Keyword của mỗi người

Thứ Sáu, 22/12/2023, 18:17

Phải thừa nhận rằng, trong những dịp nghỉ lễ dài ngày nếu không về quê hay đi du lịch tôi nhận ra khu phố mình ở khá vắng vẻ. Dù chỉ đi bộ từ nhà ra ngõ, đến quán ăn sáng, quán cà phê… mà cảm giác như thể đang lạc vào miền đất khác so với sự náo nhiệt bình thường. Mặc dù, hàng ngày đi làm chúng ta cũng chẳng có nhiều thời gian mà nhìn ngó đường phố hay để ý đến các nhà trong xóm nhưng tại sao lúc này lại cảm thấy thiếu vắng đến thế?

Có lẽ bản chất của vấn đề nằm ở sự tương tác trong giao tiếp hay nói cách khác phải có người để hỏi han, chia sẻ. Luôn có những câu hỏi, câu chào giăng mắc chờ đón bạn từ nhà đến công sở; từ cuộc sống cá nhân đến cộng đồng chung. Để trả lời hết những câu hỏi đó chúng ta phải dùng đến cả ngày, cả tháng, cả năm thậm chí dành cả sự nghiệp của mình cũng nên.

Keyword của mỗi người -1
Du lịch chăm sóc sức khỏe đang trở thành từ khóa cho ngành du lịch Việt Nam - nguồn ảnh FEMOR

Thực tế cho thấy một năm qua đi, ta nhận ra bản thân luôn có những từ khóa (keyword) đọng lại riêng cho mình. Theo thông kê của Google, tính từ ngày 1/1/2023 đến ngày 27/11/2023, AI (trí tuệ nhân tạo) là cụm từ được người Việt quan tâm tìm kiếm nhiều nhất. Điều này nói lên sở thích, tầm quan trọng và xu thế phát triển của xã hội chăng? Câu trả lời xin dành cho các nhà xã hội học và những phân tích khoa học của họ. Từ góc độ của mình, bản thân người viết nghĩ rằng những keyword này còn là một câu chuyện văn hóa, nói lên những suy tư của chúng ta cho bản thân cũng như cho người khác…

Keyword của bạn là gì? Câu hỏi luôn bất ngờ này luôn treo lơ lửng trong tâm trí và thật khó trả lời nếu chúng ra phải trực diện với nó một cách cứng nhắc. Bởi lẽ, chẳng cần ai đặt câu hỏi thì hàng ngày chúng ta vẫn luôn than vãn, thắc mắc với những bức xúc, bất cập, hồ nghi. 

Mới đây, khi đọc bài viết của Thạc sĩ, giảng viên Nguyễn Nam Cường trên vnexpress.net, người viết nhận ra một keyword thú vị: "Chẳng hạn, nhìn vào khu vực du lịch nông nghiệp. Địa phương nào cũng trưng ra các lễ hội nông nghiệp, làm homestay giới thiệu cuộc sống và sản phẩm địa phương cho du khách. Nhưng cách lựa chọn thiếu tinh tế, cách triển khai thiếu sự khôn khéo, dẫn đến tình trạng trùng lặp giữa các vùng miền, khó nhận ra nét riêng".

Sự "trùng lặp" và "khó nhận ra nét riêng" mà tác giả nói đến chính là từ khóa mà du khách luôn tìm kiếm khi đặt chân tới các điểm du lịch: Ở đây có gì thú vị? Ở đây liệu có gì khác biệt và đặc sắc hơn chỗ kia? Và đương nhiên, việc của các nhà quản lý, quy hoạch và xây dựng sản phẩm du lịch chính là trả lời câu hỏi đó, làm đầy cho sự trống rỗng trong lòng du khách phương xa bằng những ấn tượng sâu đậm. Lâu nay những bãi biển, suối khoáng, nhà sàn, lửa trại, ẩm thực, hang động… gần như đang "bị" trùng khít bởi cách làm máy móc, rập khuôn của chúng ta ở nhiều vùng quê. Du khách dần thất vọng cho đến khi tự trả lời cho chính từ khóa của mình bằng đáp án: Hóa ra cũng chả có gì đáng xem, đáng đến cả. Khi ấy, bản thân lĩnh vực này cần hướng đến những keyword mà gần đây được nhắc tới như: Du lịch nội địa; du lịch an toàn; du lịch hướng tới chăm sóc sức khỏe…

Tương tự như du lịch, câu chuyện về một học sinh khi bước đến trường, về khán giả khi bước vào rạp chiếu phim và những người khi chuẩn bị sử dụng các sản phẩm khác... họ mong muốn điều gì, cần điều gì đã thực sự quan trọng với người sáng tạo, cung cấp hay chưa. Những câu hỏi đó liệu đã vang lên trong đầu chúng ta chưa? Thiết nghĩ trong thời đại ngày nay việc đoán biết người khác cần gì, mong gì, cũng là bí quyết để thành công. Lắng nghe sự phản hồi cũng là cách để hoàn thiện chứ đâu phải chỉ có sự kiếm tìm phía trước.

Keyword của mỗi người -0
Trên con đường xuất khẩu gạo ra thế giới, người nông dân phải vượt qua lối mòn tư duy - ảnh Chí Quốc.

