Khoái cảm thẩm mỹ

Thứ Sáu, 05/11/2021, 15:18

Con người, ngoài nhu cầu về ăn, uống, ngủ, nghỉ, hoạt động, làm việc, giao lưu... còn có một nhu cầu là được thỏa mãn về cái đẹp. Có vẻ như nhu cầu này ít người nghĩ đến. Nhưng sự thật lại xảy ra ở bất cứ ai. Đi mua bất cứ mặt hàng gì, ngoài chất lượng, giá cả, người ta còn quan tâm đến hình thức. Ta sẽ thấy thú vị khi đi dạo trên một con đường đẹp, rợp bóng cây; tham quan một thành phố nguy nga, ngoạn mục. Ta thích ngắm nhìn bất cứ vật gì bắt mắt. Trong “tứ đức” của người phụ nữ Việt Nam truyền thống, có một tiêu chuẩn thuộc về vẻ đẹp hình thức (dung).

Nói đến từ “thẩm mỹ” là nói đến cái đẹp trọn vẹn, có phần cụ thể, rõ ràng. Còn khoái cảm thẩm mỹ thiên về cái gì đó trừu tượng, trong địa hạt tâm hồn, tinh thần. Cụm từ này là thước đo cao nhất đối với một tác phẩm văn nghệ. Một áng văn, bài thơ, bản nhạc, điệu múa, bức tranh, tấm ảnh, cuốn truyện, vở kịch, bộ phim… chỉ có giá trị khi làm trái tim người thưởng thức rung động. Khi đó, ta nói tác phẩm đã đem lại nhiều khoái cảm thẩm mỹ cho người thưởng thức. Chỉ có sự giàu có, phong phú về thẩm mỹ mới chuyển tải được mọi giá trị về nội dung, tư tưởng. Đó là đặc trưng của văn nghệ mà không thứ nào có được.

Một tác phẩm có tư tưởng gọi là lớn lao, cao cả đến đâu cũng sẽ không có giá trị gì nếu không hay, không khiến người thưởng thức rung động. Khi đó, thông điệp của tác giả dẫu có ý nghĩa thế nào cũng sẽ không đến được với công chúng nếu tác phẩm không đem đến được cho họ khoái cảm thẩm mỹ. Tại sao số đông học sinh thời nay không yêu thích môn văn, thậm chí còn bị cho rằng học rất mệt? Dễ hiểu là bởi vì cách biên soạn sách giáo khoa, cách chọn tác phẩm đưa vào sách và cách dạy của giáo viên không nhằm vào việc bồi dưỡng năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho học sinh mà chỉ thuần túy là dạy nội dung chính trị, tư tưởng trong tác phẩm. Như vậy, tiết học văn chẳng khác gì tiết học về đạo đức, về giáo dục công dân.

van gốc (1).jpg -0
VinCent van Gogh (1853-1890) danh hoạ có tác phẩm được nhiều thế hệ công chúng mến mộ.

Khi nói “khoái cảm thẩm mỹ” là đương nhiên nói đến việc cảm thụ cái đẹp đích thực, cao thượng và như vậy là người cảm thụ có “gu” (gout) cao, sành (bon gout). Cũng cần thấy rõ cái đẹp, giá trị thẩm mỹ của tác phẩm không bao giờ là một cái gì mơ hồ, chung chung, tách rời khỏi nội dung tư tưởng của tác phẩm. Vậy nên không thể chỉ trích, phê phán tác giả nào đó là duy mỹ. Nếu đúng là duy mỹ (vì cái đẹp) thì họ sẽ phấn đấu bằng mọi cách để đem đến cho công chúng nhiều khoái cảm thẩm mỹ khi thưởng thức tác phẩm của họ. Chỉ bằng xúc cảm thẩm mỹ, người ta mới chuyển hóa được mọi giá trị về nội dung tư tưởng mà người nghệ sỹ gửi gắm trong tác phẩm. Nhiều người thuộc và rất chiêm ngưỡng những câu thơ nổi tiếng sau:

“Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng trong lòng
Nắng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”.

(Đoạn trích trong “Tống biệt hành” của Thâm Tâm ra đời năm 1940)

Mấy câu này mà bình thì phải triển khai thành một bài khá dài bởi chứa đựng quá nhiều điều có thể nói. Đọc bao nhiêu lần, tôi vẫn rất thích thú, cảm giác như mỗi lần đọc, lại thấy thêm nhiều điều mới mẻ bởi cứ gieo vào tôi cảm giác bâng khuâng, bồi hồi, lưu luyến, thảng thốt, day dứt rất khó tả. Chừng ấy từ ngữ tôi vừa huy động vẫn chưa nói hết được những điều tác giả muốn thể hiện. Hình như còn nhiều điều cất giấu trong những câu thơ kia? Đâu phải chỉ vì tác giả dùng toàn thanh “bằng” mà không có một tiếng “trắc” nào. Cũng chẳng phải những cảnh sắc thiên nhiên hiện ra vốn dĩ dễ gây cho người đọc nảy ra tâm trạng, mà là tổng hợp của nhiều thứ. Chỉ biết đã gợi nên một vẻ đẹp, một phong vị của thiên nhiên, của tình người, của tâm trạng rất đặc biệt. Vừa cụ thể lại vừa trừu tượng, vừa trong khoảnh khắc lại cũng rất vĩnh hằng.

Một bài thơ khác của Chế Lan Viên:

“Nhớ xuôi trông mãi mảnh tin nhà
Nay được phong thư nước suối nhòa
Chẳng dám giận nhiều con thác lũ

Thương tình chú ngựa khổ đường xa”.

