Một cây bút say mê, mực thước, lão thực

Chủ Nhật, 30/07/2023, 10:24

Đọc "Khúc hợp đàn Văn" (Tiểu luận- Phê bình) của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện- NXB Hội Nhà văn, 7/2023, tôi vẫn có chung một cảm giác như những lần được ông tặng sách: thích thú, khâm phục, ngưỡng mộ về sự chỉn chu, mẫu mực của người làm sách; về sự bền bỉ và khả năng sáng tạo không biết mệt mỏi của một người có thâm niên trong nghề.

Ở vào độ tuổi "xưa nay hiếm", cũng đúng dịp tác giả kỷ niệm "Lục thập chu niên" hành nghề; và kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, "Khúc hợp đàn Văn" ra đời thật là ý nghĩa. Nó cho thấy một tư duy khoa học minh triết, một năng khiếu cảm thụ cái đẹp tuyệt vời. Hơn thế, nó còn chứng tỏ sự sung mãn về bút lực của một "cây" lý luận phê bình có hạng.

"Khúc hợp đàn Văn" là một cuốn sách đẹp, được trình bày công phu, chuẩn mực, hàn lâm trong việc làm sách Nghiên cứu - lý luận - phê bình và là cuốn sách in riêng thứ 10 của cây bút lão thành PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thiện. Đây là tập Tiểu luận Phê bình, tập hợp các bài viết của tác giả trong mấy năm gần đây, mà phần lớn đã được công bố trên báo, tạp chí, trong các Hội thảo khoa học của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương…

Sách chia 3 phần. Trong đó, phần quan trọng là phần thứ nhất và thứ hai, gồm 20 bài (12 bài tiểu luận, 8 bài phê bình). Hai phần này chủ yếu đề cập đến một số vấn đề nghiên cứu, lý luận phê bình, từ lịch sử hình thành, phát triển của nền văn hóa, văn nghệ cách mạng, từ khi "Đề cương văn hóa Việt Nam" ra đời (1943), cùng những định hướng lớn về tư tưởng, học thuật và sáng tạo nghệ thuật, để tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn nghệ dân tộc tiên tiến, nhân văn trong thời kỳ Đổi mới, Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước.

Một cây bút say mê, mực thước, lão thực -0
Tác phẩm mới của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện.

1. Phần Tiểu luận:

Chủ yếu bàn về một số vấn đề lý luận thuộc đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng kể từ "Đề cương văn hóa Việt Nam", 1943 đến nay. Trong đó, tác giả nhấn mạnh: 

- Sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa văn nghệ (VHVN), qua đường lối văn hóa Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh về VHVN.

- "Đề cương văn hóa Việt Nam" với sự thành lập các tổ chức Hội văn hóa, văn nghệ. Ở đây, tác giả khẳng định những quan điểm cơ bản của đường lối VHVN của Đảng trong "Đề cương văn hóa Việt Nam"; Mặt trận văn hóa thống nhất với sự ra đời, hoạt động của các tổ chức VHVN. Từ Hội Văn hóa cứu quốc (1943-1948), Hội Văn hóa Việt Nam (1948-1950) đến Hội Văn nghệ Việt Nam (Từ tháng 7/ 1948 nay là Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam).

- Những bài học về lý luận và thực tiễn đảm bảo thực thi hiệu quả đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng.

- Vấn đề tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ trong tổ chức thống nhất là Hội chính trị- xã hội- nghề nghiệp, tác giả chỉ rõ trước những yêu cầu thách thức mới của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước hiện nay, đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam phải nỗ lực rèn luyện phẩm chất đạo đức, trau dồi kỹ năng, tâm huyết với lao động nghệ thuật, "xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trong xây dựng và phát triển về văn học nghệ thuật Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, hiện đại nhân văn…".

- Vấn đề bản sắc dân tộc của Văn học nghệ thuật có ý nghĩa sống còn, giá trị độc đáo. Ở đây, tác giả đã có những luận giải và minh chứng xác đáng về việc văn nghệ sĩ phải luôn ý thức về bản sắc dân tộc, tạo ra những tác phẩm độc đáo trong việc phản ánh cuộc sống và con người, chú ý đến tính vùng miền, khám phá chiều sâu tính cách nhân vật, bộc lộ cá tính sáng tạo của nghệ sĩ…

- Vấn đề chủ thể sáng tạo: Văn nghệ sĩ với tài năng và khát vọng sáng tạo, phải không ngừng trau dồi bản lĩnh, phát huy tài năng, xây dựng những tác phẩm tầm cỡ để đời, nuôi dưỡng thường xuyên nguồn lực thăng hoa sáng tạo, đốt cháy lên ngọn lửa khát vọng và hoài bão về lý tưởng Chân - Thiện - Mỹ. Từ những ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vai trò quan trọng của VHVN, tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục thẩm mỹ của VHNT.

- Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các tư tưởng sai trái trong VHNT, khắc phục những lệch lạc trong VHNT, bảo vệ đường lối văn nghệ mác xít- Lêninnit về VHNT.

