Mã thơ Bùi Việt Phương

Thứ Sáu, 02/12/2022, 09:36

Bùi Việt Phương sáng tác thơ, truyện, tản văn, song có lẽ độc giả biết đến anh nhiều hơn trong tư cách nhà thơ. Việc phủ sóng hầu khắp các báo văn hiện thời cho thấy, Phương đang có một nội lực sáng tạo mạnh mẽ.

Bùi Việt Phương từng đạt nhiều giải thưởng văn chương: Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 2019; Giải nhất Cuộc thi Bút kí và Truyện ngắn Tạp chí Cửa Việt 2018-2019; Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm của UBND tỉnh Hòa Bình; Giải thưởng thơ Đài truyền hình Việt Nam 2020...

Sáng tác và có thơ đăng báo từ rất sớm, song phải tới khi chạm ngõ tuổi bốn mươi, Bùi Việt Phương mới chính danh định vị bản mệnh người thơ bằng hai tập thơ liên tiếp, đầy ấn tượng: "Ngày lạ" (NXB Hội Nhà văn, 2019) và "Mắt trong" (NXB Hội Nhà văn, 2020). Mỏng mảnh về số bài ("Ngày lạ" 48 bài, "Mắt trong" 43 bài) song cả hai đều nặng đồng cân về xúc cảm và thi tứ. Từ "Ngày lạ" đến "Mắt trong", Bùi Việt Phương cho thấy sự triển hiện thành công lối thơ suy cảm đặc trưng. Dầu mỗi tập, mỗi phần đều mang ý vị riêng, song về cơ bản, vẫn có thể tìm thấy "mã thơ Bùi Việt Phương" như một mẫu số chung ở cả hai tập thơ này.

anhbvphuong1.jpg -0

Bùi Việt Phương xác lập hồ sơ thi nhân qua hồi ức định mệnh về một "cậu bé nhìn mưa": “Hai tuổi thôi/ Con còn nhỏ quá/ Sao lúc này không chịu chơi trò gì?.../ Chỉ gạt bàn tay đóng chốt cửa của cha/ Rồi quả quyết: - Con ngắm mưa!” (Cơn mưa đầu). Để rồi, khi đi qua giông gió cuộc đời, khi "sợi tóc bạc vào thương nhớ", cái cảm thức ấy vẫn uyên nguyên trong khóe mắt, con tim, nhưng tuyệt không còn hồn nhiên được nữa: “Ta nghe được rạn nứt, đổ vỡ là trật tự/ Mảnh gốm nhặt hồn ta góc vắng cô đơn” (Gốm nghĩ)...

"Ngày lạ" của Bùi Việt Phương bắt nguồn từ nỗi sợ cái quen, cái nhạt, cái nhịp điệu tẻ buồn: “Sợ tra tên mình vào ổ khóa/ Nhàm chán nào rồi cũng thành tàn nhẫn/ Tàn nhẫn nào cũng dễ quen” (Người không lạ); “Anh sống với thành phố bỏ hoang/ Những nhựa sống chỉ biết xanh vô cảm/ Những khuôn mặt lạ qua đường thành lịch lãm/ Và cả những nhói đau/ cũng chỉ còn tàm tạm” (Vắng).

Như thế, với nhà thơ, ngày không lạ, mà chính cái cảm thức về cuộc đời mới tạo nên điều lạ. "Ngày lạ", hóa ra chỉ là một ẩn dụ của Phương: Ta theo trẻ đi nhặt cái lạ của ngày; Mắt em không buồn, ngày có lạ được không?; Lạ lùng nhặt được ta dưới chín tầng mây (Ngày lạ). Cứ thế, thi tứ "ngày lạ" bao trùm hai tập thơ, dẫu có là Chợt, Thức, Nghĩ, Tìm… thì suy cho cùng đều là những cách thể khác nhau để nhà thơ nhìn đời, nhìn mình bằng con mắt khác và kiếm tìm sự lạ hóa tâm tư ấy bằng thơ.

Đọc Bùi Việt Phương, thấy một điểm đặc sắc trong thơ anh là những ám ảnh thời gian. Thời xa xăm đã mất, ký ức và thực tại, sự chảy trôi của kiếp người. Để hiện thể thời gian, nhà thơ thường chọn những thời khắc, hoặc dễ chạm vào thương nhớ, hoặc lắng đọng tâm tư: "Đêm tháng Giêng", "Chiều cuối năm", "Sớm xuân", "Năm mới", "Thời gian"… Trên hết là thời gian mênh mông của nhớ thương khắc khoải: “Mất ngủ một đêm mà ngỡ thức trăm năm/ Thao thức đến tận cùng, khóe mắt em là nắng/ Nhưng là nắng vườn mình cho cây có bóng/ Cớm nắng, mầm thương trắng muốt lòng anh” (Nắng). Và, bên nỗi niềm đầy vơi là chất ngất những suy tư, tiếc nuối, hư hao: “Thế mới biết con người rất vội/ Háo hức trăm mùa xuân/ rồi quỵ gối…” (Thảo nguyên); “Chiếc ly thủy triều dâng vội/ Tay còn nắm chặt làn hương/ Người ta bắt đầu dỡ tuổi/ Chất đống ngất ngư bên đường” (Tiệc cuối năm)...

