Lời nói vần - nét văn hóa đặc sắc của người Êđê ở Đắk Lắk

Thứ Tư, 31/08/2022, 17:28

Trong kho tàng văn hóa dân gian, lời nói vần của người Êđê ở tỉnh Đắk Lắk là một thể loại văn học đầy chất trữ tình. Nó được tạo ra bởi tri thức dân gian, là lời ăn tiếng nói kết tinh nhiều trí tuệ đề cập đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, được đúc kết và truyền đạt từ đời này sang đời khác.

Người Êđê ở tỉnh Đắk Lắk có đời sống vật chất và tinh thần rất đặc sắc. Chính những giá trị văn hóa truyền thống của người Êđê đã tạo nên những nét đặc trưng văn hóa của vùng đất nơi này. Những nét văn hóa phong phú, đa dạng của người Êđê đã thật sự đóng góp vào kho tàng văn học Việt Nam những tri thức văn hóa lịch sử quý giá.

Trong kho tàng văn hóa dân gian Êđê, lời nói vần (klei duê) là một bộ phận ngôn từ xuất hiện phổ biến, được phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng. Lời nói vần được tạo ra bởi tri thức dân gian, góp phần làm phóng phú, đa dạng di sản văn hóa dân gian và bản thân ngôn ngữ, tiếng nói của dân tộc Êđê.

a1 (2).jpg -0
Nghi lễ là một trong những không gian diễn xướng lời nói vần của người Êđê.

Trong tiếng Êđê, lời nói vần thường được dùng với từ ghép klei duê. Từ klei có nghĩa là lời nói, còn duê có nghĩa là nối kết. Klei duê là lời nói có sự nối kết với nhau bằng các âm tiết cùng vần hoặc bằng từ có các âm tiết tương đồng. Những ai có tài duê được cộng đồng ca ngợi: “Người có môi thần cho/ Có môi thần tạo/ Tai dính chặt với đầu/ Là người có tài hát kưưt, mmui, ayray”.

Lời nói vần của người Êđê ở tỉnh Đắk Lắk có mặt trong tất cả thể loại văn học dân gian như: truyện cổ tích (klei đưm), lời khấn thần (riu yang), câu đố (klei mđăo), hát khóc (chok hia), luật tục (klei bhiăn kđi), hát đố (klei mđăo), hát giao duyên (ei rei), sử thi (khan)… Nội dung của nó đề cập đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, được đúc kết và truyền dạy từ đời này sang đời khác.

Trong đời sống của đồng bào Êđê, lời nói vần luôn chiếm một vị trí đặc biệt, nó giúp ích, thiết thực cho việc trao đổi thông tin, giao tiếp, giúp cho người nghe có thể tiếp thu nhanh chóng và nhớ lâu. Bởi, lời nói vần là những câu chữ ngắn dài được nối kết với nhau một cách hợp lý bằng vần điệu khá nhuần nhuyễn và sinh động.

Nội dung lời nói vần thường được dùng để diễn đạt một cách cô đọng và ngắn gọn những kinh nghiệm đã đúc kết được trong quá trình phát triển và trường tồn của người Êđê. Chẳng hạn về kinh nghiệm thời tiết, sản xuất là những câu thông báo các hiện tượng thiên nhiên và phổ biến kinh nghiệm sản xuất cho cộng đồng. Đồng bào thường mượn hình ảnh bông hoa, âm thanh tiếng suối, tiếng chim để điểm nhịp đi của thời gian, của mùa màng trên nương rẫy: “Cây truk trổ bông là vào mùa khô/ Con ve yut kêu là mùa phát rẫy/ Trái hngăm chín là mùa dọn rẫy/ Trái da trâu chín là mùa gieo hạt/ Bầy vẹt kêu là mùa tuốt lúa”.

Đối với sinh hoạt cộng đồng, ý thức cộng đồng của người Êđê trong cuộc sống đã được lời nói vần phản ánh nhiều mặt, từ lời khuyên bảo con cháu đến việc nhắc nhở nguồn gốc dòng tộc, bổn phận mỗi thành viên trong cộng đồng… Ví như: “Qua chỗ người ta cắm chông thì trúng chông/ Qua lời cha mẹ thì bị phạt” hay “Trồng cây phải hỏi chú bác/ Đừng như con hươu trong rừng/ Với cặp sừng dậm chân một mình”… Những lời khuyên dù ở hình thức nào cũng nhằm củng cố mối quan hệ cộng đồng. Có thể thấy, giá trị nổi bật của lời nói vần về sinh hoạt cộng đồng là góp phần bảo vệ lợi ích của cộng đồng, buôn làng.