- Hai bài tiểu luận "Nghệ thuật vị nghệ thuật" và "Nghệ thuật vị nhân sinh" được tác giả viết rất súc tích về nguồn gốc ra đời của khái niệm, nội dung khái niệm, cuộc tranh luận về quan điểm Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh ở Việt Nam, từ nửa những năm 30 thế kỷ XX. Bài học từ cuộc tranh luận này là rất sắc sảo, luôn có ý nghĩa thời sự cập nhật.

Qua 12 bài tiểu luận, từ việc bao quát trên diện rộng, rồi đi sâu nghiên cứu nhận diện và triển khai những vấn đề cụ thể, chặt chẽ, có lý, có tình, cho thấy một tư duy khoa học thông tuệ, một lối viết sắc sảo giàu tinh thần phản biện và đầy trách nhiệm của cây bút mực thước, lão thực Nguyễn Ngọc Thiện.

2. Phần Phê bình:

- Trước hết là hai bài viết công phu, tâm huyết thể hiện sự trân trọng về nhân cách và tài năng của những bậc thầy mà tác giả hằng tôn kính, biết ơn: GS.NGND. Đinh Gia Khánh, GS.NGND. Lê Đình Kỵ, cùng những kỷ niệm gắn bó không thể nào quên về những người thầy. Bởi họ có những ảnh hưởng không nhỏ đến con đường cầm bút và sự nghiệp nghiên cứu văn học, sự nghiệp báo chí, giáo dục đào tạo của tác giả.

- Về đồng nghiệp: Nhà báo Nguyễn Thị Nam, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thị Tuyết Minh. Viết về họ, ông thường dùng những lời lẽ trân trọng, cảm phục làm nổi bật tài năng tâm huyết nghề nghiệp và tính cách của họ.

- Về người thân: Đó là Người cha kính quý siêng học, chính trực; Người mẹ quê Nành 5 đời khuyến học. Có thể nói viết về những người thân, giọng văn của ông rưng rưng xúc động, thể hiện lòng thành kính biết ơn với các bậc sinh thành và những người thân yêu.

- Về người anh trai Kỹ sư- nhà thơ Nguyễn Ngọc Căn- bậc hiền minh chân chất, có tấm lòng nhân hậu độ lượng, vị tha… mà ông vô cùng kính trọng và trân quý. Và hiền thê: Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú, Tiến sĩ Y khoa Trần Thị Bình An - người đã cống hiến "trọn vẹn cho chuyên môn Y học cao đẹp" - người vợ thủy chung, hiền lành đảm đang, người mẹ nhân từ, độ lượng…

Những bài viết về những bậc thầy, đồng nghiệp và người thân đều thể hiện một tình cảm chân thành, yêu kính, biết ơn và trân quý xuất phát từ đáy lòng, thế nên, có nhiều trang viết xúc động, đi từ trái tim tác giả đến trái tim người đọc.

- Là người gắn bó lâu năm với báo chí, văn học nghệ thuật, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện đã có bài viết "Từ Tạp chí Văn nghệ đến Thời báo Văn học nghệ thuật chặng đường 75 năm qua", phác họa chặng đường lịch sử 75 năm ra đời và hoạt động của các cơ quan ngôn luận thuộc tổ chức Hội văn nghệ Việt Nam, từ buổi đầu thành lập đến nay. Bài viết có hàm lượng thông tin cao khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, tiền thân là Hội Văn nghệ Việt Nam.

3. Phần Phụ lục:

Có 12 bài viết của các văn nghệ sĩ, đồng nghiệp cùng các thế hệ học trò về cuốn sách Nhiều tác giả - Nguyễn Ngọc Thiện - Văn và Đời, (xuất bản tháng 8/2021). Đây là một tác phẩm quý. Những bài viết của các tác giả đã góp phần làm nổi bật những đóng góp và chân dung đời thường, chân dung khoa học của nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà giáo Thế Uẩn - Nguyễn Ngọc Thiện, có sự nghiệp "Trước tác đẳng thân".

Các mục: "Tiểu sử tự thuật", "Thư mục sách cùng một tác giả", "Thư mục nghiên cứu về tác giả"… được sắp xếp và trình bày công phu, tường minh, khoa học… nhất là các công trình nghiên cứu về tác giả rất hữu ích, ít có người làm được một cách thực chứng như vậy.

Có thể nói "Khúc hợp đàn Văn" của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện là một cuốn sách ấn tượng, đáng quý, đáng đọc. Sách được trình bày, in ấn đẹp đẽ, thể hiện một tư duy lý luận minh triết, khoa học, một lối viết sắc sảo, khiêm cung. Tất cả được diễn đạt bằng hành văn trong sáng, sinh động lôi cuốn độc giả. Những trang viết công phu chuẩn mực của ông chắc chắn sẽ làm đầy lên sự hiểu biết và niềm yêu thích văn chương nơi người đọc.

Ninh Bình, tháng 7/2023

Nguyễn Thị Bình (Hội Nhà văn Việt Nam)
.
.