(Đọc “Lảo đảo giữa nhân gian”, Mê luận, NXB Văn học 2021)

Lảo đảo cùng Đỗ Anh Vũ

Thứ Năm, 23/09/2021, 14:54

“Lảo đảo giữa nhân gian” là cuốn phê bình – tiểu luận thứ hai của Đỗ Anh Vũ vừa xuất bản mà tôi nhận được trong những tháng ngày dịch giã COVID-19. Cuốn sách qua bao chặng đường được gửi về giữa vùng tâm dịch như một món quà Tết Trung thu với lời đề tặng trân trọng.

 

1. Cuốn sách khá dày dặn, in đẹp, thiết kế bìa ấn tượng với cái tựa rất Đỗ Anh Vũ: “LẢO ĐẢO GIỮA NHÂN GIAN”. Thoạt nghe, tôi tưởng tượng ra một Lý Bạch văn nhân nách cắp be rượu chếnh choáng bay bổng với những tuyệt tác không ai bắt chước được. Một chút ngạo đời hài hước kín đáo. Nhưng tôi cực khoái với cái tựa thâm sâu triết lý này. Con người nếu chỉ quan sát cõi đời với lối nhìn thẳng băng trực diện thì dễ cứng nhắc phiến diện lắm. Và biết đâu có lúc trở nên vô tình. Bởi nhiều lúc sẽ chỉ quan sát được những phố to phố nhỏ, những đường cái quan mà điều nhìn thấy chưa chắc phải là bản chất sự thật. Con người cần nhìn đời nghiêng ngả một chút, bay bổng một chút, quan sát với linh cảm nhạy bén một chút mới lắng nghe được tiếng nói đằng sau những điều mắt thấy tai nghe mà không thấy được. Đỗ Anh Vũ đã dùng tâm thế nghiêng ngó kỹ lưỡng từng góc khuất cuộc sống mà quan sát cái nhân thế điên đảo xung quanh mình. Để rồi thấy mình cũng lảo đảo theo những thứ kỳ diệu xung quanh.

ảnh nhà phê bình, nghiên cứu đỗ anh vũ.jpg -0
Nhà phê bình, nghiên cứu Đỗ Anh Vũ.

Tập Mê Luận lần này là tập hợp những bài luận với những điều anh thấy, anh quan sát, suy nghĩ, say đắm bay bổng trong từng khoảnh khắc. Nói như PGS.TS. Phùng Gia Thế, đó là cách “tư duy và diễn đạt thế giới độc đáo… Một sự đắm say với cuộc đời, với thi ca, mà ở đó, mỗi chi tiết dù nhỏ nhất của đời sống văn hóa, con người, mỗi trạng huống vân vi về cảnh vật, tình bạn, tình yêu, nỗi nhớ hay những thứ tưởng vô tri như khu vườn, cơn mưa, đám mây, một vì sao... đều lấp lánh mĩ cảm. Những nghiền ngẫm, chiêm nghiệm hay khảo sát về đối tượng của nhà nghiên cứu trong đây không lấn át sự nhạy bén của trực giác, sự cất cánh xúc cảm của tài hoa nghệ sĩ. “Lảo đảo giữa nhân gian” là Mê luận của một người văn mê tiếng nước mình".

Với Đỗ Anh Vũ, luận là sự tư duy theo hướng bình luận văn chương chặt chẽ nghiêm túc, nhưng đi kèm là sự say đắm bay bổng của cảm xúc. Khi tác giả cất bút viết một đề tài dù nhỏ, vẫn là sự kết hợp tỉnh táo minh triết của trí tuệ với những  chứng cứ chặt chẽ cho luận điểm của mình. Tất cả những điều ấy trở nên cuốn hút độc giả.

