Lãng đãng bán nguyệt hồ, tản mạn chuyện văn chương

Thứ Bảy, 26/04/2025, 07:58

Có rất ít tài liệu để lại cho chúng ta hôm nay về sự hình thành và quá trình biến đổi của hồ Bán Nguyệt, một địa danh nổi tiếng ở Phố Hiến - Hưng Yên. Nhìn góc độ thông thường, hồ Bán Nguyệt là một hồ nước sâu và rộng như bao hồ khác giữa lòng phố. Vậy mà từ bao đời nay, người ta yêu mến nó, tự hào về nó, để rồi từ tình yêu ấy, hồ trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca và nghệ thuật.

Yêu nó, người ta đã thêu dệt biết bao giai thoại, huyền thoại, thậm chí còn tranh luận về nó.

Dòng chảy sông Hồng tạo nên hồ Bán Nguyệt, dân gian coi như một huyệt đạo linh thiêng.

Chuyện kể rằng, vùng nước sâu nơi đây vốn là vũng đọng của dòng chảy sông Hồng. Thời nhà Lê có dùng làm trại thủy bình, nghe nói cắm sào chắn xung quanh, thời gian phù sa bồi đắp ngoài hàng rào theo hình cung, để lại một hồ nước ngẫu nhiên có hình vầng trăng khuyết, cùng với việc đắp đê sông Hồng tạo thành hồ Bán Nguyệt ngày nay.

Hồ này nước rất sâu, chưa bao giờ tát cạn được. Dân gian truyền rằng hồ có mạch ngầm thông với sông Hồng, lại có mạch thông với khu đền Mẫu. Qua thời gian, nhiều hoạt động dưới mặt nước trên bờ hồ, người Phố Hiến vẫn coi là điểm lễ hội, chung vui. Nơi trong phố, ngoài phường gặp nhau, nơi những đôi lứa xa nhau chọn làm điểm hẹn tâm tình, nên duyên đôi lứa.

Thời ấy, dân cư thưa thớt, xung quanh vắng vẻ, tầm nhìn thoáng đãng; lại chưa có điện như bây giờ, những đêm có trăng trên trời, ta thấy trăng dưới nước. Đêm thu vắng, sương bàng bạc, Hồ Nguyệt bâng khuâng, ngỡ như Hằng Nga giáng trần vậy.

1b7b6ecfc66c75322c7d.jpg -0
Hồ Bán Nguyệt yên bình nằm giữa Phố Hiến Hưng Yên.

Phố Hiến xưa là thủ phủ của trấn Sơn Nam, thời đó quanh hồ đã có một vài công trình nhưng không cao lắm. Bờ phía đông có hai ngôi đền thiêng - đền Trần và đền Mẫu, bên cạnh là giếng cổ, dân gian gọi là giếng Mắt Rồng. Bờ tây, cây cối rậm rạp, lau sậy đìu hiu, sương bay ngàn liễu, đêm khuya sáng sớm còn nghe tiếng mõ chùa Nguyệt, tiếng ngư dân thả lưới, giăng câu đánh cá…

Khi thực dân Pháp vào, họ chọn nơi đây là trung tâm hành chính, xây dựng phố xá, dinh thự. Phía bắc là khu hành chính với lối kiến trúc kiểu Pháp, gồm Tòa Sứ, Dinh Tuần Phủ, Thương Tá, Chánh Án nằm xung quanh. Hồ Bán Nguyệt là nơi nên thơ nhất của tỉnh lỵ, đẹp không thua Hồ Gươm là mấy. Phố Khách - đoạn từ bưu điện đến đầu hồ là phố thương mại sầm uất, do người Tàu nắm giữ (theo Hồi ký Phạm Duy). Phía đông có dinh quan Đốc bộ, còn khu tiếp theo (Điện Biên III bây giờ) chỉ là bãi hoang đất trũng và khu nghĩa địa.

Phía nam giáp đê có ngôi miếu cổ khá đẹp. Nghe nói sau này được trưng dụng làm kho súng đạn, không biết lý do gì, một hôm nghe tiếng nổ lớn, miếu bị mất từ đó, những công trình mà Phạm Duy có nhắc đến giờ không thấy còn nữa.

Ông Lê Hoan là Tổng đốc Hà Nội kiêm Tổng đốc Hưng Yên. Yêu văn chương nghệ thuật, vào thượng tuần tháng 3 năm Ất Tỵ (1905), ông cho lập Hội Tao Đàn Hưng Yên và dựng trên đảo Bình Thi lầu cho các thi nhân Phố Hiến, đôi lúc mời các thi hữu gần xa đến bình thơ trên đảo này. Hình thù kiểu dáng của Bình Thi Lầu xưa không ai còn nhớ, nhưng thiết nghĩ nơi sinh hoạt của các ông đồ nho và thi nhân xưa chắc cũng đơn sơ, mang cốt cách văn nhân, một chốn tao nhã khí chất, lưu giữ văn phong chữ nghĩa. Chữ  “Lầu” ở đây chắc không phải để chỉ nhà xây cao tầng như ta gọi bây giờ.

