Lục bát Trần Thắng
Trần Thắng được đào tạo cơ bản về hội họa nhưng cũng làm thơ từ rất sớm. Làm không ít thơ nhưng anh rất lặng lẽ, ít công bố, mới chỉ có một tập in chung cùng Phạm Nguyễn Toan cách đây đã 18 năm. Thế nên cho đến những ngày đầu tháng 8 này, anh em bè bạn văn nghệ đều vui mừng chia sẻ cùng anh khi “Dốc im lặng” - tập thơ in riêng đầu tiên của Trần Thắng chính thức ra mắt bạn đọc, do NXB Hội Nhà văn cấp phép và ấn hành.
Tôi gặp họa sĩ Trần Thắng lần đầu trong cuộc rượu ở nhà một người bạn, cách đây có lẽ cũng đến 15 năm. Sau cuộc rượu đó, chúng tôi ít khi gặp lại bởi mỗi người ở một đầu thành phố, công việc cũng không liên quan nhiều. Chỉ cho tới cách đây 5 năm, khi chuẩn bị chuyển công tác sang Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6), tôi mới có cơ hội gặp Trần Thắng nhiều hơn và rồi trở thành đồng nghiệp báo chí với anh.
Trần Thắng được đào tạo cơ bản về hội họa nhưng cũng làm thơ từ rất sớm. Làm không ít thơ nhưng anh rất lặng lẽ, ít công bố, mới chỉ có một tập in chung cùng Phạm Nguyễn Toan cách đây đã 18 năm. Thế nên cho đến những ngày đầu tháng 8 này, anh em bè bạn văn nghệ đều vui mừng chia sẻ cùng anh khi “Dốc im lặng” - tập thơ in riêng đầu tiên của Trần Thắng chính thức ra mắt bạn đọc, do NXB Hội Nhà văn cấp phép và ấn hành.
“Dốc im lặng” được trình bày đẹp trang trọng, do đích thân tác giả làm, gồm 55 bài thơ và 32 phụ bản tranh, đều là những sáng tác của Trần Thắng. Trong 55 bài thơ này, số lượng các tác phẩm lục bát gồm 13 bài, chiếm tỷ lệ gần 1/4 toàn tập, thể hiện một tình cảm không nhỏ của tác giả dành cho thể loại mang đậm điệu hồn dân tộc. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn dành riêng bàn về những bài lục bát ấy.
Nếu ai đã từng gặp Trần Thắng ngoài đời sẽ thấy anh là người giản dị và kín đáo, lúc tỉnh với lúc say cũng chẳng khác nhau là mấy. Sống ở thành phố nhưng hồn thì đậm chất quê. Cho nên, một mảng rất lớn trong những bài lục bát của anh dành viết về quê hương, gia đình. Lục bát lúc này có lẽ là hình thức tốt nhất để chuyên chở tâm hồn của một đứa con xa quê lúc nào cũng hướng về nguồn cội: “Lao xao chợ Tết ngả chiều/ Con ngồi phăng phắc cánh diều đáy sông/ Mái đình xổ bóng mây rồng/ Sắc hoa trả nợ cánh đồng phù sa…/ Con xua nhàu nhĩ bụi đường/ Thảnh thơi đồng vọng tiếng chuông chùa làng” (Tất niên).
Tình cảm với mẹ với cha, Trần Thắng cũng gửi cả vào lục bát. Nhiều câu của anh thật cảm động: “Tóc in tuổi trắng mong manh/ Một đời quanh bếp tay thành củi khô/ Hoa cau rụng kín giấc mơ/ Đêm qua mẹ khóc bơ vơ cha về” (Tết của mẹ). Trước Trần Thắng, chưa có ai viết về mẹ mà thể hiện được ý thơ như trong câu: “Một đời quanh bếp tay thành củi khô”. Câu thơ như vậy có thể làm người đọc ứa lệ bởi nó chạm vào nỗi niềm chung của nhiều người.