(Thư mùa nước lũ)

Nếu giảng dạy thì giáo viên sẽ dạy thế nào, khai thác ý gì? Sẽ nói về “chủ đề tư tưởng” sao đây trong những câu thơ trên? (Thường giáo viên hay dạy các em cái chủ đề tư tưởng của bất cứ bài thơ, văn nào). “Thư mùa nước lũ”, Chế Lan Viên sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Các giáo viên sẽ khai thác thế nào với “tiếng sóng ở trong lòng”, với “đầy hoàng hôn trong mắt trong” (ở bài trên) và “phong thư”, “con thác lũ” và “chú ngựa khổ đường xa” là sao (ở bài dưới)? Nếu cứ truy tìm lấy được cái gọi là “chủ đề tư tưởng” thì cũng được thôi, không khó gì. Nhưng dễ khiên cưỡng và cũng dễ không đúng ý của tác giả. Chỉ biết rằng đọc những câu thơ trên, ta thấy tâm hồn mình dạt dào cảm xúc, thấy yêu người, yêu đời, yêu cảnh sắc quê hương và riêng ở bài dưới thì yêu cuộc kháng chiến thần thánh năm xưa làm sao!

van-cao-tcs.jpg -0
Văn Cao và Trịnh Công Sơn (đeo kính) - hai cố nhạc sỹ có nhiều tác phẩm làm rung động trái tim đông đảo công chúng.
 

Khoái cảm thẩm mỹ chỉ có khi ta thưởng thức được những tác phẩm hay, có giá trị, ví như những câu thơ trên. Với những tác phẩm tầm thường thì không thể có. Không gì chán bằng buộc phải xem, nghe, đọc một tác phẩm dở. Nhưng không đơn giản chỉ là chán mà còn là rất tổn hại đến năng lực cảm thụ thẩm mỹ của ta, nhất là đối với những người chưa có bản lĩnh hấp thụ. Ta vẫn quen nói về những tác phẩm văn nghệ dở: Đó là những tác phẩm vô thưởng vô phạt, không có giá trị, có thể “lành” nhưng không “mạnh”.

Thực ra, tình hình không chỉ như thế. Có thể tác phẩm nào đó không độc hại về nội dung tư tưởng, thậm chí còn ra sức tuyên truyền cho những điều tốt đẹp (về khái niệm) nhưng không có một chút giá trị nghệ thuật, ta vẫn nói nôm na là dở, là “thảm họa” thì không hắn là “vô thưởng vô phạt” mà thực sự có hại, rất có hại. Hại gì? Hại đến năng lực cảm thụ thẩm mỹ, ảnh hưởng đến sự rung động tự nhiên của tâm hồn, trái tim ta trước cái đẹp, nếu cứ toàn phải tiếp xúc với những tác phẩm dở thì lâu dần sẽ thui chột khả năng hấp thụ cái đẹp của ta.

Không giống như chuyện ăn uống. Nếu ta đưa vào miệng một món khó ăn, chiếc lưỡi sẽ báo ngay cho ta để nhè ra. Ta sẽ chẳng làm sao vì món đó đã không nuốt vào, coi như chưa ăn. Nhưng tác phẩm văn nghệ thì hoàn toàn khác. Nghe một bản nhạc, đọc một bài thơ hoặc nhìn một bức tranh, thấy dở, ta dừng lại, không tiếp tục nghe, đọc hoặc xem (giống như ta nhè món ăn ra). Nhưng ở trường hợp thưởng thức tác phẩm thì cái dở đã ít nhiều lọt vào óc và tim ta. Khi ta dừng lại, không thưởng thức nữa thì không thể nói là chưa.

Macarencô – nhà giáo dục học nổi tiếng của Liên Xô (cũ) - nói một câu đại ý: Trẻ con mà tiếp xúc với những tác phẩm độc hại về nội dung thì có hại đã đành. Nhưng nếu “lành mạnh” mà dở, vô giá trị về nghệ thuật thì cũng có hại không kém. Còn Satôbriăng (Chateaubrian) – nhà thơ lãng mạn Pháp ở thế kỷ 19 - cũng nói: Con người mà không có khoái cảm thẩm mỹ thì chẳng khác gì con vật”.

Ở nước ta hiện nay, trong các loại hình văn học nghệ thuật thì thơ và nhạc là hai thứ đang có chiều hướng bị “lạm phát” ở khắp nơi. Không phải là ngoa, quá lời nếu nói hiện đang có tình trạng “người người làm thơ, ngày ngày làm thơ”. Ca khúc cũng như vậy. Ai cũng có thể từ thơ có sẵn của người khác mà âm ư thành giai điệu rồi nhờ người biết nhạc ghi ra. Thế là thành bài hát. Mất một khoản tiền nhờ người phối khí, ca sỹ hát, rồi thu thanh. Xong, tung lên mạng, thế là thành nhạc sỹ. Bài hát thì lôi thôi, ngang phè hoặc nhạt phèo, không thể nghe được.

Người nghe dễ ngộ nhận, cứ thấy ca sỹ thuộc hàng “sao”, “xịn” hát thì cho là bài hay, rồi chia sẻ, chúc mừng, tán dương, bốc thơm tác giả mà không có khả năng phân biệt người hát hay nhưng tác phẩn dở và hát dở tác phẩm hay. Không khí thơ, nhạc hiện nay đang bị ô nhiễm trầm trọng bởi những sáng tác quá tầm thường. Hiện tại, người ta rất khó có khoái cảm thẩm mỹ với nhiều bài thơ, bài hát đang ra đời. Tình hình khả quan hơn ở các lĩnh vực văn xuôi, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật. Đã đến lúc cần đặc biệt lưu ý đến điều này mới mong thuyết phục được công chúng.

Nguyễn Đình San
.
.