Màu Trần Nhật Minh trên bức tường năm tháng
Khi cơn gió lạnh đông lật giở từng nếp thời gian, ấy là lúc kí ức cựa quậy. Cây bàng góc phố bình thản đón tia nắng đông như chừng còn ngái ngủ. Bỗng thèm thấy đôi bóng song thân khỏe khoắn lui cui bên gian bếp oi oi mùi tháng năm nghèo khó. Nếp xưa dậy lên cồn cào nhớ. Khi ấy, đọc tản văn “Những cuộc trà trên căn gác cũ” (NXB Hội Nhà văn - 2024) của nhà báo Trần Nhật Minh, Trưởng ban VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi thấy bóng ngày cũ hiển hiện thân thương.
Sinh ra trong một gia đình có nhiều người làm văn nghệ, lại được ông bà dạy cho biết trân trọng con chữ từ ấu thơ, chữ nghĩa cứ thế thấm vào Trần Nhật Minh, tự nhiên như hơi thở. Làm báo, sáng tác thơ, viết văn, vẽ tranh, đôi khi thấy mình ôm đồm, nhưng đó là những cảm xúc tức thời, hay có lẽ, những rung động qua từng trải nghiệm khiến tâm hồn anh không đủ sức dung chứa, đã thoát thai thành một hình hài mới.
Trần Nhật Minh khi mới gặp, tưởng như là một gã khó chơi. Nhưng thời gian bóc đi từng xa lạ, lại thấy đằng sau cái vóc đậm đà, khuôn mặt mà đời sống đã khắc nét rất sâu ấy, lại là một tâm hồn mong manh, giàu trắc ẩn và nặng ân tình. Thi thoảng lại “mắng” đàn em rất dễ thương, khiến đứa được “mắng” cảm kích và hiểu hơn về gã. Minh chỉ viết khi đã đủ độ lắng, sâu và chân thành. Chữ của anh không trang sức, gợi man mác nhớ thương, như sự níu giữ nét đẹp xưa, đọc xong, vẫn đọng lại ở nhiều nút cảm xúc.
“Những cuộc trà trên căn gác cũ”, mỗi tác phẩm nhỏ tựa hồ mỗi tách trà mà Trần Nhật Minh pha bằng quá vãng, khi tôi nhấp môi, thấy vị kí ức nồng nàn. Hương xưa, gặp sự song trùng ở hiện tại thì những bóng ngày vắt qua tim càng ám gợi. Minh bắt đầu câu chuyện bằng nếp nhà. “Nhà tôi trước ở phố, có khung cửa sổ tầng hai căng rộng choán hết mặt tiền. Gió thênh thang… Mái ngói âm dương, sàn gỗ, lạ lắm, mùa đông ấm cúng, mùa hạ mát lành. Cha tôi ít nói, ít tranh luận chỉ lặng lẽ ngồi nghe và sắm đúng vai chủ nhà pha trà rót nước. Giới văn nghệ sĩ hay ghé thăm cũng vì điều đó chăng?”. Căn gác cũ với Minh không chỉ là một tháp ngà văn chương, mà còn chứa đựng bao điều kì diệu, chỉ có những con chữ sống động mới đủ sức chuyên chở. Không kì diệu thì sao lại lôi bật cậu bé Minh khỏi những trò chơi hấp dẫn để về nhà hóng chuyện? Không khí văn chương đã thấm vào Minh từ ấy.
Với chừng 200 trang sách, Trần Nhật Minh đã hé mở cho độc giả chặng dài trên hành trình sống của anh về: gia đình, bạn, nghề nghiệp, văn giới, nghệ thuật… Chỉ vài ba nét phác, tôi như thấy cả cõi bộn bề của anh. Ấm trà đã chuyền tay bao người, cũ mòn cả lớp men. Đồ vật cũng mang thân phận. Giá trị không nằm ở số tiền mà thuộc về câu chuyện nó kể. Soi vào mỗi cuộc trà, Minh như thấy mình trong màu thời gian dằng dặc. Có người đã rời cuộc trà, trắng nợ trần gian, để thương nhớ dai dẳng cho người ở lại, có người vẫn bên Minh. Chắc hẳn, bao sớm tối bên đấng sinh thành, Minh vẫn nghe vị trà trong căn nhà ở phố, còn đắng ngọt trong vị giác. Ấy là trân vị của Hà Nội thuở vắng lành.
