Lợi ích và hạnh phúc

Thứ Năm, 23/03/2023, 07:00

Tôi từng có thắc mắc: Vì sao một đứa trẻ chỉ mới lên năm như cháu tôi lại có thể biết được nhiều chuyện ngoài xã hội như thế? Nào là từ cấu tạo các loại xe như: Lamborghini; Bugatti Chiron Sport cho đến Mercedes-Maybach Exelero; Rolls-Royce Sweptail... đến giá thành, chủ sở hữu; những vụ việc liên quan đến những siêu xe này... trong khi bố mẹ của cháu vẫn đang  ở nhà cấp bốn và chỉ đi xe máy cà tàng...

Cha tôi bảo: bọn trẻ bây giờ thật hạnh phúc, bé bằng đấy mà đã biết đủ thứ tận "chân trời góc bể". Trong khi bằng tuổi chúng, thế hệ ông ngày xưa chỉ biết chọi cỏ gà, chơi bi, đua trâu, đánh đáo, chơi khăng… quanh quẩn dưới gốc đa nên thật sự phải cảm ơn các streamer, các youtuber vì họ đã mang cả thế giới đến với những đứa trẻ sinh ra trong những gia đình kinh tế chưa dư dả gì…

Nghe xong câu chuyện từ hai thế hệ khác biệt này, người viết lại nhớ đến một định nghĩa về hạnh phúc của nhà thơ người Mỹ có tên là Ralph Waldo Emerson (1803-1882), ông cho rằng: "Hạnh phúc là một thứ nước hoa mà khi bạn đã ban phát cho người khác thì được hưởng vài giọt cho chính mình". Câu nói này có nghĩa là, hạnh phúc chỉ đến khi lợi ích chung (người khác: cộng đồng) lớn hơn lợi ích của bản thân mình ("vài giọt" nước hoa). Bao giờ cũng thế, mục tiêu, động cơ nào thì hành động ấy, liệu các streamer, youtuber (ngoài lợi ích riêng) họ còn muốn đem lại lợi ích (một yếu tố tạo nên hạnh phúc) cho cộng đồng mạng hay không? Việc trả lời câu hỏi này sẽ giúp chúng ta cảm nhận hơn rõ về những xu hướng của mạng xã hội, của ứng xử xã hội hôm nay.

Lợi ích và hạnh phúc -0
Hạnh phúc là một giá trị đem lại lợi ích cho mọi người.

Nhà báo Nguyễn Dương (Báo Dân trí) đã chỉ ra thực tế về các streamer tại đám tang của Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Linh: "Vào thời điểm trang nghiêm nhất, xúc động nhất của lễ tang, những người này không ngừng chen lấn lên phía trên, tay cầm điện thoại và liên tục đưa ra những lời giới thiệu, bình luận về người nhà cũng như các nghệ sĩ đến viếng để cập nhật thông tin cho video của họ". Tác giả còn phân tích thêm: "Đây không phải lần đầu xuất hiện lực lượng streamer bất chấp pháp luật và đạo đức ở lễ tang nghệ sĩ Việt. Từ nhiều năm nay, nhóm các YouTuber, TikToker này thường xuyên kéo đến các sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều người để quay phim, chụp ảnh, phát trực tiếp trên các kênh cá nhân của họ, qua đó tăng tương tác và kiếm tiền nhờ kênh cá nhân của họ trên mạng xã hội".

Hiểu một cách đơn giản, những gì mà pháp luật không ngăn cấm thì chính là khoảng trống để con người ta có thể làm điều mình thích. Nhưng liệu rằng, thoả mãn những lợi ích có đồng nghĩa với hạnh phúc? Câu hỏi này nếu đặt trong bối cảnh của một vài thập kỉ trước sẽ rất dễ trả lời. Khi có được những nhu cầu thiết yếu, con người ta đã thấy hào hứng, vui vẻ. Nhưng, trước xu thế  mới không hẳn lợi ích nào cũng song hành, đồng thuận với hạnh phúc.

Người viết lại xin kể thêm một câu chuyện khác để chúng ta có thêm một sự tham chiếu khách quan. Công bằng mà nói, thương mại xã hội (Social Commerce) đang là xu thế mới, đem lại hiệu quả cho thị trường thế giới (nói chung) và Việt Nam (nói riêng). Theo thông tin trên Báo Tuổi trẻ, tại Việt Nam 59% người tiêu dùng muốn trò chuyện (chat) với doanh nghiệp khi xem xét hoặc nghiên cứu thông tin về sản phẩm". Như vậy, nguồn khách hàng có được là bởi họ biết được thông tin của nhà cung cấp (thông qua nền tảng mạng xã hội) và trực tiếp tương tác với họ. Liệu những khách hàng này có cảm thấy hạnh phúc từ sự tương tác đó?

