Một nước Pháp rất tình nhìn từ những chiếc bánh mì baguette

Thứ Năm, 08/12/2022, 13:25

Cầu kỳ, hoa lệ và lãng mạn có lẽ là những tính từ được nhiều người sử dụng để đặc tả về nước Pháp - nơi có đại lộ ánh sáng kỳ diệu, những công trình kiến trúc vượt thời gian và cả những cánh đồng nho đẹp như tranh vẽ.

Tuy nhiên, nước Pháp còn rất ấn tượng bởi sự tinh túy của nền ẩm thực, trong đó nổi bật là bánh mì baguette - loại bánh mà họ có thể ăn ba bữa/ngày, được nhìn thấy mỗi sáng trên tay người dân hay buộc sau xe đạp, góp phần tạo nên nét văn hóa không thể nhầm lẫn của quốc gia này. Mới đây, bí quyết thủ công và văn hóa bánh mì baguette Pháp đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, xứng đáng được nhân loại bảo tồn.

"Đại sứ" của sự gắn kết và bình đẳng

Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 17 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra từ 28/11-3/12 tại Thủ đô Rabat, Morocco, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định công nhận "Bí quyết thủ công và văn hóa bánh mì baguette" của Pháp là di sản văn hóa phi vật thể. Sau thông báo của UNESCO, phái đoàn Pháp tại tổ chức này đã cầm những chiếc baguette trên tay và vẫy ăn mừng trong hân hoan.

01---melanie-dale.jpg -0
Hình ảnh chiếc bánh mì baguette được buộc sau xe đạp rất phổ biến ở nước Pháp. Nguồn: Melanie Dale.

Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì bày tỏ niềm vui trên Twitter. Ông đăng tải bức ảnh nổi tiếng của nhiếp ảnh gia người Pháp Willy Ronis chụp một cậu bé đang chạy về nhà với nụ cười rạng rỡ, kẹp dưới cánh tay một chiếc baguette dài gần bằng người, kèm chú thích "250 gram ma thuật và sự hoàn hảo trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta". Được biết, nghị định năm 1993 của Chính phủ Pháp quy định rằng bánh mỳ baguette truyền thống chỉ được làm từ bốn thành phần gồm bột mỳ, nước, men và muối. Quá trình lên men của bột nên kéo dài từ 15-20 giờ ở nhiệt độ từ 4-6 độ C. Các chuyên gia nhận định, về cơ bản, thành phần làm bánh đều giống nhau, nhưng mỗi tiệm lại có một phong cách nhồi bột riêng và bí quyết của họ chính là cách nuôi men bánh mì. Theo Hãng tin Reuters, mặc dù mức tiêu thụ baguette đã giảm trong thế kỷ qua, nhưng Pháp vẫn cho ra lò khoảng 16 triệu ổ/ngày, tức 6 tỉ chiếc baguette/năm và trung bình mỗi giây, người Pháp ăn khoảng 300 chiếc baguette ở dạng này hay dạng khác.

Một nước Pháp rất tình nhìn từ những chiếc bánh mì baguette -0
Bức ảnh cậu bé và bánh mì nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Pháp Willy Ronis.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng baguette thậm chí mang đậm chất Pháp hơn cả tháp Eiffel và sông Seine. Dominique Anract - Chủ tịch Liên đoàn quốc gia các tiệm bánh mì và bánh ngọt Pháp, người dẫn đầu nỗ lực đưa bánh mì baguette vào danh sách di sản của UNESCO bày tỏ: "Ở Pháp, khi một đứa trẻ bị sâu răng, cha mẹ đưa cho chúng một mẩu ruột bánh mì để ăn. Và khi lớn hơn, điều đầu tiên mà chúng tự làm là đi mua một chiếc bánh mì baguette ngoài tiệm".

Còn nghệ nhân làm baguette truyền thống Asma Farhat nói rằng người Pháp có thể ăn loại bánh mì này ba bữa một ngày: "Buổi sáng, bạn có thể ăn bánh mì kèm bơ. Với bữa trưa, hãy kẹp thêm chút thịt nguội, rau và hành tây. Bữa tối có bánh mì là món khai vị hoặc ăn kèm cùng súp nóng".

