Nhân đọc “Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung” của GS, TS, Nhà giáo ưu tú Trần Ngọc Vương - NXB Thông tin và Truyền thông, 2018

Một cuốn sách quý

Thứ Năm, 24/11/2022, 17:31

“Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung” tập hợp những bài viết tâm huyết và sâu sắc của GS, TS Trần Ngọc Vương, là một trong những cuốn sách “gối đầu giường” mà nhiều thế hệ sinh viên, học giả, nhà nghiên cứu phê bình văn học và bạn đọc quan tâm đến văn học nước nhà yêu thích.

GS, TS, Nhà giáo ưu tú Trần Ngọc Vương nguyên là giảng viên tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cuốn “Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung” của Trần Ngọc Vương xuất bản lần này được chỉnh sửa, bổ sung thêm một số bài cho phù hợp hơn so với xuất bản lần đầu, năm 1997. Cuốn sách dày gần 500 trang, tập hợp 19 bài viết công phu trong công trình nghiên cứu từ “nguồn chung” đến “dòng riêng”.

Mở đầu, Trần Ngọc Vương đề cập đến hình thái kinh tế xã hội và kết cấu giai cấp trong lịch sử Việt Nam, cũng như hầu hết các nước Đông Á. Ông nhận xét, xã hội Việt Nam ít nhất từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIX có 2 giai cấp đối kháng là địa chủ phong kiến với giai cấp nông dân. Đến đầu thế kỷ XX, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã tập hợp được lực lượng vô sản với các tầng lớp nhân dân có tinh thần dân tộc để chống lại thế lực thực dân Pháp cấu kết với tư sản mại bản, giai cấp phong kiến phản động.

Một cuốn sách quý -0
GS, TS, Nhà giáo ưu tú Trần Ngọc Vương.

Về “Mẫu hình Hoàng đế và con đường tìm kiếm, sự thể hiện bản ngã trong triết học và văn học khu vực Đông Á” ông viết: Nói chung trong xã hội phong kiến “chỉ có hoàng đế mới là người bắt ai chết phải chết, cho ai sống được sống”. Nhưng “điều kỳ lạ là về mặt lý thuyết cả nhà nho lẫn hoàng đế đều chấp nhận ý dân là ý trời”. Trong khu vực Đông Á, cả Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Triều Tiên có chung một truyền thống văn hoá, văn minh lớn, có những chặng đường phát triển đồng dạng”. Quan hệ họ hàng Nho giáo được mở rộng, củng cố. Chẳng thế mà đầu thế kỷ XX, các nhà chí sĩ còn hình dung: “Chi Na chung một họ hàng/ Xiêm La, Nhật Bản cùng làng Á Đông”.

Bàn về “Nho giáo ở Việt Nam các thế kỷ XV-XVII”, ông viết: “Nho giáo vào thế kỷ XVII không tạo dựng được những khuôn mặt văn hóa lớn, không đào sâu, nâng cao và cũng không bổ sung được gì mới mẻ so với Nho giáo thế kỷ XV, XVI”. Về sự giới hạn của nội dung nhân đạo chủ nghĩa trong văn chương Nho giáo luôn tồn tại, tiếp nối đó chính là tư tưởng Nhân nghĩa, văn chương bị trói buộc vào nội dung Nhân nghĩa. Và trong văn chương Nho giáo thời Lê Sơ,“Nguyễn Trãi nổi bật lên như một đỉnh cao kì vĩ, một nhân cách văn hóa lỗi lạc và một thiên tài toàn diện, đổ bóng xuống toàn bộ chặng đường tiếp theo của Việt Nam”. Ông viết nhiều bài về Nguyễn Trãi như: “Tư tưởng nhân dân của Nguyễn Trãi”; “Nguyễn Trãi với truyền thống và bản sắc dân tộc”; “Nhà tư tưởng và nhà nghệ sĩ trong “Quốc âm thi tập”.

