Khát vọng Cường Bạo Đại vương
Với con người, sống có nghĩa là khát vọng, nơi nào, thời nào cũng vậy. Bị áp bức, bóc lột đủ điều bởi chế độ phong kiến, con người thời xưa đành gửi khát vọng vào những hình tượng mang tính huyền thoại. Thế nên ở thời văn minh hôm nay con người vẫn muốn đọc cổ tích, vì đó cũng là một cách nuôi dưỡng khát vọng. Ai ước mơ chinh phục tạo hóa, sẽ đọc "Cường Bạo Đại vương"…
Ngày xưa, có một chàng nông phu trẻ tuổi, nhà nghèo, bố mẹ mất sớm nên tính cách có phần ngang tàng, từ người đến thần, chẳng sợ một ai, tự xưng là Cường Bạo. Anh quen thân với Táo Quân. Bắt được cá ngon tôm béo đều mời Táo Quân cùng ăn. Những khi trời sắp bão lụt, hay xảy ra việc gì lạ, Táo Quân thường bảo cho bạn biết.
Được thể, Cường Bạo ngày càng kiêu căng, khinh thị mọi yêu ma, coi Trời bằng vung. Ngọc Hoàng tức giận bèn sai Thiên Lôi xuống trừng phạt. Táo Quân liền báo và bàn với Cường Bạo lấy rau mùng tơi giã ra lấy nước hòa với dầu vừng rồi đổ lên mái nhà…
Đêm ấy Thiên Lôi cùng lâu la ầm ầm lao xuống, giẫm phải thứ nước trơn, ngã lăn xuống đất. Chỉ chờ có thế Cường Bạo nhảy ra cầm gậy vụt lấy vụt để. Thiên Lôi bị đòn đau, đánh rơi cả búa, cố nhỏm dậy rồi bay vụt về Trời. Ngọc Hoàng ra lệnh vua Thủy Tề phải trừ ngay kẻ ngỗ ngược. Vua Thủy giao việc cho Quận Rết. Đã biết trước, Cường Bạo đổ nồi nước sôi giết chết Quận Rết. Vua Thủy sai tiếp Quận Rắn, lại bị Cường Bạo đánh cho giập đầu. Vua Thủy phải nhờ đến Diêm vương. Diêm vương sai Quận Cú đi, cũng bị thất bại thảm hại…
Chưa bao giờ thấy sự lạ lùng như thế, Ngọc Hoàng ra lệnh Thủy Tề phải mau dâng nước thật cao để dìm quân nổi loạn xuống tận đáy biển. Khi nước dâng thì Cường Bạo đã ngồi trên một bè chuối, có thêm một cái trống, một cái chiêng. Lại mang theo một con gà trống. Nước dâng ngập hết làng mạc núi non, trên bè, Cường Bạo ung dung phất cờ gióng trống khua chiêng. Lại giục gà gáy lên từng hồi dõng dạc. Múa lưỡi búa lấy được của Thiên Lôi, Cường Bạo có ý một phen lên phá trời. Nghe tiếng chiêng trống vang lừng, tiếng hò hét, thấy nguy, Ngọc Hoàng phải ra lệnh rút nước.
Thắng được cả Trời, có phần hả dạ, chủ quan, Cường Bạo tự xưng là Cường Bạo Đại vương. Một lần ra thăm đồng, thấy con cua giương mắt, giơ càng dọa nạt, Cường Bạo coi thường lấy chân giẫm. Không ngờ càng cua xiên vào chân, vết thương loang ra, ít ngày sau, Cường Bạo lăn ra chết.
Khát vọng lớn nhất của cổ tích này là chinh phục tự nhiên. Cường Bạo có hình bóng của một Tôn Ngộ Không Tề thiên Đại thánh, từ dưới trần gian mà lên tận trời náo loạn thiên cung đến Ngọc Hoàng phải kiêng nể. Ngộ Không làm loạn cả Âm phủ, cung Thủy tề. Chẳng kém, Cường Bạo cũng khuất phục những tướng tài nhất của Diêm Vương và vua Thủy. Chưa lên đến Trời nhưng Cường Bạo đã làm Ngọc Hoàng sợ hãi. Thế là "vua" của các lực lượng tự nhiên làm hại con người chịu thua anh nông dân!