Thơ như chiếc hàn thử biểu của cảm xúc. Trong thơ, thời gian không chỉ được đo bằng ngày, tháng, năm, mà chủ yếu được đo bằng trái tim và ngôn ngữ riêng của nhà thơ. Về mặt này, có thể nói, Bùi Việt Phương có những sáng tạo thi ảnh đặc biệt: “Cách một nhành hoa là chạm Tết” (Sớm xuân); “Đi qua Tết bước ra gặp tháng Giêng” (Giêng)… Bùi Việt Phương có nhiều câu thơ hay và lạ, thể hiện sự thính nhạy đặc biệt trước những rạn vỡ thầm thì của thời gian: “Trái tim ai cũng mang hình hạt cây nào đó/ Vẫn biết những ban mai đang nứt vỏ” (Chợt); “Ai từng rút cả bóng mình ra đan/ Mới biết mùa xuân ngắn ngủi” (Với mùa xuân sẽ đến)…

anhngayla.jpg -0
Bìa tập thơ “Ngày lạ” của Bùi Việt Phương.

Thơ Bùi Việt Phương là một khung trời nhớ thương mộng ảo, đẹp và buồn. Một vô thức, một ám ảnh về tuổi thơ, góc phố, nhành cây, về những nỗi niềm da diết mơ hồ: “Ở phố nào tán bàng cũng xanh vồn vã như nhau/ Thế mà cuối năm đương rét dở/ cành bàng vắng tanh, thăm thẳm nhớ trên đầu” (Vắng). Đọc Bùi Việt Phương, thấy chủ thể trữ tình trong thơ anh dường như luôn mang một ẩn ức, một ám ảnh về bóng hình một người con gái xa xăm trong tiền kiếp: “Cô gái ấy hình như chưa hát/ Một kí ức mờ xa, sao ta đã thuộc lời/ Còn lại cúc họa mi trên bàn và trắng/ Lấp lánh bên nhau phía cuối đất cùng trời" (Với cúc họa mi); Em về phố rồi/ Dốc đổ, đèo nghiêng/ Suối thảng thốt/ Tan chảy mùa hoa/ Theo nhau mà chẳng kịp” (Đà Bắc); “Tháng Giêng ở phía một người/ Đã xa lắm mà tường tận lắm” (Giêng).

Không phải ngẫu nhiên, thơ Phương thường đau đáu khắc khoải về một mối tình đã hư hao. Và trong không gian tâm tư ấy, là những cung bậc điệp trùng của niềm thương nỗi nhớ, nỗi xa xót khôn khuây: “Gió cô đơn đi gãy lá, cành/ Giọt nhựa ứa đến tận cùng đơn độc” (Dấu hỏi); “Mùa cũng như sông thấp thỏm từng ngày” (Ngày lạ); “Lại nhớ em/ Lẳng lặng tha nỗi buồn về chật chỗ” (Nghĩ dưới tán bàng); “Em một lần đò, yếu ớt như ngọn gió/ Giờ chạm vào ánh mắt nào/ Dẫu có mềm như cỏ cũng đau” (Người cùng quê)…

Thơ Bùi Việt Phương ngập tràn nỗi niềm quê hương xứ sở. Từ "Ngày lạ" đến "Mắt trong", không gian Tây Bắc với con người, cảnh vật, văn hóa, dòng họ, nơi "ủ cả trăm năm ký ức" hiện ra với bao thương nhớ đầy vơi: “Những người già cười xòa như thác/ Đến hận thù cũng không giữ nổi/ Lòng như bầu rượu đi nương/ Rót cho bạn cả điều chưa nói được” (Người già); “Những đỉnh non cao nhịn khát kể Mo/ Ngàn đêm sử thiêng ra đến bể” (Sông)… Đôi khi, Tây Bắc trong thơ Phương còn là những cảm xúc công dân đầy trách nhiệm với lịch sử được thể hiện qua một tâm hồn thi nhân lấp lánh: “Hai mươi tuổi, em sinh sau trận mạc/ Hái một nhành hoa có nhớ vết tăng cày/ Hai mươi tuổi, có người xuyên lửa đạn/ Đi hết cánh rừng mận trắng để thành mây” (Biên thùy)…

