Khi nhà văn của tuổi thơ viết cho người lớn

Thứ Năm, 05/01/2023, 08:08

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là cây bút quen thuộc của bạn đọc nhỏ tuổi. Thế nhưng truyện dài “Những người hàng xóm” ra mắt mới đây, ông mạo hiểm “mở cổng rào”, tạm rời xa “vũ trụ tuổi thơ” để bước sang địa hạt mới mẻ: Viết về người lớn, lại là những người lớn khác sắc tộc, màu da...

Trang văn Nguyễn Nhật Ánh thường trở đi trở lại miền ấu thơ quen thuộc của riêng ông. Đó là tuổi nhỏ ở đất Quảng Nam nắng gió, có xóm giềng, cây trái và dòng suối quê nhà. Nếu rời đất Quảng Nam, câu chuyện cho tuổi mới lớn lại lang thang phố thị Sài Thành - nơi ông gắn bó hai phần ba quãng đời, nặng nợ gánh mưu sinh. Thỉnh thoảng, nhà văn viết truyện đồng thoại về những con vật tinh nghịch như mèo, chó, heo, gà... để gửi gắm tình yêu thiên nhiên, yêu muôn loài với bạn đọc nhí.

Với “Những người hàng xóm” ra mắt mùa Giáng sinh vừa qua, độc giả bắt gặp một Nguyễn Nhật Ánh hoàn toàn khác lạ. Nhân vật của ông không còn là cô bé, cậu bé tuổi mới lớn hay con vật đáng yêu, ngộ nghĩnh mà là những người lớn, lại là những người lớn ở nước Bỉ xa xôi.

1 nguyen nhat anh.jpg -0
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Trong lời mở đầu sách, Nguyễn Nhật Ánh viết: “Bạn sẽ làm gì nếu bạn rong chơi hai tháng ở nước ngoài? Bạn sẽ đi thăm nhiều nơi, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng - hẳn nhiên rồi. Bạn sẽ dành thì giờ khám phá nền văn hóa độc đáo nơi xứ người. Bạn sẽ phát hiện nhiều điều thú vị - kể cả trên bàn ăn. Đúng rồi! Tất cả đều đúng! Nhưng nếu là một nhà văn, ngoài những điều đó ra, biết đâu bạn sẽ hào hứng bắt tay vào một cuốn truyện mới - với bối cảnh và những nhân vật hoàn toàn mới mẻ.

Cuốn truyện đó rất có thể sẽ có tên là “Những người hàng xóm”. Quả vậy, tác phẩm mới tinh này ra đời từ chuyến sang Bỉ thăm vợ chồng con gái của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ở trời Âu, ông được vợ chồng con gái đưa đi thăm thú nhiều nơi, tìm hiểu ẩm thực, văn hóa nghệ thuật lẫn gặp gỡ những người hàng xóm tốt bụng. Trải nghiệm thú vị đó làm nên cuốn truyện rất thật mà cũng dí dỏm, thi vị mang tên “Những người hàng xóm”.

Nhân vật của “Những người hàng xóm” là anh chàng kỹ sư Rémy, bà Dorothé, ông chủ hãng dao cạo râu Arnaud, ông họa sĩ già Jakob, vợ chồng Kim - Ruben... Không chỉ khác biệt ở dàn nhân vật, cách viết và cấu tứ của tác phẩm này cũng hoàn toàn lạ lẫm với sở trường quen thuộc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