Chẳng hạn như bài “Luận về cố nhân”. Một khái niệm quen thuộc với hầu hết chúng ta. Ai mà không từng có một cố nhân trong đời, rồi chính mình cũng trở thành cố nhân của ai đó... Đọc xong bài, gấp sách lại, độc giả bỗng như trầm ngâm lắng đọng để rồi bâng khuâng, rưng rưng về một bóng hình. Với vốn ngôn ngữ giản dị mà như suối nguồn lấp lánh, độc giả cũng như bị cuốn vào mê đắm cùng tác giả. Từ trong vô thức bật lên tiếng gọi thầm "cố nhân ơi" của lòng mình.

Xin dẫn ra đây đoạn mở đầu của bài luận đó: “Cuộc sống của mỗi chúng ta luôn gắn liền với hiện tại quá khứ và tương lai. Theo một cảm giác thông thường, hiện tại là cái khiến người ta phải quan tâm nhiều hơn cả, và tương lai là những thứ buộc phải nghĩ đến cũng như đối mặt. Quá khứ là những gì đã trôi qua, được xem là tiền đề của hiện tại. Có những quá khứ đẹp đẽ nhưng cũng không ít những quá khứ xót xa.Và khi người ta đang sống trong hiện tai, họ không chỉ nhớ về những sự kiện, những câu chuyện đã từng xảy đến trong đời mà còn nhớ cả những bóng hình người. Có những hình bóng vẫn còn dễ dàng gặp gỡ hàng ngày nhưng cũng có những hình bóng đã chìm khuất nơi chân trời góc bể. Và bất chợt một ngày nào đó, lòng ta thốt lên hai tiếng cố nhân....".

untitled-4.jpg -0
Bìa cuốn “Lảo đảo giữa nhân gian” của Đỗ Anh Vũ.

Hay như bài “Luận về món nợ”, cách luận giải tác giả vừa minh triết lại vừa lãng mạn, thấu tỏ thông điệp tình người. Rồi bài “Giang hồ luận”, tác giả cho ta thấy vẻ đẹp giang hồ lãng tử của các văn nhân xưa. Nhờ khí chất giang hồ của tiền nhân mà hậu thế mới có những tác phẩm văn chương quý giá. Đọc luận giang hồ của họ Đỗ, ai mà không rạo rực muốn "khăn gói quả mướp" bắt chước người xưa phiêu lãng hải hồ, đến những vùng đất đẹp xinh xa lạ, gặp những bằng hữu "tứ hải giai huynh đệ" bốn bể là nhà. Cho dù, chỉ ít ngày sau cơm áo thường nhật lại gọi về, đành chẹp miệng: "Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà" (Phạm Hữu Quang).

2. Khép lại phần một “Những miền chữ nghĩa” gồm 24 bài luận về đủ các chủ đề, tôi bước sang phần 2 của cuốn sách với tên gọi “Theo dấu văn nhân” gồm 8 bài viết giới thiệu về các tác giả nổi tiếng như Hoàng Giác, Đinh Hùng, Cao Bá Quát và Lý Bạch, Nguyễn Nhược Pháp, Bích Khê, Nguyễn Bính, Nguyễn Việt Chiến và Hàm Anh. Mỗi bài tiểu luận đều cho độc giả một mĩ cảm về sự trân trọng đối với từng văn nhân, sự hiểu biết đánh giá khá chuẩn xác về các tác giả cùng tác phẩm của họ.

Nhiều câu thơ lần đầu được đọc như điểm huyệt cho tri giác của tôi: "Tôi trao cho bạn một con chữ/ Bạn hãy để nó rơi trong lòng/ như viên xúc xắc sáu mặt biến hóa/ có lần đổ ra là: cả một mùa xưa..." (Hàm Anh). Mỗi bài tiểu luận mang một phong cách giới thiệu khác nhau, khắc họa nên một chân dung văn nhân sống động, không theo những khuôn mẫu bài bản nhàm chán. Khi tập hợp lại, từng chân dung mang một biểu cảm màu sắc riêng biệt, nhưng lại gọi đúng bản chất, phong cách của mỗi người.

