Lấp lánh không gian Bảo tàng tư nhân

Thứ Sáu, 27/08/2021, 15:38

Cả nước ta hiện có hàng chục không gian bảo tồn, bảo tàng tư nhân. Một số đã được cấp phép thành lập, phát triển thành bảo tàng, phần còn lại là những bộ sưu tập. Tất cả các không gian ấy đều làm phong phú thêm hoạt động bảo tàng, góp phần gìn giữ di sản văn hóa, ký ức và có giá trị giáo dục truyền thống rất hiệu quả.

Đa dạng thể loại

Những ngày dịch bệnh chưa bùng phát và chưa phải tạm đóng cửa do dịch COVID-19, Bảo tàng Hoa Cương (xã Bình An, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) của TS Nguyễn Quang Cương liên tục đón các đoàn khách. Từ các em học sinh, các giáo viên, cựu chiến binh, người nông dân đến cả những người yêu văn hóa truyền thống trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Bảo tàng Hoa Cương có khuôn viên rộng hơn 1.000m2, trưng bày 4.000 hiện vật, 3.700 đầu sách, hình ảnh, bút tích quý hiếm. Cổ nhất là khối mộc hóa thạch 300 triệu năm, bộ dụng cụ bằng đá, có niên đại hơn 4.000 năm. Nhiều hiện vật ở bảo tàng có từ thời Lý, Trần, Lê…

khách đến thăm bảo tàng hoa cương.jpg -0

 Khách đến thăm Bảo tàng Hoa Cương.

Các hiện vật được chia theo 13 chủ đề, gồm: Nông cụ truyền thống; Ngư cụ truyền thống; Nghề thủ công truyền thống; Đồ dùng sinh hoạt truyền thống; Tiền cổ Việt Nam và nước ngoài; Hiện vật chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; Hiện vật thời bao cấp; Các loại xe đạp, xe máy cổ; Nhạc cụ truyền thống; Sách, tài liệu, hình ảnh; Chum, ché, hũ, vại sành cổ; Cối đá, trục đá, kệ đá cổ; Hiện vật Biển Đảo Việt Nam.

Chia sẻ về ý tưởng, TS Nguyễn Quang Cương cho hay: "Từ ngày học ở trường làng, tôi bị thất lạc những giấy khen do Ty Giáo dục khen tặng. Đến khi học ở Trường Năng khiếu Văn của tỉnh Hà Tĩnh, tôi đã có ý thức lưu giữ hiện vật để làm kỷ niệm và cho con cháu sau này. Ước mơ về sau sẽ làm bảo tàng gia đình, hoặc bảo tàng làng xã, quê hương cũng nhen nhóm. Tôi đã trải qua 40 năm dạy học và luôn hướng đến mục tiêu xây dựng một bảo tàng, mang tính chân quê, gần gũi nhất. Giờ thì tôi đã có một cơ sở để góp phần giáo dục tình yêu cội nguồn, truyền thống, thông qua trực quan hiện vật và những hình thức sinh hoạt văn hóa phi vật thể khác".

Tháng 11- 2020, Bảo tàng Hoa Cương được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép và chính thức đi vào hoạt động. Đây là bảo tàng ngoài công lập đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh, cũng là bảo tàng tư nhân tổng hợp, có quy mô, quy chuẩn vào hàng lớn nhất cả nước. Ông Nguyễn Đức Kiếm - Giám đốc bảo tàng tỉnh Nghệ An, khi đến thăm Bảo tàng Hoa Cương đã đánh giá: "Đây là bảo tàng tư nhân được xây dựng rất quy củ với nhiều hiện vậy quý giá. Để làm được như vậy, vợ chồng ông phải là người giàu nhiệt huyết và dám dấn thân cho tình yêu văn hóa". Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ cũng bày tỏ: "Phải khẳng định, ông Cương không phải là người chơi đồ cổ. Ông là người sưu tầm để gìn giữ và phát huy giá trị di sản của dân tộc".

Theo các  chuyên gia văn hóa, trên cả nước hiện có gần 40 bảo tàng tư nhân với sự đa dạng về chủng loại và mỗi bảo tàng có giá trị riêng: Bảo tàng Không gian văn hóa mường và Bảo tàng di sản văn hóa Mường (tỉnh Hòa Bình); Bảo tàng Dược học cổ truyền Việt Nam (tỉnh Bình Dương); Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Sâm ngọc linh (TP Hồ Chí Minh); Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long (tỉnh Thanh Hóa); Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành Vijaya - Bình Định (tỉnh Bình Định); Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh (tỉnh Nam Định), Bảo tàng Vũ khí cổ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Bảo tàng Cội nguồn (Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang)…

Hà Nội là địa phương hiện có nhiều bảo tàng và không gian bảo tồn nhất cả nước, như: Bảo tàng mỹ thuật Sĩ Tốt và gia đình (huyện Ba Vì), Bảo tàng Gốm sứ Kim Lan và Bảo tàng nghệ thuật Hồn đất Việt (huyện Gia Lâm), Bảo tàng Mỹ thuật họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai), Bảo tàng Nhiếp ảnh làng Lai Xá, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên (huyện Hoài Đức), Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên), Nhà truyền thống xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì)… Ngoài ra, còn có những bộ sưu tập đồ cổ, đồ cũ của các cá nhân yêu văn hóa truyền thống.