“Những người hàng xóm” không khai thác một câu chuyện, một mối tình cụ thể nào mà kể câu chuyện của nhiều người. Đó là chuyện tình Bỉ - Việt của anh chàng Rémy với cô gái ở nửa vòng Trái Đất. Anh và vợ chồng người hàng xóm Ruben mê mẩn những món ăn đậm vị Việt Nam mà cô nấu như bún bò xào, bánh cuốn, gà kho gừng, nem rán... Đó là chuyện ông họa sĩ Jakob đã hơn 90 tuổi nhưng ngày nào cũng ngồi dưới rèm liễu họa lại chân dung mĩ miều của người vợ quá cố. Đó là Ruben, người đàn ông luôn làm những việc tử tế mà chẳng bao giờ cần được ghi ơn. Đó là cô gái ngơ ngơ ngẩn ngẩn nhưng một ngày tình yêu ghé thăm, cô hồi sinh và trở thành MC chuyên nghiệp cho người khiếm thính. Đó là cậu Arnaud vờ thuê nhà của mẹ ruột để đỡ đần bà lúc tuổi già xế bóng. Bao nhiêu người hàng xóm là bấy nhiêu gương mặt của số phận, của chuyện đời lắm thăng lắm trầm mà nhiều khúc quanh bất ngờ...

Thật ra, trang viết của Nguyễn Nhật Ánh rục rịch chuyển mình từ vài năm gần đây. Hồi năm 2020, tác phẩm “Con chim xanh biếc bay về” đã dần rời xa sân ga tuổi nhỏ để đi sâu vào cuộc sống tha phương của những sinh viên mới ra trường. Họ là người con tỉnh lẻ, lên thành phố học tập và mưu sinh, với bộn bề chuyện nhà trọ, việc làm, yêu đương và bao nỗi trăn trở khác. Rõ ràng, tác phẩm này không dành cho thiếu nhi mà dành cho bạn trẻ ngày nay, dành cho người lớn. Tuy vậy, “Con chim xanh biếc bay về” vẫn còn một vài chương kể về tuổi thơ của nhân vật Khuê và Sâm nên ít người để ý đến cuộc “lột xác” của tác giả. Chỉ đến khi “Những người hàng xóm” ra đời, trang viết về tuổi thơ mất dấu hẳn, nhiều người mới trầm trồ ngạc nhiên.

Nói về lý do rời xa “vũ trụ tuổi thơ” trong tác phẩm mới, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thành thật chia sẻ: “Tôi là nhà văn luôn bị ám ảnh về những gì đã ra đi không bao giờ trở lại. Điều đó cắt nghĩa tại sao đề tài tuổi thơ luôn chảy trong huyết quản tôi. Nhưng ở khía cạnh sáng tạo, đặc biệt là trước nhu cầu làm mới cảm xúc, có lúc một nhà văn cũng phải tìm kiếm sự mới mẻ hay khác biệt để có những trải nghiệm mới và để khám phá giới hạn của bản thân. Đó là lý do tôi viết cuốn sách này”.

2-nhung-nguoi-hang-xom.jpg -0
Tác phẩm “Những người hàng xóm” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Dù chọn đề tài khác biệt nhưng dấu ấn Nguyễn Nhật Ánh không hề phai mờ. Vẫn là áng văn nhẹ nhàng, với những tình tiết, những mẩu thoại dí dỏm nhưng không kém phần cảm động, xúc cảm. Khép sách lại, dư âm của cuộc sống muôn màu, của tình người nồng hậu và nhiệt thành theo cách của riêng họ vẫn lắng đọng đâu đây. Để ta thấy đời là hữu hạn nhưng vẫn đẹp lắm khi tình người luôn đong đầy và vĩnh viễn như những sớm bình minh...

Nhiều đoạn văn như trao gửi triết lý nhẹ nhàng mà khiến người đọc cay cay sống mũi: “Nếu con biết cách mở cửa sổ, đời sống sẽ tràn vào trang viết của con. Đôi khi chúng ta vẫn nhìn đấy, nhưng chúng ta không thấy. Nếu trái tim con đập vì con người, thậm chí đập vì một con chim, con sẽ nhìn thấy rất nhiều thứ”; “Tôi tập chơi phong cầm, một phần để lưu giữ kỷ niệm về ông thợ sơn hàng xóm nhưng phần khác, quan trọng hơn là tôi hy vọng tiếng đàn quen thuộc sẽ lấp đầy nỗi nhớ của con ác là cô đơn và nhất là níu nó ở lại với trần gian. Đơn giản vậy thôi nhưng không hiểu sao tôi lại thấy ngường ngượng. Tôi thấy thà nói tôi tập đàn để quyến rũ cô gái nào đó nghe ra dễ tin và có vẻ đứng đắn hơn là để làm ấm lòng một con chim”.