Nếu ông nội là người nghiêm cẩn với gia pháp qua cây roi gia truyền, dạy Minh biết yêu sách, thì bà nội lại sửa cho anh cặn kẽ từng chữ. Dù “bà tự học và ở nhà giúp cha mẹ trông cửa hàng bán bát sứ, nuôi dạy con cái. Tất cả những hình bóng của người phụ nữ Hà Nội xưa: nhẫn nhịn, tần tảo, hết lòng vì chồng con - có đầy đủ trong bà. Không bằng cấp, không học hành đến nơi đến chốn nhưng mọi việc trong nhà bà đều chu toàn… hầu hết những lời dạy trong dân gian, bà không những thuộc mà còn hiểu rất chân tơ kẽ tóc”. Bà là người thầy đầu tiên, còn bữa cơm gia đình là lớp học đầu tiên của Minh. Sự dạy bảo chu đáo, nghiêm khắc của bà đã giúp anh “căn chỉnh” được tâm tính. Đó không chỉ là nếp nhà mà còn là văn hóa ứng xử.
Từ nhà ra ngõ, đôi chân cậu bé Minh vững dần, trở nên một người đàn ông, bước từng bước chắc chắn trên muôn nẻo đời gió bụi. Nhà là chốn về, tầng văn hóa của mỗi người đều phản ánh nếp gia phong.
Văn của Minh cứ thế, nhẩn nha, dùng dằng giữa đôi bờ hiện tại - quá khứ. Minh thương từ món ăn giản dị - tóp mỡ, của thời bao cấp. Đọc văn của anh, tôi như thấy mình của ngày xưa. Chữ anh chạm vào đồ vật cũ, đồ vật cũ khơi kí ức trong tôi. Văn chương hình như khi đủ duyên sẽ trao cho độc giả hiệu ứng thanh lọc tinh thần. Nhưng Minh, vốn đa cảm, nên cuối cùng, đứa con trung niên ấy, lại trở về với mẹ. Viết về mẹ, mọi ngôn ngữ đành bất lực, tuy nhiên khi đọc Minh, tôi lại thấy mình như đứa bé thèm mẹ. “Phía sau là dằng dặc những buổi chiều lạnh lắm, khi bờ tường rêu in bóng mẹ thập thững đi về, ngọn đèn chốc lát sẽ được thắp lên, khe khẽ sáng một vùng ấm bình an. Những ngày cũ, với mẹ, cũng chính là những ngày sắp tới, đồng hiện một màu của những ước mong bình dị”.
Ra khỏi nhà, là những tách trà chiết từ những con đường, những khúc quanh đời sống. Minh viết sâu sắc như một đúc kết chân xác: “Đời người ai cũng sẽ phải đi qua những cung quãng khác nhau. Có những thênh thang đại lộ lại có những thâm trầm ngõ nhỏ. Từ những con ngõ ấu thơ cho đến biết bao lối ngõ không tên ám ảnh, ngẫm ngợi nhân tình. Thời trai tráng ai cũng muốn vươn ra đại lộ để rồi khi trung niên, sau khi đã tung hoành khắp chốn lại muốn yên về những ngõ hẻm khiêm cung một thời, nơi giữ cho mình những câu chuyện ấm lạnh”. Theo chân anh, thấy mở ra cung đường miền Tây với con gió hào sảng, trò chuyện với người cả bằng những giọt sông ngọt bùi phù sa. Cả tuổi thơ xa ngái của lũ trai phố “bung nhanh hơn một cú đấm trẻ trâu”, dại dột, hung hăng còn bầm lại trong vết đau trẻ dại.
