Không chỉ là “cái lò gạch cũ”!

Thứ Bảy, 02/10/2021, 10:39

Nam Cao đưa đến bản thảo "Cái lò gạch cũ", nhà xuất bản bèn đổi tên, có thể còn có một lý do sau: nhà văn Nguyễn Công Hoan trước đó vừa cho in một truyện "đình đám" có tên "Cái lò gạch bí mật". Hẳn nhiên có lý vì dù thế nào cái tiêu đề tác phẩm na ná nhau, nhất là lúc bấy giờ Nam Cao chưa có tên tuổi gì, trong khi đó tác giả Nguyễn Công Hoan đã rất ấn tượng với độc giả!

Với phong cách trào phúng đặc sắc, nhất là một cách kể rất "hóm", truyện "Cái lò gạch bí mật" ra đời là một cách nhại truyện trinh thám đang được ưa chuộng như một "mốt" thời thượng lúc bấy giờ. Nhân vật chính tên Trinh (cũng là lối nhại "trinh thám") vì đọc quá nhiều truyện điều tra mà mắc bệnh hoang tưởng, nhìn cái gì cũng ra "hình sự" cả.

image001.jpg -0
 Tử Cấm Thành - cung điện xa hoa xây bằng "gạch vàng"!

Hôm ấy "điều tra" một vụ "giết người" Trinh yêu cầu ba người bạn nữa, trong đó có "tôi" - người kể chuyện, đi "thi hành công vụ". Theo hiệu lệnh của Trinh, đang đêm họ bí mật đi ra cánh đồng rồi cả bốn trèo lên bốn góc cái lò gạch cũ. Đây là cái nhìn và suy nghĩ của "tôi" trước khi "bắt quả tang", một vụ án, theo Trinh là vụ "giết người ghê gớm", có thể nổi tiếng nhất nhì xứ Bắc Kỳ về độ nguy hiểm: "Trông bốn thằng chồm chỗm, đen ngòm, ngồi trên bốn góc thành tường cũng đen ngòm, tôi nghĩ ngay đến cái xe đám ma. Mà cũng may, nghĩ vậy, tôi tự nhiên thấy phấn chấn trong lòng. Vì nếu cảnh này giống cái xe đám ma thì sao chả có một cái xác chết. Cái xác chết ấy bao giờ cũng ở giữa xe. Thế vị chi là thằng giết người chốc nữa nó chui vào giữa lò. Thế thì nó chết. Chúng tôi sống!"...

"Nó" chui vào thật! "Nó" loay hoay. "Nó" ngồi xuống. Chưa thấy hiệu lệnh... Chắc là Trinh, "trưởng toán điều tra" muốn "cất mẻ vó" to hơn! Nhưng rồi "nó" đứng dậy. "Nó" ra cửa lò. Một hiệu lệnh vang lên... Hẳn nhiên là tên "giết người" đã chạy mất vì các "điều tra viên" không "chuyên nghiệp" lại không "ăn khớp" với nhau. Cả bốn chỉ còn "nước" tìm "tang vật". Rồi cũng tìm thấy: "Theo ngón tay trỏ, ngọn đèn bấm của Trinh to ra một tia lửa sáng như ban ngày. Tang vật đó to bằng vành khăn đàn bà, cuộn khoanh lù lù trên mặt đất thành một bãi, đầu hình búp măng, màu vàng, mà đích là có hơi ngạt...!!!"...

Vì là truyện "nhại" nên nó phải tìm đến phương tiện cái tục để gây cười, để châm biếm, mỉa mai. Ai cũng hiểu cái "tang vật" kia là gì... Bạn đọc được mẻ cười. Còn các nhà văn "trinh thám" thì được bữa...tím mặt...

Cái lò gạch ấy nay đi vào dĩ vãng rồi. Nhưng chỉ chừng hai ba chục năm trở về trước thì vẫn thấy hiện hữu ở nhiều nơi, thường là vùng đồng bằng, giữa cánh đồng lúa. Vì nơi đó mới có đất sét để làm gạch, phơi gạch, khi đốt không ảnh hưởng đến dân cư...