Chính Nguyễn Nhật Ánh thừa nhận: “Sự khác biệt, sự mới mẻ về mặt đề tài gần như không làm thay đổi thông điệp trong mọi cuốn sách của tôi. Đó là khơi dậy sự khao khát sống đẹp, sống tử tế nơi bạn đọc. Dù viết về thế giới tuổi thơ, thế giới loài vật hay thế giới phù thủy và bây giờ là những người nước ngoài, mối quan tâm thường trực của tôi vẫn là khám phá vẻ đẹp của tâm hồn. Chúng ta không có ai là con người hoàn thiện, viết về điều tốt đẹp trước hết là cách giúp tôi tự soi mình. Viết một cuốn sách đối với tôi cũng giống như bào chế vitamin cho tâm hồn mình. Và tôi hy vọng khi bạn đọc đón nhận và tìm thấy sự đồng cảm, các bạn cũng sẽ được tiếp thêm năng lượng tích cực của cuộc sống”.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rất chuộng kiểu nhân vật xưng tôi. Ông bảo rằng chỉ khi ở đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, ông mới được hóa thân vào nhân vật. Đó có thể là một chàng trai, một cô gái, một cậu bé, cô bé hay thậm chí là một chú cún, chú heo, chú mèo... Trở thành “tôi”, ông có cơ hội đi sâu vào thế giới nội tâm của chính nhân vật đó và nói hộ tâm tình thay họ. Nhân vật “tôi” còn giúp ông quan sát trực diện thế giới, con người xung quanh, từ đó lược bớt câu văn mang nhiều tính từ, trạng ngữ để đưa người đọc đến trang văn chân thực nhất.

“Những người hàng xóm” cũng không ngoại lệ. Câu chuyện thường nhật về những người hàng xóm được “tôi” - anh chàng Rémy- kể lại thật thà trong trang văn của tay kỹ sư mới tập tành cầm bút. Qua hình ảnh ông bố vợ của Rémy, người đọc sẽ ồ lên thích thú khi bắt gặp chân dung tự họa của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đó là ông nhà văn vui tính, hay tếu táo, đùa giỡn với mọi người nhưng cũng rất chân tình khi chỉ dạy cậu con rể tập viết sách. Những bí quyết nghề văn được ông đan cài nhẹ nhàng, nhưng đọng lại là thông điệp: viết là hành trình thấu cảm nội tâm con người.

Từ viết cho tuổi thơ chuyển sang viết cho người lớn, với Nguyễn Nhật Ánh chẳng hề khó khăn. Bởi tất cả đều bước ra từ trải nghiệm thực tế và trái tim đa cảm của ông. Anh Rémy, ông Jakob, vợ chồng nhà Ruben... đều là những nhân vật có thật, được nhà văn “thêm mắm dặm muối” đôi chút để họ trở thành nhân vật văn chương. Ông cười tếu táo bảo rằng, khi tuổi ngày càng cao và nhiều trải nghiệm, biết đâu ông sẽ bắt tay viết về tuổi già, về nỗi cô quạnh của những người trong viện dưỡng lão. Và dù có viết cho đối tượng độc giả nào, dù nhân vật có là ai, dù câu chuyện vui hay buồn, thì ở đó người ta vẫn thấy một Nguyễn Nhật Ánh hồn hậu, dí dỏm, trao gửi thông điệp giản dị mà ấm áp như một tia nắng sớm mai...

Phan Thi Uyên
.
.