Hồ Bán Nguyệt là cảm xúc của thi ca và nghệ thuật, trước hết là vì chính nó, vì nó là một phần lắng đọng ngẫu nhiên của không gian văn hóa Phố Hiến. Các tác phẩm văn học nghệ thuật, những giai thoại từ các tao nhân mặc khách xưa giúp ta tưởng tượng ra diện mạo của hồ qua mấy trăm năm biến thiên. Cụ Lê Cù với phú “Bán Nguyệt Hồ” từng viết:

"Bóng nguyệt chênh chênh, gương hồ vằng vặc, sương đọng trại quân, mây chen nhà phố... Khách giai nhân giặt gấm ngỡ Hằng Nga.

Tiếng Hồ trong bốn bể đều hay, dấu Nguyệt dưới ngàn thu vẫn tỏ.

Kìa Hồ là cảnh hữu tình, khi soi xuống có Hồ thì có Nguyệt, mà Nguyệt vốn là kho vô tận, ngẩng trông lên còn Nguyệt ấy còn Hồ. Trải mấy nắng mưa thay đổi, vẫn còn Hồ Nguyệt xưa nay....

Giầu kho phong nguyệt, Vui thú yên hà, lấy Nguyệt Hồ làm sinh nhai".

Trong số những bài viết về cảnh đẹp Phố Hiến, số bài vịnh Nguyệt Hồ khá nhiều. Nguyệt Hồ trong văn chương không chỉ là bức tranh với những nét vẽ tinh tế mà còn ẩn chứa tình yêu quê hương đất nước. Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh - vị quan án sát hay chữ, văn nhân nổi danh một thời với các câu đối, châm thư, đại tự… về Phố Hiến, đồng thời đã để lại những vần thơ tinh tế trong các tác phẩm như bán Nguyệt Hồ quang, Nguyệt Hồ phú, Nguyệt Hồ thu dạ:

Nước hắt bóng trăng, trăng in nước
Trời xanh thăm thẳm mãi muôn đời

Hay:

Muôn cây phô màu xanh, khói chiều lan tỏa
Khắp hồ bóng trăng suông tiếng ve rền rĩ
Cung loan ôm ngang lấy bờ đông tây
Gương quý soi trong khắp trời trên dưới
Đài văn mặc khách thường hứng khởi đề bút
Lầu thơ buổi chiều trông ngỡ là chốn tiên…

Một nhà thơ khác thuộc Hội Tao Đàn cũng từng viết:

Bên song Bán Nguyệt, Nguyệt Hồ gần/ Cảnh hồ song cửa tỏ mờ phân/ Thơ bút phong lưu thua tiên sáo/ Giỡn cười mây nước kẻ buông cần…

Nơi đây từng chứng kiến một sự kiện hiếm có trong lịch sử văn học Việt Nam - cuộc thi thơ vịnh "Truyện Kiều" năm 1905, do Tổng đốc Lê Hoan khởi xướng, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến làm chủ khảo, và Chu Mạnh Trinh đoạt giải Nhất.

Nói chung thơ văn Phố Hiến còn lưu truyền đến nay phần lớn gắn với Hội Tao Đàn Hưng Yên, thu hút nhiều danh sĩ trong và ngoài tỉnh, trong đó có cả cha con cụ Nguyễn Khuyến, tạo nên một không khí văn chương sôi động một thời. Thế rồi, sau khi Chu Mạnh Trinh mất (1905), Lê Hoan rời chức Tổng đốc Hưng Yên (1907), phong trào ấy như mất ngọn cờ. Kể từ đó, không còn nhiều tư liệu về Hội Tao Đàn hay Bình Thi Lầu được lưu lại.

Năm 2014, chúng tôi tổ chức sưu tầm lại thơ văn Phố Hiến, nhưng số lượng còn lại rất khiêm tốn, chọn lọc đưa vào một phần phụ lục (từ trang 751 đến 785) trong bộ sách Phố Hiến. May mắn thay, gần đây xuất hiện một hiện vật quý: bức tranh thêu Nguyệt Hồ thắng cảnh từ thời ông Lê Hoan làm Tổng đốc được nhà sưu tầm cổ vật Vũ Sĩ Lợi của Hưng Yên mua về từ cuộc bán đấu giá ở Paris, cho chúng ta hiểu thêm về hồ Bán Nguyệt, Phố Hiến một thời.

Như vậy, hồ Bán Nguyệt từ lâu đã gắn bó với thi ca và nghệ thuật. Nơi đây đã sinh ra những tác phẩm để đời và lan tỏa rộng khắp. Thời kì 1968 - 1997, khi Hưng Yên nhập với tỉnh Hải Dương, văn học viết về Phố Hiến và Nguyệt Hồ khá thưa vắng, hoặc có thể chúng tôi chưa sưu tầm được. Giai đoạn này kể đến tác phẩm “Huyền thoại Nguyệt Hồ” (Nguyễn Khắc Hào,1988) được in trong Tuyển tập Thơ Việt Nam 1945-2000 lấy cảm hứng hồ Bán Nguyệt để ca ngợi mảnh đất, con người Hưng Yên.

