Một mùa xuân bị che khuất của Quang Dũng

Thứ Sáu, 05/05/2023, 17:14

Nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) thuộc vào số tác giả viết không nhiều, nhưng lại có nhiều thi phẩm đã và sẽ còn sống lâu dài với lịch sử thơ ca Việt Nam hiện đại, như các bài "Tây Tiến", "Mắt người Sơn Tây", "Đôi bờ", "Mây đầu ô", "Quán bên đường" v.v... Tuy nhiên, trong di sản thơ Quang Dũng lại cũng có những bài phải chịu số phận khá "bất hạnh".

Vì nhiều lý do, chúng bị che khuất trong một thời gian dài, và sau này, dù có được đưa vào trong vài tuyển tác phẩm Quang Dũng thì chúng cũng vẫn ít được biết đến. Bài thơ có tên "Nhớ những mùa xuân" là một ví dụ.

Một mùa xuân bị che khuất bởi Quang Dũng  -0

Nhớ một xóm rừng
Hoa mai nở trắng
Xuân về...
Áo người mới nhuộm chàm xanh
Bên bếp lửa sàn
Than đầu năm hồng rực
Khẩu hiệu trên bàn thờ Tổ quốc:
"Kháng chiến nhất định thành công, trường kỳ thắng lợi"
Tiệc vào xuân
Thịt rừng bày trên lá chuối
Rượu uống sừng trâu
Tiếng hú tung "còn"
Chiêng vang vách núi.

Nhớ một ven đồi
Hành quân tạm nghỉ
Bóc bánh chưng hậu phương
Lá dong thả trôi theo dòng suối
Hát bài ca chiến thắng đông xuân
Mắt đen em nhỏ đến gần
Vỗ tay hòa nhịp
Làng bản xa xôi vẳng tiếng khèn
Mùa xuân... Mùa xuân...
Rừng thay áo đẹp.

Nhớ một con đường biên giới
Nằm chờ giặc qua
Mũi súng kề bên nhành cúc dại
Sương rung rinh
Nặng ý mùa thơm xanh
Tươi tốt đang về
Tiếng chim trong bụi
Lao xao đời muông thú thanh bình
Ca ngợi bình minh vừa đến.

Nằm xa heo hút mà nhớ trung du
Nhớ sông Hồng chảy
Làng quê đôi bờ
Bóng những cây đào
Trên dòng phù sa
Nhớ những vườn hoa
Chèm Vẽ - Tây Hồ
Những vườn rau
Luống cày mời đất

Mùa xuân mong đợi mười năm
Đã về phấp phới cờ xanh
Thêu cánh hòa bình
Cờ dựng trên cổng chào
Lá dừa tươi mát
Cổng cuốn bằng rơm
Còn thơm mùa gặt
Cổng chào dựng bằng tôn sắt
Những mảnh cầu phao
Lấy trong đồn giặc ngổn ngang
Mùa xuân thức dậy đồng bằng
Mười năm ác mộng
Quê của ta:
Xuân đầu giải phóng
Sân đình đứng chật mít tinh
Chúc Cụ Hồ trường thọ
Xúng xính áo quần em nhỏ
Bắt chước văn công xòe quạt
Cây du trên bãi lại trồng...
Thôn nữ thở hơi trầu ấm áp
Hẹn tìm nhau chiều hội đốt bông

Mùa xuân mong đợi mười năm
Đã về cờ xanh phấp phới
Mùa xuân đồng bằng
Lại nhớ rừng xanh
Những mùa xuân thắng lợi.

Chúng ta biết Quang Dũng đã hoàn thành bài "Nhớ những mùa xuân" vào khoảng đầu năm 1954, là nhờ một tiểu dẫn ông đặt dưới chính văn: "Những ngày đồng bằng giải phóng, 1954", nghĩa là chỉ vài tháng trước khi diễn ra chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc chín năm trường kỳ chống Pháp. Thế nhưng phải đợi đến hơn ba năm sau nữa, bài "Nhớ những mùa xuân" mới được xuất bản lần đầu tiên trên tờ "Giai phẩm" của NXB Văn nghệ, Hà Nội, xuân 1957.

Số phận bất hạnh của bài thơ và đời lận đận của người thơ Quang Dũng kể từ ấy, có lẽ chính bởi cái sự ra mắt chưa đúng chỗ này. Nhưng nói sao mặc lòng, đọc lại "Nhớ những mùa xuân", ta vẫn thấy nó hoàn toàn hợp thức để được xem là một bài thuộc dòng thơ cách mạng Việt Nam giai đoạn chống Pháp, và mặt khác, là một thi phẩm xuân có dư vị vừa quen vừa lạ.

Bởi vì, không giống những thi phẩm xuất sắc như "Tây Tiến" hay "Mắt người Sơn Tây" mà Quang Dũng viết hồi đầu kháng chiến - những thi phẩm được đặc trưng bởi giọng điệu thơ trữ tình lãng mạn thấm đẫm chất bi tráng hoặc bi thương - "Nhớ những mùa xuân", trước hết, là bài thơ của niềm vui sống, niềm vui đời, vui chiến thắng, tràn đầy lạc quan và tin tưởng. Dường như thực tế chiến đấu dài lâu và những thắng lợi dồn dập của cuộc kháng Pháp cho đến lúc ấy rốt cuộc cũng đã gột sạch ở anh Vệ quốc quân trẻ ngày nào những tình cảm mộng mơ, những suy nghĩ vẩn vơ, nặng căn trí thức tiểu tư sản. Thay vào đấy là sự cảm nhận hiện thực bình dị, mộc mạc, chắc khỏe của con người công nông, con người lý tưởng của cách mạng, con người mà cách mạng rất cần. Vẫn là Quang Dũng nhớ, nhưng không còn bồng bềnh phiêu lãng như: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi" (Tây Tiến), không còn thăm thẳm da diết như: "Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em có bao giờ em nhớ thương?" (Mắt người Sơn Tây). Mà là cái nhớ sự sinh động, rực rỡ sắc màu của cuộc sống kháng chiến, và rất thực, như: "Nhớ một xóm rừng/ Hoa mai nở trắng/ Xuân về/ Áo người mới nhuộm chàm xanh/ Bên bếp lửa sàn/ Than đầu năm hồng rực", hay như: "Nhớ một ven đồi/ Hành quân tạm nghỉ/ Bóc bánh chưng hậu phương/ Lá dong thả trôi theo dòng suối/ Hát bài ca chiến thắng đông xuân".