Đặc biệt, phần lớn lời nói vần của người Êđê là những lời tâm tình của trai gái yêu nhau. Chất liệu để tạo ra lời nói vần về tình yêu nam nữ bao giờ cũng gắn liền với khung cảnh thiên nhiên quen thuộc, với cuộc sống thường ngày của họ như quả dưa, chiếc gùi, chiếc vòng, bông hoa nghệ, dòng suối chảy, con chim cu đất... Chẳng hạn mượn hình ảnh bông hành, bông nghệ, chim bhi, chim gông tượng trưng cho tình yêu xa cách và mong ước gần nhau của trai gái: “Gửi bông hành, bông nghệ nhớ không thôi/ Em mong anh đã lâu/ Như em mong chim bhi/ Em đợi anh đã nhiều/ Như em đợi chim gông”. Và, tình yêu của trai gái Êđê rất mộc mạc, thủy chung: “Một trái dưa cũng chẳng quên nhau/ Một cái bắp cũng dành cho nhau”.

Có thể thấy, trong cuộc sống của người Êđê, lĩnh vực nào cần có kinh nghiệm thì ở đó có lời nói vần. Đó không chỉ là những kinh nghiệm quan sát được mà cả những kinh nghiệm được nhìn nhận, suy ngẫm từ các giác quan bên trong của con người, hết sức tinh tế và nhạy cảm. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lời nói vần của người Êđê phản ánh khá đầy đủ những đức tính của người dân lao động như cần cù, kiên trì, tinh thần lạc quan, óc thẩm mỹ, tình yêu thương, ý thức đề cao về cái đẹp tâm hồn, về danh dự, lòng chung thủy… Chính lời nói vần đã góp phần làm phong phú, sinh động, tô đậm bản sắc văn hóa Êđê.

a2 (1).jpg -0
Lúc lên nương rẫy, người Êđê cũng có thể sử dụng lời nói vần.

Lời nói vần của người Êđê là lời ăn tiếng nói kết tinh nhiều trí tuệ được đúc kết và truyền đạt từ đời này sang đời khác. Các nghệ nhân, các già làng luôn là người thuộc nhiều lời nói vần và nó trở thành vốn liếng cần thiết trong hành trang của họ để sống, giáo dục con cháu. Người thuộc nhiều lời nói vần có thể vận dụng nó ở những hoàn cảnh phù hợp, từng tình huống cụ thể như khi nói chuyện tâm tình, lúc ngâm ngợi cuộc vui buổi uống rượu, xướng ca trong đêm lễ hội ấm áp tình cộng đồng hoặc khi bàn bạc công việc đại sự…

Là người có uy tín, am hiểu về lời nói vần, ông Y Wang Hwing (ngụ buôn Triă, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) thường dùng lời nói vần để nhắc nhở, khuyên răn bà con trong buôn làng những điều hay, lẽ phải. Ông bảo, lời nói vần có thể là kinh nghiệm đúc kết về thiên nhiên như việc xem thời tiết, cây cỏ, chim muông, qua đó để biết thời vụ gieo trồng, gặt hái, đoán ngày tốt, ngày xấu; về xã hội và con người như cách ứng xử trong gia đình, xã hội, phong tục, tập quán. Ở buôn làng Êđê, vào những ngày sau thu hoạch mùa màng, những ngày nhàn rỗi, đứng từ xa thì nghe tiếng chiêng trống, đến gần thì nghe lời nói vần ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, buôn làng, tình cảm, hành động tốt đẹp của con người trong cuộc sống.

Ông Y Chen Niê - Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk), cho biết: “Kể sử thi hay các sinh hoạt văn hóa cộng đồng khác phải có không gian diễn xướng, còn lời nói vần không bắt buộc không gian diễn xướng. Lời nói vần có thể sử dụng trong lúc nghỉ ngơi sau giờ làm nương rẫy, khi đi lấy nước, bên ché rượu cần khi anh em, bạn bè gặp gỡ tâm tình hay người già răn dạy con cháu… Người diễn xướng tùy vào tâm trạng, câu chuyện, hoàn cảnh mà biến tấu, sáng tạo thành những vần, điệu để người nghe dễ hiểu, dễ nhớ. Vì thế, loại hình văn hóa dân gian này chính là một nét đẹp văn hóa trong cộng đồng người Êđê”.

Lời nói vần của người Êđê ở tỉnh Đắk Lắk có một “trữ lượng” khá phong phú. Lời nói vần là tiếng lòng, giọng nói của cha ông để lại, là báu vật ngàn đời của người Êđê. Chính vì những giá trị về nhiều mặt, ngày 4/8/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch Nguyễn Văn Hùng đã ban hành Quyết định số 1840/QĐ-BVHTTDL công nhận lời nói vần của người Êđê (huyện Cư Mgar) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngoài lời nói vần, đợt này, lễ mừng thọ của người Mnông (huyện Lắk) cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như vậy, cùng với Khan (sử thi Êđê), hiện tại tỉnh Đắk Lắk đã có 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này.

Phan Nhuận Phin
.
.