Năm 1994, nhạc sĩ Trần Thanh Tùng phổ thành ca khúc “Tình khúc Nguyệt Hồ”, đoạt giải thưởng Văn học Nghệ thuật Côn Sơn, có sức lan tỏa khá rộng khắp. Từ khi Hưng Yên tái lập năm 1997, đời sống văn nghệ phát triển khá mạnh mẽ. Nhiều tác giả trong và ngoài tỉnh tiếp tục viết về hồ Bán Nguyệt, về Phố Hiến.

Bài viết này có thể kể đến Chuyện một con hồ lạc mẹ thơ của Đỗ Trung Lai, ca khúc “Giấc mộng Nguyệt Hồ” (Bùi Xuân Thể phổ thơ Lê Cù) và nhiều bài thơ, truyện ngắn, ca khúc, ảnh, tranh khác.

Vì yêu, nên ngay cả tên gọi cũng có những ý kiến khác nhau hồ Bán Nguyệt/Nguyệt hồ/Bán Nguyệt hồ. Không sao, tùy văn cảnh, chúng ta gọi sao cho hay là được. Ngôn ngữ Việt vô cùng huyền diệu, cái đúng trong ngôn ngữ luôn gắn liền với cái hay, cái đẹp. Ngôn ngữ nghệ thuật, hình tượng văn học có quy luật gọi tên riêng của nó.

Cái tên hồ Bán Nguyệt/Nguyệt Hồ đã in dấu trong ngôn ngữ dân gian, trong thơ ca, hội họa từ hàng trăm năm, gắn với những tên tuổi khoa danh đất Phố Hiến như Lê Cù Nguyệt Hồ cư sĩ, Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh - bậc hay chữ, tài tử đất Hưng Yên, hay nghệ nhân vô danh tác giả của bức tranh Nguyệt Hồ thắng cảnh cho đến các tác phẩm văn học nghệ thuật đương thời. Không chỉ sống trong ngôn ngữ dân gian, trong văn học nghệ thuật, hồ Bán Nguyệt/Nguyệt Hồ còn đi vào cả văn bản chính thống, trở thành tên đường phố hôm nay, làm đẹp thêm cho một thắng cảnh đất văn hiến Hưng Yên.

Trong bài thơ "Huyền thoại Nguyệt Hồ", tác giả đã nhiều lần sử dụng thủ pháp tu từ này. Hình ảnh mặt hồ như vầng trăng lưỡi liềm, con đê chạy như đường kẻ vội là một ẩn dụ giàu chiều sâu cảm xúc và liên tưởng:

Ai kể một đêm đầy trời trăng nhuộm
Mặt nước hồ sóng sánh một hồ trăng…
Con đê chạy như một đường kẻ vội
Đưa sông Hồng về với biển thiêng liêng
Để lại dáng hồ nghiêng nghiêng con mắt
Nước mờ xa vầng trăng dáng lưỡi liềm…
Và như thế lòng ta tha thiết
Khi gọi lên hai tiếng Nguyệt Hồ…

Bởi vì bản thân cái tên hồ Bán Nguyệt đã là một cách thi vị hóa cảnh sắc của ngôn ngữ dân gian. (Nếu gọi đúng theo hình thể, có lẽ phải là Lưỡi liềm nguyệt hồ hay Hồ lưỡi liềm nguyệt)... Nhưng dù gọi thế nào, vẫn là trăng - vầng trăng mang mọi dáng hình: từ mồng Một lưỡi trai, mồng Hai lá lúa đến Rằm tròn vành vạnh.

Khi dân gian gọi hồ Bán Nguyệt, đó là cái nhìn trực cảm, mộc mạc. Còn khi thi ca, âm nhạc, hội họa cất lời, cái tên ấy được nâng lên thành biểu tượng - Nguyệt Hồ. Đó không còn là tên của một hình thể nữa, mà là một ẩn dụ đầy chất thơ, giàu sức liên tưởng. Một ẩn dụ lặng lẽ mà lấp lánh, nơi hồ không chỉ in bóng trăng trên trời, mà chính là trăng đang hiển hiện trong lòng phố.

Chúng ta đang sống trong những thời khắc của lịch sử với niềm tin về sự hồi sinh trở lại của một Tiểu Tràng An, những ứng xử với Nguyệt Hồ của người dân, nhất là các nhà chức trách cần thận trọng, bởi sự vô tâm của con người với vùng huyệt đạo thiêng của Phố Hiến hôm nay, sẽ dễ dẫn đến sự tiếc nuối khó xử cho con cháu mai sau.

… Bởi đất lành nên phồn hoa lại đến
Lòng người nhân hậu phúc cháu con
Sẽ rạng rỡ cả một vùng Phố Hiến
Tiểu Tràng An xưa ngỡ vẫn như còn…

(trích "Hưng Yên một khúc sử ca" - Nguyễn Khắc Hào 2009).

Nguyễn Khắc Hào
.
.