Khi văn hóa thêm "kiên cường và nhân văn" giữa khủng hoảng

Thứ Năm, 27/10/2022, 16:02

Hiện không có khái niệm chính xác giải thích văn hóa là gì. Tuy nhiên, khi bàn về chủ đề này, nhiều người có thể hình dung văn hóa là những vật chất, tư tưởng, giá trị tích cực được hình thành, tích lũy từ quá khứ tới hiện tại và mang thông điệp truyền cảm hứng.

Thật vậy, trong bối cảnh người dân châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, khiến họ có lẽ sẽ tạm gác lại những câu chuyện văn hóa để ưu tiên giải quyết các vấn đề của đời sống hàng ngày, thì văn hóa vẫn ở đó và phát huy vai trò. Những nhà bảo tàng học ở châu Âu đang nỗ lực hết sức không chỉ để tìm ra cách thức bảo toàn số lượng và chất lượng của các tác phẩm nghệ thuật hay cổ vật giá trị, họ còn kiến nghị lên chính phủ việc biến bảo tàng thành "nơi trú ẩn ấm áp" cho những công dân dễ bị tổn thương nhất, những người không có khả năng chi trả hóa đơn năng lượng trong mùa đông lạnh giá sắp tới.

Ngành bảo tàng ứng biến ra sao?

Cuộc khủng hoảng năng lượng đang phủ bóng đen lên "lục địa già" kể từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo Euronews, giá mỗi MWh điện tại Pháp và Đức trong năm 2023 có thể lên tới khoảng 1.000 euro, tức cao gấp 10 lần cách đây 1 năm. Cơ quan quản lý năng lượng của chính phủ Anh (OFGEM) thì cho biết, giá trần điện và khí đốt từ tháng 10 sẽ tiếp tục tăng từ 80-100%, khiến mỗi hộ gia đình tại Anh phải chi trung bình gần 4.260 euro/năm.

308501570_1305566010242518_6003133367549837505_n.jpg -0
Việc áp dụng "hành lang khí hậu mở rộng" vừa góp phần tiết kiệm năng lượng, vừa giúp các tác phẩm được bảo quản hợp lý. Nguồn: PA.

Không những vậy, điều này còn khiến chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển và nhân công ở các nước này tăng vọt. Do đó, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung kêu gọi các nước thành viên, các ngành nghề tập trung tiết kiệm năng lượng và ngành bảo tàng cũng là một trong số đó.

Tờ France 24 cho biết, ở Strasbourg (Pháp), khách du lịch hiện phải đối mặt với những cánh cửa bảo tàng đóng kín thường xuyên hơn. Chín bảo tàng của thành phố hiện đóng cửa hai ngày mỗi tuần. Thực tế này cũng diễn ra tương tự ở một số địa điểm tại Đức, Italia và Anh. Kết quả một cuộc khảo sát của Hiệp hội các Bảo tàng Độc lập (AIM) đã chỉ ra rằng, 1/5 số bảo tàng ở châu Âu đang xem xét giảm thời gian mở cửa và 40% trong số đó có kế hoạch giảm quy mô hoạt động để đối phó với hóa đơn năng lượng tăng phi mã.

Sự việc này đã dấy lên một làn sóng phản đối dữ dội giữa các nhà bảo tàng học, những người yêu nghệ thuật và chính quyền địa phương. Với việc vừa trải qua một thời gian dài tạm ngừng hoạt động vì COVID-19, cộng hưởng cùng cuộc khủng hoảng hiện nay, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về một cuộc suy thoái văn hóa nói chung và suy giảm các hoạt động văn hóa nói riêng ở châu Âu.

Ủy viên Liên bang về Văn hóa và Truyền thông Claudia Roth của Đức chia sẻ: "Bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim và phòng hòa nhạc là những nơi tiếp thêm năng lượng cho người dân nhằm giáo dục, gặp gỡ, kết nối xã hội và cộng đồng. Chúng ta không nên đóng cửa những nơi như vậy để tiết kiệm năng lượng bởi văn hóa được coi là mỏ neo của nền dân chủ".

Ina Brandes, Chủ tịch Hội nghị các Bộ trưởng Văn hóa EU cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Tuy nhiên, bà Ina Brandes cho rằng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là ngành bảo tàng cũng cần đóng góp đáng kể vào việc tiết kiệm năng lượng, nhưng không phải bằng việc đóng cửa.

Theo Giám đốc điều hành của Hội đồng Văn hóa Đức Olaf Zimmerman, ngoài việc đề nghị Chính phủ đưa ra những gói hỗ trợ, các bảo tàng cần có kế hoạch riêng, như phân loại hệ thống tác phẩm nghệ thuật, cổ vật. Hội đồng này cũng khuyến cáo các bảo tàng nên áp dụng biện pháp "hành lang khí hậu mở rộng", thay vì mỗi khu lưu trữ được bật điều hòa ở nhiệt độ khác nhau, các bảo tàng cần đưa ra một phạm vi nhiệt độ chấp nhận được và kèm theo đó là sử dụng các chất chống ẩm chuyên dụng, nhằm hưởng ứng lời kêu gọi tiết kiệm. Để đạt được hiệu quả cao nhất, "hành lang khí hậu mở rộng" này cần xác nhận bởi các chuyên gia bảo tàng học của mỗi khu vực.

