin lỗi)

Con người lấp biển dời non
Nên ngày càng ngạo mạn
Không có gì là không làm được

trừ nhặt lên chiếc bóng của mình ...
(Con người không phải là Chúa tể).

...Tất cả nỗi buồn
tôi
đẹp như sự thật

không ai vay niềm vui
(Nỗi buồn thuộc về tôi)

...Bây giờ
mai sau
còn lại nhớ mong

bông tầm gửi nở bung thánh thiện...
(Nụ hôn tầm gửi)

Nhiều câu thơ trong nhiều bài thơ mà tôi thích, có ý tưởng mới và cách thể hiện cũng khá độc đáo. Quả thực, Ngô Đức Hành là một nhà thơ DẤN THÂN. Dấn thân để tìm những ý tưởng mới cả trong cấu tứ và trong cách thể hiện, mang lại nhiều cảm xúc, nhiều ấn tượng cho người đọc.

 Hà Nội, 2-2022

Dương Kỳ Anh
.
.