Có biết bao đứa con phải rời làng quê ra thành phố kiếm sống, còn mẹ già lủi thủi một mình nơi quê nhà bởi cha đã không còn. Một ngày thảng thốt nhận ra sự tàn úa của thời gian, mới càng thấm thía rằng những tháng ngày được sống bên mẹ sẽ chẳng còn nhiều nữa. Và cho đến cái ngày mẹ đi xa mãi mãi, thì những dòng lục bát lại ứa ra, òa lên nức nở trong phút chia lìa sinh tử: “Lá buông về cội giấc vàng/ Mong manh gió lật trắng tang tiếp người/ Dâng hương con khóc mẹ cười/ Khói mây dẫn mẹ về trời gặp cha…/ Ngủ trong một tiếng lá rơi/ Chợt lìa hai cõi mẹ ơi! Vô thường” (Buông)
Lục bát Trần Thắng cũng có những bài, những câu nhẹ nhàng trong sáng, mang đến người đọc một bức tranh về cảnh sắc làng quê nhuốm không gian của đồng bằng Bắc bộ, như trong bài ''Xuân khai nét cũ'': “Nắng đồng quyện ấm gió sông/ Lấy cờ ngũ sắc ngủ đông cửa chùa/ Triền đê tung hứng bụi mưa/ Cải ngồng lại đến hẹn xưa thắp vàng”. Nhưng Trần Thắng không khi nào dừng lại ở cảnh, bài thơ được đi tiếp với những khắc khoải trong tâm trạng con người, với những nỗi niềm dang dở và nuối tiếc lỡ làng của cuộc đời một ai đó: “Chợ ba mươi tết vãn hàng/ Người về mua lại nhỡ nhàng tuổi xuân/ Đò dời bến vẫn chậm chân/ Ngậm ngùi tiếng trẻ reo sân nhà người”.
Sau những bài lục bát về làng quê, gia đình, Trần Thắng mở rộng biên độ của thể loại này sang những suy tưởng về kiếp người, chạm vào những ý vị triết học. Có những câu thấm đẫm vị thiền: “Nghe nhoi nhói biếc đâm chồi/ Xác thân chợt vỡ khóc cười đầu tiên/ Hữu hình vừa cõi nhân duyên/ Thoát vô hình cõi vô biên chạnh buồn” (Xuân vẫn qua đây). Lục bát Trần Thắng còn thể hiện những giằng xé giữa đôi bờ nông thôn và thành thị, giữa khát vọng bình yên và những xô bồ, bầm dập của kiếp người mưu sinh: “Bon chen tham vọng trắng đầu/ Trượt chân ngã dụi vào màu cỏ non” (Sang đò). Thành phố với anh chỉ là chốn dung thân tạm thời, là nơi ở bất đắc dĩ bởi những chật chội và ngột ngạt: “Rác rưởi phềnh với mưa tuôn/ Phố thành sông chở nỗi buồn ngàn năm/ Người chen lấn hóa xa xăm/ Ngã chìm trong sóng ì ầm khói xe” (Phố mưa). Thế nên trong anh lúc nào cũng không nguôi một khát vọng trở về: “Ước trần truồng tắm mưa quê/ Vượt sông nằm lẫn cỏ đê trở mình” (Phố mưa).
Lục bát tiếp tục theo bước chân Trần Thắng đến những nẻo đường khác nhau của Tổ quốc. Anh có những bài thơ ghi lại cảnh sắc, phong tục, tâm trạng trong những chuyến đi của mình như “Ngây ngất Sa Pa” hay “Mường Lò”. Bài "Mường Lò" của anh có những câu lục bát đẹp đến siêu thực: “Hoa ban chàng giắt khăn piêu/ Là hàng cúc lẻ liêu xiêu tuột dần”. Có lẽ câu lục bát này được viết trong men say của rượu Mường Lò, nó gợi cảm và mời gọi đến mê ảo. Tình yêu được diễn tả bằng lục bát Trần Thắng mãnh liệt và nồng nàn, có cả một nỗi gì như ngang trái, như định mệnh, muốn cưỡng lại mà không thể: “Sao bây giờ mới gặp nhau/ Tưởng như đã trả cạn sầu phận duyên/… Ngún môi men ủ say mềm/ Lẫn nhau chếnh choáng khởi nguyên địa đàng” (Khởi nguyên)
Khu vực cuối cùng lục bát Trần Thắng vươn đến là những bài thơ về thế sự, thể hiện những suy tư của anh về đời sống xã hội, về lịch sử, nhân sinh: “Giang sơn loạn lạc mất tên/ Thời nào dân cũng dựng lên anh hùng/ Khói hương thêu dệt lẫy lừng/ Hồn thiêng một cõi kết ngưng chốn này…Thánh nhân khuất đỉnh sa mù/ Đất ôm xương trắng hời ru công thành/ Ngàn năm chợt thoáng mong manh/ Một ngày giặc giã cỏ xanh ngút trời” (Tĩnh lặng mong manh).
