Mời bạn “trèo với thông”!
Chữ “tùng” (tiếng Hán) được ghép bởi hai bộ, “mộc” (cây) và “công” (mạnh mẽ) để biểu thị ý nghĩa về sức sống kiên cường, dẻo dai, bền bỉ. Trong văn hóa phương Đông, cây thông sừng sững giữa bầu trời tai ương giá rét nhưng vẫn tỏa bóng xanh cành quanh năm để rồi trở thành một trong “tứ quý” (tùng, cúc, trúc, mai) làm ẩn dụ chỉ con người vững vàng vươn lên trong nghịch cảnh.
Hầu như các bậc hiền nhân thi sĩ đều ngầm ví, hoặc được người đời so sánh với cây thông. Ngày nay ai hành hương lên chùa Hoa Yên - Quảng Ninh (tương truyền do Phật hoàng Trần Nhân Tông xây dựng), vẫn được chiêm bái hai hàng thông cổ thụ có tuổi thọ hơn 700 năm sừng sững, thâm trầm, uy nghiêm, cổ kính như mời gọi về miền cổ xưa. Không chỉ là chứng nhân lịch sử, những cây thông ấy còn là tài sản vô giá về văn hóa, tinh thần của tâm thức cộng đồng.

Trường nghĩa văn hóa “cây” của nhân loại vốn gắn liền với tư duy và sự phát triển của văn minh. Không chỉ trong thần thoại Bắc Âu mới có cây thần linh thiêng chứa 9 thế giới có các nhánh kết nối với vạn vật, mà hầu như dân tộc nào cũng có “cây thần” của riêng họ. Thế nên còn được gọi chung là cây sự sống, cây thế giới...
Trong “Trường ca Đăm Săn” của ta, đó là một cây lớn “phải một năm mới đi hết vòng gốc”, gọi là cây Smuk (cây linh hồn). Đăm Săn hồn nhiên và khẳng khái nói: “Vậy thì ta đốn cây này đi”. Tức chàng “đốn” cây sự sống hay cự tuyệt quyết liệt với tập tục lạc hậu của cộng đồng. Cùng với ý định đi “bắt Nữ thần Mặt trời làm vợ” đã thể hiện khát vọng muốn thay đổi quy luật vũ trụ… Chẳng phải là một khát khao vĩ đại mang tầm nhân loại sao?!
Cây thế giới chứa trong nó biết bao ý nghĩa quan niệm về sự sống, cái chết, về vũ trụ với nhịp tuần hoàn… Vì thế trong thần thoại cổ xưa nhiều dân tộc có hình tượng cây mọc ngược biểu hiện quan niệm sự sống từ trên trời xuống. Các tôn giáo lớn đều có “cây thế giới” riêng.
Cây thiêng nhất trong Phật giáo là cây Bồ Đề vốn có trong văn hóa Ấn Độ trước cả Phật giáo, biểu tượng cho học vấn, năng lực sinh sản, giác ngộ và bảo vệ. Về sau gắn liền với huyền thoại tu tập của Đức Phật nên được phú thêm nhiều ý nghĩa mới, có nghĩa trung tâm là mang lại may mắn, hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc. Các chính khách Ấn Độ thường hay tặng khách quý cây được chiết ra từ cây Tổ, là từ lý do này…
Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, cây thiêng biểu trưng cho sự sống. Tào Tháo chém cây thiêng là báo hiệu cuộc đời ông ta sắp kết thúc. Tiến hành xây dựng dinh thự mới ở thành Lạc Dương, khi thi công bị vướng một cây rất cao, không thể chặt hạ. Tào Tháo đích thân đến rút kiếm chặt cây. Từ chỗ chém xối ra dòng máu… Từ đó Tháo mắc bệnh đau đầu, thuốc nào cũng không khỏi.
Xuất phát từ nghĩa đen, với các “đại thụ”, rễ cắm sâu vào đất đá trên núi cao, vươn cành lên như một cầu nối đất với trời, biểu tượng “cây thần” biến hóa thành trụ, thành tháp... như trong thần thoại “Thần trụ trời” của ta gửi gắm quan niệm thô sơ về vũ trụ, hay truyền thuyết nổi tiếng về Tháp Babel giải thích về sự bất đồng ngôn ngữ của các dân tộc trên thế giới.
Truyện “Sự tích thằng Cuội” của ta có thể cũng là một ánh xạ từ “cây thế giới”: vợ thằng Cuội đái vào gốc làm cây mất thiêng nên cây bay về trời… Xét về nghĩa đen của cây thông, mọc trên núi đá, chịu rét, chịu gió bão, sống hàng thiên niên kỷ… nên cũng là một “cây thế giới” trong văn hóa.
Hình tượng quen thuộc với văn hóa phương Tây đến mức gọi là cây thông Giáng Sinh - linh hồn của ngày Lễ Giáng sinh. Tục này có từ khoảng trên dưới 2000 trước Công nguyên với quan niệm ngày 24/12 là ngày tái sinh Mặt trời. Càng về sau, cây thông Noel có màu xanh vĩnh cửu tượng trưng cho sự sống được trang trí hoa, trái, lúa mì… càng phát ra bao nhiêu ánh sáng truyền thuyết mới.
Lại có quan niệm ngày đó là ánh sáng nơi Thiên giới đem hạnh phúc đến cho trần gian, nhất là với những người nghèo nên cây thông Noel luôn được trang trí thêm ánh sáng và ngôi sao trên đỉnh tượng trưng cho phép màu của Thượng đế. Ăn sâu bộ rễ khỏe mạnh vào mảnh văn hóa Cơ Đốc giáo, hướng thẳng lên Thiên Đàng, cây thông tượng trưng cho tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Điều này lý giải ở Mỹ, thông được trồng nhiều trong nghĩa trang biểu trưng sự sống vĩnh viễn hướng lên Thượng đế, quả thông tượng trưng cho sự tái sinh.

