Miền quê của mỗi chúng ta

Thứ Sáu, 05/01/2024, 17:39

Lúc này, khi Tết Nguyên đán đang cận kề lại khiến chúng ta thao thiết nhớ về gốc gác nguồn cội. Là người Việt nếu truy nguyên đến cùng đa số chúng ta đều được sinh ra từ làng, bản, phum, sóc… để xây dựng sự nghiệp.

Ngày 22/12/2023 vừa qua, khi thông tin Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hàng năm càng khiến chúng ta trân trọng sự kiện mang đậm bản sắc văn hóa này. Nhưng, từ những ý tưởng, cảm xúc về nông thôn đến chỗ thật sự có một làng quê ấn tượng trong suy nghĩ, thật sự có sức hút lôi cuốn đối với mình lại là một câu chuyện khá dài…

người dân trồng hoa ven đường thay thế cỏ dại, thay đổi diện mạo làng quê.jpg -0
Người dân trồng hoa ven đường thay thế cỏ dại, thay đổi diện mạo làng quê.

Người viết cho rằng câu chuyện về nông thôn hôm nay không chỉ dành riêng cho khoảng 63.149.249 người sống ở không gian này (chiếm 65,6%, theo kết quả Tổng điều tra dân số 2019) mà còn là nơi đổi gió, lấy lại cảm hứng, sự cân bằng và tích lũy năng lượng sống tích cực của cư dân đô thị. Bởi thế, cho đến hôm nay đã có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp trải dài khắp các vùng miền trên cả nước.

Nông thôn ngày nay không chỉ là nơi sản xuất lương thực, thực phẩm cung cấp cho đời sống mà còn là điểm đến cùng những trải nghiệm đời sống nông nghiệp, giáo dục tình yêu thiên nhiên, đất nước của giới trẻ. Ở một phương diện nào đó, nông thôn đã thành “sân khấu” chính mà mọi người muốn hướng đến. Chúng ta không chỉ cần nhìn vào các dự án, các nông trại mà phải bắt đầu từ việc mỗi người yêu làng quê đó như thế nào, từng bước tháo gỡ những nút thắt ra sao để giúp nông thôn biến đổi từ suy nghĩ đến hành động; vượt qua những rào cản đến tiến tới văn minh, hiện đại hơn.

Một ngày cuối năm dương lịch 2023, người viết đọc đi, đọc lại một bài báo viết về Thiếu tá quân y Lê Anh Đức (công tác tại trạm Y tế xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) nhiều năm qua đã nỗ lực để cứu những nạn nhân “tìm đến lá ngón để quyên sinh”. 24 người mà Thiếu tá Đức đã cứu sống (từ 2016 đến nay) có thể không lớn bằng số lượng bệnh nhân được các bác sĩ nổi tiếng cứu chữa ở các bệnh viện lớn. Tuy nhiên, đó là 24 người dân ở vùng sâu, vùng xa với sự hạn chế về nhận thức và chưa từ bỏ được hủ tục đáng sợ này. Họ là chủ nhân của làng, bản, là một phần không thể thiếu của nông thôn trong công cuộc thay đổi từ nhận thức đến hành động. Trong khi chúng ta nỗ lực xây dựng hạ tầng để nâng tầm nông thôn mới, kiểu mẫu thì các giá trị tinh thần cũng đóng vai trò quan trọng. Bảo vệ tính mạng, sức khỏe và bài trừ hủ tục lạc hậu là một nhiệm vụ quan trọng mà mỗi cán bộnhư Thiếu tá Lê Anh Đức đã nỗ lực tìm tòi và thành công.

Cũng cách đó không xa, ngay tại thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông là bảo tàng của ông Vi Văn Phúc (77 tuổi, nguyên Chủ tịch huyện Con Cuông) với gần 1.000 cổ vật bao gồm đồ dùng sinh hoạt, tài liệu văn hóa của người Thái như: Những chiếc nồi đất, luống giã gạo, nhạc cụ truyền thống, đồ thờ cúng, ma chay, trang phục, trang sức… nhằm lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Cũng như Bảo tàng Đồng quê của nhà giáo Ngô Thị Khiếu (xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) hay Bảo tàng Di sản Văn hóa Mường của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Thanh Bình (Hòa Bình), những người dân đã thể hiện tình cảm và trách nhiệm với làng quê của mình bằng những cách khác nhau nhưng đều hướng tới một mục tiêu: tạo ra giá trị văn hóa của miền quê ấy.

untitled-3.jpg -1
Tẩn Thị Shu muốn giới thiệu hình ảnh đẹp của quê hương mình tới bạn bè bốn phương. Ảnh: Nguyệt Hà.

Nếu như Thiếu tá Lê Anh Đức không chỉ muốn cứu được những nạn nhân tự vẫn mà còn muốn họ thức tỉnh thì những bảo tàng tư nhân mở cửa miễn phí để lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc cũng là một sự cảnh tỉnh khác. Đó là lời cảnh tỉnh trước những lãng quên, là hồi chuông thức tỉnh những suy thoái đạo đức, văn hóa và giúp làng quê Việt phát triển bằng sự tiếp biến. Cuộc sống ngày một hiện đại và tiện ích, chúng ta không dùng trâu cày ruộng, giã gạo bằng chày, cối và các vật dụng khác nhưng môi trường cảnh quan và việc tái hiện đời sống nông nghiệp với mục đích văn hóa, du lịch luôn có chỗ đứng.