Ngẫm ra, ở một góc độ nào đó việc sản xuất, kinh doanh, bồi dưỡng và đào tạo luôn tạo sản phẩm riêng. Đương nhiên, chất lượng của nó cũng thể hiện trình độ phát triển, đặc trưng văn hóa của vùng, miền. Đơn cử như hiện giờ chúng ta có được mức giá xuất khẩu gạo bình quân cao nhất trong hơn 30 năm kể từ khi đưa sản phẩm này đến với thị trường thế giới. Điều đó không chỉ đến từ nỗ lực, quyết tâm, khát vọng của chúng ta mà còn từ sự nhận thức đúng đắn. Nói về điều này, tác giả Mai Đức Dũng, đã có nhận định trong bài viết "Những ngày vui của hạt gạo Việt Nam" trên Báo Dân trí: "Người nông dân phải vượt qua lối mòn tư duy nặng về tăng diện tích, mùa vụ, sản lượng mà không đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng ngày càng khắt khe theo yêu cầu thị trường. Tôi rất ấn tượng khi về miền Tây chứng kiến những đồng lúa công nghệ cao tiết kiệm nước, giảm chất thải ra môi trường theo hướng xanh hóa; có những vùng "mặt ruộng không dấu chân - nông dân dùng máy bay không người lái để sạ giống, rải phân..." làm ra hạt gạo tiêu chuẩn cao". Trong ít dòng ngắn ngủi, một người đang kinh doanh ở lĩnh vực logistic như ông Mai Đức Dũng đã khái quát đầy đủ một "bước nhảy" trong nhận thức của người sản xuất lương thực hôm nay. Hay nói đúng hơn: người nông dân đã biết cần phải làm gì sau mỗi thành công: họ không thể làm yếu mình đi bằng sự "tăng diện tích" canh tác (về số lượng) mà còn ý thức được việc chuyên chú hơn đến "tiêu chuẩn chất lượng" của thị trường. Giờ đây trồng lúa cũng đâu khác gì so với sản xuất công nghiệp, kinh doanh du lịch ở tính kỉ luật, ở cách giữ gìn thương hiệu và tạo ra sự độc đáo của sản phẩm. Biết giữ gìn thế mạnh sản phẩm còn nói lên văn hóa kinh doanh từ sự tín thực được đối tác thừa nhận. Chữ tín là keyword của người nông dân trên cánh đồng bao đời.

Keyword của mỗi người -2
Ma Thị Chú và sản phẩm chế biến từ quả quýt - ảnh Thúy Hồng

Cách đây chưa lâu, một cô gái người dân tộc Mông có tên là Ma Thị Chú (sinh năm 1991, ở thị trấn Mường Khương, tỉnh Lào Cai) được dư luận biết đến với việc sở hữu đến 3 HTX nông nghiệp. Từ chỗ gặp khó khăn trong dịch bệnh COVID-19, cô đã chọn hướng đi mới bằng cách livestream để bán hàng trực tiếp luôn tại vườn, tiêu thụ hiệu quả các mặt hàng nông sản như quýt, mận... ngoài ra, Chú còn lan tỏa cách làm đó cho mọi người: "Cứ người nọ truyền người kia, giờ em cũng có khá đông người theo dõi và muốn tham gia các lớp học do em hướng dẫn. Em sẽ tiếp tục phát triển mạnh kênh này, hướng dẫn nhiều bạn trẻ, chị em cùng làm như mình để họ có ý thức phát triển bản thân, tự chủ về kinh tế" (theo: "Cô gái người Mông giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm bằng công nghệ số" - Thúy Hồng, Báo Dân tộc và Phát triển).

"Phát triển bản thân, tự chủ về kinh tế" là mong ước của khá nhiều phụ nữ trong cuộc sống hôm nay thế nhưng không phải ai cũng tìm ra hướng đi như Ma Thị Chú. Có lẽ, thay vì chỉ chạy theo một mục đích đơn thuần là muốn biết khách hàng cần gì, cô đã và đang hướng đến một mục đích lớn hơn: bản thân phải làm những gì, sự "phát triển" và "tự chủ" đã được thể hiện bằng sự phát triển bền vững của các cơ sở kinh tế mà cô và mọi người cùng chung sức. Rào cản về địa lý, giao thông, văn hóa của miền núi đã được cô hóa giải bằng việc ứng dụng công nghệ đúng lúc, đúng chỗ và đem lại hiệu quả. Keyword của cô gái này chính là bài học mà nhiều người vẫn đang loay hoay tìm kiếm…

Còn nhớ Henri Frederic Amiel (1821 - 1881) từng nói: "Chừng nào một người vẫn còn khả năng tự làm mới bản thân, anh ta vẫn còn đang sống". Trong câu nói này, có lẽ triết gia người Thụy Sĩ đã đồng nhất khát vọng của con người và sự tồn tại. Tương tự như triết lý của đại văn hào Shakespeare trong vở kịch "Hamlet: "To be or not to be, that is the Question." (Sống hay không sống, đó là vấn đề), con người hôm nay đang khẳng định sự sống ấy với đúng nghĩa của nó. Việc tìm ra những từ khóa là cách mà một người trong thời đại công nghệ hướng đến và sâu xa hơn đó còn là cách tạo nên những nét văn hóa mới trong tương tác. Hãy chọn cho mình những keyword đáng giá nhất và phấn đấu để thành công với mục tiêu ấy để trở nên hạnh phúc trong cuộc sống này... 

Lâm Việt
.
.