Khẩu báo - Dấu ấn thời đại

Thứ Sáu, 22/10/2021, 17:40

Ngày xưa chưa có báo giấy thì báo miệng (khẩu báo) đáp ứng nhu cầu phản ánh hiện thực một cách nhạy bén, kịp thời. Rất cơ động, nhanh chóng trong việc truyền đạt thông tin “khẩu báo” (còn gọi là Vè) có cấu trúc là những câu văn vần (vần vè) nhịp nhàng, đối xứng, ví von để kể chuyện về đề tài nào đấy. Theo con đường truyền khẩu, chỉ một thời gian ngắn vấn đề “loang” đi khắp làng.

Vè thường kể chuyện việc thực, người thực mang tính địa phương, bám sát sự kiện, do vậy mang dấu ấn thời đại rất rõ. Không chỉ có thông tin, Vè còn mang đậm tính chủ quan bộc lộ tâm trạng của chủ thể dân gian hằn rõ vào từng câu chữ. Và ngày nay, Vè vẫn đang còn được ưa chuộng.

Ai chưa hình dung rõ hình ảnh người nông dân ngày trước, qua bài “Vè làm ruộng” sẽ hiểu được phần nào: “Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè làm ruộng/ Sắm trâu cùng xuồng/ Sắm ách cùng cày/ Đi vay tiền ngày/ Đi quơ tiền tháng/ Sắm một cái phảng/ Đáng giá năm quan/ Trời cho mưa xuống/ Nước nổi đầy đồng/ Bớ chú đàn ông/ Be bờ gieo mạ...”. Chỉ ít câu nhưng hiện lên cả phương tiện, thời điểm lao động, hành động, nhất là cảnh nghèo phải vay tiền... Ngày nay môn Sinh học ít nhiều dựa vào bài “Vè chim chóc” để miêu tả các loài chim: “Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè chim chóc/ Hay moi hay móc/ Vốn thiệt con dơi/ Thấy nắng thì phơi/ Là con diệt mốc/ Lặn theo mấy gốc/ Là chim thằng chài/ Lông lá thật dài/ Là con chim phướn...”. Cứ thế, câu nọ móc vào câu kia để miêu tả cả một thế giới loài chim sinh động, gần gũi.

image001.jpg -0
“Lý tưởng” một thời!

Là thứ vũ khí lợi hại của nhân dân nghèo, Vè nhanh nhạy vỗ thẳng vào mặt lũ cường quyền phản động. Thời vua Minh Mạng cấm mặc váy – một “quốc lệnh” kỳ khôi, thế là dân gian có Vè: “Tháng Tám có chiếu vua ra/ Cấm quần không đáy người ta hãi hùng/ Không đi thì chợ không đông/ Đi thì phải mượn quần chồng sao đang/ Có quần, ra chợ bán hàng/ Không quần đứng nấp cổng làng xem quan”. Lũ vua quan không hiện ra nhưng người đọc có thể tưởng tượng ra đám người đáng ghét ăn trên ngồi trốc, quan liêu xa dân, ngu dốt. Câu cuối ỡm ờ, chị em “không quần” có thể là vừa “xem quan”, lại có thể là vừa “đẻ” ra... “quan”!!!

“Vè Sãi Vãi” là một hiện tượng hiếm trong văn học viết vì đã “lộn trái” tầng lớp sư sãi trước đó vốn được kính trọng. Tác giả Nguyễn Cư Trinh (1716-1767) là vị quan có tài, có công lao, biết thương dân, vì dân. Làm Tuần phủ Quảng Ngãi ông thi hành nhiều chính sách lập đồn điền làm sinh kế cho dân, tảo trừ nạn trộm cướp… Trong bối cảnh (1750) Quảng Ngãi có nhiều trường hợp “Trốn việc quan đi ở chùa”, một số binh lính mệt mỏi, chán nản với những cuộc chiến đấu triền miên nên tìm cách đào ngũ đi tu. “Vè Sãi Vãi” ra đời với mục đích thể hiện lẽ sống người quân tử, cũng là để răn dạy tầng lớp trí thức, đề cao lý tưởng tu, tề, trị, bình. Nội dung tác phẩm là cuộc trò chuyện giữa Vãi và Sãi nhằm phê phán những kẻ hèn nhát, ích kỷ, đề cao phẩm chất tốt đẹp của một người lính. Bao gồm 340 câu thơ với độ dài ngắn và vần điệu khác nhau, sự kết hợp giữa phong cách văn biền ngẫu với lối văn có nhịp theo kiểu nói lối tuồng đồ đã tạo ra phong cách giản dị mà nghiêm túc, dí dỏm mà hùng hồn, bông lơn hài hước mà thấm thía sâu cay. Tác phẩm vui hoạt, nhẹ nhàng mà thấm đẫm tinh thần đạo lý.

