Kiếm - những lớp mã huyền thoại!

Thứ Năm, 02/05/2024, 15:15

Truyền thuyết Việt kể, buổi đầu Lê Lợi khởi nghĩa, lực yếu, quân ít nên nhiều lần thất bại. Đức Long Quân liền cho mượn gươm thần. Một ngư dân tên Thận thả lưới ba lần đều chỉ bắt được thanh sắt liền đem về cất đi. Lê Lợi đến thăm, thấy góc nhà sáng rực, bèn đến xem, thấy một lưỡi gươm khắc hai chữ “Thuận thiên”.

Một đêm khi qua khu rừng nọ, thấy ánh sáng lạ trên ngọn cây, Lê Lợi trèo lên bắt được một chuôi gươm nạm ngọc, đem về tra lưỡi gươm ở nhà Thận vào thì vừa khít. Từ đó nghĩa quân đánh đâu thắng đấy. Hết giặc, Lê Lợi lên ngôi vua lấy hiệu Lê Thái Tổ.

Ngày nọ vua ngồi thuyền rồng dạo chơi trên hồ Tả Vọng, bỗng rùa vàng nổi lên xin lại gươm. Về sau dân gian gọi là hồ Hoàn Kiếm tức hồ trả gươm. Cái “mã” lớn nhất của truyền thuyết là hai chữ “Thuận thiên”, “thiên” nghĩa là trời, cũng có nghĩa là dân. Như vậy việc lớn thành công, ngoài thuận lòng trời, còn phải thuận cả lòng người. Có giặc thì tổ tiên cho nhận gươm thần để cứu nước. Hết giặc thì con cháu trả lại gươm thần để lo chuyện làm ăn. Truyền thuyết cho thấy người Việt yêu nước, yêu hòa bình và nhân ái vô cùng.

image001.jpg -0
Một phần hình ảnh kiếm ngắn Núi Nưa (Việt Nam).

Còn là triết lý về mối tương giao người - vật. Người thường (Thận) chỉ thấy đó là thanh sắt. Nhưng người tài (Lê Lợi) lại nhận ra đó là lưỡi gươm. Vật (lưỡi gươm) thấy người tài (Lê Lợi) thì “sáng rực” lên. Ở đời vẫn thế. Người này “duyên” với vật/việc này mà không “duyên” với vật/việc kia. Cố ngẫm để mà “biết mình, biết người”. Lại thêm, phải biết đi tìm cơ hội ở nhiều không gian (dưới sông nước, trên rừng cây). Với người tài thì các cơ hội nhỏ gặp nhau sẽ tạo ra cơ hội lớn. Lê Lợi gặp lưỡi gươm, chuôi gươm hai lần khác nhau. Nhưng chỉ ông biết “hợp” (thống nhất) lại thành “báu vật”…!!!

Còn có nhiều lớp nghĩa khác nằm trong motip gươm thần này, tựu trung lại đó là biểu tượng thiêng, mà “thiêng” thì bao giờ cũng được phủ lớp sương huyền thoại, bí ẩn, mời gọi…

Nhưng vẫn có sự thật rất khó giải thích. Đó là “Thiên hạ đệ nhất kiếm” của Việt vương Câu Tiễn cách nay hơn 2.300 năm. Năm 1965, khai quật ngôi mộ trên núi Vọng (Giang Lăng, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) người ta sửng sốt với thanh kiếm cổ, khi rút khỏi bao, vẫn sáng, lưỡi kiếm sắc bén, không hề bị gỉ sét. Hai dòng chữ khắc trên thân kiếm “Việt vương Câu Tiễn tự tác dụng kiếm” vẫn nét như mới khắc. Theo giới nghiên cứu, lưỡi kiếm được làm chủ yếu từ đồng điếu, dài 56cm, rộng 4,6cm, chuôi cán khảm lưu ly, loại đá quý thời cổ đại. Việt vương Câu Tiễn nổi tiếng với tích “nếm mật nằm gai”, nằm ngủ trên gai, nếm vị đắng của mật để nhớ mãi nỗi nhục đầu hàng quân Ngô mà phục thù. Chắc thanh kiếm trên đã ít nhiều giúp Câu Tiễn thành công.