Đó là những lò gạch thủ công được xây kín, thường có một cửa ra vào để đưa gạch, bên trên có mái che. Thế là những lò gạch cũ thành địa điểm "lý tưởng" để người ta cần làm những việc "kín đáo". Kết truyện "Chí Phèo" là chi tiết Thị Nở "thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua…" để dành cho bạn đọc "liên tưởng": Thị lại sẽ ra nơi ấy rồi đẻ một "Chí Phèo con"... Cái vòng luẩn quẩn lại tiếp diễn nếu người ta không thay đổi được hoàn toàn cái môi trường tha hóa phi nhân tính của chủ nghĩa thực dân nửa phong kiến kia!

Cái lò gạch tất nhiên để sản xuất gạch, ở đây là loại gạch đỏ xây dựng, quen thuộc với bất cứ người dân nào trong thời buổi đô thị hóa đang diễn ra chóng mặt. Loại gạch này được làm từ đất sét nung. Theo lịch sử ngành xây dựng thì gạch đã được loài người sử dụng khoảng 7.500 năm trước Công nguyên, dành cho các công trình xây dựng có tuổi thọ hàng ngàn năm. Đất sét được đào lên, tưới nước, nhồi (giáo) nhuyễn rồi đưa vào khuôn thành viên (gạch mộc) phơi thật khô rồi xếp vào lò. Ngày trước nhiên liệu để đốt là củi, rơm rạ, sau là than đá trộn với bùn. Lò được đốt liên tục hàng tuần liền cho đến khi gạch "chín", chuyển sang màu đỏ hoặc nâu sẫm. Lò được tắt đến khi nguội thì dỡ gạch, dỡ sớm gạch dễ vỡ vì giòn. Là nguyên liệu chính để xây nhà nên thời hiện đại viên gạch được chuyển nghĩa sang tu từ ẩn dụ ví người nào đó có công lao hoặc công việc gì đó quan trọng mang tính tiền đề, tiên phong thì được gọi là "một viên gạch đặt nền móng"...

image003.jpg -0
Một cái lò gạch cũ!

Là một chứng nhân văn hóa "biết nói" bền bỉ với thời gian, xem viên gạch nhà khoa học khảo cổ sẽ hình dung ra được phần nào "bộ mặt" của thời đó!

Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội (tập 32, số 1S, 2016) có đăng bài báo "Về vấn đề tồn tại của quốc gia Đại Cồ Việt thế kỷ X-XI" của nhà nghiên cứu Nga Polyakov Alexey Borisovich (Đại học Tổng hợp quốc gia Matxcova). Căn cứ vào chứng cứ khảo cổ học tại Hoa Lư, thủ đô của các triều Đinh, Tiền Lê, Hậu Lý là các viên gạch "có màu đỏ, độ nung cao, nhiều viên có chữ "Đại Việt quốc quân thành chuyên" (gạch xây thành quân đội nước Đại Việt - NTT) được in nổi vào gạch ướt sau khi đóng khuôn... Kích thước 30cm X 16cm X 4cm... được xác định là gạch của thời Đinh". Dựa trên căn cứ này bài báo rút ra kết luận quan trọng: quốc hiệu Đại Việt đã có từ thế kỷ X. Vấn đề còn đợi sự thẩm định của giới sử học, từ góc nhìn văn hóa, bài viết chỉ xin khẳng định mỗi viên gạch càng xa trong quá khứ càng là những mã văn hóa rất quý giá.

