Một góc nhìn khác về nhà văn Ma Văn Kháng
Nhà văn Ma Văn Kháng được biết đến với những sáng tác về các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn thuộc các đề tài, như: miền núi, người trí thức, gia đình ở thành thị... nhưng ít người biết rằng ông còn quan tâm và đã thành công với chủ đề xây dựng Đảng. Nối tiếp tập sách “Lời nói thẳng” (NXB Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2018), gần đây ông tiếp tục xuất bản tập sách “Nếu chúng ta không cháy lên” (NXB Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2023).
Trong Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VI – năm 2021, cả hội trường Nhà hát Lớn Hà Nội, trong đó có nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đều hướng cặp mắt lên sân khấu để xem phóng sự về nhà văn Ma Văn Kháng - người được Ban Tổ chức Giải vinh danh với 2 giải: Giải C và Giải tác phẩm xuất sắc của tác giả cao tuổi.
Mặc dù hôm ấy vì lý do sức khỏe nên ông không thể có mặt nhưng ai nấy khi nhìn thấy ông và xem ông phát biểu trên truyền hình đều cảm động. Tôi nhớ hôm ấy ông nói gọn nhưng đủ ý, giọng ông dõng dạc, chắc chắn: “Tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nguồn cảm hứng rất mạnh mẽ của bản thân tôi. Bởi tôi có niềm tin vào chân lý, vào lý tưởng mình theo đuổi”.
Sau này, tôi tìm hiểu và được biết duyên cơ đưa ông đến với lĩnh vực xây dựng Đảng, với chuyên mục “Sinh hoạt Đảng” của Tạp chí Xây dựng Đảng là: “Dạo đó là cuối năm 2012, sắp đến Tết cổ truyền Quý Tỵ, PGS.TS Trần Đình Huỳnh, một cây bút chính luận xuất sắc, bạn thân của tôi, dẫn tôi đến tham dự cuộc gặp mặt của anh với Ban Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng. Đón tiếp tôi thân tình, nồng hậu, Tổng Biên tập, TS. Đỗ Xuân Định trong khi chuyện trò, có nhã ý mời tôi viết bài cho Tạp chí. Tôi nói: “Sáng tác văn học thì tôi quen, còn viết chính luận thì chưa từng, không hiểu có đáp ứng được yêu cầu của Tạp chí không”. Đồng chí Định khích lệ nói: “Nội dung là chính luận, thể tài là bút ký, bác cứ thử sức xem sao nhé!”. Được lời như cởi tấm lòng, tôi gửi tới Tạp chí một bài bút ký với nhan đề “Chầm chậm với thời gian”. Rất nhanh, bài viết được đăng trang trọng vào số Tết của Tạp chí Xây dựng Đảng. Bài viết trở thành duyên kỳ ngộ, duyên dẫn lối đưa đường tôi đến với Tạp chí”.
Vậy là rõ! Nhà văn Ma Văn Kháng đã có hơn 10 năm đắm say, miệt mài với đề tài được coi là khó - khô - khổ. Không phải là một nhà nghiên cứu chính trị, một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng mà ông là một nhà văn đầy trải nghiệm sống, đầy sự lãng mạn, bay bổng trong tâm hồn và trí tuệ, bởi thế giọng văn của ông nhẩn nha, mộc mạc, gần gũi, văn phong nhẹ nhàng, tự nhiên không đao to búa lớn nhưng sắc gọn, mạch lạc, cuốn hút, truyền nhiều thông điệp có đích đến rõ ràng. Những ví dụ trong bài viết của ông đều là những câu chuyện có thật trong đời sống nhưng được kể với giọng đầy hóm hỉnh và chắt lọc, kết nối để đưa người đọc đến với lĩnh vực xây dựng Đảng. Thường thì người đọc sẽ thấy đây là lĩnh vực khô khan, khó tiếp thu nhưng với chất văn tài tình và với tấm lòng yêu Đảng thiết tha, mặn nồng, nhà văn Ma Văn Kháng làm trang văn trở nên sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc. Có thể nói trong đề tài này, ông đã thổi một “làn gió mới” để những vấn đề thuộc về chính trị trở nên thực sự gần gũi với cuộc sống.