Đọc bài viết về nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, độc giả hình dung ngay được một giọng điệu thơ mềm như lụa, ấm áp khi nói về Mẹ, rất tình và khờ dại khi viết về tình yêu, đồng thời lại hùng tráng, sử thi khi viết những vần thơ về Tổ quốc. Một thi nhân suốt đời đau đáu trăn trở cho con đường đi của thơ ca nước nhà.

Đọc bài viết về Hàm Anh, một tác giả lần đầu tôi biết tên, những con chữ rung động đã lan truyền cảm xúc run rẩy sang tôi. Đến nỗi, đang đọc dở, tôi phải dừng lại vào Google tìm thông tin về Hàm Anh vì tò mò trước những câu thơ tài hoa ám ảnh.

3. Sang đến phần cuối mang tên “Từ tôi đến em”, đây là phần không kém thú vị dù chỉ gồm bốn tiểu luận. Tác giả lại làm người đọc được mở mang kiến thức trước kho tàng biến hóa phong phú của ngôn ngữ tiếng Việt. Chẳng hạn như bài “Luận về số 2”, đủ thấy tiếng Việt thật thú vị khi có tới 10 cách gọi tên về số đếm này. Với bài “Luận về cánh cửa”, tác giả làm tôi nhớ về những câu thơ tình quyến rũ của Đinh Thị Thu Vân: "Nếu có kiếp sau em xin làm bậc cửa/ làm thềm rêu lặng lẽ đợi chân người". Bài viết không những làm nổi bật được tính nhân văn trong biểu tượng cánh cửa mà còn cung cấp nhiều dữ liệu văn hóa quan trọng. Nếu tác giả đi sâu chút nữa thì bài luận sẽ còn hoàn hảo và lãng mạn thân thương hơn nhiều.

Bài luận cuối cùng khép lại tập sách mà tôi muốn chia sẻ đôi điều là bài “Luận về kỹ nữ”, một đề tài là cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật như văn thơ, âm nhạc, điện ảnh, điêu khắc từ xưa đến nay. Nhưng có lẽ đây là lần đầu trong mảng phê bình nước ta có một bài viết công phu như thế với ngồn ngộn các tư liệu, từ lời ăn tiếng nói ngày thường cho đến tục ngữ ca dao, cho đến văn chương bác học. Vừa đọc độc giả có thể sẽ vừa phải bật cười cho những hóm hỉnh, dí dỏm qua từng cứ liệu nhưng sau đó lại dâng trào một lòng xót thương trắc ẩn. Tôi cho rằng, Đỗ Anh Vũ đã chuyển tải được tính nhân văn, lòng nhân ái của văn chương dân tộc khi nói về nỗi cay đắng của những kiếp cầm ca, từ Đạm Tiên cho tới Thúy Kiều, từ những kỹ nữ trong Thơ Mới lãng mạn đến những thân phận giang hồ lưu lạc trong các tác phẩm giai đoạn sau 1975.

Từ trước đến nay, trong giới phê bình nghiên cứu, thể loại tiểu luận thường viết khô khan khó đọc với nhiều lý thuyết phương Tây phức tạp. Nhưng những tiểu luận của Đỗ Anh Vũ đã làm tôi mê đắm theo từng bài viết của anh. Viết như chơi mà vẫn cực kỳ nghiêm cẩn. Một quá trình lao động trí óc chuyên nghiệp tận tâm. Chỉ cần nhìn danh mục Tài liệu tham khảo và Nguồn trích dẫn cũng đủ thấy điều đó. Thiết nghĩ, những người yêu văn chương nên đọc cuốn sách này. Còn với tôi, “Lảo đảo giữa nhân gian” chắc chắn sẽ có một vị trí trang trọng trên giá sách. Xin được chúc mừng và cảm ơn Đỗ Anh Vũ, một lãng tử lảo đảo trong miền văn chương người Việt.

Hoa Mai
.
.