Kế thừa và cách tân trong văn học nghệ thuật: Cần bám rễ vào truyền thống
Kế thừa và cách tân trong văn học nghệ thuật là một vấn đề được đặt ra trong xu thế văn học, nghệ thuật, đang đổi mới đáp ứng thẩm mỹ của công chúng thời đại mới. Nhưng kế thừa và cách tân như thế nào là một vấn đề khi ngày nay, những giá trị truyền thống đang mai một và sự du nhập, xâm lấn của văn hóa nước ngoài vào Việt Nam quá mạnh mẽ.
Đó là vấn đề được bàn luận tại lớp Bồi dưỡng "Vấn đề kế thừa và cách tân trong văn học nghệ thuật: Vai trò, trách nhiệm của các nhà nghiên cứu sáng tác trẻ" do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức tại Phú Yên vừa qua.
Việc cách tân trong văn học nghệ thuật thời gian qua được thực hiện mạnh mẽ để đáp ứng thị hiếu của công chúng hiện đại. Nhưng cách tân như thế nào để vẫn dựa trên những giá trị của truyền thống và không phá bỏ truyền thống là một thách thức không nhỏ. Trong chuyên đề: "Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn hóa, văn nghệ nước ta 80 năm qua", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ khẳng định: "80 năm qua, từ điểm tựa vững chắc của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, nền văn hóa, văn nghệ nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vững chắc, phục vụ sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mở rộng giao lưu, hợp tác nhiều mặt với nhiều nước. Chúng ta đã có những thành tựu rực rỡ trong mọi lĩnh vực như văn học, kịch, điện ảnh, âm nhạc. Ngày nay, trong xu thế đổi mới, hội nhập toàn cầu hóa, các vấn đề về kế thừa và cách tân luôn được đặt ra. Giữ gìn truyền thống như thế nào, kế thừa và cách tân ra sao là một thách thức không nhỏ. Điều quan trọng là các tác phẩm văn học nghệ thuật phải đi được vào đời sống của nhân dân, nói tiếng nói của nhân dân".
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, cuộc cách mạng 4.0 tạo những tiền đề quan trọng cho công cuộc phát triển văn hóa, làm cho văn hóa là nền tảng, là mục tiêu, là động lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Ông cũng nhấn mạnh, sáng tạo và đổi mới trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của nhiều quốc gia.
"Tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Đẩy mạnh sáng tác, quảng bá tác phẩm, công trình về đề tài cách mạng, kháng chiến, lịch sử dân tộc, từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn học nghệ thuật Việt Nam". Ông khẳng định.
Cũng trên cơ sở nền tảng lý luận của sự đổi mới trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, Tiến sĩ Ngô Phương Lan - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương khẳng định, ở lĩnh vực điện ảnh khác với các lĩnh vực khác là luôn đổi mới, nhưng đổi mới cách tân đến đâu để vẫn giữ gìn được bản sắc và đi được vào đời sống là một vấn đề khó khăn.
"Nhà sáng tác điện ảnh cần nhìn thấu từ truyền thống dân tộc đến bản chất cuộc sống hôm nay bởi các hình tượng nghệ thuật đỉnh cao trong những bộ phim thành công đều bắt nguồn từ nền tảng tinh thần dân tộc để khái quát những vấn đề, những số phận, phản ánh bản chất của hiện thực cuộc sống".
Bà cũng khẳng định đã có những bộ phim kết hợp thành công những giá trị truyền thống trong sự hài hòa với hiện thực cuộc sống nhưng số phim ấy không nhiều. Ngay cả những bộ phim này, sự thể hiện tính dân tộc, màu sắc Việt Nam dường như cũng tự phát, xuất phát từ cảm xúc tự nhiên của nhà sáng tạo chứ không phải sự đúc kết công phu toàn diện, hiện thực cuộc sống trong phim chưa có sự thuyết phục mạnh mẽ.
Bà đưa ra dẫn chứng về sự thành công của đạo diễn Trần Anh Hùng. Bà khẳng định, mỗi người sinh ra đều có gen dân tộc của mình. Đạo diễn Trần Anh Hùng, sinh ra ở Việt Nam, sống ở Pháp, thành công của anh lại là những tác phẩm làm về Việt Nam, kể câu chuyện về con người Việt Nam và đã vươn ra quốc tế. Đó là một câu chuyện về sự thành công của một người nghệ sĩ luôn dành tình yêu, tài năng của mình cho những giá trị cao nhất, vì con người, vì tình yêu quê hương.
Điện ảnh được coi là một trong những mũi nhọn của nền công nghiệp sáng tạo, là cầu nối để quảng bá hình ảnh, con người Việt Nam ra thế giới, nhưng hiện nay, nền điện ảnh Việt nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả, thiếu vắng những tác phẩm có giá trị.