Ngày nay, khái niệm du lịch nông thôn (Rural Tourism) đã được nhắc đến khá nhiều. Từ đồng bằng đến miền núi, người dân ít nhiều đều ý thức về xu thế này nhưng để vận hành trơn tru theo một cơ chế linh hoạt thì vẫn còn không ít thách thức. Sự phát triển nhanh gấp, kém bền vững có thể sẽ hủy hoại môi trường sống, cảnh quan-những giá trị cốt lõi của làng, bản và ngược lại: sự chậm chạp trong biến đổi dẫn tới chất lượng sản phẩm du lịch còn ở mức thấp, hay nói cách khác là sản phẩm kém chất lượng. Giữa hai nguy cơ đó, đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo.

ông vi văn phúc  với bảo tàng lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc thái của mình-ảnh đức hùng.jpg -2
Ông Vi Văn Phúc với bảo tàng lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc Thái của mình. Ảnh: Đức Hùng.

Nhà văn người Anh có tên là George Bernard Shaw (1856-1950) từng có một câu nói: “Lòng yêu nước là niềm tin rằng đất nước này ưu việt hơn tất cả các đất nước khác bởi vì bạn sinh ra tại đó”. Vẻ đẹp từ bản sắc và sự phát triển của quê hương đất nước không chỉ là sức mạnh nội sinh mà còn là niềm tự hào của mỗi người chúng ta khi được sinh ra và lớn lên ở đó. Hay nói cách khác chính là “làng quê đáng sống” chúng ta đã nhắc đến không ít lần.

Để thực hiện được dự định nâng tầm những miền quê đôi khi không chỉ dựa trên những thay đổi về hạ tầng, đòi hỏi ngân sách đầu tư hay nguồn lực từ xã hội hóa, từ đóng góp mà chính từ ý thức cá nhân. Những phong trào như: “Đường hoa thay cỏ dại”, “sạch từ nhà ra ngõ”, “5 không, 3 sạch”… phụ thuộc vào thay đổi thói quen, nếp sống, ở khát vọng của cộng đồng dân cư chứ không đòi hỏi chi phí quá lớn.

Chúng ta đã và sẽ đi về, sáng tạo và tận hưởng các giá trị của làng quê bằng những cách thức khác nhau. Như trong cuốn "Thi nhân Việt Nam", nhà phê bình Hoài Thanh từng viết: “Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê. Cái nghề làm ruộng và cuộc đời bình dị của người làm ruộng cha truyền con nối từ mấy nghìn năm đã ăn sâu vào tâm trí chúng ta”. Gần một thế kỉ trôi qua, hồn quê trong tâm trí mỗi người dân đất Việt không phai nhạt dẫu đã ra thành phố mưu sinh qua mấy thế hệ. Ngay cả những người sinh ra nơi phố thị cũng chọn nông thôn là nơi để tìm kiếm những giá trị mà mình mong muốn.

Theo các chuyên gia kinh tế có “4 thành tố để được gọi là du lịch nông nghiệp, đó là: Kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; tăng thu nhập cho nông dân; tạo cho du khách cơ hội giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông” (theo: Quỳnh Dương-Báo Hà Nội mới). Có lẽ mối lương duyên giữa các miền quê và du khách sẽ còn bền chặt, gắn kết.

Xét theo bốn tiêu chí này, bạn có thể dễ dàng nhận ra du khách nhận được những lợi ích thiên về mặt tinh thần còn người dân có thêm thu nhập (lợi ích về vật chất). Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở đó thì khó có thể xây dựng những miền quê đáng sống, du lịch nông thôn, nông trại khó phát triển bền vững. Người dân cũng cần nhận ra, nhận thấy những giá trị mới mẻ về tri thức, về các yếu tố văn hóa mới trong sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Họ bán sản phẩm văn hóa thay vì chỉ nhăm nhăm bán được hàng bằng mọi cách.

Năm 2016, Tạp chí Forbes từng vinh danh cô gái Tẩn Thị Shu (dân tộc Mông) trong danh sách 30 người dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất Việt Nam (theo: vnexpress.net). Dự án cộng đồng mang tên Sapa OChau là cách để Shu đào tạo tri thức văn hóa về nghề hướng dẫn viên du lịch cho nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ. Người dân đã nhận được những giá trị tinh thần ấy để thay đổi nhận thức, tìm đến con đường phát triển du lịch đúng đắn và đồng thời cũng xây dựng miền quê mình tươi đẹp, văn minh hơn.

Những miền quê đáng sống không chỉ xanh, sạch, hấp dẫn, đậm đà bản sắc mà còn chứa đựng các giá trị văn hóa mới. Khi đó, bản thân chúng ta sẽ luôn muốn tìm về và tìm thấy một “suối nguồn” trong trẻo thanh lọc tậm hồn giữa những bộn bề của lo toan đời thường. Một miền quê thú vị của mỗi chúng ta…

Lương Việt
.
.