Tất nhiên, trong văn hóa phương Đông cây thông cũng rất được coi trọng, nhất là ở xứ lạnh. Người Hàn Quốc coi thông biểu trưng cho tuổi thọ và đức hạnh, sự mạnh mẽ và thông thái. Nhà nào có trẻ mới sinh, ở cửa sẽ cài một cành thông là một cách chúc phúc gia đình thêm hạnh phúc mới, đứa trẻ sau này sẽ hiện thực hóa niềm ước mơ tốt đẹp của gia đình.
Cây thông của người Trung Hoa, ngoài biểu trưng cho tuổi thọ, đức hạnh còn để nói về nỗi niềm cô đơn, tính khí cương trực ngay thẳng, không bao giờ thay đổi chịu hạ mình trước tai ương. Vì lẽ này trong hội họa cổ điển Trung Quốc, cây thường được vẽ cùng chim hạc hoặc núi non lẻ bóng nhưng hùng vĩ, thâm trầm. Vị thần trường thọ là Thọ Tinh thường được vẽ đứng dưới gốc thông.
Để xứng đáng với di sản vĩ đại của Khổng Tử, người ta trồng ở nơi yên nghỉ của vị Tổ đạo Nho cả một rừng thông gọi là Khổng Lâm. Năm 1994, Khổng Lâm được UNESCO công nhận Di sản thế giới. Cây thông ở Nhật Bản ngoài ý nghĩa trường thọ, đức hạnh còn biểu trưng cho tuổi trẻ nam tính mạnh mẽ, tràn trề sức trẻ, bất chấp thời tiết cuộc đời nóng lạnh, gió mưa vẫn vươn cao tỏa lá cành xanh ngát… Hình tượng cây thông, cành thông thường được họa tiết trang trí trên áo giáp hay đao Katana của các Samurai.
Ở Việt Nam, cây thông thân thiết với dân tộc Dao đỏ đến mức luôn được cách điệu trên các trang phục truyền thống. Trong các lễ cưới người Dao, không chỉ có ở cô dâu chú rể mà cả với nhiều người tham gia, thường có miếng vải đỏ vắt chéo người luôn được đính chiếc lá thông bạc. Trong nhà cũng treo vải đỏ có các lá thông bạc này mang ý nghĩa ngăn không cho cái xấu vào, để chỉ có niềm vui, may mắn, hạnh phúc hân hoan cùng đôi vợ chồng trẻ…
Trong văn chương trung đại Việt Nam có nhiều cây thông lớn được nhiều thi nhân trồng, chăm sóc, quý mến đến mức nhập thân vào, để rồi sau này nhắc đến tên là nhắc tới cây, vì đó cũng là biểu tượng của nhân cách họ. Vĩ đại nhất, cô đơn, cũng cường tráng, uy vũ nhất là cây thông Nguyễn Trãi: “Thu đến cây nào chẳng lạ lùng/ Một mình lạt thuở ba đông/ Lâm tuyền ai rặng già làm khách/ Tài đống lương cao ắt cả dùng/ Đống lương tài có mấy bằng mày/ Nhà cả đòi phen chống khỏe thay/ Cội rễ bền dời chẳng động/ Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày/ Có thuốc trường sinh càng khỏe thay/ Hổ phách, phục linh nhìn mấy biết/ Dành còn để trợ dân này”.
Cây “Tùng” này được bao bọc hai lớp vỏ ngôn ngữ, vỏ ngoài xù xì, gân guốc tả cây tùng ngoài đời với các nghĩa cổ điển: cô đơn chống chọi giá rét, để làm nhà, làm thuốc giúp dân... Bóc cái vỏ ngoài thì hiện ra lớp ngôn từ Nguyễn Trãi đối thoại với chính mình, mà câu “Đống lương tài có mấy bằng mày” mang tính chìa khóa mở ra thế giới tâm sự u uất đến đau đớn: có ai tài năng bằng (ta) đâu mà sao lại không được trọng dụng? Lớp ngôn ngữ tâm sự bên trong này mới làm nên giá trị đích thực của kiệt tác. Nếu chỉ thấy cái vỏ bề ngoài thì Nguyễn Trãi chẳng khác Đào Uyên Minh, Trần Tử Ngang, Lý Bạch, Đỗ Phủ… từng có thơ hay về tùng.
Nguyễn Công Trứ trong bài “Vịnh cây thông”: “Ngồi buồn mà trách ông Xanh/ Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười/ Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/ Giữa trời vách đá cheo leo/ Ai mà chịu rét thì trèo với thông”.
Có khác gì những cây thông trước đó được trồng dày đặc và tỏa bóng rợp cả khu rừng văn học trung đại phương Đông? Có thể chấp nhận một ý kiến mang tính tìm tòi: bài thơ có ánh xạ của “tam giáo đồng nguyên” với hai câu đầu mang quan niệm Lão giáo (trách trời); hai câu sau ảnh hưởng thuyết luân hồi Phật giáo; hai câu cuối mang tinh thần Nho giáo (quan niệm về bậc quân tử).
Nhiều ý kiến coi bài thơ khẳng định phẩm chất con người tự do, thỏa chí, chịu đựng, khó khăn, thử thách… Nếu vậy cây thông Công Trứ cũng chưa vượt ra khỏi bầu trời mỹ học cổ điển. Đối chiếu với phong cách “ngông”, với cuộc đời tài năng nhưng ba chìm bảy nổi, có thể hiểu đó là lời thách thức kiêu hãnh với đời, với số phận!?
Chỉ là những kiến giải cá nhân, xin bài bạn góp thêm!