Lạc trôi dưới bóng sơn tra...

Thứ Sáu, 22/03/2024, 11:55

Chênh vênh ở độ cao 2.500m so với mực nước biển, bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La có lẽ là bản làng cao nhất trên dải đất hình chữ S. Tháng 3, khi hoa mận, hoa đào trôi về cuối vụ thì rừng hoa sơn tra bung nở. Bản Mông hoang sơ và thưa thớt ấy bỗng trở nên nhộn nhịp.

Tháng 3 năm nay, đặc biệt hơn cả khi lần đầu tiên vùng đất này đón những họa sĩ ngược ngàn, thỏa thuê những nét cọ dưới sắc trắng tinh khôi của những đóa sơn tra.

Những nét cọ trên rẻo cao

Cả tỉnh Sơn La có vài ngàn hecta táo mèo (hay còn gọi là sơn tra), thì riêng bản Nậm Nghiệp (còn có tên Nậm Nghẹp) sở hữu cỡ hơn ngàn hecta. Cây sơn tra chịu được sương gió, thân cây to, dẻo dai nên trụ lại ở đất này lâu lắm rồi, hiện có những rừng táo mèo đã trở thành cổ thụ vài trăm năm tuổi. Những gốc sơn tra sừng sững đón nắng gió trên tầng cao nhất, buông rủ những cành hoa dài mềm mại giữa đất trời Tây Bắc. Tháng 3, cả rừng sơn tra vào mùa hoa. Những thân, cành nâu tưởng như mất dấu và tịnh không có sắc xanh của lá. Cả một vùng trắng muốt, hoa chi chít, tưởng như mảng mây khổng lồ sà xuống ấp ôm mặt đất.

Đúng độ đẹp nhất của rừng hoa sơn tra, trại sáng tác hội họa với chủ đề "Lạc trôi dưới rừng sơn tra" đã diễn ra. Đây là lần đầu tiên trại sáng tác được tổ chức tại Nậm Nghiệp, mở màn cho chuỗi các hoạt động của Ngày hội hoa sơn tra năm 2024. Ba mươi họa sĩ đến từ các vùng miền của cả nước đã tụ về bản, đắm chìm trong cảm xúc phiêu bồng của núi rừng Tây Bắc, hòa mình với nét văn hóa sinh hoạt thường ngày của người Mông bản địa để có những phút giây sáng tác thăng hoa.

Lạc trôi dưới bóng sơn tra... -0
Phóng khoáng nét cọ dưới bóng sơn tra ở bản Nậm Nghiệp.

Rừng sơn tra cổ tích đã thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ với các họa sĩ và du khách. Nhưng, đây cũng là một thách thức sáng tạo đối với người cầm cọ khi lạc trôi trong không gian bát ngát của một miền hoa trắng. Qua những nét cọ đầy ngẫu hứng, phóng khoáng, cách pha màu độc đáo, bản làng Nậm Nghiệp ẩn dưới rừng sơn tra dần hiện lên với nhiều góc nhìn, chiều kích. Mỗi tác giả một phong cách, một góc nhìn, một nét cảm về mùa xuân trên rẻo cao.

“Đây là lần đầu tiên tôi đến Nậm Nghiệp. Vừa đặt chân đến bản đã thấy choáng ngợp trước rừng hoa sơn tra trắng xóa đất trời. Muốn gom tất cả các trường phái để tạo nên rừng sơn tra của riêng mình, trong bức tranh “Sương sớm miền hoa trắng”, tôi sử dụng màu acrylic trên toan. Với lối vẽ vừa hiện thực, vừa lãng mạn, biểu hiện về một ngày mới huyền ảo trong sương sớm, gam màu kiệm về sắc độ nhưng đủ để cảm nhận vẻ đẹp của rừng sơn tra bung cánh trắng, sáng bừng khắp núi rừng nơi đây”, họa sĩ Trương Trọng Quyền chia sẻ.

