Làng Phù Lưu - Nét độc đáo miền quan họ

Thứ Năm, 10/11/2022, 16:21

Nói đến làng quê đồng bằng Bắc bộ, người ta hay nghĩ đến mái đình, giếng nước, gốc đa, những ngôi nhà tranh đơn sơ vách đất, đàn bò cõng nắng trên cánh đồng… Vậy mà có một ngôi làng “phá rào”, vô cùng đặc biệt, khác lạ hơn so với những ngôi làng khác, đã đi vào những áng văn, truyện ngắn của nhà văn Kim Lân với tên gọi mộc mạc “Làng”.

Đó là ngôi làng có tên gọi Phù Lưu ở Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. “Ngôi làng đó có phòng thông tin tuyên truyền rộng rãi nhất, có chòi phát thanh cao bằng ngọn tre, chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe thấy. Làng này nhà ngói san sát, sàn lát như tỉnh. Đường trong làng toàn lát gạch đá xanh, trời mưa, trời gió đi khắp đầu làng cuối xóm bùn không dính đến gót chân…”.

Bằng ngòi bút chân thực và giàu cảm xúc, nhà văn Kim Lân đã khắc họa về ngôi làng Phù Lưu của mình trong truyện ngắn “Làng” khiến bạn đọc đặc biệt ấn tượng. Vào một ngày mùa Thu, chúng tôi tìm về ngôi làng cổ nức tiếng nằm ở vùng đất quan họ xứ Kinh Bắc. Kinh Bắc nổi tiếng bởi những dấu tích huyền thoại của vua An Dương Vương; hay những bức tranh âm dương làng Hồ thơm mùi giấy điệp; tiếng hát quan họ của những liền anh, liền chị ngọt ngào ở các làng quan họ… Bên cạnh đấy còn có ngôi làng độc đáo, trên một gò đất bồi của ba nhánh sông, sông Cầu, sông Thương, sông Đuống gộp lại.

đình-làng-phù-lưu-cổ-kính-bên-cây-bồ-đề-di-sản.jpg -0
Đình làng Phù Lưu cổ kính bên cây Bồ Đề.

Không biết có phải ở một vị trí phong thuỷ đắc địa, ngôi làng trở thành mảnh đất địa linh nhân kiệt sinh ra những anh tài, từ những nhà quân sự: Trung tướng Chu Duy Kính, Tư lệnh Quân khu Thủ đô; Bộ trưởng Bộ tài chính Chu Tam Thức; Hồ Tiến Nghị, Tổng Giám đốc Thông tấn xã; Hồ Huấn Nghiêm, cựu đại sứ Việt Nam tại Nga, Thứ trưởng Bộ Thương mại. Các nhà khoa học như Giáo sư sử học Phạm Xuân Nam, Giáo sư ngữ văn Chu Xuân Diên, Giáo sư toán học Hồ Bá Thuần. ở thời cận hiện đại có nhiều văn nghệ sĩ tài danh như: nhà văn Kim Lân, Nguyễn Địch Dũng, Hoàng Hưng, dịch giả Hoàng Thuý Toàn, nhà quay phim NSND Nguyễn Đăng Bẩy, nhạc sĩ Hồ Bắc, hoạ sĩ Thành Chương, hoạ sĩ Phạm Thị Hiền…

Cổng làng Phù Lưu có từ xa xưa trải qua những lần trùng tu vẫn giữ nguyên dáng cổ, có đôi câu đối: “Nhập hương vấn tục” và “Xuất môn kiến tân”, dịch là dù có làm đến chức nào nhưng khi về làng vẫn phải giữ được phong tục tập quán của làng, còn khi đi ra khỏi làng phải đĩnh đạc trong giao tiếp với mọi người, đón khách như đón người thân. Con đường làng ở giữa được lát bằng gạch đá xanh, hai bên lát gạch đỏ gần 100 năm tuổi, trải dài trên 3km ôm lấy ngôi làng cổ. Làng có rất nhiều con ngõ ngoằn ngoèo, thông nhau với những tên gọi lạ, như ngõ Giàu, ngõ Giếng Chợ, ngõ Giếng Vàng, ngõ Vườn Dâu, ngõ Nghe…

Ông Hoàng Văn Bình, cháu trưởng dòng họ Hoàng trong làng kể: Họ Hoàng cùng với một số họ khác đến làng Phù Lưu từ đầu thế kỷ XVII, tính đến nay đã 16 đời. Năm 1920 cụ Hoàng Thuỵ Chi (đời thứ 9 của họ Hoàng) đã kéo được dự án xây dựng đường làng về làng Phù Lưu. Ngày đó, những viên đá xanh có màu lục được đưa bằng đường thuỷ và xe lửa từ Quảng Ninh về Bắc Ninh. Cụ Hoàng Thụy Chi người đã có công lớn với làng, từ lát đường, xây chùa, sửa đình, mở trường học, tên của cụ được ghi ở Hương Hiền Từ của làng.

Dân gian xưa có câu “Một giỏ Sinh đồ, một bồ Tiến sĩ, một bị Trạng Nguyên, một thuyền Bảng nhỡn”, là chỉ truyền thống hiếu học, khoa bảng rực rỡ của vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Phù Lưu xưa thuộc không gian văn hóa xứ Kinh Bắc, nơi từ lâu đã có truyền thống hiếu học rất đáng tự hào với nhiều người đỗ đạt bằng con đường khoa cử. Để tỏ lòng tôn sư trọng đạo, biết ơn tiền nhân có công với dân làng, với đất nước, người Phù Lưu đã cho xây dựng Hương Hiền Từ để tỏ lòng trọng thị, thể hiện tinh thần khuyến học, khuyến tài.