Ngày xưa, nhất là với cư dân nông nghiệp, trong bốn thứ giặc: "Thủy hỏa đạo tặc", thì "Nhất thủy, nhì hỏa". Thế nên Cường Bạo chiến thắng giặc "Thủy" là chiến thắng vẻ vang nhất, thỏa mãn nhất. Quá trình Cường Bạo "đấu tranh" với "giặc Thủy" có những chi tiết mang mã văn hóa gói trong đó quan niệm sâu xa của người xưa.
Là tướng nhà trời, trong tín ngưỡng dân gian Việt, Thiên Lôi được miêu tả như một vị thần hung dữ, mặt mũi đen đúa, nanh ác, thường mặc cái khố, lưng đeo trống, tay cầm lưỡi búa tầm sét. Dân gian có phần coi thường viên tướng này chỉ là tay sai (trong thành ngữ "Thiên Lôi chỉ đâu đánh đấy"). Trong thế giới cổ tích, Thiên Lôi là nhân vật lưỡng tính, vừa xấu, vừa tốt. Xấu ở chỗ gieo tai họa mưa gió và hay vô cớ đánh, doạ người. Nhưng cũng là biểu tượng của công lý. Thằng Lý Thông tàn ác nên bị Thiên Lôi cho một lưỡi tầm sét rồi hóa kiếp thành con bọ hung. Ở truyện "Cường Bạo Đại vương" Thiên Lôi thiên về tiêu cực nên khi hung hăng cầm búa xuống định "trừng phạt" mà bị đánh cho một trận nên thân! Thế là dù người trời, có vũ khí, có sức mạnh nhưng vẫn thua anh nhà quê Việt mưu trí, dũng cảm...
Hình ảnh Cường Bạo ngồi trên bè chuốt phất cờ gióng trống khua chiêng là bóng dáng của hình thức "trấn" giặc Thủy. Người xưa quan niệm lũ lụt do các loài thủy quái gây ra. Điều này thể hiện khá rõ trong truyện "Sơn Tinh - Thủy Tinh" của ta. Sống dưới nước, thuộc âm (tĩnh) nên kỵ với âm thanh (nhất là của kim khí) thuộc dương (động), do vậy khi thủy quái dâng nước nghe thấy tiếng chiêng trống thì sợ hãi mà rút. Gần gũi với quan niệm này là việc "trấn yểm" Thủy thần… bằng trâu sắt hoặc sư tử sắt.
Hiện ở Thương Châu, Hà Bắc (Trung Quốc) còn một con sư tử bằng sắt có tên Trấn Hải Hống được đúc vào khoảng năm 590 sau Công nguyên. Với trọng lượng lên tới 32 tấn, hình dáng uy nghiêm, có phần dữ tợn nhìn về phía biển, theo nhiều nghiên cứu thì rất có thể đây là linh vật để trấn áp sóng thần. Ngày xưa vùng Thương Châu nằm gần biển nên người dân rất vất vả chống chọi bão gió. Ngày nay ở nhiều vùng sát biển người ta vẫn tìm thấy nhiều trâu sắt có chức năng tương tự Trấn Hải Hống. Ở "Ngư tinh truyện" (trong “Lĩnh Nam chích quái”) của ta có chi tiết "Long Quân ném khối sắt nung đỏ vào miệng Ngư tinh", cũng là một hình thức "trấn yểm".
