Lục bát Khúc Hồng Thiện: Từ "Chênh chao tích chèo" đến "Cùng nhau nhân từ"

Thứ Năm, 18/07/2024, 09:24

Nhà thơ Khúc Hồng Thiện đến với thi ca bằng cây cầu lục bát, định danh bước đầu bằng thơ lục bát, ấy là cái nợ, cái duyên và có thể cũng là cái phận thơ, nghiệp thơ của anh trong kiếp văn chương này.

1. Nhận diện

Quãng mươi mười lăm năm về trước, những trang lục bát chênh chao của Khúc Hồng Thiện đã đều đặn xuất hiện trên báo chí lúc bấy giờ, đọc thơ ấy, gặp người ấy thấy câu chữ vốn đã cổ tích lại như già dặn quá, nền nã quá, nhất là khi biết tác giả mới là chàng trai hai mươi bảy tuổi. Này nhé:

Cong cong dấu hỏi mái đình/ Bấy lâu vẫn xoáy vào thinh không nghèo/ Trẻ làng đôi mắt trong veo/ Nghịch lênh đênh để bay vèo phù vân.

Lục bát Khúc Hồng Thiện: Từ
Nhà thơ, nhà báo Khúc Hồng Thiện.

Bao đời qua, cái chất thế sự triết luận đã ám vào lục bát như một sự mặc định, bởi vậy không ngạc nhiên khi thấy nó lừng lững phủ bóng trong những trang thơ mùa đầu của Thiện:

Đôi lời nhắn với ca dao/ Lắm khi những tiếng ngọt ngào có gai/ Tò vò giết nhện lần hai/ Còn dân gian vẫn dông dài thì sao.

Những câu lục bát có vẻ như già trước tuổi ấy có thể chưa phát lộ hết cái thiên tư thơ của Thiện, nhưng nó đã mang đến cho người đọc đôi nét định hình đầu tiên về một cây bút thơ có duyên với lục bát giữa miền thơ.

2. Từ “Chênh chao tích chèo”

Tôi và Thiện có chung một niềm đam mê thơ lục bát, ngoảnh lại, đã chạm mười lăm năm khi buổi đầu tiên chúng tôi gặp nhau tại phòng thu của Đài Tiếng nói Việt Nam để trò chuyện cùng nhà báo Lê Tuyết Mai về thơ lục bát trên VOV2 độ giữa năm 2009. Đọc thơ Khúc Hồng Thiện ngày ấy, thấy bóng dáng tiền nhân trong những câu thơ của anh, nhưng trên cung đường lục bát quen thuộc của ông cha đã có những ngập ngừng khang khác:

Làm thơ ở cõi dương gian/ Đánh rơi tuổi trẻ vào tan nát chiều.

Đọc tập "Chênh chao tích chèo" của Thiện xuất bản từ năm 2010, thấy trong những vuông thơ sáu tám nhuần nhuyễn và nghiêm ngắn có nét kế thừa truyền thống, có cái hàm ngôn mới mẻ, chiêm nghiệm đi trước cả tuổi tác của Thiện lúc ấy:

Học chữ Nôm, đọc lại Kiều/ Mới hay dâu bể bấy nhiêu còn thường/ Nhớ cha ông lại càng thương/ Xung quanh nét chữ trăm đường binh đao (Nhận mặt cha ông).

Trên “con đò” lục bát, Khúc Hồng Thiện đã vô tình (hay được trao?) mà chở phải một "món hàng khủng" khi thanh xuân còn đương độ, ấy là những nỗi niềm đầy vơi của nhân tình thế thái. Món hàng này là đồ gia bảo của thơ thế hệ trước chuyển cho thế hệ sau, vậy nên mặc nhiên, những trang thơ tình của Thiện lúc ấy cũng bị cái đầy vơi kia chi phối:

Em ngồi bên biển và không/ Ngoảnh đầu lại thấy mênh mông là bờ/…/… Riêng tôi với biển mịt mù/ Vẫn lênh đênh vẫn phù du kiếp người. Thiện đến với thi ca bằng cách viết ấy, và tự già dặn thơ mình trước tuổi bằng góc nhìn của tiền nhân quét qua những nỗi niềm cuộc sống hôm nay. Bởi vậy, nếu ai đã đọc lục bát của Thiện từ "Chênh chao tích chèo" đổ về trước, thì có thể thấp thoáng nhớ về anh với góc nhìn đa chiều qua sau những vạt ca dao, cổ tích, kiểu như:

Nô biệt tích, Màu bặt tin/ Trăm năm gửi lại oan khiên với đời/ Mầu, Nô góc bể chân trời/ Chiếu chèo phó mặc mồ côi một thằng…/…/ Làng mình vào hội hay chưa/ Để cho tôi được lên chùa nhận con! (Chênh chao tích chèo).

3. Đến "Cùng nhau nhân từ"

Sau những tháng năm đằng đẵng cùng cơm áo nơi đô hội, cái nghiệp chữ, nghề thơ đặt Thiện vào lòng một tờ báo giữa Thủ đô, (Nhà thơ, nhà báo Khúc Hồng Thiện hiện đang công tác tại Báo Nhân dân). Tám năm, sau những chênh chao vô tư đầu đời, thơ Thiện được sinh ra trong sự va đập khắc nghiệt của cuộc sống và nghiệp thơ, đặc biệt với thơ lục bát, thì sự va đập càng trở nên quyết liệt.

Lục bát thời nay không còn chỗ cho những cái tự sự, mặt phẳng của tiền nhân, nhưng là một thể thơ truyền thống, vốn đã rất quen thuộc với người Việt, nên ngay ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có sự đồng thuận cao trong quá trình "sáng tạo - tiếp nhận" giữa thơ lục bát và đối tượng của nó. Bởi vậy, hình như ý thức được điều đó, nên tám năm qua, chàng thơ họ Khúc đã âm thầm khai phá và mở rộng cứ địa cho thơ của mình trong nhiều thể loại. Ấy thế nhưng đọc "Cùng nhau nhân từ" mới xuất bản của Thiện, vẫn thấy cái được hơn cả lại là những cung sáu tám quen thuộc.

Này đây, trong trẻo mở ra giữa khoảng trời thơ và đời của Thiện bây giờ là:

Bước chân nhỏ chạy lon ton/ Muốn bung ra khỏi khoảnh tròn chung cư (À ơi, câu hát).

Tám năm đi qua Thiện mới xuất bản tập thứ 2, nhưng khoảng thời gian ấy là sự chững lại cần thiết để hoàn thiện và lớn lên, để định hình một tư duy thơ vì đất nước, quê hương và cuộc sống (chứ không vì sự huyễn hoặc của chữ nghĩa):

Mịt mùng bao cuộc bể dâu/ Người xưa dong cánh buồm nâu quan hà/ mưa nguồn chớp bể đảo xa/ nghe trong gió lộng vẫn là tiếng quê (Lục bát Đảo Chìm).

Ừ, chả cần phải cố gắng dị biệt để thơ mình vào lâu đài nghệ thuật ảo nào đó, trong khi non sông này, cuộc sống này, kiếp người này luôn ăm ắp muôn vạn nỗi niềm cần thơ chia sẻ và tương tác:

Bao nước mắt nhỏ đất này/ khóc cho máu lửa tháng ngày chưa xa/ Tuổi xuân ơi tuổi xuân à/ mộ chung với cỏ xanh và… ước mơ (Bâng khuâng Thành Cổ).

Đọc lục bát của Thiện bây giờ, thấy câu chữ đã nhập về đúng với độ tuổi, cái già dặn gường gượng ngày xưa đã tuột dần sau những năm tháng va đập trên nẻo đường đời, đường thơ:

"Vẫn đây chồng ngất ngư say/ vẫn kia vợ đợi tháng ngày… còn thương/ vẫn Hạnh Phúc một con đường/ vẫn huyền thoại đá và sương cuối trời" (Mưa Đồng Văn). Câu chữ đã tìm về đúng tuổi, nên câu thơ tự nhiên và thanh thoát, nhiều câu thơ của Thiện bây giờ mang những trăn trở, lo toan nặng hơn, đầy hơn nhưng không to tát, ồn ào: "Đời con rồi sẽ thế nào/ Khi sông ngưng chảy khi ao lấp bồi/ Bao nhiêu rừng trọc hóa đồi/ Phù sa và những lở bồi cũng không/ Những ai ăn mặn cánh đồng/ Có nghe sầm sập ngàn sông xối về" (Dòng sông nào). Như đã nói ở phần trước, trên con đò lục bát Khúc Hồng Thiện, cái chất thế sự vốn đã nặng duyên, nhưng ơn giời, sau tám năm bên những ghềnh thơ, thác chữ, thì nó thị hiện như này: "Mưa rửa đền, mưa tái tê/ làng lên phố, phố thành quê nhập nhòa/ nước non giờ ngớt can qua/ giật mình, toàn chuyện trong nhà mới lo" (Mưa rửa đền).

Đọc suốt cả "Chênh chao tích chèo", tìm mỏi mắt vẫn chưa giáp mặt một câu thơ tình ấn tượng thật sự nào, nhưng đến "Cùng nhau nhân từ", thì chỉ cần xem Khúc Hồng Thiện gieo những bảng lảng yêu cũng đã nảy mầm vào mùa chữ: "Thuyền trôi lỡ nhịp chiêm bao/ Áo em còn trắng phía nào mây bay/ Anh về theo lối chưa ngày/ Gió còn Đà Nẵng bên này cùng em" (Sông Hàn).

Lục bát Khúc Hồng Thiện: Từ
Hai tác phẩm thơ của Khúc Hồng Thiện.

Lục bát của Khúc Hồng Thiện hôm nay, nhiều chỗ bất ngờ, nhiều chỗ sáng tạo đáng quý, nhưng vẫn còn nhiều chỗ khiến ta thấy tiếc, tiếc bởi sự đầy đặn quá, như ở mấy câu này:

"Biết rằng em sắp lấy chồng/ Hẹn nhau lần cuối, chẳng mong chuyện nhiều…/…/ Thế mà em/ Thế mà tôi/ Dửng dưng/ Toàn nói những lời dửng dưng/ Giả vờ quên/ Báo tin mừng/ Lối đi xưa/ Hai đứa từng bước lên/ Tưởng rằng đến chỉ mình em/ Thêm một ai để trái tim nghẹn lời" (Hẹn nhau lần cuối).

Đây là một bài thơ được làm theo kiểu ngắt dòng (điều này ít thấy trong thơ lục bát của Thiện), cách ngắt dòng ấy, tạo ra được sự ngập ngừng, gượng ép, nhịp thơ ấy, góp phần thị hiện được tâm lý các nhân vật trong buổi gặp cuối cùng với người yêu cũ. Nhưng giá như bài thơ chỉ dừng lại ở câu lục: "Tưởng rằng đến một mình em", và đổi thành "Giá như đến một mình em"… thì gợi hơn, thơ hơn, nhưng Thiện lại còn dắt vào thơ mình "Thêm một ai để trái tim nghẹn lời" thì có vẻ như hơi hoang phí câu chữ, lại vừa làm nhạt ý tứ bởi cái mòn sáo trong câu bát cuối cùng kia…

Nhà thơ Khúc Hồng Thiện đến với thi ca bằng cây cầu lục bát, định danh bước đầu bằng thơ lục bát, ấy là cái nợ, cái duyên và có thể cũng là cái phận thơ, nghiệp thơ của anh trong kiếp văn chương này. Từ những bài thơ lục bát đầu tiên của tập "Chênh chao tích chèo" đến bài khép lại của tập "Cùng nhau nhân từ" là cả một quãng đường thơ thăm thẳm. Quãng đường quá độ ấy hun hút dài bởi chính sự chuyển đổi về tư tưởng và ngôn ngữ thơ của Thiện. Trên cung đường văn chương ấy thấy câu chữ miền sáu tám đang chín, đang đằm dần lên theo từng lớp tuổi, thấy những sáng tạo, tìm tòi tích cực của một nhà thơ trẻ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam hôm nay đang lặng lẽ dấn thân cùng thơ lục bát.

Nguyễn Thế Kiên
.
.