Văn Minh viết phảng phất, dư ba, lại chảy như một mạch ngầm, để khi ra khỏi trang sách, tôi thấy mình ngậm quá khứ. Chữ Trần Nhật Minh ít nhiều niêm dấu vết màu ngày cũ trong tôi.
Trần Nhật Minh là người một lòng đi về với những thâm tình. Đã là bạn, mãi là bạn, lòng không thay. Anh dành nhiều yêu quý cho họa sĩ Trần Thắng, hiểu Thắng như hiểu mình. “Thắng mộc như một ông giáo làng với con xe cũ tải chở một khối suy tư. Ngồi nghía trộm Thắng uống rượu, cảm giác lúc nào Thắng cũng đang nghĩ một việc gì đó… Những lúc đó Thắng gần như trôi ngoài câu chuyện chỉ đến khi mọi người nâng ly, Thắng mới giật mình quay lại”. Về tranh của Thắng, Minh bình luận sắc sảo, cả cách hành văn cũng đồng điệu với triết lý hội họa và như bừng bừng cùng cây cọ của bạn. “Tranh của Thắng tỉ mỉ đến từng ý tứ, hình khối, màu sắc. Đặc biệt là màu, Thắng ưa màu nóng và phải vẽ thật dầy với những lớp chồng vào nhau, đan vào nhau, chảy vào nhau, xô vào nhau”.
Có điều thú vị là, ở Trần Nhật Minh, thơ luôn là những giai điệu, dan díu với khuông nhạc. Vì anh là người hiểu và nhạy cảm với những kí âm chăng? Minh yêu tất cả những thanh âm của sự sống muôn màu. Anh có góc nhìn công tâm về nhạc sến và thị hiếu âm nhạc. Với anh “nghệ thuật không bao giờ cũ, các giá trị không bao giờ dẫm đạp lên nhau… Người thích giao hưởng sang trọng, người yêu câu hò bình dị. Khi mở phóng khoáng những cánh cửa đa phong cách, đời sống mới khiến con người được sống rộng lòng và yêu thương hết thảy”.
Trong anh có sự hòa ái, hàm ơn với những tiếp biến tất yếu của các tầng văn hóa. Có lẽ những tháng ngày thường trú ở miền Tây, chất anh hai hào sảng đã thấm thía vào Minh. Nó như những giọt phù sa tâm hồn chứa chan. Nắng, gió, sông nước và mộc mạc như moi gan ruột đã tấu lên khúc da diết, hồn hậu, âm nhạc sinh thành từ sự sống. Để đến với cuộc đời này, con người hay nghệ thuật phải trải qua bao thử thách, va đập, trân trọng tiếng nói của tất cả là triết lý sống hòa hợp và bao dung.
Sau cuốn sách này, Minh còn rất nhiều dự định. Bởi “Những cuộc trà trên căn gác cũ”, mới chỉ là một chặng mà anh dừng lại, ngẫm ngộ để gửi vào 200 trang giấy. Trong khi, trước những người, những cảnh anh gặp ở náo nức hay thầm lặng nhân gian lại khởi lên trong tâm hồn mong manh kia, vô vàn điều muốn giãi bày qua ngòi bút.
Tôi viết về cuốn sách của Trần Nhật Minh, trong một chiều lạnh. Cái bàng bạc của cơn đông muộn thấm sâu vào da thịt buổi chiều, khiến tôi thèm một chén trà. Thì “Những cuộc trà trên căn gác cũ”, đã dốc vào tôi những dư vị ngày xa. Lãng quên quá khứ, chính là cách đánh mất mình. Minh đã làm đậm hơn hương thời gian, để tôi tìm thấy mình trên những con chữ ấm nồng của một người anh đồng môn.