(Ðọc tiểu thuyết “Thế giới phẳng mùa COVID” của Thu Trân, NXB Đà Nẵng, 2022)

Lấp lánh yêu thương

Thứ Năm, 07/04/2022, 16:09

Với “Thế giới phẳng mùa COVID”, nhà văn Thu Trân đem đến cho người đọc những trang văn ám ảnh nhưng đầy tình yêu cuộc sống và đậm yêu thương

“Thế giới chưa bao giờ khiến người ta phải giấu mình như giấu mình trong đại dịch corona… Người ta phải giấu hết nỗi lòng trong cơn dịch bệnh. Sự khủng khiếp. Nỗi kinh ngạc. Những rối loạn âu lo. Hằng hà cái chết đến rất nhanh mà không được nhìn mặt nhau, không được nói lời từ biệt nhau đã khiến loài người khủng hoảng”…

Nhà văn Thu Trân đã viết như vậy trong tiểu thuyết “Thế giới phẳng mùa COVID”, NXB Đà Nẵng, 2022. Những trang viết trong không gian ngột ngạt của phòng cách ly hay đường phố hoang vắng và hình bóng con người khật khưỡng…, đều chất chứa những ám ảnh nội tâm, day đi day lại đến đớn đau tận cùng.

untitled-10.jpg -0
Nhà văn Thu Trân.
Hai năm đại dịch hoành hành, thời gian dài thành phố phương Nam thực hiện giãn cách xã hội cũng là những ngày nhà văn trải lòng trên trang viết. Viết như chạy đua, viết với tâm thế ghi chép lại, nhận thức lại những bi kịch của loài người qua lăng kính nhà văn, qua hình tượng nhân vật sống động cùng những tâm tư, tình cảm của từng bản thể trong xã hội những ngày không thể nào quên. Không gian trải rộng từ châu Á sang châu Mỹ, từ Trung Quốc về Việt Nam, những con người quốc tịch khác nhau trong những mốc thời gian đặc biệt của lịch sử loài người như đóng đinh số phận. Và đớn đau, hèn yếu, mạnh mẽ, khôn ngoan, khờ dại, lãng mạn hay thực dụng… đều đã phơi bày, qua lối văn trần thuật, hồi ức đan xen thực tại, từ nhân vật tôi kể chuyện đời mình mà xã hội hiện ra, bối cảnh hiện ra như những thước phim chậm rãi, chạm dần vào tâm cảm người đọc.

Tiểu thuyết bắt đầu từ ngay thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Nghiễm Hoàng, cô giảng viên người Việt đã có 20 năm học và làm việc, đưa cha mẹ sang sống cùng tại thành phố này, có người yêu cũng là giảng viên đại học, tên là Khổng Tước. Thành phố lúc đại dịch hoành hành, mẹ mắc bệnh đang điều trị trong bệnh viện; cô và cha bị cách ly tại chung cư, cha ở tầng 17 còn cô ở tầng 20, áp mái. Như một vở kịch trên nền âm thanh là tiếng rú rít của thần chết, từng xác người chất lên xe, vào những lò thiêu hay những mồ chôn tập thể; mặt hồ công viên đóng váng xanh lè và những ngả đường hoang vắng đến rợn người…

Liên lạc với Khổng Tước không được, Nghiễm Hoàng chỉ có thể nói chuyện với cô bạn thân Bạch Tùng ở Sài Gòn để biết tình hình quê nhà Việt Nam cũng đang căng mình chống dịch. Còn ở tầng áp mái bên này, biết tin mẹ mất ở bệnh viện mà cô bất lực, để bệnh viện lo mai táng cho mẹ. Cũng ở nơi cách ly, 5 y – bác sĩ đã chết. Bác sĩ Hoa Hiên, người trốn lên tầng áp mái, chăm sóc người bệnh, trò chuyện cùng cô, rồi cũng chọn cách tự sát. Hình ảnh bầy quạ đen ở công viên khi cô trốn khỏi khu cách ly như một điềm báo xui rủi. Người đàn ông đeo khẩu trang xanh - như một bóng ma mà cũng là một gặp gỡ định mệnh sau này với cô. Khi cô về đến chung cư, cha cô cũng đã qua đời, con gái 15 tuổi xinh đẹp của Bách Hợp - người giúp việc cho gia đình cô, cũng không sống được trong đại dịch. Ở đây, Nghiễm Hoàng gặp lại Khổng Tước rồi quyết định tìm đường về Việt Nam, “không phải đi trốn dịch như người Việt Nam hay nói, mà đi trốn một ảo giác buồn, từ rất nhiều nỗi buồn cộng lại”.