Những suy tư của anh đi từ xa về gần, có lúc là chuyện ngàn năm, có lúc là chuyện trong khoảnh khắc. Có những điều cảm giác như được chứng ngộ bằng lục bát. Anh đem chính mình ra làm một khúc tự trào, đùa đấy mà cũng thật đấy, chua chát và xót xa trong những khắc khoải. Bài lục bát dài nhất của Trần Thắng được đặt tên là "Lời người dở hơi": “Kiếp người mắc nợ đồng lần/ Xác xơ cũng trả lại phần cõi dương/ Oan hồn vảng vất mù sương/ Đắng cay là thực thiên đường là mơ”.
Cùng với thơ và trước thơ, họa đã là nghiệp của Trần Thắng. Thế nên không khó để nhận ra trong những bài lục bát của anh có nhiều câu đậm chất hội họa. Và những đường nét màu sắc ấy nếu ta đặt trong tương quan những bức tranh của Trần Thắng sẽ là một khối thống nhất: “Trăng như đoạt sắc cỏ non/ Sông xa hơi ấm hoàng hôn khỏa vàng/ Rượu như lẫn ánh hào quang/ Người vương sương bụi lang thang thiên hà” (Xuân vẫn qua đây). Sắc vàng của trăng, sắc xanh của cỏ, ánh hoàng hôn buông xuống… Tất cả cùng hòa quyện trong một men say thăng hoa. Bốn câu thơ này có đủ thị giác (trăng, cỏ, hoàng hôn, sương), vị giác (rượu) và xúc giác (hơi ấm). Cảm hứng không gian nhiều lần trở đi trở lại trong các sáng tác hội họa của Trần Thắng đến nỗi anh đã có một serie tranh với chủ đề “Lang thang thiên hà”.
Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến phần lục bát cảm tác cho mấy chục bức tranh phụ bản có trong tập thơ. Một người bạn của Trần Thắng là nhà thơ – nhà báo Trần Mai Hưởng thường có một cặp lục bát ngẫu hứng mỗi khi Trần Thắng công bố một bức tranh mới. Trần Thắng đã nối thêm một cặp nữa để tạo thành một chỉnh thể trọn vẹn hơn, cũng là để đáp lại tình cảm của một người anh, người bạn văn thân tình.
Đọc những bài lục bát bốn câu dưới các bức tranh trong tập thơ này, ở cặp lục bát đi sau của Trần Thắng, không ít lần người đọc sẽ ngỡ ngàng và thích thú: “Bay bay qua những bình minh/ Trăng sao là những sinh linh đón mừng” (Lời đề tựa cho tranh "Mộng cầm"), “Hai ngàn năm trước đảo điên/ Một trời mưa máu Chúa đền thế gian” (Lời đề tựa cho tranh "Mưa đỏ"), “Nuốt trăng nửa khóc nửa cười/ Hái trăng rao bán bằng lời vết thương” (Lời đề tựa cho tranh "Hàn Mặc Tử"), “Một mình một bóng kiết già/ Chầm chậm sương khói đợi ta luân hồi” (Lời tựa cho tranh "Thiền tam muội").
Qua tập “Dốc im lặng”, có thể nói Trần Thắng với thể lục bát đã mang đến một giọng điệu riêng, một màu sắc riêng, có những câu sẽ còn đọng lại mãi trong lòng ta bởi vẻ đẹp của ngôn ngữ, hình ảnh cũng như sự chân thành và lay động của cảm xúc. Tôi tin không chỉ riêng tôi mà sẽ có nhiều độc giả đồng điệu với anh qua những bài thơ, câu thơ lục bát nhiều đắm say ấy.