Tờ France 24 còn từng đăng tải hình ảnh một nhóm người đi vòng quanh nước Pháp bằng xe đạp với chiếc bánh mì dắt lưng. Đặc biệt, khi Pháp tiến hành đợt phong tỏa nghiêm ngặt nhất đề phòng sự lây lan của COVID-19 hồi đầu năm 2020, nhà chức trách nước này vẫn đảm bảo các cửa hàng bánh mì mở xuyên suốt để phục vụ người dân.

Chia sẻ với CNN, Tổng Giám đốc của UNESCO Audrey Azoulay, người từng là cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp cho hay, quyết định đưa bánh mì baguette vào danh sách xứng đáng được nhân loại bảo tồn nhằm tôn vinh nghề làm bánh mì baguette thủ công của Pháp, đồng thời đảm bảo rằng bí quyết của nghề thủ công này sẽ không bị thất truyền.

"Đây là nét thân thuộc trong văn hóa ăn uống của nhiều người. Luôn có một cửa hàng bán bánh mì ở bất kỳ đâu, bạn có thể đi mua bánh mì nóng giòn mới ra lo với giá cả phải chăng, đồng thời gặp gỡ mọi người, gặp gỡ những người làm bánh, đó là một yếu tố rất quan trọng của sự gắn kết xã hội tại Pháp", bà Azoulay cho biết.

Bên cạnh đó, bà Azoulay nhấn mạnh Pháp phải mất tới 6 năm để thu thập tất cả các tài liệu cần thiết trước khi gửi yêu cầu lên tổ chức. Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định, điều này sẽ khiến mọi người nhận thức rằng chiếc bánh mì bình thường mà họ thấy là một thứ quý giá. Nó đến từ lịch sử với đặc trưng riêng và quan trọng nó là niềm tự hào của nước Pháp.

Theo France 24, truyền thuyết kể rằng, những người thợ làm bánh của Napoléon Bonaparte đã nghĩ ra hình dạng thon dài để giúp quân đội của ông dễ dàng nhét túi mang theo. Trong khi một số khác lại cho hay, August Zang - một thợ làm bánh người Áo mới là người phát minh ra bánh mì baguette vào năm 1839.

Trên thực tế, các nhà sử học cho biết, bánh mì baguette dài và nhẹ đã được các thợ làm bánh Pháp tạo ra từ những năm 1600. Ban đầu, đây là sản phẩm dành cho giới quý tộc ở Paris - những người có khả năng mua một loại thực phẩm chóng hỏng, khác với những loại bánh mì tròn, nặng và bảo quản được lâu của người nông dân. Sau này, chế độ vua chúa của Pháp được thay thế bởi chế độ cộng hòa và quyền bình đẳng giữa mọi công dân Pháp khi đó được khẳng định.

Điều luật về quyền con người của Pháp vào năm 1793 nêu rõ, mọi công dân cần được ăn cùng một loại bánh, không được phân biệt giàu nghèo và các cửa hàng làm bánh phải tuân thủ nghiêm túc các tiêu chuẩn để làm nên một loại bánh đồng nhất. Bánh mì baguette từ thời kỳ này trở đi còn được coi một biểu tượng của sự bình đẳng giữa mọi tầng lớp.

Bánh mì và "bông hoa hồng" đặc biệt của nước Pháp

Quyết định của UNESCO về việc bảo tồn bí quyết thủ công và văn hóa bánh mì baguette Pháp được đưa ra trong một bối cảnh phức tạp, sự sụt giảm đặc biệt nghiêm trọng ở vùng nông thôn, dưới áp lực của cuộc khủng hoảng kinh tế đang hoành hành tại châu Âu. Nếu trong năm 1970, nước Pháp có 55.000 tiệm bánh thủ công, trung bình cứ 790 người dân có 1 tiệm bánh, thì hiện nay chỉ còn 35.000 tiệm bánh, tương đương cứ 2.000 người có 1 tiệm bánh.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine - vựa lúa mì của thế giới, chi phí bột mì hay điện tăng cao đang buộc những nhà sản xuất bánh ở châu Âu nói chung và ở Pháp nói riêng phải tăng giá sản phẩm và cắt giảm sản lượng. Nếu trước đây bánh mì baguette thường có giá khoảng 1 euro thì nay cũng đã tăng lên từ 1,3 - 1,5 euro.

Vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định, nếu coi bánh mì baguette là đại diện cho những giá trị vật chất, ấm no của cuộc sống thì quyết định của UNESCO về bánh mì baguette ở thời điểm này mang một ý nghĩa vô cùng nhân văn, như một "bông hoa hồng" đặc biệt dành tặng người dân nước Pháp để giúp họ có thêm động lực và tinh thần vượt qua thời kỳ khó khăn hiện nay.

Một nước Pháp rất tình nhìn từ những chiếc bánh mì baguette -0
Nghị định năm 1993 của Chính phủ Pháp quy định, bánh mỳ baguette truyền thống chỉ được làm từ bột mỳ, nước, men và muối. Nguồn: Reuters.

Ngoài ra, cái khó khăn của bối cảnh hiện nay cũng sẽ là một sự chọn lọc nhất định, khi những cửa hàng bánh mì baguette dở tệ, kém chất lượng sẽ không thể tồn tại. Người Pháp rất khắt khe, thậm chí được cho là khó tính trong việc thưởng thức bánh mỳ baguette. Một chiếc bánh mì baguette ngon là khi đáp ứng được những tiêu chí gồm vỏ ngoài giòn rụm có màu nâu vàng, phần ruột bánh bên trong dẻo và xốp. Để làm được một chiếc bánh kiểu này, cần khoảng 4 tiếng từ lúc nhào nặn bột cho đến lúc đóng khuôn rồi cho vào lò nướng.

Và với vị thế mới của bánh mì baguette, Chính phủ Pháp đã lên kế hoạch tổ chức "Bakehouse Open Day" - ngày hội làm bánh mì thủ công hàng năm để nâng cao uy tín của bí quyết sản xuất bánh mì baguette, tài trợ học bổng và các chương trình đào tạo mới cho thợ làm bánh. Theo nhà sử học người Pháp Bruno Laurioux, dù người Pháp ăn rất nhiều bánh mì baguette, nhưng sự gắn kết giữa họ và loại bánh mì này chỉ bắt đầu được nhắc tới bởi những du khách ghé thăm Paris vào đầu thế kỷ XX. "Chính quan điểm của người ngoài cuộc đã khiến baguette trở thành một phần bản sắc Pháp", ông Laurioux nói.

Như vậy, Bakehouse Open Day được đưa ra còn giúp nước Pháp kích cầu du lịch. Trước đó, Chính phủ Pháp hàng năm đều tổ chức một cuộc thi bên ngoài nhà thờ Đức Bà ở Paris, để chọn ra thợ làm bánh mì baguette giỏi nhất. Người chiến thắng không chỉ nhận được cúp chiến thắng mà còn nhận được hợp đồng một năm phục vụ tại Điện Élysée - nơi tổng thống cư trú, làm việc và tiếp khách nước ngoài.

Được biết, sau 6 năm thu thập tư liệu để trình lên UNESCO, Pháp đã nộp hơn 200 đơn chứng nhận để bánh mì baguette được tôn vinh là di sản văn hóa, bao gồm cả những bức thư từ thợ làm bánh và bức vẽ của trẻ em. Điều này cho thấy tầm quan trọng và kỳ vọng của người Pháp về bánh mì baguette - một sản phẩm thủ công dù đơn giản, thân quen nhưng lại chứa đựng biết bao tinh túy và những câu chuyện rất đặc biệt như những vần thơ mà nghệ nhân bánh mì Pháp Cécile Piot đã viết (tác giả tạm dịch):

Tôi ở đây
Ấm áp, nhẹ nhàng và huyền diệu
Kẹp dưới cánh tay hay đặt trong chiếc giỏ|
Hãy để tôi tạo ra nhịp điệu
Cho ngày nhàn rỗi hoặc bận rộn đang trôi.

Kim Khánh
.
.