Còn với họa sĩ Ngô Thành Nhân, ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Hà Nội, Chi hội trưởng Chi hội Hội họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam, một thành viên của trại sáng tác thì đây là cuộc hội ngộ của những họa sĩ chuyên nghiệp từ nhiều địa phương. Trại sáng tác đã đạt được kết quả rất ấn tượng, tạo ra diện mạo nghệ thuật độc đáo cho bản vùng cao Nậm Nghiệp. Chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm, biểu hiện nghệ thuật của từng họa sĩ vô cùng độc đáo, khác biệt, trong đó có những bố cục đặc biệt, nhưng đều thực hiện theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Kết thúc trại sáng tác, có đến 57 tác phẩm tập trung phản ánh vẻ đẹp độc đáo của thiên nhiên Nậm Nghiệp, sự đa dạng trong sắc màu văn hóa đặc sắc của người Mông và vẻ đẹp tinh khôi của rừng hoa sơn tra. Ông Phùng Mạnh Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường La chia sẻ rằng, sự kiện trại sáng tác mỹ thuật tổ chức tại Nậm Nghiệp thành công rực rỡ đã cho thấy tình cảm mến yêu của giới nghệ sĩ đối với mảnh đất, con người Nậm Nghiệp nói riêng, Mường La nói chung. Ông Hiệp cũng bày tỏ mong muốn, sự kiện trại sáng tác Nậm Nghiệp sẽ được tổ chức thường niên, trở thành biểu tượng văn hóa - du lịch độc đáo của Mường La. Các tác phẩm sẽ được trưng bày tại bản Nậm Nghiệp trong thời gian tổ chức Lễ hội hoa sơn tra để phục vụ du khách.

“Món quà” của đất trời

Nậm Nghiệp cao chênh vênh, thưa thớt và hoang sơ. Nậm Nghiệp lạnh se sắt, khô khát. Nhưng, chính những điều đó lại khiến rừng sơn tra đẹp một cách thuần khiết, làm ửng hồng những trái sơn tra đặc hữu ở đất này. Ở nơi chỉ có mây, gió và nắng tích đọng, dường như quả sơn tra cũng có khí chất riêng. Hết mùa hoa, quả sơn tra "thọ thai" từ cuối tháng 3. Sau nửa năm, đến tháng 9, tháng 10 táo mới chín đều.

Bà con dân tộc Mông hái táo mang về để góc nhà, dăm hôm là má táo ửng lên màu đỏ hồng. Rồi quả sơn tra mang theo hương sắc núi rừng được chuyên chở ngược xuôi trăm ngả. Người ta nhớ vị chua nhẹ lẫn ngọt thanh, không đắng chát của quả sơn tra má hồng, có thể ăn trực tiếp hoặc phơi khô làm thuốc, ngâm rượu, làm dấm. Ở Nậm Nghiệp, cứ vào độ tháng 3 và tháng 9, du khách muôn phương đổ về bản ngắm hoa, hái quả, leo núi, đi bộ, hành thiền.

Lạc trôi dưới bóng sơn tra... -1
Tháng 3, hoa sơn tra nở trắng núi rừng.

Đường lên Nậm Nghiệp không hề dễ dàng. Ngay cả với những tay lái có kinh nghiệm thì cũng là một thử thách khắc nghiệt. Nếu đi ôtô khách, bạn sẽ bắt xe lên Sơn La. Đến ngã ba Kim thì xuống xe, vượt quãng đường 25 cây số nữa vào trung tâm xã Ngọc Chiến. Tiếp tục đi xe máy 12 cây số đường đất, vượt qua những cú xóc tung người, những khúc cua tay áo dồn dập và nhiều sườn dốc thót tim thì vào đến bản. Bản lĩnh và kiên nhẫn một chút, bạn sẽ được “bù đắp” xứng đáng bởi một món quà tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng, sẽ lạc vào xứ sở cổ tích mang tên Nậm Nghiệp. Lạc vào rừng sơn tra đang bung nở, trải dài không dứt dưới từng thung lũng, men theo con đường đất đỏ uốn quanh, sẽ thấy những ngôi nhà của dân bản Nậm Nghiệp vắt vẻo trên những ngọn đồi cao. Tất cả đều trong veo giữa thiên đường hoa trắng.