 Mới đây, Tạp chí Newsweek của Mỹ đã đưa quán cà phê có tên là The note coffee (quận Hoàn Kiếm- Hà Nội) vào danh sách những quán cà phê kỳ lạ nhất thế giới bởi trong suốt 10 năm qua đã lưu lại hơn 1 triệu lời nhắn của khách thông qua những tấm giấy nhớ đầy màu sắc. Một khách hàng người Đan Mạch có tên là Helena chia sẻ: "Tôi đã bị choáng ngợp với không gian này. Tôi và bạn viết lời nhắn dành cho nhau để sau này khi có cơ hội quay lại đây chúng tôi sẽ cùng đọc lại" (theo Vietnamnet).

Được biết, đây là một quán cà phê rất đông khách và được nhiều bạn trẻ biết đến. Đương nhiên, người ta không thể đến đây chỉ để ngắm những lời nhắn nếu chất lượng cà phê không cao và ngược lại. Hạnh phúc của khách hàng, lợi ích của người kinh doanh đang song hành và tương hỗ cho nhau.

Rõ ràng, những lời nhắn không thuộc về hương vị cà phê nhưng nếu chất lượng đồ uống không cao sẽ không có nhiều người đến để lại 1 triệu lời nhắn. Lợi ích của người mua bao giờ cũng là chất lượng sản phẩm. Nếu xét theo lí thuyết của kinh tế, lợi ích cận biên (Marginal Utility) là: "lợi ích cận biên là lợi ích tăng thêm do tiêu dùng thêm một đơn vị hàng hóa, dịch vụ". Vậy thì người chủ quán cà phê hay khách hàng đang được hưởng lợi? Câu trả lời trong trường hợp này có lẽ đến từ hai phía và họ đều cảm thấy hạnh phúc.

Đáng tiếc rằng trong cuộc sống không phải lúc nào sở thích, lợi ích cũng đem lại hạnh phúc cho cả hai phía. Đơn cử như việc nhiều bức tường mang nét đặc trưng phố cổ Hội An đã bị bôi bẩn bằng hàng loạt hình, chữ graffiti gây phản cảm. Người dân đã tìm mọi tẩy xóa nhưng chưa trả lại được sắc màu vốn có cho các bức tường vàng đặc trưng này. Sự lệch pha giữa kiến trúc cổ và những dòng chữ này cho thấy việc các nước xử phạt việc tự ý bôi bẩn lên các bức tường là rất cần thiết. Giữa các dòng graffiti ở các bức tường của phố cổ Hội An hay một triệu lời nhắn được dán lên bàn ghế ở quán cà phê The note coffee ở Hà Nội chỉ là ranh giới của sự truyền cảm và phản cảm, giữa những lợi ích và sự ích kỉ.

Lợi ích và hạnh phúc -0
Sức khỏe tốt là nền tảng cho hạnh phúc.

Hay nói cách khác, giữa hạnh phúc của người này với hạnh phúc của người kia luôn tồn tại một khác biệt.  Theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report - WHR) năm 2022: Việt Nam xếp vị trí 77 (tăng 2 bậc so với năm 2021 và tăng 6 bậc so với năm 2020). Nhưng, từ sau đại dịch COVID-19, thử nhìn sang một quốc gia khác, nghiên cứu gần đây của Prince's Trust, chỉ số hạnh phúc của thế hệ trẻ của Vương quốc Anh đang xuống mức thấp nhất trong 13 năm: "35% người trẻ từ 16-25 tuổi cho biết, họ chưa bao giờ cảm thấy cô đơn và thiếu tự tin như lúc này; 40% thanh niên tham gia cuộc khảo sát cho biết họ lo lắng về khả năng giao tiếp của mình với người khác, 33% cho biết họ đã "quên mất" cách kết bạn mới" (theo Đỗ Trang-Pháp luật Việt Nam). Thế mới biết, khi con người ta chưa có được những lợi ích thiết thực nhất, đơn giản nhất của bản thân thì rất có để đạt đến hạnh phúc. Hạnh phúc phải chăng đã và đang là thử thách của từng vùng đất, từng không gian sống, từng quốc gia và cuộc đời của mỗi người. Và đến lượt chính hạnh phúc đem lại lợi ích cho chúng ta.

Nhưng suy cho cùng, hạnh phúc chỉ đến khi một hành động, việc làm tạo ra được giá trị chứ không phải là hình thức bề ngoài. Bởi thế, dù dưới bất kì hình thức nào, lợi ích của bản thân cũng phải được đặt trong mối tương quan với lợi ích chung, trong  các nấc thang của giá trị. Còn nhớ, trong 12 giá trị sống của UNESCO thì hạnh phúc là giá trị đứng thứ 8 (sau đó đến các giá trị: Trách nhiệm; Giản dị; Tự do;  Đoàn kết) và được lý giải như sau: "Hạnh phúc sẽ mỉm cười khi lòng ta tràn ngập hy vọng và sống có mục đích. Khi tâm hồn bình yên và giàu tình yêu thương, hạnh phúc sẽ tự nhân lên. Khi mong muốn những điều tốt lành đến với mọi người, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc tràn ngập con tim".

Như thế có nghĩa là để bản thân và cộng đồng hạnh phúc cũng đâu có khó khăn gì…

Kiến Văn
.
.