Cuộc lột xác thơ và cải tạo người thơ Quang Dũng, nếu có thể nói như vậy, còn tạo được ấn tượng mạnh hơn đối với người đọc từng mê "Tây Tiến" và "Mắt người Sơn Tây", ở việc ông đã mạnh dạn đưa nội dung tuyên truyền chính trị vào thơ, kiểu như: "Khẩu hiệu trên bàn thờ Tổ quốc: Kháng chiến nhất định thành công, trường kỳ thắng lợi", hoặc là: "Quê của ta/ Xuân đầu giải phóng/ Sân đình đứng chật mít tinh/ Chúc Cụ Hồ trường thọ". Quang Dũng cũng đưa luôn vào bài thơ cả cái chất sống đời thường của văn xuôi tả chân thật thà, như: "Cờ dựng trên cổng chào/ Lá rừng tươi mát/ Cổng cuốn bằng rơm/ Còn thơm mùa gặt/ Cổng chào dựng bằng tôn sắt/ Những mảnh cầu phao/ Lấy trong đồn giặc ngổn ngang".

Nhìn khái quát về cả một giai đoạn của thơ Việt Nam, đây có lẽ là một hiện tượng mang tính phổ biến, một lựa chọn mỹ học chung cho các nhà thơ vốn xuất thân học sinh, sinh viên, trí thức tiểu tư sản lên đường đi theo kháng chiến, chứ không phải là trường hợp cá biệt, mang cái đặc sắc chỉ của riêng Quang Dũng. (Ta hãy nhớ tới các trường hợp: "Đèo Cả" của Hữu Loan, "Viếng bạn" của Hoàng Lộc, "Nhớ" của Hồng Nguyên, "Nhớ máu" của Trần Mai Ninh, "Nhà tôi" của Yên Thao... và rất nhiều trường hợp khác nữa).

Tuy nhiên, Quang Dũng vẫn là Quang Dũng, là hiện thân cho tài năng thơ, cho sự tài hoa mà có giấu đi hoặc cố tình làm khác đi, thì rồi cuối cùng nó cũng vẫn xuất lộ. Hãy đọc những câu: "Nhớ một con đường biên giới/ Nằm chờ giặc qua/ Mũi súng kề bên nhành cúc dại/ Sương rung rinh/ Nặng ý mùa thơm xanh/ Tươi tốt đang về/ Tiếng chim trong bụi/ Lao xao đời muông thú thanh bình/ Ca ngợi bình minh vừa đến", và những câu: "Nằm xa heo hút mà nhớ trung du/ Nhớ sông Hồng chảy/ Làng quê đôi bờ/ Bóng những cây đào/ Trên dòng phù sa/ Nhớ những vườn hoa/ Chèm Vẽ - Tây Hồ/ Những vườn rau/ Luống cày mời đất".

Vẫn là nỗi nhớ, vẫn là mùa xuân, nhưng từ cái sinh quyển trong tâm tưởng đến cái sinh quyển trong trời đất ấy đều chỉ là sự biểu đạt cho cái sống, cho sức sinh sôi đang lan tỏa giao hòa giữa con người với vạn vật, giữa vạn vật với nhau, khi xuân về. Ở đoạn trích đầu, ta hoàn toàn có thể nghĩ rằng mũi súng thép đang chờ nhả đạn vào quân địch kia cũng cảm nhận được hương thơm tinh khiết của nhành cúc dại; nó thở, làm sương rung rinh, đánh thức chim muông, làm dậy lên những thơm xanh tươi tốt từ mặt đất lúc bình minh. Còn ở đoạn trích sau, chỉ mấy chữ thôi nhưng cũng đủ thấy: không có con người - con người bị làm cho vắng mặt - mà chính dòng sông và phù sa, những cây đào, những vườn rau và luống cày vừa lật để chờ vào vụ, mới đích thực là những nhân vật chính trong không gian sinh thái này.

Đọc "Nhớ những mùa xuân" của Quang Dũng sau gần bảy mươi năm thi phẩm ra đời, ta có dịp sống lại cùng thi sĩ cái cảm giác khác lạ của mùa xuân hòa bình đầu tiên, sau nhiều mùa chinh chiến đã trải. Theo một nghĩa nào đó, bài hát "Mùa xuân đầu tiên" mà nhạc sĩ Văn Cao viết khoảng hai mươi năm sau đấy cũng có sự lặp lại vài trải nghiệm nghệ thuật mà Quang Dũng từng có khi ông viết bài thơ "Nhớ những mùa xuân". Số phận của hai tác phẩm khác nhau rất xa, dù tác giả của chúng đều là những tài năng sáng tạo nghệ thuật lớn. Nhưng đành vậy, Thượng đế vẫn thường không công bằng với tất cả.

Hoài Nam
.
.