Xã Ngọc Chiến có 15 bản, trong đó có 7 bản người Mông, 7 bản người Thái và 1 bản người La Ha. Bao đời nay người dân cần cù chịu khó chỉ biết trồng trọt, chăn nuôi. Ruộng bậc thang của bà con cheo leo ở sườn đồi. Giống lúa trụ được ở đất này cũng đặc biệt, nấu cơm lên hạt to như... hạt đậu. Người dưới xuôi ăn cơm hạt to này sẽ thấy thật lạ lẫm.

Ngọc Chiến - vùng đất hoang sơ mà cuốn hút với rừng thảo quả, suối khoáng nóng, núi Tà Chì Nhù đang từng ngày đổi thay. Những con đường mới, những cột điện dựng lên để bọn trẻ ở các bản tung tăng đến trường, để có điện sáng học hành mỗi tối. Đặc biệt, ở Ngọc Chiến, có đến 15 cụm cột đá biểu tượng đặt ở đầu mỗi bản, tạo nên điểm nhấn cho diện mạo du lịch của địa phương. Tháng 5 vừa rồi, một nhóm họa sĩ đã lên bản tham gia một dự án cộng đồng vẽ cột đá. Giờ thì bản nào cũng có cột đá bắt mắt được đặt ở vị trí đặc biệt, hấp thụ linh khí trời đất, trở thành địa điểm check in của du khách.

Trong số 15 bản ở Ngọc Chiến, bản Nậm Nghiệp có 100 hộ đồng bào Mông đen nằm trọn vẹn trong rừng sơn tra. Nhờ có cây sơn tra mà nhiều du khách tìm đến đây, "phải lòng" đến mức mê mẩn bản Mông này. Bà con ở Nậm Nghiệp đang dần đổi thay, học cách làm du lịch, đón khách muôn phương.

Kháng A Lệnh năm nay 34 tuổi, là người con của bản Nậm Nghiệp những ngày qua bận bịu với các hoạt động của trại sáng tác và đón khách du lịch đến thăm bản. Lệnh nhanh nhẹn, nắm bắt cái mới rất nhanh. Lệnh bảo, bản làng của Lệnh là một tiểu vùng khí hậu đặc biệt, khi lạnh nhất sẽ xuống 4oC, nóng nực nhất cũng chỉ 27oC, quanh năm mát mẻ. Lệnh và bà con ở bản vừa lạ lẫm, vừa thích thú và tự hào khi cây sơn tra ngày càng được nhiều người biết đến. Lần đầu tiên bà con được gặp gỡ và chứng kiến các họa sĩ tác nghiệp dưới bóng sơn tra. Những em gái Mông áo váy sặc sỡ thầm thì bên nhau, đôi mắt lấp lánh vui. Vui nhất là lũ trẻ ở bản. Chúng cười đùa, chạy đuổi nhau quanh gốc sơn tra cổ thụ. Đôi má bầu bĩnh trẻ thơ ửng hồng như trái sơn tra. Cảm giác bình yên và náo nức...

Nhắc đến Ngọc Chiến, không thể không nhắc tới ngọn núi Tà Chì Nhù cao 2.979 m trong biển mây hùng vĩ. Đây là đỉnh núi cao thứ sáu ở Việt Nam. Về địa giới hành chính thì Tà Chì Nhù thuộc xã Xà Hồ, Trạm Tấu, Yên Bái. Nhưng, muốn chinh phục ngọn núi này thì cung đường đẹp nhất phải đi qua bản Nậm Nghiệp. Trên đường leo núi Tà Chì Nhù, bạn sẽ lạc vào rừng sơn tra hoa trắng muốt, rồi "phải lòng" đến mức mê mẩn bản Mông này...

Huyền Châm
.
.