Mang cảm hứng hài hước, chế giễu, bài Vè miêu tả cảnh ông Sãi gặp bà Vãi rồi đem lời tán tỉnh chọc ghẹo. Bà Vãi cự tuyệt và nói tu theo kiểu Sãi thì sẽ chịu tội. Ông Sãi bảo Vãi không biết “nói chơi” rồi kể về thiên đường và địa ngục, bàn luận việc tu với nhiều hạng tu. Thực ra ai cũng tu, nhưng kẻ chánh, người tà, kẻ tiểu nhơn, người quân tử thì cách tu khác nhau… Sãi mà cũng biết yêu và tán tỉnh, trái hẳn với tinh thần nhà Phật: “Sãi yêu vì đạo, Sãi dấu vì dươn (duyên)/ Thấy mụ Vãi nhan sắc có hơn/ Sãi theo với tu hành kẻo thiệt”. Theo Sãi thì có nhiều kiểu tu. Đây là một kiểu: “Đương khi thời cơm thịt, có bổn đạo vừa lên/ Nghe tiểu đồng tằng hắng tiếng lên, mấy đĩa thịt Sãi thâu vào đó/ Sãi lại sắm một cái vườn nho nhỏ, ở cho cách xóm xa xa/ Đề phòng khi bổn đạo chửa nghén ra, dễ khiến Sãi khoanh tay mà ngồi vậy/ Sãi lại sắm tiền nghề bỏ đãy, sáp tốt để đánh môi/ Ngộ phải khi cờ bạc thua hoài, dễ khiến Sãi khoanh tay ngó lảng...”. Mọi thứ đều bị “lộn ngược” so với giáo lý điển phạm. Sãi ăn “cơm thịt” ngược với phong cách “ăn chay”. Sãi có thể “thông dâm” mà làm cho “bổn đạo chửa nghén” trái với quan niệm “diệt dục”… Rồi Sãi còn có tiền, biết đánh môi, biết chơi cờ bạc, biết làm đạo bùa mê...!!!

image003.jpg -0
Ở nhà an toàn!

Chất hài hước thể hiện rõ ở hình thức cấu trúc điệp cú pháp, lặp câu được sử dụng triệt để. Các âm tiết cứ như móc vào nhau tạo ra chuỗi âm vần vè, vui nhộn, dí dỏm: “Sãi giận Sãi kinh luân chẳng biết; Sãi giận Sãi thao lược không hay/ Sãi giận Sãi: thờ quân vương chẳng hết lòng ngay”. Tác phẩm còn sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ trào phúng để tăng cường chất muối hài: tu vơ tu váo, tu chạ tu càn, sợ dài sợ vắn, sợ vẩn sợ vơ, bồ côi bồ cút, đàn gẩy tai trâu, nước xao đầu vịt, hại nhà hại nước… Đây là tiếng cười độc đáo dùng hình thức vần vè mà có tác dụng giáo dục cao.

Thời bao cấp hầu hết đều nghèo nhưng công nhân viên thì khó khăn hơn, vì tất cả đều trông vào “lương”. Thế là có “Vè lương tháng” ra đời: “Ve vẻ vè ve/ Nghe vè lương tháng/ Hai trăm ngồi phán/ Trăm tám ngồi nghe/ Tranh đài tranh xe/ Là thằng trăm rưỡi/ Tất ta tất tưởi/ Là lũ trăm hai/ Vừa làm vừa sai/ Là quân chín chục/ Vợ chồng lục đục/ Là bọn sáu mươi/ Dở khóc dở cười/ Là bọn bốn chịch/ Chẳng ta chẳng địch/ Là lũ con phe...”. Lương bậc cao nhất “hai trăm” (đồng) là cấp quản lý có quyền “phán” người khác, thấp nhất là “bốn chục” thời ấy chỉ đủ... nuôi một người! Thời buổi khó khăn nên nảy ra “con phe” tức những người buôn bán, chạy chợ. Những người này không xấu cũng chẳng phải là tốt, nhanh nhẹn, thức thời, giảo hoạt (Chẳng địch chẳng ta)...