Lật mở từng trang trong cuốn sách “Nếu chúng ta không cháy lên”, tôi bắt gặp những bài viết thực sự thú vị ngay từ nhan đề, như: “Xin chữ ngày Tết”, “Tiêu dùng và văn hóa”, “Xòe một que diêm”, “Nỗi ân hận muộn màng”, “Quà tặng ngày Tết”, “Bức tượng đài đẹp như mơ”, “Tên thầy giáo cháu là gì?”… Đặc biệt, trong bài viết được lấy làm nhan đề của tập sách, ông đã mượn mấy câu thơ của nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ Nadim Hikmet: “Nếu tôi không cháy lên/ Nếu anh không cháy lên/ Nếu chúng ta không cháy lên/ Thì làm sao bóng tối trở thành ánh sáng”. Đó là những câu thơ “gan ruột” mà ông thấy nó rất phù hợp với tâm trạng của mình khi kể ra dẫn chứng từ việc đơn giản như lợi dụng xe buýt đông khách một vị khách trốn vé mà không ai trên xe dám tố giác, đến chuyện “quốc gia đại sự” theo tinh thần mà Trung ương đang chỉ ra “Thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh” là 1 trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị.
Được vinh dự sống cùng thời (có thể là sau thời) những nhà văn, nhà thơ lẫy lừng của dân tộc, nhà văn Ma Văn Kháng có nhiều kỷ niệm, nhiều thông tin thú vị mà ít người thời nay biết. Từ trang 135 đến trang 141 của cuốn sách “Nếu chúng ta không cháy lên”, ông có bài viết “Nhân chuyện nhà thơ Chế Lan Viên vào Đảng” kể về chuyện tác giả bài thơ nổi tiếng “Tiếng hát con tàu” từng thoái thác khi được tổ chức gợi ý xét vào Đảng vì cảm thấy bản thân chưa xứng đáng và cuộc trò chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị sau đó về lý do vào Đảng của nhà thơ. Tuy nhiên nếu câu chuyện chỉ dừng ở đó thì bài viết chỉ đăng trên chuyên mục văn nghệ của các báo, tạp chí.
Tung tẩy với mạch bài viết, ông đã “cao hứng” kể về chuyện vào Đảng của mình: “Năm 1955, 19 tuổi, là đoàn viên Thanh niên cứu quốc, tôi cùng mấy bạn được phân công lên công tác tại Lào Cai… Riêng tôi, sau 2 năm ra sức công tác và rèn luyện mới được công nhận là “Cảm tình của Đảng”. Và phải 2 năm nữa cố gắng thật sự, đến tháng 11/1959 mới được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng”. Và cuối cùng ông khẳng định: “Những câu chuyện xưa cũng nhắc nhở chúng ta hôm nay không lặp lại những sai lầm của ngày hôm qua để Đảng luôn mở rộng vòng tay đón nhận những người có động cơ đúng đắn, có hoài bão góp sức, trí tuệ cống hiến cho xã hội, vì sự nghiệp chung. Vì Đảng là đạo đức, là văn minh, là một đảng vì dân, đồng hành cùng dân tộc”.
41 bài viết trong tập sách là 41 lát cắt về công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Trung ương cũng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần chỉ ra là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn của Đảng. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được các đồng chí lãnh đạo của Đảng qua các thời kỳ đặc biệt quan tâm và đã thu được những kết quả quan trọng trong những nhiệm kỳ gần đây, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Cuốn sách ra đời trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang quyết tâm đẩy mạnh công cuộc chống “giặc nội xâm” để “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, thực sự như một góc nhìn, một tiếng nói, một cách viết hoàn toàn mới mẻ về lĩnh vực xây dựng Đảng.
Ở tuổi 87 nhưng trời phú đã ban cho nhà văn Ma Văn Kháng sức khỏe và một trí tuệ uyên bác, tuyệt vời. Ngày ngày trong căn nhà nhỏ ở phố Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), người ta vẫn thấy nhà văn lão thành viết và viết với những suy ngẫm, đắn đo, trăn trở về những vấn đề chính trị, xã hội, lên tiếng mạnh mẽ đấu tranh với thói hư, tật xấu của một bộ phận đảng viên và nhân dân. Là một nhà văn đã có những giải thưởng lớn, đã có vị trí và chiếm được tình cảm, sự yêu mến của độc giả nhưng với nhà văn gốc Hà Nội thì cuộc đời đã cho ông quá nhiều ân huệ và việc cầm bút cũng là trách nhiệm của một công dân, một đảng viên với hơn 60 năm tuổi Đảng. Cùng với các đề tài khác, có thể khẳng định ông đã và đang xác lập trong lòng bạn đọc về đề tài xây dựng Đảng mang “thương hiệu” Ma Văn Kháng.