"Các nhà làm phim cần có tư duy "quốc tế hóa" các vấn đề dân tộc với rất nhiều vấn đề, câu chuyện, số phận suốt những tháng năm biến động của lịch sử. Và họ cũng cần "dân tộc hóa" các vấn đề quốc tế trong xu thế hội nhập để không tạo ra những tác phẩm lai căng, xa lạ với đời sống người Việt. Phải có sự chắt lọc, thẩm thấu các vấn đề qua cuộc sống và con người trong xã hội Việt Nam chứ không phải là sự vay mượn, gán ghép những câu chuyện, những số phận xa lạ vào phim. Nghĩa là cần một sự "dân tộc hóa" thực sự chứ không cần một "lớp váng" lai căng từ bên ngoài". Bà Ngô Phương Lan khẳng định. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định về việc cần đổi mới tư duy quản lý, kiểm duyệt phim để tạo điều kiện cho sự sáng tạo của người nghệ sĩ.
Ở lĩnh vực âm nhạc, rõ ràng, nhạc Việt đã có những thay đổi chóng mặt. Trong thời gian qua, trước làn sóng xâm nhập của nhạc Pop, Kpop và các trào lưu của thế giới, nhạc Việt dường như đang bị lai căng và lu mờ. Làm thế nào để giữ bản sắc của nhạc Việt, vừa bảo tồn các giá trị âm nhạc truyền thống, vừa phát triển trong đời sống đương đại là một thách thức không nhỏ.
PGS.TS Lê Văn Toàn - nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia khẳng định: "Trước thực trạng cuộc sống mới, chúng ta cần tạo điều kiện để cho lớp trẻ được sống cùng di sản văn hóa, nghệ thuật dân tộc, trong đó có âm nhạc dân tộc. Để âm nhạc dân gian hay âm nhạc chuyên nghiệp đương đại song hành tồn tại, phát triển, cần trang bị đầy đủ kiến thức để nhận diện rõ ràng yếu tố gốc và ngọn trong sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu". Âm nhạc Việt với một bề dày truyền thống về âm nhạc cổ truyền sẽ là cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ sáng tạo, đổi mới, dựa trên những giá trị của truyền thống để tiếp cận với công chúng đương đại.
Ở lĩnh vực sân khấu, nhà phê bình Ngô Thảo có phần ngậm ngùi khi nói về một thời vàng son của sân khấu Việt Nam. Cảnh sân khấu đìu hiu, vắng khán giả nhiều năm nay đã khiến những người gắn bó và yêu sân khấu đau lòng. Ông nói: "Chúng ta tiêu tốn hàng nghìn tỷ cho cơ sở vật chất nhưng chúng ta chưa có ngân sách nào xứng đáng để đào tạo, phát triển, bồi dưỡng tài năng. Đưa các nghệ sĩ tài năng đi ra nước ngoài học tập, tham quan, thâm nhập cuộc sống đó đây. Tài năng chỉ là điều kiện đầu tiên, phải có nền tảng, không ngừng học bởi sân khấu là phát triển tổng hợp và nền tảng của nó là văn học. Khoa học phát triển đến đâu cũng không thể thay thế được tâm hồn con người, vì thế sân khấu sẽ luôn tồn tại và phát triển".
NSND Trần Ngọc Giàu cũng chia sẻ về thị hiếu thẩm mỹ trong lĩnh vực sân khấu đang thay đổi theo thời gian. Sân khấu muốn hay không muốn phải làm theo đương đại. Nhưng thực tế, sân khấu chưa đổi mới để đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của công chúng hiện nay.
Ông khẳng định: "Sân khấu thời anh Lưu Quang Vũ đặt ra nhiều vấn đề xã hội, khán giả rất đông, đó là một thời hoàng kim của sân khấu và sân khấu đúng nghĩa là một thánh đường. Khi đất nước mở ra, các vấn đề xã hội được không gian mạng đi nhanh hơn sân khấu. Nếu sân khấu nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung chỉ chạy theo hiện tượng, tự thân chúng ta diệt mình trước, kiểm duyệt mình trước. Nhiều người cho rằng chúng ta mất tự do sáng tác nhưng thực tế không ai cấm chúng ta, nếu chúng ta có tài năng và tâm huyết. Như một vấn đề lớn hiện nay là tham nhũng, sân khấu làm sao củng cố được tình yêu đất nước bằng những câu chuyện đó, đi sâu vào nỗi đau con người, đau nỗi đau của đất nước, truy tìm những nguyên nhân để củng cố niềm tin cho con người. Sân khấu không thể hời hợt, bề mặt như mạng xã hội thì chúng ta sẽ thua. Đó cũng là vấn đề cốt lõi của sân khấu trong quá trình đổi mới cách tân hiện nay".