Được biết, một trong những nhà tiên phong, thành công trong việc tiết kiệm năng lượng của ngành bảo tàng chính là Staatsgalerie Stuttgart (Đức). Kể từ năm 2016, bảo tàng với bộ sưu tập 400.000 hiện vật này đã được cải tạo hạ tầng nhằm "tranh thủ" tối đa các nguồn năng lượng tự nhiên vào mùa Đông như: tận dụng ánh sáng mặt trời để chiếu sáng vào ban ngày hay lắp đặt các tấm pin mặt trời, đổi các loại bóng điện sang đèn đi-ốt phát quang (đèn led) và tắt hoàn toàn đèn chiếu sáng bên ngoài bảo tàng từ 6h tối. Ngoài ra, thay vì đặt điều hòa ở mức 20 độ C như Hội đồng bảo tàng quốc tế khuyến cáo, nhiệt độ tại Staatsgalerie Stuttgart được giảm xuống còn 19 độ C.

Phát ngôn viên của bảo tàng Georg Rotha cho biết: "Không chỉ dừng ở mức 20%, chúng tôi đã đạt được tất cả các mục tiêu tiết kiệm năng lượng tính đến thời điểm này chỉ bằng những cách đơn giản như vậy".

Một số bảo tàng khác tại Đức hiện cũng đã phát triển các ý tưởng để quản lý theo hướng bền vững như bảo tàng Stadel ở Frankfurt hay bảo tàng Fridericianum ở Kassel với việc sử dụng hệ thống địa nhiệt để điều chỉnh nhiệt độ thay vì sử dụng khí đốt.

Stefan Simon,Trưởng phòng thí nghiệm Rathgen tại Quỹ Di sản Văn hóa Phổ ở Berlin, cố vấn tiết kiệm năng lượng cho các bảo tàng chia sẻ: "Những bảo tàng mới được xây lên, càng hiện đại thì càng cần phải "xanh" thay vì tiêu thụ năng lượng nhiều hơn cả những tòa nhà đã tồn tại nhiều thế kỷ. Nếu không làm được điều này xin đừng tiếp tục. Các tài sản văn hóa sẽ không cứ thế mà hỏng ngay nếu độ ẩm trong tòa nhà không được đặt ở mức tối ưu. Chúng chỉ có thể mất đi do hỏa hoạn, thiên tai, chiến tranh hay ý thức của con người".

Càng khủng hoảng càng phải nhân văn

Đầu tháng này, Trung tâm Dự báo Thời tiết châu Âu dự đoán, mùa Đông năm nay sẽ lạnh và khô hơn trên toàn lục địa do biến đổi khí hậu. Và với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, tỷ lệ tử vong vì thời tiết cực đoan có thể sẽ tăng cao. Mặc dù vẫn đang nỗ lực "gồng gánh" hóa đơn tiền điện để duy trì hoạt động của bảo tàng, nhưng khi biết được thông tin trên, ông Martin Pearson - Giám đốc Trung tâm Khám phá Khoa học Catalyst và Bảo tàng ở Widnes, Cheshire (Anh) tuyên bố, sẽ kêu gọi các thành viên của Hiệp hội Bảo tàng nước này cùng biến các cơ sở văn hóa trở thành một hệ thống "trú ẩn ấm áp" cho những người dễ bị tổn thương nhất.

307140681_5267985829996544_3331569772760111844_n.jpg -0
Giới chuyên gia nhận định việc đóng cửa bảo tàng để tiết kiệm năng lượng sẽ chỉ mang lại tác dụng ngược, dẫn đến nguy cơ suy thoái văn hóa. Nguồn: Culture action Europe.

Ông Pearson nói: "Chúng tôi nhận thức sâu sắc về tác động to lớn mà cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra với đời sống hàng ngày của người dân. Chúng tôi sẽ quảng cáo rằng các bảo tàng không chỉ là nơi để thưởng thức và nghiên cứu nghệ thuật. Đây còn là không gian của sự nhân văn, kết nối văn hóa và trao tặng giá trị. Như vậy, không chỉ thể chất, tinh thần của mọi người sẽ đều được sưởi ấm". Vị Giám đốc này viện dẫn, mùa hè vừa qua, việc các bảo tàng trên khắp châu Âu mở cửa miễn phí cho người cao tuổi tới tránh nắng đã giúp tỷ lệ tử vong vì sốc nhiệt giảm đáng kể. Vì vậy, áp dụng biện pháp này trong mùa Đông hẳn là một ý tưởng không tồi. 

Đáp lại, Giám đốc của Hiệp hội Bảo tàng Anh Sharon Heal đánh giá cao lời kêu gọi này. Bà Sharon Heal còn phân tích rằng khi các bảo tàng mở cửa để chào đón những người dễ bị tổn thương nhất, tự khắc nhiệt độ trong khu vực đó sẽ tăng lên và đôi khi việc bật lò sưởi là điều không cần thiết. Ngoài ra, những người vô gia cư trong độ tuổi lao động cũng hoàn toàn có khả năng hỗ trợ bảo tàng thực hiện những phần việc đơn giản để làm nóng cơ thể.

"Ở cuối đường hầm là ánh sáng. Chúng ta luôn có thể tìm ra những giải pháp thiết thực để đối phó với các vấn đề thời đại. Đoàn kết, giúp đỡ, cùng chia sẻ giá trị là một dạng văn hóa và từ đó văn hóa lại tiếp tục sản sinh ra văn hóa", bà Sharon Heal bày tỏ. Rõ ràng, ở một xã hội ngày càng văn minh thì những nơi như bảo tàng lại càng có giá trị và ý nghĩa. Umberto Eco, triết gia người Italia có một câu nói nổi tiếng về văn hóa như sau: "Văn hóa muốn gì nhỉ? Đó là muốn biến những điều vô cùng thành có thể định nghĩa được".

Linh Đan
.
.