Thời Đường, bên nước Tàu, “kiếm pháp”, “kiếm thuật” được đưa vào chương trình học tập trong giới Nho sĩ. Ngày ấy kén rể quý, ngoài thử chữ nghĩa còn thêm cách xem ai múa gươm dưới trời mưa to mà áo quần vẫn không ướt. Lý Bạch học kiếm từ nhỏ, lại được bố mời thầy giỏi đúc kiếm, ba năm rèn một thanh kiếm báu đặt tên là “Nhật Nguyệt”. Năm 36 tuổi, Lý Bạch vừa là bạn, vừa là trò của Phỉ Dực - người được tôn là “thiên hạ đệ nhất kiếm”. Có thầy giỏi lại chăm chỉ tập luyện nên “kiếm pháp” Lý Bạch ngày càng điêu luyện, ảo diệu.

Theo sử sách, đương thời Lý Bạch rất nổi tiếng, được người đời khen một tay cầm bút làm thơ, một tay múa kiếm đều giỏi. Từ “mẫu gốc” này trong văn chương xuất hiện hình tượng người quân tử đeo gươm cưỡi ngựa biểu trưng cho ý chí “tang bồng”. Đi vào “Truyện Kiều” ở ta đã góp phần kiến tạo nên một Từ Hải: “Trông vời trời bể mênh mang/ Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”…

Nhưng nâng “kiếm học” thành “đạo” thì chỉ có ở Nhật Bản. Môn “Kiếm đạo” được gọi là “Kendo” (Ken = kiếm, do = đạo), hình thành dựa trên kỹ thuật truyền thống của kiếm sĩ Samurai cùng thanh kiếm Katana. Tương truyền Katana sinh ra trong lửa để trở thành biểu tượng của đức tin và uy quyền, để làm nên một “tinh thần Nhật Bản”. Rèn một thanh kiếm Katana “độc bản” (dài 60-80cm và nặng 1,1-1,3kg) là cực kỳ công phu, tốn kém, do vậy nó rất giá trị. Theo truyền thông, thanh kiếm tên Samurai Tachi (có từ thế kỷ XVI) được định giá tới cả nhiều triệu đôla Mỹ. Katana gắn liền với các võ sĩ Samurai, kiếm được đeo hướng mũi xuống dưới, sau thế kỷ XVI, kiếm được đeo mũi hướng lên trên.

image002.jpg -1
Kiếm của anh hùng El Cid (Tây Ban Nha).

Đất nước Tây Ban Nha tôn thờ người anh hùng El Cid (1043-1099) - một nhà quân sự tài giỏi, một nhà ngoại giao xuất chúng. Gắn liền với cuộc đời chinh chiến của El Cid là thanh kiếm Tizona huyền thoại, hiện trưng bày tại Viện bảo tàng Burgos (thành phố Burgos), được coi là một hiện vật lịch sử - văn hóa có giá trị lớn lao. Kiếm dài 103cm và nặng 1,1kg. Thân kiếm đề năm sản xuất (1002) và trích dẫn câu kinh cầu nguyện Đức Mẹ Maria.

Theo cách gọi phổ thông thì kiếm và gươm là một, hồ Gươm cũng là hồ Hoàn Kiếm. Thế giới gọi “kiếm Nhật”, lại cũng gọi “thanh gươm võ sĩ đạo”. Nhưng thực tế khác nhau, kiếm 2 lưỡi đối xứng (thiên về đâm), gươm một lưỡi (thiên về chặt, chém). Ngoài công dụng là vũ khí lạnh dùng trong chiến trận để sát thương đối phương, kiếm còn là biểu tượng quyền lực, danh dự, vị thế, văn hóa…

Năm 1961, dưới chân núi Nưa (Triệu Sơn, Thanh Hóa) ngành khảo cổ khai quật được thanh kiếm quý, lưỡi hình lá tre, mỏng, hai lưỡi sắc, chắn tay hình sừng trâu. Cán là khối tượng tròn mang hình dáng một phụ nữ đầu đội khăn hình chóp giống búp sen, tai đeo đôi vòng to chấm vai, ngực và tay đeo vòng trang sức, hai tay chống nạnh đầy uy quyền mạnh mẽ. Thân mặc áo chẽn dài tay. Áo cánh xẻ ngực không cài khuy… Kiểu trang phục này nay vẫn thấy trong bóng dáng trang phục phụ nữ Mường… Chưa đủ căn cứ khoa học nhưng nhiều giả thiết nhận định tượng người phụ nữ chính là nguyên mẫu Bà Triệu. Đây là thanh kiếm Lệnh (biểu trưng Lệnh ban ra). Thực sự là báu vật, năm 2013, thanh kiếm được công nhận bảo vật quốc gia.

