Một chuyên luận công phu, tâm huyết
Trong danh sách Hội đồng văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam Khóa X (thành lập đầu năm 2021), có một ủy viên mới ngoài 30 tuổi và vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam trước đó không lâu (năm 2017). Đó là nhà văn trẻ Văn Thành Lê, sinh năm 1986, hiện đang công tác tại Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP. Hồ Chí Minh.
Thực tình, đến lúc đó tôi mới để ý tìm hiểu về nhà văn này thông qua đồng nghiệp và các tác phẩm của anh. Và càng đọc/nghe về Văn Thành Lê, sự ngạc nhiên, cảm phục và hâm mộ trong tôi càng tăng lên: Tính đến thời điểm ấy, Văn Thành Lê đã xuất bản gần 20 đầu sách đủ các thể loại và đã nhận được gần chục giải thưởng của Báo Mực tím, Báo Phụ nữ, Báo Tuổi trẻ, Tạp chí Xứ Thanh, Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm của Hội Nhà văn Việt Nam...

Đặc biệt, cùng năm đó - năm 2021 - tập truyện "Bên suối, bịt tai, nghe gió" của Văn Thành Lê được đề cử Giải thưởng Dế Mèn - một giải thưởng thường niên uy tín về văn học thiếu nhi hiện thời. Đặc biệt hơn nữa, năm học 2021-2022 truyện ngắn 177 chữ của Văn Thành Lê là "Tóc xoăn và tóc thẳng" được chọn vào sách giáo khoa Tiếng Việt 2 (tập 1) của bộ “Chân trời sáng tạo”...
Một cây bút mới ngoài 30 tuổi, một thầy giáo phổ thông dạy môn sinh vật vừa chuyển ngành sang lĩnh vực văn chương, một biên tập viên NXB suốt ngày vùi đầu với chỉ tiêu số trang, một viên chức "ba cọc, ba đồng" xa quê ngót ngàn cây số phải lo mưu sinh độ nhật... thì lấy đâu ra thời gian, sức lực và chữ nghĩa mà viết khỏe thế? Trong vòng chục năm, trung bình mỗi năm anh xuất bản hơn một cuốn văn xuôi trên dưới 200 trang. Mà cuốn nào cũng được dư luận quan tâm, cũng tiêu thụ hết, nhiều cuốn tái bản lần 2, lần 3...
Sách của Văn Thành Lê, từ truyện thiếu nhi đến chuyện người lớn, từ chuyện nhà hàng đến chuyện nhà giáo, từ chuyện làng quê đến chuyện làng văn... đọc cứ thun thút từ đầu đến cuối; vừa đọc vừa tủm tỉm, nhưng đặt trang sách xuống đôi khi lại ngồi thừ ra... Kể cả mấy cuốn chân dung văn học pha tiểu luận-phê bình, đọc cũng như... đọc truyện! Viết về các nhà văn "cây đa cây đề" mà giọng điệu cứ tung tẩy; tung tẩy mà vẫn khiêm cung, đâu ra đấy...
Cái phong cách ấy, cái tạng văn ấy, cái ngôn ngữ ấy, cái cách lập tứ và dẫn chuyện ấy... gọi là gì nhỉ? Chịu, cứ cảm nhận lờ mờ thôi. Rất khó nắm bắt, gọi tên...
Mãi đến gần đây, những băn khoăn lục vấn trên đây của tôi đã được giải đáp phần nào khi đọc cuốn "Nhã nhặn của phi lý - nhìn từ văn xuôi Văn Thành Lê" của Hoàng Thụy Anh, một nữ nhà thơ-nhà phê bình trẻ. Tác phẩm là một chuyên luận khoa học công phu, nghiêm cẩn, gồm hơn 200 trang in, do NXB Văn học liên kết với Công ty Cổ phần Sbooks xuất bản đầu năm 2025.
Những tìm tòi sáng tạo của Văn Thành Lê đã được Hoàng Thụy Anh lật xới, soi chiếu, phân tích và quy nạp để đưa ra các giá trị mỹ học. Bằng bản lĩnh của nhà phê bình và kinh nghiệm của một người sáng tác, Hoàng Thụy Anh đã giải mã "dấu vân tay" của hiện tượng Văn Thành Lê từ nguồn cội quê hương, đến những trải nghiệm cuộc đời và cái "tạng người" của tác giả. Tất cả đều đóng dấu lên mỗi trang văn ngồn ngộn hiện thực, ăm ắp kiến văn. Trong đó lấp ló thái độ phê phán những thói hư tật xấu của đời sống một cách "nhã nhặn", khéo léo, thấm đẫm nhân tình...

Là một thạc sĩ chuyên ngành Lý luận văn học, sớm tiếp cận và nắm vững các lý thuyết mỹ học hiện đại, hậu hiện đại... và vận dụng một cách nhuần nhuyễn có hệ thống trong quá trình khảo sát tác phẩm, luôn đặt mình trong sự đối thoại với các văn bản thông qua hoạt động đọc-hiểu, Hoàng Thụy Anh đã xác lập giá trị văn học của các văn bản/tác phẩm một cách cụ thể và thuyết phục. Đồng thời, là nhà thơ trẻ được giới chuyên môn thừa nhận có giọng điệu riêng từ khi mới xuất hiện, Hoàng Thụy Anh có những cảm nhận tinh tế trong tiếp nhận/nghiên cứu tác phẩm, khiến chị tránh được lối phê bình khô khan, cứng nhắc, nặng về lý thuyết quan phương. Đôi khi, Hoàng Thụy Anh còn khơi gợi ra những giá trị, những vẻ đẹp của tác phẩm nằm ngoài ý đồ sáng tạo của tác giả.