Không chỉ là hòn đất nung mà mỗi viên gạch có khi giá trị tương đương với vàng (tính theo trọng lượng). Đấy là trường hợp "gạch vàng" để lát nền ở Tử Cấm Thành. Thậm chí giới nghiên cứu khoa học xây dựng còn cho rằng gạch lát sàn trong Tử Cấm Thành có giá trị hơn vàng bởi để có loại gạch này cần đến 720 ngày, qua nhiều công đoạn cực kỳ phức tạp, tinh vi. Được làm từ lò gạch ở làng Lục Mộ (Tô Châu) vì đất ở đây chất lượng đặc biệt tốt, có điểm kỳ lạ đặc trưng là âm thanh phát ra khi gõ vào gạch giống như âm thanh phát ra khi gõ vào vàng hay đá quý. Thế nên gọi là "kim chuyên" (gạch vàng).

Riêng công đoạn xử lý đất phải đủ 7 quy trình: đào, vận chuyển, phơi khô, đập đất, nhào trộn, mài và sàng. Đất được loại bỏ "tạp chất", loại bỏ hết bọt khí, cho vào khuôn đã tạo sẵn, phơi khô trong 7 tháng liên tiếp rồi mới nung. Dùng rơm rạ và trấu để loại bỏ hết hơi ẩm trong đất rồi dùng củi đốt tiếp một tháng, sau cùng, dùng cành thông đốt tiếp 40 ngày. Gạch ra lò có bề mặt sáng bóng, trơn nhẵn, có khả năng thấm nước cao nên mùa hè rất mát, tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái. Nếu đặt hoa quả trên nền gạch này sẽ tươi rất lâu, ăn sẽ ngon và mát hơn...

Trên bề mặt những viên gạch ấy luôn được khắc dấu của phủ Tô Châu và ghi rõ niên hiệu của từng thời kỳ như Vĩnh Lạc, Chính Đức, Càn Long!

Văn hóa kiến trúc đền đài Việt Nam góp với thế giới kỳ quan Tháp Chăm có từ thế kỷ XI - XII. Ngoài độ điêu luyện về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, sự hài hoà trong tiếp biến phong cách nghệ thuật Chămpa và Khmer, sự độc đáo của chất liệu xây dựng là những viên gạch Chăm kỳ lạ. Cũng làm từ đất sét nhưng bí ẩn đến mức ngày nay vẫn chưa rõ đó gạch mộc hay gạch nung. Chỉ biết ngoài đất sét còn biểu hiện của sự gia thêm vỏ trấu, vỏ sò, vỏ ốc...

Tại sao có vỏ trấu? Vì khi nung (nếu có) thì vỏ trấu cháy đi để lại những lỗ rỗng, dễ thoát nước nhưng vẫn đủ độ chắc. Nếu là gạch nung thì các công đoạn như thế nào để có những viên gạch thật sự quý hơn vàng này vẫn còn là những câu hỏi. Tìm ra dấu vết của những "lò gạch cũ" là việc rất cần thiết. Nhưng người ta đã khảo sát, khảo cổ dưới mặt đất, trong văn bản cổ xưa, trong truyền thuyết dân gian... vẫn chưa tìm ra manh mối. Cũng chỉ biết trong những viên gạch Chăm có nhiều bã thực vật và thành phần silic cao hơn gạch thông thường ngày nay. Rất đặc biệt là những viên gạch bị rơi ngoài cấu trúc của tháp, dù không còn nằm trong cơ chế rút nước tổng thể nhưng do cấu tạo đặc biệt nên không bị mục.

Đã rất nhiều nhà nghiên cứu đầu ngành trên thế giới ở các chuyên ngành xây dựng, kiến trúc, vật liệu... từ cổ điển đến hiện đại cũng chưa trả lời được những viên gạch tháp Chăm dán chặt vào nhau theo cơ chế gì vì giữa chúng không có mạch vôi vữa. Thậm chí có một phỏng đoán người xưa xếp gạch mộc thành hình như tháp hiện nay, xây một cái lò gạch khổng lồ bao quanh rồi... đốt theo quy trình đặc biệt. Sau đó phá bỏ cái vỏ lò để giữ lại cái lõi!!!

Còn biết bao những giả thuyết khác. Còn bạn, xin mời có ý kiến!?

Nguyễn Thanh Tú
.
.