Hình ảnh hàng ngàn chiếc điện thoại chất chồng bên vệ đường, cạnh hồ nước trong công viên cũng là một biểu tượng của những sự sống bị đại dịch tước đoạt. Có người đàn ông đang ngồi trên đống cellphone và hỏi: “Cô có muốn ngồi cùng không”. “Cảm giác ngồi trên vạn cái cellphone của ông thế nào?”. “Tôi thấy những oan hồn, ngoài vùng phủ sóng và không biết đường về nhà”. Ngũ Long, tên người đàn ông đó cũng là người mang khẩu trang màu xanh, chân mày đen và xếch, từng ngồi nướng quạ ở công viên, cô đã từng gặp hôm trốn khỏi khu cách ly…

bia.jpg -0
Bìa sách “Thế giới phẳng mùa Covid” của nhà văn Thu Trân.

Chuyến trở về Việt Nam cũng đầy cạm bẫy, dù đã cảnh giác cô vẫn sa vào đường dây của bọn buôn bán ma túy. Cô đã thoát ra được và về Việt Nam, gặp lại Bạch Tùng rồi Bạch Tùng qua Mỹ tìm người yêu và nhận ra sự thật, Bạch Tùng đi tìm lẽ sống mới trên vùng đất mới. Ở đó, cô làm tình nguyện viên chăm sóc người bệnh trong các khu cách ly và bắt đầu tình yêu với bác sĩ Jack. Một bà cụ nhiễm bệnh đã nhường máy thở cho chàng trai trẻ, còn bà chỉ dùng kháng sinh, lúc bà mất bác sĩ Jack đứng cạnh run lập cập. Sau này, khi lập danh sách người bệnh, Bạch Tùng mới biết đó là mẹ Jack.

Rồi qua tự sự của Bạch Tùng và của Jack, người đọc biết cô và Jack đều nhiễm COVID-19. Cả hai kiên cường chống chọi, tự điều trị tại nhà. Nhưng Bạch Tùng đã không qua khỏi, thiên sứ của Jack đã bay đi. “Hy vọng nơi thiên thu ấy, nàng chỉ nhớ và ôm ấp mỗi bóng hình tôi. Chờ ngày tôi về với nàng. Chúng tôi sẽ ngồi với nhau, nhìn qua khu rừng lá kim, nghe tiếng lá reo mỗi sáng mỗi chiều, thiên thu”…

Trở lại Việt Nam, những ám ảnh rùng rợn, những ẩn ức tâm lý không buông tha Nghiễm Hoàng, gã đàn ông khẩu trang màu xanh vẫn có mặt trong những giấc mơ sắc dục nặng nề, rồi bóng ma và người thực đã có những phút giây giao cảm, không còn sợ hãi, chỉ còn yêu thương. Gã đàn ông mang khẩu trang màu xanh đã tiếp nối, kể câu chuyện đời mình, người phát hiện virus corona, đưa ra cảnh báo song đã muộn và thảm họa gieo xuống toàn cầu để cho anh hối hận cả khi đã là một hồn ma vất vưởng.

Là nhà văn lão luyện tay nghề, Thu Trân đem lại sức hút trên những trang viết. Chẳng hạn những đoạn đặc tả về hai nhà khoa học nghiên cứu tìm ra thuốc chữa bệnh để bán với giá cắt cổ là phơi bày góc khuất khác của không chỉ riêng trên đất nước nào đó mà nhiều nơi trên trái đất này vẫn còn những kẻ táng tận lương tâm, làm giàu trên máu xương đồng loại.

Hơn hết, sau những trang văn đầy ám ảnh là tràn đầy tình yêu cuộc sống và đậm yêu thương. Cô bé An Na đến với Nghiễm Hoàng một cách tình cờ mà tình cảm lớn dần theo năm tháng. Các y bác sĩ, tình nguyện viên - trong đó có Khả Cơ - đã góp phần cứu Will, viên phi công người Anh. Tiểu thuyết cũng khép lại với Nghiễm Hoàng trở lại Vũ Hán, nơi xét xử tội ác của Khổng Tước và đồng phạm, những sợi chỉ rối rắm quanh đời cô được gỡ dần. Và chương viết thêm cũng đầy tâm trạng của một người yêu đất nước, mong dân Việt vượt qua đại dịch, sống vui vẻ, an lành…

Với tài năng của nhà văn, cách sắp xếp nhân vật, tình tiết, những tự sự, những lá thư được kết nối thành câu chuyện lớn lao của đại dịch toàn cầu qua từng thân phận bé mọn của con người. Giữa những hàng chữ là ngồn ngộn thông tin của toàn cầu được cập nhật để người đọc thấy rõ tầm quan trọng của sự kiện. Đặc biệt, những suy tư, cảm nhận về ứng xử của các quốc gia trong đại dịch, tâm trạng của người sống trong cuộc chiến với sự kiên cường, vượt lên mọi khổ đau để tồn tại, hồi sinh. Đồng thời, cuộc sống vẫn tuôn chảy với những hỉ, nộ, ái, ố, chuyện bà con dòng họ, làm ăn sinh lợi, sự chi phối của đồng tiền lên tình cảm gia đình…

Bùi Phan Thảo
.
.