Trong Hội nghị khoa học Quốc tế do Liên hiệp quốc bảo trợ Kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, Trần Ngọc Vương đã viết bài “Tư tưởng nhân dân của Nguyễn Trãi”. Ông đặt vấn đề cần làm sáng tỏ hơn một số điểm: “Một số ý kiến cho rằng tư tưởng nhân dân ở Nguyễn Trãi là kết tinh của tư tưởng nhân dân trong truyền thống dân tộc, hoặc là sản phẩm của lịch sử xã hội Việt Nam chống lại tư tưởng Nho giáo, thậm chí chống lại cả tư tưởng của giai cấp phong kiến lúc bấy giờ. Ngược lại, không ít ý kiến cho rằng Nguyễn Trãi là nhà nho nên dứt khoát tư tưởng nhân dân ở ông là tư tưởng Nho giáo dưới dạng biến thể”. Rồi ông khẳng định ý kiến của riêng mình: “Vốn kinh lịch bản thân và Nho giáo cùng tạo cho Nguyễn Trãi gặp gỡ với dân gian trong nhận định chắc nịch: “Vua nhất thời dân vạn đại”.

Trong văn học sử Việt Nam, từ thế kỷ XVII, ông viết bài: “Từ hồi quang người anh hùng thời loạn đến khuôn hình một tài tử phong lưu”, ông phân tích những hình tượng văn học như Khổng Minh trong “Ngọa Long cương vãn”, người anh hùng trong “Chim trong lồng”, Trương Long trong “Trương Lưu hầu phú”, Nguyễn Huệ trong “Hoàng Lê nhất thống chí”, Từ Hải trong “Truyện Kiều”. Đối với “người anh hùng thư kiếm” trong thơ văn Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, ông nhận xét: “các vua Nguyễn, từ Minh Mệnh, Thiệu Trị đến Tự Đức đều đánh giá đúng và sử dụng Nguyễn Công Trứ một cách có hiệu quả”; “Lý tưởng làm người anh hùng ở Nguyễn Công Trứ, để tự bảo toàn, phải tuân theo tất yếu nghiệt ngã của sự vận động lịch sử mà co trở về, tuy hoàn toàn không phải thỏa mãn, với khuôn khổ của mô hình, được hình thành rõ nét từ lâu”.

Một cuốn sách quý -0
Tác phẩm của GS, TS Trần Ngọc Vương.

Nhận xét những đặc điểm mang tính quy luật của sự phát triển văn học nhận qua ánh sáng của một tác giả, ông cho rằng, với “Nguyễn Đình Chiểu, ái quốc là tuyệt đối, và trung quân là tương đối. Lòng yêu nước ở ông xét như một tình cảm, là tuyệt đối, là mãnh liệt, thiết tha. Nhưng chủ nghĩa yêu nước ở ông, xét như một yếu tố của ý thức hệ, thì có biến thiên, thăng trầm, khủng hoảng”. Nguyễn Đình Chiểu đã “biện minh cho Trương Định bằng những ngoại lệ mà đạo thần tử của Nho giáo cho phép - đó là quyền của tướng ngoài biên ải có lúc được phép không vâng lệnh của triều đình”. Trong lịch sử Việt Nam cận đại, từ năm 1858 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, không chỉ Trương Định mà sau này Tôn Thất Thuyết người đứng đầu phái chủ chiến và những cộng sự vẫn chống lại các hòa ước nhu nhược của triều đình Huế kí với thực dân Pháp, để dựng lên ngọn cờ Cần Vương cứu nước.

Khi thực dân Pháp đặt được ách đô hộ lên toàn thể đất nước Việt Nam, phân chia cả nước thành 3 kỳ Bắc, Trung, Nam báo hiệu nền Nho học đang dần suy tàn nhưng thơ văn Nguyễn Khuyến, Tú Xương vẫn đứng vững được trong lòng những người dân yêu nước.

Kỷ niệm 150 năm, ngày sinh của Nguyễn Khuyến, Trần Ngọc Vương viết bài: “Thơ Nôm đến Nguyễn Khuyến” và nhận định: “Sống trăn trở, đồng cảm với những con người bình thường, lòng yêu thương con người ở Nguyễn Khuyến đã phá vỡ giới hạn văn chương bác học trước ông. Do học vấn, do hoàn cảnh chung, Nguyễn Khuyến không vươn tới nhu cầu giải phóng của chủ nghĩa nhân đạo… Nguyễn Khuyến cũng thể hiện một lòng yêu nước theo cách riêng của riêng ông, nói tiếng nói của đa số cư dân trong cơn quốc nạn”. Ông cho rằng: “Thơ Nôm là bộ phận quan trọng nhất, có ý nghĩa nhiều mặt nhất mà Nguyễn Khuyến để lại cho văn học dân tộc. Ngày nay, đọc kỹ lại thơ Nôm của ông vẫn còn nhiều bài học mang ý nghĩa thời sự”.