Thời hợp tác xã ở nông thôn, do cơ chế quản lý có nơi yếu kém nên một số “chủ nhiệm” được dịp là tham ô. Thế là có đấu tranh: “Một người làm việc bằng hai/ Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe/ Một người làm việc bằng ba/ Để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân”. Lời vần vè hình thành theo lối nhại khẩu hiệu hạ bệ đau đớn những kẻ miệng nói thế này nhưng thực tế là thế khác, ngược hẳn lại. Tương tự, cùng thời, ở Thủ đô có câu vè mỉa mát và đau: “Trước là xây dựng Thủ đô/ Sau là bồi đắp cơ đồ nhà ta!”.

Con người đàn ông “lý tưởng” ở đầu những năm 70 thế kỷ trước là: “Làm trai cho đáng nên trai/ Có Pha-vơ-rít, có đài giắt lưng”. “Favorite” là loại xe của Tiệp Khắc (cũ) rất được ưa chuộng. Tất có mẫu người yêu “lý tưởng”: “Một yêu anh có Seiko/ Hai yêu anh có Peugeot cá vàng/ Ba yêu nhà cửa đàng hoàng/ Bốn yêu hộ khẩu rõ ràng Thủ đô/ Năm yêu không có bà bô/ Sáu yêu Văn Điển ông bô sắp về/ Bảy yêu anh vững tay nghề/ Tám yêu sớm tối đi về có nhau/ Chín yêu gạo trắng phau phau/ Mười yêu nhiều thịt ít rau hàng ngày”. Lời văn nửa thực nửa đùa, vừa có muối hài hước lại có hạt nhân sự thật bên trong, dù chua chát nhưng đã nói lên một “dấu ấn thời đại” thật khó quên! Hồi đó có phong trào xuất khẩu, đi vào Vè, ngộ nghĩnh nhưng xót xa: “Đầu đội áp suất/ Chân đi bàn là/ Nhìn xa cứ tưởng là ma/ Lại gần thì hóa đi Nga mới về”...

Đến thời chống dịch hôm nay, như cây xanh gặp mưa, Vè phát triển phong phú, sinh động và biến hóa đa dạng. Hầu như ai cũng thuộc một vài câu Vè: “Chống giặc thì phải xông pha/ Chống dịch thì phải ngồi nhà nhớ không?”. Thời nào cũng vậy, Vè là cái “lõi tư tưởng” của thời đại. Bài Vè này “diễn nôm” khẩu hiệu chống COVID dễ thuộc, dễ nhớ: “Hỡi quốc dân, hỡi đồng bào/ Yêu nước xin chớ đi vào đi ra/ Yêu nước xin hãy ở nhà/ Khẩu trang sát khuẩn nhắc ta nhắc mình/ Muốn cho COVID tránh xa/ Xin hãy ởn hà đừng có ham vui…”. Vè mang tính khuyên răn, huấn thị rất thiết thực: “Yêu Tổ quốc/ Yêu đồng bào/ Ngồi một chỗ/ Đừng lao xao/ Chỉ ước ao/ Mau hết dịch/ Đừng rậm rịch/ Mua tích trữ/ Nghe tin dữ/ Hãy bình tâm”. Tiếng loa trong hề chèo được tái hiện ở những ngày này: “Loa, loa, loa, loa/ Chiềng làng chiềng chạ/ Thượng hạ tây đông/ Phụ nữ đàn ông/ Đồng lòng chống dịch/ Tạm dừng sở thích/ Đừng đi du lịch/ Hãy ở một nơi/ Đừng ra khỏi ngõ/ Ở đâu yên đó/ Đừng có đi xa/ Vi rút cô na/ Vô nhà thì khốn...”.

Vè cơ động, mau chóng đi vào đời sống nhanh nhạy hơn hẳn các loại hình báo chí, văn chương khác!

Nguyễn Thanh Tú
.
.