Văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” sau 50 năm ngày thống nhất đất nước:

Một dòng chảy bền bỉ

Thứ Năm, 24/04/2025, 21:53

Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối đã tròn nửa thế kỷ và đó cũng chính là quãng thời gian dòng văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” hình thành, phát triển ngày một rõ nét với nhiều thành tựu. Sau 50 đồng hành cùng đất nước, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp vì an ninh Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, dòng văn học về đề tài này đã trở thành một dòng chảy bền bỉ trong đời sống, hướng đến giá trị nhân văn sâu sắc.

1. Trung tuần tháng 3 vừa qua, Bộ Công an phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “Tổng kết thành tựu và những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật CAND trong 50 năm sau ngày thống nhất đất nước”.

Có nhiều nội dung đã được đề cập đến trong hội thảo lần này nhằm khẳng định rằng, trong suốt 50 năm qua, văn học, nghệ thuật CAND đã trở thành dòng chảy rõ nét, bền bỉ phản ánh chân thực cuộc chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng CAND, là vũ khí sắc bén để đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, phản ánh những cống hiến, hy sinh của người chiến sĩ Công an trên mặt trận bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, góp phần xây dựng lực lượng CAND ngày càng vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

2.jpg -0
Các nhà văn có nhiều đóng góp cho dòng văn học về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” được Bộ Công an vinh danh trong chương trình “Những trang sách vàng Công an nhân dân” năm 2015.

Để có được thành tựu văn học trong CAND từ sau năm 1975 có bề dày, có sự vững chãi và những thành tựu đáng kể như ngày hôm nay, trước hết phải nhắc đến vai trò của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn với tầm nhìn xa trông rộng đã quan tâm đặc biệt với những chỉ đạo quan trọng có tính chất “mở đường” cho văn học, nghệ thuật CAND có điều kiện phát triển.

Từ năm 1966, Bộ Công an đã đầu tư thực hiện bộ phim điện ảnh đầu tiên về lực lượng an ninh và gây được tiếng vang lớn đó là “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn” (kịch bản: Nguyễn Doãn Quế; đạo diễn: Nguyễn Khắc Lợi). Bộ phim được đích thân Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn sửa, duyệt kịch bản văn học và kịch bản phân cảnh, chỉ đạo tuyển chọn diễn viên, chỉ đạo các cán bộ nghiệp vụ cố vấn cho phim, dự ra mắt phim...

Sau đó, đến năm 1972, Bộ đã quyết định thành lập Phòng Sáng tác, trực thuộc Cục Tuyên huấn (nay là Cục Công tác chính trị, Bộ Công an) do nhà văn Lê Tri Kỷ là quyền trưởng phòng, đồng thời điều động một số cây viết sôi nổi lúc bấy giờ về bộ phận này như: Văn Phan, Ngôn Vĩnh, Tôn Ái Nhân, Thu Trang, Phùng Thiên Tân. Những cây bút này đã trở thành những “viên gạch” đầu tiên, tạo tiền đề để hơn 50 năm qua văn học về đề tài Công an tạo nên nhiều thành tựu, có màu cờ sắc áo và tạo ra một dòng chảy lặng lẽ mà bền bỉ trong bức tranh tổng thể của nền văn học Việt Nam nói chung và đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

2. Năm 1995, lần đầu tiên sau một chặng đường khá dài hình thành, xây dựng đội ngũ tác giả - tác phẩm, Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội thảo “Văn học về đề tài Công an trong dòng chảy của văn học Việt Nam”. Các học giả, giới phê bình, các nhà văn qua các ý kiến, tham luận của mình đã khẳng định rằng, sáng tạo văn học về đề tài Công an là một mảng đề tài có giá trị của văn học Việt Nam, không phân biệt đề tài mà chỉ có chất lượng làm nên giá trị của một tác phẩm. Hội thảo cũng đánh một dấu mốc quan trọng khi thống nhất gọi tên đề tài văn học Công an là đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” và duy trì tên gọi đó đến nay.

Theo thống kê sơ bộ, từ sau 1975 đến nay, đã có khoảng 1.000 tác phẩm của khoảng trên 100 nhà văn trong và ngoài lực lượng Công an được in ấn, phổ biến. Có nhiều tác phẩm đã khắc họa thành công hình tượng các anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp như Nguyễn Thị Lợi, Võ Thị Sáu, Bùi Thị Cúc, Trần Thành Ngọ... như “Chiếc va ly” (Lê Tri Kỷ), “Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot DInvill” (Văn Phan), “Võ Thị Sáu con người và huyền thoại” của Nguyễn Đình Thống, “Tình đất đỏ” của Lê Văn Thiện...

Về thời kỳ chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH ở miền Bắc, đã xuất hiện nhiều tác phẩm phản ánh chân thực chiến công của lực lượng Công an trong chống gián điệp, biệt kích, bảo vệ an toàn hậu phương miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như: “Bên kia cổng trời”, “Fulro” của nhà văn Ngôn Vĩnh, “Yêu tinh” của Hồ Phương, “Mật danh AZ” của Phạm Thanh Khương, “Kế hoạch hậu chiến CM12” của Nguyễn Khắc Đức...