Di tích lịch sử của ngôi làng gồm đình, đền, chùa và nhà văn chỉ. Hương Hiền Từ (có nơi gọi là Văn chỉ, Từ chỉ, Thánh chỉ) là nơi thờ riêng những bậc khoa hoạn trong làng. Hương Hiền Từ là nét đặc trưng về giáo dục Nho học cấp làng xã vùng đồng bằng Bắc bộ, vốn là nơi có truyền thống hiếu học và khoa bảng của cả nước. Hương Hiền Từ Phù Lưu thể hiện việc coi trọng người tài, người có công và không nằm ngoài mục đích khuyến khích nhân tài, tiếp nối truyền thống, bao đời nay những người con đất Phù Lưu làm rạng danh dòng tộc, làng quê.

giếng-cổ-của-làng-ngày-nay-vẫn-còn.jpg -0
Giếng cổ của làng ngày nay vẫn còn.

Làng Phù Lưu ngoài ngôi chùa Pháp Quang thâm trầm tĩnh mặc có tháp chuông được đánh vào mỗi buổi chiều tà. Gần đó là ngôi đình cổ kính đặc trưng của đình miền Bắc xây theo kiểu chữ “Đinh”. Ngoài cụm quần thể di tích đình, đền, chùa và nhà văn chỉ, nhà tưởng niệm nhà văn Kim Lân, còn có những nhà thờ họ. Họ Hoàng là một họ lớn ở làng Phù Lưu. Chỉ tính riêng từ đời cụ Hoàng Thụy Chi chức Tổng đốc Bắc Giang, dân làng thường gọi là cụ Tuần Chi đến nay đã có nhiều nhân vật “vai vế”. Con trai cụ Hoàng Thụy Chi là Hoàng Thụy Ba, bác sĩ y khoa đầu tiên ở bán đảo Đông Dương.

Trong gia phả họ Hoàng còn ghi rõ có cử nhân Hoàng Tích Phụng từng là Tri phủ và tham gia Đông Kinh Nghĩa thục cùng những người con như nhà báo Hoàng Tích Chu người mở đầu cách tân báo chí Việt Nam, họa sĩ Hoàng Tích Chù đã nhận giải thưởng Hồ Chí Minh, nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, nhà biên kịch nổi tiếng Hoàng Tích Chỉ. Ngày nay nhà thờ họ Hoàng được trùng tu tôn tạo trên nền đất cũ nhà thờ họ, ngày ngày thơm mùi nhang khói. Ngoài họ Hoàng, làng Phù Lưu còn có nhà thờ họ Lê, họ Nguyễn, họ Chu, họ Phạm…

Hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái nhà văn Kim Lân không giấu niềm từ hào khi nói về ngôi làng thân thương của mình. Người ta vẫn nói câu địa linh nhân kiệt, mảnh đất phù sa đắp nổi nằm trên dòng nước cuộn chảy của ba con sông đổ về nên mới có câu Phá Tam Giang, sinh ra anh tài tuấn kiệt. Ngoài những tri thức khoa bảng thì người dân Phù Lưu không chịu “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”, không làm đồng áng mà lại giỏi chuyện bán buôn. Những câu ca dao quen thuộc: “Ai lên quán dốc chợ Giàu/ Để thương, để nhớ để sầu cho khách đường xa”. Hay: “Chợ Giàu bán sáo bán sành/ Bắc Ninh bán những nhẫn vàng trao tay/ Đình Bảng bán ấm bán khay/ Phù Lưu họp chợ mỗi ngày một đông”. “Chợ Giàu một tháng sáu phiên/ Ai ơi nên nhớ chớ quên chợ Giàu”. Người Phù Lưu xưa giỏi làm thương nghiệp, câu: “phi thương bất phú”, không kinh doanh buôn bán thì không giàu được đã thấm vào mỗi người dân làng Phù Lưu.

Ông Nguyễn Trọng Vũ trưởng thôn làng Phù Lưu kể: từ thời trước Cách mạng Tháng Tám, khi những làng khác còn sống trong những mái nhà tranh vách đất thì làng Phù Lưu đã có hơn 30 ngôi nhà ngói 2 tầng thơm mùi vôi mới. Có lẽ, cũng nhờ sự tảo tần, đảm đang của đàn bà, phụ nữ trong làng làm thương nghiệp mà cánh đàn ông chỉ chuyên tâm đèn sách, khoa bảng tạo nên nhiều tên tuổi từ quân sự, khoa học đến nghệ thuật. Sự giàu có, trù phú cũng khiến cho ngôi làng vang xa và người ta tìm đến làng Phù Lưu càng đông vào những phiên chợ tuần.

Ngày nay, những viên đá xanh lát trên đường làng đã bạc màu mưa nắng, chứng kiến bao thăng trầm biến động của thời gian. Mảnh đất này đã nuôi dưỡng, ôm ấp bao thế hệ, những người con thân yêu của làng trưởng thành rồi ra đi, đến khi về già, chân mỏi, tóc bạc, lưng còng, họ khát khao được một lần quay trở về, thoả thuê tắm mình với những kí ức vỡ oà trong ngôi làng một thời thương nhớ. Có những người về với cát bụi như nhà văn Kim Lân, NSND Nguyễn Đăng Bẩy, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ… họ vẫn cùng “dạo chơi” đâu đó trong ngôi làng cổ.

Nhà khuyến học ngày nay nằm ngay gần đình làng, là nơi sinh hoạt văn hóa của lớp trẻ thanh thiếu niên, luôn được sự cổ vũ từ những bậc cao niên. Ngoài kia, gió mùa thu thơm nồng hương cốm mới. 

Trần Mỹ Hiền
.
.