Bằng thủ pháp "chiếu ngược" và "phép thử" trong quá trình nghiên cứu/khảo sát các văn bản tác phẩm, Hoàng Thụy Anh đã "đọc vị" khá rõ những sở trường của Văn Thành Lê, như: Cái "tạng" thích chọc cười; đặc điểm "lưỡng trị" trong bút pháp giễu nhại; điểm nhìn "nước đôi" trong quan hệ gia đình; kết cấu "trò chơi"; thủ thuật liên tưởng âm thanh; thế giới dị thường và nghịch dị... trong các sáng tác của Văn Thành Lê.
Theo đó, Hoàng Thụy Anh đã chỉ ra tương quan hữu cơ giữa 2 thể loại chủ yếu trong sáng tác của Văn Thành Lê: Nếu văn xuôi cho Văn Thành Lê tung hoành trong thế giới kỳ bí, vô tận; truyền tải qua những câu chuyện, nhân vật... thì phê bình văn học (bao gồm chân dung văn học) cho anh cái nhìn khách quan, dò chiếu tác phẩm. Hành trình chuyển từ văn xuôi sang phê bình đã biện giải sự thích ứng giữa 2 mảng tưởng như đối lập và thực nhận tài năng, lối viết đa sắc của anh.
Hoàng Thụy Anh tín niệm: Văn phong là vân tay độc nhất của nhà văn. Một văn phong tốt là văn phong làm người đọc thấy như đang được trò chuyện với chính tác giả, chứ không phải đang đọc một tác phẩm văn học. Theo đó, "Đọc Văn Thành Lê, dễ dàng nhận thấy phong cách riêng, in đậm dấu ấn cá nhân, khác biệt với nhiều tác giả cùng trang lứa. Anh đã thành công khi đóng vân tay hài hước, dí dỏm của mình lên các con chữ, chia sẻ quan điểm và tâm thức một cách tự nhiên".
Đi sâu hơn vào bầu khí quyển hài hước, trào phúng, giễu nhại trong sáng tác của Văn Thành Lê, Hoàng Thụy Anh khẳng định: "Tiếng cười ngầm ẩn, sinh ra từ những yếu tố nghịch dị, đã trở thành "đặc sản" không thể thiếu trong văn xuôi Văn Thành Lê. Các nhân vật, từ những kẻ ở rìa xã hội đến tầng lớp tri thức, thượng lưu... đều được anh xây dựng theo hai kiểu nhại đối lập: đối tượng thấp được miêu tả bằng ngôn ngữ cao sang, thanh tao, trong khi đối tượng cao được miêu tả bằng ngôn ngữ bình dân, thậm chí tục tĩu, trái với hình ảnh sang trọng bên ngoài".
"Nhã nhặn của phi lý - nhìn từ văn xuôi Văn Thành Lê" là tập sách thứ 8 của Hoàng Thụy Anh, sau 2 tập chuyên luận khá dày, 4 tập Tiểu luận - Phê bình tạo được dư luận tốt và 1 tập thơ đầu tay được công chúng đón nhận ưu ái. Tất cả đều được viết và xuất bản trong vòng 10 năm gần đây, lúc Hoàng Thụy Anh mới trên dưới ba mươi tuổi và đã được trao 2 Giải thưởng văn học địa phương cùng 1 Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.
Xin được nói thêm, cuốn chuyên luận công phu này được Hoàng Thụy Anh thực hiện trong khoảng thời gian nghỉ dưỡng giữa các đợt điều trị hóa chất, chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác từ đầu năm 2024. Giờ thì chị đang dần hồi phục bình thường. Ơn giời, xin chúc mừng Hoàng Thụy Anh vì mọi nhẽ!
Hoàng Thụy Anh quê ở Quảng Bình, công tác ở Tạp chí Nhật Lệ của Hội VHNT Quảng Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chị đã xuất bản nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu, như: "Thơ Hoàng Vũ Thuật - nhìn từ thi pháp học của Roman Jakobson" (2010), "Thơ Hồ Thế Hà & giấc mơ cỏ hát" (2020)... và các tác phẩm tiểu luận - phê bình, như: "Bản xô-nát thi ca" (2012), "Tiếng vọng đa thanh" (2016), "Phê bình văn học & ý thức cái Khác" (2018), "Sức mạnh của vết thương" (2021), "Sự thật là đóa hoa lộng lẫy" (2022)... Các chuyên luận, tiểu luận và phê bình của Hoàng Thụy Anh luôn thể hiện những góc nhìn đa chiều và ý thức mạnh mẽ về "cái khác".
Văn Thành Lê quê ở Thanh Hóa. Anh khởi đầu với thơ nhưng sau đó chuyển sang truyện ngắn và tiểu thuyết từ thời sinh viên Đại học Sư phạm Huế. Các tác phẩm nổi bật của anh gồm các tập truyện: "Hình như là tình yêu"; "Trạm điện thoại ở thiên đường"; 'Châu lục thứ 7"; "Như cánh chim trong mắt của chân trời"; 'Trên đồi, mở mắt và mơ; Bên suối, bịt tai nghe gió"; “Ông mặt trời và mùi hương của mẹ”; "Con gái tuổi Dần"; "Không biết đâu mà lần"; "Thừa ra một người"; "Nam, Nhi, Đại, Trượng Phu"; "Ngày xưa chưa xa; Sa lan đỏ bãi Xanh"... Gần đây anh còn được chào đón với các tập chân dung văn học: "Như cánh chim trong mắt của chân trời"; "Lần theo bóng"; "Noriko Matsui - Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương"...