Sang thời kỳ phong trào Duy Tân phát triển sâu rộng trong cả nước, trong quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, ông viết về nhà chí sĩ Phan Bội Châu với bài: “Mấy đặc điểm loại hình nhân cách nhà Cách mạng Phan Bội Châu” có đoạn: “Biết rằng với dân trí đương thời, không có khoa danh thì quyết không thể ăn nói, không thể “hưng, quan, quần, oán” mà về thực học thực lực, Phan Bội Châu lại là một tay kiệt hiệt giữa trường văn trận bút, đủ sức làm kinh ngạc quần nho, để rồi được trong triều ngoài quận chúng khẩu đồng từ rằng ông “hay chữ nhất nước Nam”. Nhà cách mạng mới, Nguyễn Ái Quốc đã thừa nhận Phan Bội Châu là “người anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, mặt khác đã thấy rằng ông không am hiểu chính trị hiện đại và quần chúng cách mạng hiện đại”.

Ngoài ra ông còn viết nhiều bài về Tản Đà. Tản Đà là thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Bài “Dân tộc và hiện đại, truyền thống và cách tân qua văn nghiệp Tản Đà” của ông lần đầu tiên được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông viết: Vào lúc “Tản Đà xuất hiện trên văn đàn gặp ngay “kinh tế thị trường” và “cơn gió lạ” trên văn đàn thổi suốt trong Nam ngoài Bắc, làm dấy lên một luồng không khí thưởng thức Tản Đà nhiều tầng lớp”.

Nhưng từ năm 1928 trở đi, Tản Đà sáng tác ít dần, thánh địa của nền văn học cũ bị chiếm lĩnh, Tản Đà nhanh chóng bị bỏ quên: “Cần nói ngay, lúc Tản Đà còn sống, người ta quên ông nhanh vì ông đã trở thành “đồ cổ”. Người ta cũng quên (hay cố tình quên?) sau khi ông mất, vì lí do ông quá “phức tạp”. Đánh giá sự nghiệp của Tản Đà, trong bài “Sự thống nhất của các mâu thuẫn trong tư tưởng và trong sáng tác của Tản Đà” ông viết: “Tản Đà không phải là văn hào dân tộc nhưng ông là nhà thơ lớn, một hiện tượng văn học và một hiện tượng xã hội rất tiêu biểu và thú vị, phản ánh chồng chéo nhiều vấn đề của lịch sử, của văn học”.

*

Khi viết lời giới thiệu cuốn “Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung”, GS, TS Trần Ngọc Vương bộc bạch: “Hẳn bạn đọc cũng không ngạc nhiên khi nói rằng trên đường hướng tiếp cận như vậy, thì có quá nhiều việc phải làm; đến mức là ở thời điểm hiện nay, việc trình bày “văn học Việt Nam” thành “dòng riêng” giữa một nguồn chung dưới dạng một chuyên luận là điều chưa thể thực hiện được. Thiết nghĩ, như đã nói, đó là cả một bình diện tiếp cận, một đường hướng lớn, ngoài tầm đề tài của một cuốn sách”.

Đúng như Tiến sĩ văn học Phạm Xuân Thạch khi đọc cuốn sách này đã trân trọng nhận xét: “Cái dòng riêng văn học dân tộc được giải mã, được phân tích, được đọc, cắt nghĩa và diễn dịch thông qua việc đặt trong nguồn chung của lịch sử và lịch sử tư tưởng của Việt Nam, Đông Á và thế giới”.

Cuốn sách này còn là một tài liệu tham khảo cho các giáo viên dạy văn và học sinh ở các trường phổ thông.

Hoàng Minh Đức
.
.