Suy nghĩ khi đọc Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, quý I/2023

Lòng sông gương sáng bụi không mờ

Thứ Năm, 16/02/2023, 08:41

Tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư đúc kết những bài học quý giá với sự nghiệp kiến quốc hiện nay. Theo cách nói của người xưa là “cập thời vũ”. Nhưng sâu xa hơn, bền vững hơn là tinh thần phê bình và tự phê bình của Đảng và Nhà nước trước nhân dân, theo ý nghĩa là một cuộc chỉnh đốn có tính cách mạng. Đó chính là tinh thần căn bản, được coi như là chân tủy của tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư.

“Cách mạng sở dĩ phát triển mãi, tiến bộ mãi, càng gặp nhiều gian khổ càng mạnh mẽ thêm, là nhờ có phê bình và tự phê bình. Cho nên toàn thể đảng viên và cán bộ cần làm gương mẫu thật thà phê bình và tự phê bình để tự giáo dục mình và giáo dục nhân dân, để làm tròn sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc” (Hồ Chí Minh)

Văn hóa Việt Nam thời đại cách mạng (từ 1930 đến nay) là một dòng chảy liên tục và mạnh mẽ kết nối truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam - văn hóa Hồ Chí Minh - văn hóa Đảng. Tháng 8/1945, với lực lượng chỉ 5.000 đảng viên trung kiên, Đảng Cộng sản Đông Dương dưới sự lãnh đạo tài tình của Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tổ chức Tổng khởi nghĩa thành công.

Bản “Tuyên ngôn Độc lập” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết và đọc tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội lịch sử, ngày 2/9/1945, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Chiến thắng của dân tộc Việt Nam với các đế quốc lớn của thế kỷ XX qua cuộc chiến tranh cách mạng chứng minh sự chiến thắng của nền văn hóa Việt Nam vốn có truyền thống “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Nguyễn Trãi - “Bình Ngô đại cáo”).

Lòng sông gương sáng bụi không mờ -0

Việt Nam là một quốc gia có dân số đông (100 triệu người trong nước, tính đến 2023). Đội ngũ, lực lượng của Đảng hùng hậu (lên đến 5,3 triệu đảng viên, tính đến 12/2022). Sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong công cuộc đổi mới là tất yếu khách quan, vì “Đảng ta là Đảng cầm quyền” (Hồ Chí Minh).

Cổ nhân dạy, khởi sự thành công việc gì cũng cần hội đủ ba yếu tố “thiên thời- địa lợi - nhân hòa”. Rõ ràng là, trong tình hình hiện nay, nhân tâm thời đại đang đặt ra cho toàn xã hội những trăn trở, suy nghĩ, cảm xúc trái chiều về không phải nước ta mạnh hay yếu, giàu hay nghèo, tụt hậu hay tiên tiến... Vấn đề cốt lõi hiện nay lại nằm ở nhận thức chung: nếu chúng ta chưa vững mạnh bởi vì chúng ta chưa trong sạch. Vì vậy, các nghị quyết của Đảng về xây dựng Đảng, lực lượng vũ trang nhân dân (Quân đội, Công an) thường đặt (nhấn mạnh) yêu cầu phẩm chất “trong sạch” lên hàng đầu (một dẫn chứng về bài viết “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh - điều kiện bảo đảm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng”, thuộc Phần thứ hai/ mục A. “Đảng phải tự đổi mới, chỉnh đốn”; tr. 265-285 trong tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư).

Nhiệm vụ cấp bách hiện nay của chúng ta là củng cố niềm tin/ đức tin của nhân dân về Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp kiến quốc. Đó là cái nhìn biện chứng, thấu suốt chân tơ kẽ tóc vào mọi lĩnh vực đời sống từ vi mô đến vĩ mô. Với tinh thần của người cộng sản chân chính, chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (Hồ Chí Minh - “Sửa đổi lề lối làm việc”, 1947).

Bối cảnh ra đời một tác phẩm có ý nghĩa rất quan trọng để nhận thức chân giá trị của nó, xét về tầm ảnh hưởng xã hội. Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, quý I/2023. Lễ ra mắt sách được Ban Nội chính Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức ngày 2/2/2023, tại Hà Nội.

Ngày 9/2/2023, Bộ Công an phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Tọa đàm khoa học “Giá trị lý luận, thực tiễn cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Đây là sự kiện văn hóa bởi tác phẩm đã tạo nên sức mạnh lan tỏa và thuyết phục, được nhân dân đón nhận do tính thời sự cấp thiết của nó. Hơn thế, tác phẩm như một “cẩm nang”, một lời tuyên chiến với nạn tham nhũng, tiêu cực đang trở thành “quốc nạn”, “nội xâm”.

Với tư cách một công dân (không phải đảng viên), nhưng tôi đón nhận tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên tinh thần khoa học, bình tĩnh, tin tưởng vì thông qua cuộc đấu tranh kiên quyết và bền bỉ này, nhất định sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và Nhà nước chúng ta sẽ được nâng lên tầm mức mới, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ 1986. Một cuộc đấu tranh có ý nghĩa và tầm vóc thời đại, có giá trị “chân - thiện - mỹ”. Đảng, do vậy ngày càng xứng đáng với niềm tin của nhân dân về đội ngũ tiên phong cách mạng suốt 93 năm qua (1930-2023).

Tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư đúc kết những bài học quý giá với sự nghiệp kiến quốc hiện nay. Theo cách nói của người xưa là “cập thời vũ”. Nhưng sâu xa hơn, bền vững hơn là tinh thần phê bình và tự phê bình của Đảng và Nhà nước trước nhân dân, theo ý nghĩa là một cuộc chỉnh đốn có tính cách mạng. Đó chính là tinh thần căn bản, được coi như là chân tủy của tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư.

Tinh thần và bản lĩnh nêu gương của đảng viên, cán bộ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng là một cuộc cách mạng trong nghĩa rộng của từ. Dân gian có câu “phòng cháy hơn chữa cháy”. Liên hệ với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đang được thực thi triệt để, quyết liệt, được nhân dân ủng hộ mạnh mẽ (từ khóa là “đốt lò”). Song những người tử tế đều nhận thấy chúng ta “chống” mạnh hơn “phòng”.

Trong công cuộc bảo vệ độc lập, hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta đã có chiến lược phòng thủ từ xa (bảo vệ từ xa, ngăn chặn từ xa). Rõ ràng chúng ta có tinh thần triệt để cách mạng và kinh nghiệm chống “ngoại xâm” hơn “nội xâm”. Đến bao giờ tinh thần yêu nước chuyển thành những làn sóng lớn mạnh đủ sức nhấn chìm những kẻ tham nhũng, tiêu cực như nó đã từng nhấn chìm lũ bán nước và cướp nước trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc?!.

Công việc “tự giáo dục mình” trước khi “giáo dục nhân dân” - như lời Bác Hồ dạy - với những đảng viên, cán bộ có chức quyền, trong thực tế xem ra khác nào “vượt vũ môn”. Quyền lực đang dần dần bị nhốt trong “lồng cơ chế” (kỷ luật của Đảng, hệ thống pháp luật Nhà nước, hiểu như là “quốc pháp”). Nhưng ai cũng hiểu, đây là cuộc đấu tranh với tinh thần phê bình và tự phê bình rất cao, trường kỳ như kháng chiến trường kỳ vậy. Nó đòi hỏi người đảng viên, cán bộ phải thực sự “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” (hiểu là “văn hóa liêm chính”). Phải cầu thị, phải tu thân tích đức, phải biết liêm sỉ với mỗi đảng viên, cán bộ. Đúng như Phật dạy “Kẻ thù lớn nhất của mình chính là bản thân”. Khó khăn là vô cùng tận nhưng không thể không làm.

Thẳng thắn và chân thành, đồng chí Tổng Bí thư viết: “Đã một thời gian dài, người cộng sản chiếm được uy tín tuyệt đối trong nhân dân. Dưới mắt của nhiều người, người cộng sản là một mẫu mực tuyệt vời, một con người rất đẹp, đáng yêu, đáng phục. (...). Thế mà những năm gần đây, hình ảnh người cộng sản dường như không còn hấp dẫn nữa, dường như đã bị phai mờ. (...). Người ta truyền nhau câu cửa miệng: “đảng viên nhan nhản, cộng sản hiếm hoi” - trong bài “Cái làm nên uy tín đảng viên”, tr. 510- 522). Lấy lại uy tín của Đảng làm nền tảng xây dựng niềm tin, đức tin xã hội, xét cho cùng cũng là một cuộc cách mạng mang tính tiến bộ, nhân văn. Uy tín của Đảng không có gì cao xa khi mỗi đảng viên trui rèn trở thành một con người tử tế. Xã hội sẽ tốt đẹp, Đảng và Nhà nước sẽ mạnh lên bội phần khi tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng con người tử tế. Văn hóa Đảng mà nhân dân kỳ vọng giản dị như chân lý.

“Mở một cuốn sách gặp một con người”, danh ngôn này trùng phùng với những người đọc tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, mạnh mẽ trong tôi về ý chí, nghị lực, trí tuệ, lòng nung nấu của một đảng viên trung kiên, gương mẫu, tận tụy vì sự nghiệp kiến quốc, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh, vì một đất nước “quốc thái dân an”. Phẩm chất này có thể dùng hai chữ “cao vọng” mới biểu đạt hết lý tưởng và khát vọng của một người cộng sản chân chính, dám xả thân vì nghĩa lớn.

Cuốn sách cũng giúp tôi hình dung đầy đủ về một con người có trí tuệ mẫn tiệp, một nền tảng tư duy lý luận sáng suốt, một bề dày thực tiễn cách mạng phong phú. Nói cách khác, cuốn sách được viết với một độ kinh lịch lớn - trải nghiệm sống, trải nghiệm văn hóa sâu sắc. Mở một cuốn sách gặp một hình ảnh “Lòng sông gương sáng bụi không mờ” (trong bài “Mới ra tù tập leo núi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong tập thơ “Nhật ký trong tù”). Một hình ảnh thơ có ý nghĩa tượng trưng cho nhân cách, tâm hồn của một người chiến sĩ cộng sản đã thực hành phương châm “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” (Tố Hữu - “Bác ơi!”).

Bùi Việt Thắng
.
.