Giáo dục cội nguồn

Ở xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày là một điểm tham quan, giáo dục truyền thống nhiều giá trị. Chủ nhân bảo tàng là ông Lâm Văn Bảng, một người giàu tâm huyết đã vô cùng kỳ công tạo dựng và nhiều đồng đội của ông đã tham gia sưu tầm, vận hành.

untitled-5.jpg -0

 Ông Nguyễn Đăng Luận bên bộ đèn cổ.

Ý tưởng lập một gian lưu giữ kỷ vật chiến tranh của ông Bảng nhờ một cơ duyên. Năm 1985, khi Hạt quản lý quốc lộ 1A đoạn cầu Giẽ, trong một lần sửa cầu ông đào được một quả bom. Ông và nhiều người đã xin tháo thuốc nổ an toàn, đưa vỏ bom về cơ quan, xây một cái bệ và đặt quả bom lên, có ghi dòng chữ: "Cô gái suối Hai chàng trai cầu Giẽ". Từ đó, ông thường sưu tầm những kỷ vật chiến tranh để lưu giữ trong nhà của mình. Ban đầu, ông Bảng chỉ muốn xây dựng phòng truyền thống riêng của gia đình. Năm 2005, thấy nhu cầu tham quan của du khách khá đông, ông Bảng đã quyết định thành lập bảo tàng. Trong quá trình làm hồ sơ, xin phép ông đã được giúp đỡ rất nhiều. Năm 2006 Sở Văn hóa thông tin tỉnh Hà Tây (cũ) quyết định công nhận Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.

Qua trò chuyện, được biết ông Lâm Văn Bảng là chiến sĩ, bị địch bắt đày ra Phú Quốc vào năm 1968. Ông Bảng hồi tưởng: "Tôi bị thương khi đánh vào Tân Sơn Nhất tháng 5-1968, tôi bị thương nặng, bị địch bắt làm tù binh đày ra Phú Quốc cho đếm 1973. Khi trở về, tôi chỉ còn bộ khung xương nặng 35kg thôi. Tôi lập lấy tên bảo tàng như vậy để luôn nhớ ơn đồng đồng, những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc".

Từ ngày thành lập đến nay, người cựu tù Côn Đảo không mệt mỏi, tiếp tục đi tìm để có thêm nhiều hiện vật, là những chứng nhân ghi nhớ tội ác của giặc và sự kiên cường, dũng cảm của quân và Nhân dân ta. Ông Bảng chia sẻ: "Trong quá trình làm, tôi hiểu một điều là người Việt Nam ta rất quan tâm đến quá khứ. Bởi thế khi liên lạc với các đồng đội cũ để trình bày ý tưởng, mong họ chung sức đóng góp cho ý tưởng lưu giữ những kỷ vật của thời chiến, tôi đã được nhiều đồng đội ủng hộ và họ cũng đi sưu tầm ở khắp nơi rồi gửi về cho tôi. Ai có kỷ vật sẵn trong gia đình cũng mang đến tận nhà để góp vào bảo tàng. Phương châm của tôi là tinh thần uống nước nhớ nguồn. Việc lưu giữ này muốn tái hiện phần nào lịch sử để thế hệ sau ghi nhớ công ơn thế hệ trước. Cũng là để truyền mãi ngọn lửa cách mạng".

Qua tìm hiểu, không gian bảo tồn tư nhân lưu giữ các kỷ vật gắn với sinh hoạt, đời sống sản xuất nông nghiệp của người nông dân là nhiều nhất. Tiếp đến là các không gian lưu giữ kỷ vật thời chiến tranh. Ông Nguyễn Đăng Luận ở phường Minh Tâm, TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái), người sở hữu không gian với hàng trăm hiện vật liên quan đời sống người dân Tây Bắc, Việt Bắc chia sẻ: "Nói gì thì nói, các món đồ gắn trực tiếp với đời sống người dân thì dễ kiếm hơn. Nếu có mua thì cũng rẻ hơn nên các nhà sưu tầm có thể tìm kiếm được không ít hiện vật. Tôi có nhiều hiện vật đơn giản như dụng cụ dùng để vo gạo, con dao, cái cào, cái cuốc, bộ khèn sáo Mông, mâm đồng... Nhìn vào đó, khách đến tham quan cũng thấy gần gũi. Nhưng nếu không giữ và cho nhiều người được chiêm ngưỡng thì nhiều em nhỏ ở ngay vùng nông thôn cũng không biết đó là gì".

Đồng quan điểm ấy, cô giáo Ngô Thị Khiếu, chủ Bảo tàng Đồng quê, đóng trên địa bàn xã Giao Thịnh (Giao Thủy - Nam Định), chia sẻ thêm: "Tất cả không gian, hiện vật trong Bảo tàng Đồng quê đều có tính giáo dục, gợi nhắc về truyền thống sản xuất nông nghiệp, sự chịu thương, chịu khó của người nông dân, tinh thần kiên cường của cha ông ta. Ngay từ khi bắt tay xây dựng, chúng tôi đã cố gắng tạo một không gian thân thương nhất cho mỗi ai đến trải nghiệm".

Do được xây dựng bởi những tấm lòng, nên việc vận hành cũng bởi những… tấm lòng. Bởi thế, hầu hết các không gian bảo tồn tư nhân thường mở cửa đón khách tham quan mà không thu phí. Rất nhiều người, nhờ những không gian văn hóa ấy mà biết thêm nguồn cội.

Diên Khánh
.
.