Gươm kiếm là biểu tượng cho ý chí, quyết tâm làm việc gì đó lớn lao, phi thường. Trong “Cáo bình Ngô” cụ Nguyễn Trãi có câu: “Gươm mài đá đá núi cũng mòn”. Trong “Cảm hoài”, Đặng Dung viết: “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma” (Thù nước chưa báo được, mà đầu thì đã bạc rồi/ Bao lần mang kiếm Long Tuyền ra mài dưới bóng trăng). “Long Tuyền” theo truyền thuyết Trung Hoa là một bảo kiếm. Âu Dã Tử - ông tổ nghề rèn kiếm một lần ngao du thấy mạch nước ở Long Tuyền (trên núi Tần Khê, tỉnh Triết Giang nay) có ánh sắc lạ. Đoán có quặng sắt quý liền cho xẻ núi tìm được một mảnh thiết anh (sắt tốt) rồi rèn thành kiếm Long Tuyền. Đem kiếm quý mài dưới trăng là cái ý ẩn nhẫn chờ thời. Câu thơ còn có bóng dáng triết lý của Tư Mã Ý thời “Tam quốc”: hai mươi năm mài gươm để một ngày dùng!

Kiếm còn dùng trong ma thuật, thờ cúng, trấn yểm… Ở Nhật Bản khai quật ngôi mộ cổ Tomio Maruyama (khoảng nửa sau thế kỷ IV) tìm được một chiếc gương và thanh kiếm dài hơn 2 mét, lưỡi uốn cong giống hình con rắn. Theo giới khảo cổ, thanh kiếm không thể dùng trong thực tế (vì quá dài) mà là một biểu tượng nghi lễ ma thuật liên quan đến tín ngưỡng thờ rắn cổ xưa. Chiếc gương có thể là vật để xua đuổi ma quỷ. Có lẽ đây là một trong những mạch nguồn, chảy về thời hiện tại tạo thành một nét “trấn yểm phong thủy” ở nhiều nước phương Đông. Chủ nhà treo thanh kiếm trong phòng khách ở vị trí thích hợp vừa tăng cường “vượng khí” vừa xua đuổi tà khí.

Ngày nay thế giới quen thuộc với biểu tượng Nữ thần công lý (Lady Justice, Justitia) của phương Tây, với thanh gươm biểu tượng cho sức mạnh cưỡng chế, quyền lực, thực thi công lý. Nhưng thanh gươm này vẫn còn trong vỏ, mũi chúi xuống đất. Kết hợp với hình ảnh “cán cân” có thể hiểu cái ý nghĩa công lý phải được xem xét, điềm tĩnh, thấu đáo, cẩn thận chứ không phải là để đe dọa, uy hiếp, trấn áp, tạo ra sự sợ hãi…

Ở châu Âu cuối thời trung đại, kiếm gắn liền với giới quý tộc và các hiệp sĩ. Để giải quyết mâu thuẫn theo tinh thần “thượng tôn công lý”, người ta tổ chức các trận đấu tay đôi với vũ khí thường là kiếm. Có sự sắp xếp và thỏa thuận trước, hai bên sẵn sàng lấy tính mạng của mình để “đảm bảo danh dự”. Sau này súng ngắn ra đời, “đấu tay đôi” thay kiếm bằng súng. Vì tính chất có phần “nguyên thủy” nên đến thời hiện đại, “đấu tay đôi” bị bỏ hẳn.

Là một biểu tượng thiêng nên ở thời hôm nay, kiếm vẫn mang tính tượng trưng cho quốc gia (sức mạnh quân sự), cho dòng họ (nổi tiếng về võ thuật, sự mạnh mẽ), cho ngành nghề (bảo vệ đất nước, công lý, trừng phạt cái ác…).

Nguyễn Thanh Tú
.
.