Qua các tác phẩm văn học về đề tài Công an xuất hiện sau năm 1975 đã giúp bạn đọc và người dân cả nước hiểu được phần nào những khó khăn, vất vả, hy sinh và những chiến công oanh liệt của lực lượng CAND trong suốt chiều dài lịch sử 80 năm xây dựng và trưởng thành, đồng hành cùng đất nước. Từ đó lan tỏa tình cảm, sự tin yêu, giúp đỡ lực lượng Công an hoàn thành nhiệm vụ được giao.

1.jpg -0
Các nhà văn tham gia trại sáng tác tổ chức tại TP Vũng Tàu, tháng 4/2025, đi thực tế tại Trại giam Xuyên Mộc.

Theo nhận định của nhà phê bình Bùi Việt Thắng: “Sự đóng góp quan trọng của các nhà văn ngoài lực lượng CAND là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển văn học CAND như: Mai Thanh Hải, Hữu Mai, Hồ Phương, Ma Văn Kháng, Võ Bá Cường, Phạm Quang Đẩu, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Chu Lai, Lê Minh Khuê, Nguyễn Hiếu, Nguyễn Văn Cự, Nguyễn Duy Liễm, Đoàn Hữu Nam, Triệu Xuân Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Phong Điệp, Tống Ngọc Hân, Di Li, Phùng Nguyên, Nguyễn Văn Học, Đức Anh Kostroma...

Sự tham gia của các nhà văn khoác áo dân sự vào đề tài hình tượng người chiến sĩ CAND chứng minh sức hút của một đề tài lớn, có ý nghĩa nhân văn và nghệ thuật ngang hàng với các đề tài lớn như chiến tranh cách mạng, sự nghiệp kiến quốc trong thời kỳ đổi mới và phát triển bền vững. Văn học CAND từ một kho lưu trữ tuyệt mật đến giải mật, trở thành “mỏ lộ thiên”, cung cấp chiếu liệu giàu có và phong phú cho cảm hứng sáng tác...”.

3. Theo thông tin từ Nhà xuất bản CAND, đơn vị đang tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức Trại sáng tác lần thứ 3 Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ V (giai đoạn 2022-2025), dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 5 tại tỉnh Hà Tĩnh.

Tính đến hết tháng 10/2024, sau lễ phát động cuộc thi và 2 trại sáng tác tại tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ban tổ chức đã tiếp nhận được 68 tác phẩm tham dự cuộc thi (66 tiểu thuyết và 2 ký dài) và đã tổ chức chấm sơ khảo. Ban tổ chức kỳ vọng, sau Trại sáng tác lần thứ 3 này, sẽ tiếp tục nhận được những tác phẩm chất lượng tốt để kịp thời xuất bản, phát hành. Dự kiến, lễ tổng kết và trao giải thưởng được tổ chức vào tháng 8/2025, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Thành lập lực lượng CAND Việt Nam.

Trước đó, từ năm 1999 đến nay, Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thành công 4 cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” (1999-2002; 2007-2010; 2012-2015, 2017-2020), thu hút hàng trăm nhà văn, cây viết trong và ngoài lực lượng CAND tham gia với nhiều tác phẩm có giá trị ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc như: “Đêm yên tĩnh” của Hữu Mai, “Cổ cồn trắng”, “Bí mật Tam giác vàng”, “Kim tiền” của Nguyễn Như Phong, “Một thế giới không có đàn bà” của Bùi Anh Tấn, “Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời” của Nguyễn Thị Ngọc Hải, “Sát thủ online” của Nguyễn Xuân Thủy, “Hoa bay” của Chu Thanh Hương, “Mặt nạ để đời” của Nguyễn Hiếu, “Bão ngầm” của Đào Trung Hiếu, “Đơn tuyến” của Phạm Quang Đẩu, “Cô Mặc Sầu” của Nguyễn Đình Tú, “Vực gió” của Phong Điệp, “Hùng Karo” của Chu Lai, “Đối mặt sói trắng” của Phan Thế Cải, “Giáp mặt” của Phạm Thanh Khương...

Khẳng định vai trò “bà đỡ” quan trọng của các cuộc thi và Nhà xuất bản CAND trong việc hình thành nên dòng văn học về lực lượng CAND trong 50 năm qua, Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái nhấn mạnh: “Nhờ sự quan tâm và chỉ đạo đúng đắn của Bộ Công an thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, các trại sáng tác về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” đã góp phần quan trọng bồi dưỡng, đào tạo các cây bút trẻ trở thành nhà văn trẻ, bổ sung cho đội ngũ nhà văn Công an ngày càng lớn mạnh như Bùi Anh Tấn, Nguyễn Hồng Lam, Đào Trung Hiếu, Chu Thanh Hương, Lê Duy Nghĩa, Bùi Tuấn Minh, Phan Đức Lộc... Nhiều nhà văn trẻ đang ở độ chín, sung sức, trong sáng tạo nếu được chăm sóc, bồi dưỡng, rèn luyện sẽ có cơ hội phát triển hơn nữa về tài năng văn chương...”. 

Nguyệt Hà
.
.