Ngoài việc đúc trâu sắt, sư tử sắt người xưa còn tạc những con gà đá trong tư thế đang gáy. Vì quan niệm gà trống mang dương khí, gà gáy gọi mặt trời mọc, âm khí sẽ tiêu tan, vì vậy gà trống luôn được dùng để trừ quỷ, trừ âm. Thủy quái thuộc âm nên rất sợ gà trống. Với văn hóa Việt, đậm hơn trong tín ngưỡng thờ Mẫu…, thường có hình tượng con gà trống đứng uy nghiêm trước điện thờ biểu trưng cho tướng Nhà Trời. Lại có nhiều truyện kể, vì tội đánh lầm người lương thiện nên Thiên Lôi bị Trời bắt chịu phạt bằng cách nằm im ở một góc rừng để thỉnh thoảng gà trống đến mổ một cái thật đau. Đến khi thoát tội, Thiên Lôi còn giật mình sợ hãi khi nghe thấy tiếng gà. Thế nên nuôi gà trống là cách để tránh sét.
Những điều trên lý giải vì sao Cường Bạo lại dùng chiêng (âm thanh của kim khí) trống và tiếng gà gáy trên bè chuối…
Xét từ yếu tố duy vật thì chống lũ, nhất là trong việc đắp đê, hàn đê… bao giờ cũng cần tới nhiều người. Âm thanh chiêng trống là phương tiện tốt nhất (thời xưa) để báo động, tập hợp đội ngũ. Cũng đồng thời là thứ để cổ vũ, tăng cường nhuệ khí cho mọi người trước giặc lụt… Ngày xưa, ở các điếm canh đê thường treo mõ cá. Phải chăng cũng còn là cách "trấn yểm". Cá biểu trưng cho thủy quái. Gõ vào mõ vừa để tạo ra âm thanh, vừa để đuổi/trừng phạt thủy quái (cá)?!
Mô típ truyện "đánh thần sấm" hầu như đều có trong văn hóa châu Á, nhiều hơn ở vùng văn hóa lúa nước. So sánh với một vài quốc gia khác, truyện của ta có sự khác biệt. Trong khi ở nhiều nơi nhân vật đánh thần Sấm xuất thân quyền quý, tính cách nghiêm trang đạo mạo (được thiêng hóa) thì nhân vật (Cường Bạo) xuất thân nghèo khổ (mồ côi, nghèo), tính cách ngang tàng, chơi thân với Táo Quân (thần bếp), nhất là kế "đặc hữu" dùng nước rau mùng tơi đổ lên mái nhà. Hiện ở tỉnh Bắc Ninh (làng Thọ Đức, Tam Đa, Yên Phong) còn giữ tập quán thờ thần thành hoàng là Cường Bạo Đại vương.
Lễ cúng thần vào ngày 4/3 (âm lịch), trong đó phải có bát canh rau mùng tơi. Như vậy cả phong tục và trong truyện cổ, nhân vật được "giải thiêng" để gần gũi với đời thường, như đời thường. Ở một số nước, nhân vật được tả dùng "cuốc", "đao", "dao"… nhưng nhiều hơn cả là dùng "gậy" để đánh thần Sấm. Trong văn hóa Trung Quốc, Nhật Bản…, thì ngoài biểu tượng cho quyền uy, "gậy" còn biểu tượng cho sự "phân định ranh giới" (thường là trong không gian). Vị quan/thần nào đó được vua ban đất đai thì ông ta sẽ đứng trên ngọn núi, cầm gậy phóng ra xa, gậy cắm đến đâu, được hưởng đất đến đó. Như vậy, có thể hiểu "gậy" ở đây là hình thức sơ khai của "cột mốc biên giới/lãnh thổ"!?
Cái chết của Cường Bạo cũng khác biệt. Đánh thắng Thiên Lôi, dọa cả trời, thế mà cuối cùng chết bởi con cua bé tý. Táo Quân biết hết mọi điều trên giời dưới đất, nhưng không biết trước được cái chết của bạn thân. Phải chăng dân gian muốn đưa ra bài học: làm người phải biết giữ mình, phòng thân từ cái to đến cái nhỏ. Không được chủ quan bất cứ điều gì, nhất là những cái muốn "gây sự" với mình. Tránh đi là tốt nhất. Có "dị bản" còn nói rõ: cua chính là thủy quái được sai lên giết Cường Bạo. Thì ra mối thù truyền đời "thủy hỏa…", con người không được phép quên. Quên là sẽ có hậu quả!?