Viết về Tây Bắc, thơ Bùi Việt Phương trôi chảy tự nhiên như suối nguồn, da diết như máu thịt. Cả trong "Ngày lạ" và "Mắt trong", Bùi Việt Phương đều có những câu thơ rất hay về cội nguồn của mình: “Đêm nay mình lén ngược lên miền Tây/ Đường ruột mào, mắt căng dây nỏ/ Ngại thung nói sâu, ngại đèo nói gió/ Chợt ngẩng lên, trăng rọi tim mình” (Trăng rừng); “Bản em ở cheo leo chiều Àn Mạ/ Gió Lào khua khô khốc mõ trâu về/ Anh gánh trăng tưới lại mùa con gái/ Nghe tiếng mầm trong khe khẽ thịt da” (Tây Bắc)…

Không phải ngẫu nhiên, thơ Bùi Việt Phương thường lặp lại mô típ "ra đi - trở về", như một niềm tín mộ, một khắc khoải, tin yêu, qua giông gió lại "đi về phía ngày lộc nõn", "sống giữa thung lành gieo gì cũng ra hoa": “Một ngày đi hồi hộp từng bóng cây/ Dòng sông nào tắm gội?/ Thương con chó nhà sủa từ cánh rừng hoang/ Nó đi đón ta mà tiếng sủa vọng về gốc khế” (Một ngày xuống núi); “Những bông hoa biết lối đi nương/ Biết bến sông, đình làng, miếu thờ chiến tướng…/ Để mà rụng xuống/ Đón tháng tới/ Đợi ngày lui/ Nhớ vía mùa màng/ Xong việc của mường/ Lại đi về phía ngày lộc nõn” (Cây gạo của mường); “Lội vào mưa/ Để về lại ngày xưa/ Lại gặp đường mòn mở về bóng mẹ/ Như chẳng biết chiều hôm/ Đã chôn nắng cuối rừng/ Mẹ lại ra vườn xới một ban mai bất tử” (Đường mòn).

Thơ Bùi Việt Phương lãng mạn nhưng không nổi nênh cảm xúc, suy tư mà không lý tính khô khan. Về thi ảnh, Phương có những sáng tạo độc đáo, đặc biệt là đôi mắt và đôi bàn tay. Có thể nhận ra, hình ảnh đôi mắt, đôi bàn tay với những sắc điệu khác nhau được trở đi trở lại trong thơ anh như những dấu chỉ thẩm mỹ đặc thù.

Nếu trong "Ngày lạ", có đến 14 lần "mắt", "đôi mắt" xuất hiện trực tiếp, thì ở "Mắt trong" có khoảng 20 lần: Mình mắc cạn trong mắt ai quen lắm; “Mắt thì buồn/ Dáng đi rất mảnh; Mai nữa, mùa xuân cũng phải đi rồi/ Thế mà đáy mắt em làm sao tin nổi; Mất ngủ một đêm mà ngỡ thức trăm năm/ Thao thức đến tận cùng, khóe mắt em là nắng”… Cùng với đôi mắt, Bùi Việt Phương diễn tả rất hay những suy cảm nội tâm qua hình ảnh bàn tay với bao cung bậc của buồn thương, nhớ tiếc, xót xa: “Những ngón tay chưa thương nhớ đã gầy” (Những ngón tay); “Cách bàn tay em là điều tiếc nuối/ Anh cũng lao đao nửa cuộc đời” (Sớm xuân)...

Bùi Việt Phương ưa dùng thể tự do, song ngôn ngữ và cấu trúc thơ anh không vì thế mà trở nên phóng túng. Trái lại chính sự chặt chịa, gạn lọc, giàu suy tưởng là điều căn cốt làm nên bản sắc thơ Phương, và cũng bởi thế, thơ anh hay nhưng không đọc dễ, hẳn rồi: “Người kín tiếng như lưỡi dao/ Khắc lên chuyến xe kỷ niệm” (Nguồn sáng); “Người có thể nhai dở miếng trầu/ Vôi vì ai cũng trầm mình cốt đỏ” (Ông bình vôi)… “Về cấu trúc, Phương có nhiều trục kết hợp và trục lựa chọn bất ngờ, độc đáo, tài hoa: cành bàng vắng tanh/ thăm thẳm nhớ trên đầu” (Vắng); “Mắt ta đương mầm, túi ta đầy hạt/ Vụng trộm gieo vào phố mọc thành cây” (Một ngày xuống núi); “Mường ủ cả trăm năm ký ức/ Mỗi bếp nhà sàn giữ lửa một lời ca/ Rượu men lá rót ra lời chim hót/ Mỗi tên người tha thiết một màu hoa” (Đồi Thung)…

Có thể nói, từ "Ngày lạ" đến "Mắt trong", Bùi Việt Phương đã thiết dựng thành công một không gian thơ suy cảm đặc thù. Có lẽ, sự dồn nén chặt chẽ của cảm xúc, chất suy tưởng bay bổng và những sáng tạo ngôn từ, thi ảnh, cấu tứ đã giúp Bùi Việt Phương bước chân vào thế giới thi ca khắc nghiệt một cách vững chắc, phải vậy chăng?

Phùng Gia Thế
.
.