Hữu Việt: Mượn thiên nhiên để trải nỗi lòng
Nhà thơ Hữu Việt (tên khai sinh: Trần Hữu Việt) sinh năm 1963, tại Hà Nội, quê Nam Định; cha là nhà văn Hữu Mai, anh trai là nhà văn Bình Ca.
Hữu Việt nguyên Trưởng Ban Văn hóa - Văn nghệ Báo Nhân dân; hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (2020-2025), Trưởng Ban Nhà văn trẻ, Phó trưởng Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. Anh tốt nghiệp đại học tại Liên Xô (trước đây, 1986); tham gia Chương trình Viết văn quốc tế tại IOWA (Hoa Kỳ, 2001). Anh đã in 6 tập thơ, văn xuôi, dịch thuật và được trao nhiều giải thưởng văn học, trong đó có Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2007).
Mượn thiên nhiên để thăng hoa cảm xúc thơ
Bước vào làng thơ với 2 tập thơ “Phố lạc tiên” và “Đếm mùa”, ta thấy thơ Hữu Việt bảng lảng chất thơ của nhà “phu chữ” Lê Đạt khi lấy sự tinh tế và chơi chữ làm đầu. Và, trong thực tế, Hữu Việt cũng coi nhà thơ Lê Đạt là “sư phụ” trong nghề viết. Theo phong cách này, mỗi bài thơ như một bức tranh nhỏ đầy chất thơ, với độ dài chỉ vài câu, bài thơ tưởng như đơn giản nhưng lại ẩn chứa nghệ thuật ngôn ngữ tinh tế và giàu cảm xúc, đặc biệt là cách chơi chữ sáng tạo như trong bài thơ “Sáng trưa chiều tối” sau đây: “Ngày nắng nắng mưa mưa/ Người thưa thưa vắng vắng/ Sáng bằng bằng lặng lặng/ Má mịn mịn măng măng/ Trưa phập phồng lộ lộ/ Mắt ngộ ngộ ngây ngây/ Chiều trắng trắng bay bay/ Ngực vầng vầng mây ấm/ Đêm thơm thơm ẩm ẩm/ Môi ngấm ngấm say say/ Xuân đầy”.
Những câu thơ ngắn nhiều điệp từ trong bài này gợi cảm giác mộng mị, lãng đãng với các hình ảnh rất thơ, vừa cụ thể vừa trừu tượng, vừa cảm xúc vừa rất gợi hình với hình ảnh người con gái hiện lên như một “nàng thơ” vừa e ấp, vừa tinh nghịch, vừa gợi cảm, vừa thi vị.

Cũng với sự tinh tế như trên, trong “Thu cảm” ta lại thấy bài thơ như một chiếc lá vàng rơi chậm trong chiều thu - không ồn ào, không chói sáng, nhưng đọng lại trong lòng người đọc với những câu thơ tưởng chơi chữ, nhưng thực ra lại chứa đựng một hàm nghĩa sâu sắc khi thu không chỉ là mùa, mà còn là một biểu tượng của sự chín muồi, của tĩnh tại và suy ngẫm: “Tại sao không đi bộ/ trong một chiều tàn thu/ để nhận ra thành phố/ vẫn thả bước theo mùa/ Gió đang trườn ngọt lịm/ trên ngực phố quên cài/ môi xinh ai vừa hé/ đón sắc hồng ô mai/ Để thấy là ta sai/ vì mùa thu luôn đúng/ trong khuông nhạc thời gian/ nhận mình làm dấu lặng/ Chỉ những khi bước chậm/ ta nghe tiếng mùa đi/ giữa bộn bề quên nhớ/ khe khẽ tim tìm về”.
Bài thơ như một lời nhắc: hãy sống chậm lại, hãy đi bộ, hãy cảm nhận. Trong nhịp sống hiện đại vội vã, việc bước chậm dường như là một hành động xa xỉ - nhưng chính trong nhịp chậm ấy, con người sẽ phát hiện thấy điều mà đôi khi mắt thường không chạm tới.
Nhưng, hành trình thơ của Hữu Việt không chỉ dừng lại ở những bài thơ trữ tình ẩn chứa nghệ thuật thuật ngôn từ tinh tế và đầy thi vị như nói ở trên, mà ở tầng sâu khác của thi ca đời sống và chiêm nghiệm, ta bắt gặp một Hữu Việt đầy suy tư với nhiều trải nghiệm thế sự.
Trong bài “Thơ dâng cha” viết về những khoảnh khắc cuối cùng trên giường bệnh của nhà văn Hữu Mai, trái tim Hữu Việt như nghẹn lại: “Hôm nay, trái tim cha đang đập những chặng cuối cùng mệt nhọc/ bộ não phi thường bị phù vì một khối u 2,7 mm/ đêm qua con thức canh cha, đêm nay lại thức canh/ Đêm thì dài mà thời gian ở bên cha ngày càng ngắn lại/ những quyển sách đã quay về giá sách/ dòng cuối cùng cha đã viết xong từ lâu/ Những dự định, kế hoạch chưa hoàn thành/ thảy đều vô nghĩa cả/ cha đã sống một cuộc đời kiêu hãnh xiết bao/ Cha ơi! phải chứng kiến cha héo mòn mà chúng con chẳng làm gì được nữa!”.
Bài thơ chân thực và đầy ám ảnh về tình cha con trong khoảnh khắc chia ly sinh tử. Đây không chỉ là lời từ biệt nghẹn ngào của một người con dành cho người cha đang trên giường bệnh, mà còn là một bản ghi chép đầy cảm xúc về hành trình cuối cùng của một đời người. Những câu thơ không hoa mỹ, không lên gân nhưng lại “rất người” là cảm giác bất lực, đau đớn tột cùng khi chứng kiến người thân đang dần rời xa cõi sống. Đây là một bài thơ không để đọc bằng mắt, mà để cảm bằng tim.
Tôi nghĩ rằng ở mảng thơ chiêm nghiệm về đời sống nhân sinh, Hữu Việt thực sự đã có được nhiều bài thơ lắng đọng thế thái nhân tình. Khi viết về “sư phụ” Lê Đạt trong bài “Nhà thơ”, Hữu Việt đã khắc họa thành công một chân dung nghệ thuật sống động, một nghệ sĩ lớn, một nhà “phu chữ” cả đời nặng nợ với con chữ và cuộc đời.
Với lời thơ thủ thỉ, gần gũi nhưng giàu tầng ý nghĩa, bài thơ không chỉ là lời tiễn biệt, mà còn là lời tri ân, lời khẳng định giá trị của người làm thơ với bản lĩnh, nhân văn: “Ông bảo người làm thơ/ Phải có gan cãi nhau với cả nước/ Nhưng tôi chưa thấy ông đôi co bao giờ/ “Anh em văn nghệ/ Đoàn kết vẫn hơn đánh lẫn nhau”/ Và cười/ Ông bảo người ta có quyền được sai/ Bằng quyền được đúng/ Trong thơ, tất cả đều bình đẳng”.
Những câu thơ này mang đậm tinh thần khai phóng và dân chủ trong tư duy nghệ thuật. Lê Đạt không áp đặt, không phán xét mà mở ra không gian sáng tạo rộng lớn, nơi tư tưởng được tôn trọng, cảm xúc được lắng nghe. Với ông, thi ca không là nơi độc quyền chân lý mà là không gian đối thoại giữa mọi tầng cảm xúc.
Khắc họa đời sống trong mạch thơ trữ tình nhân sinh
Trong một bài thơ ngắn khác viết về nhà thơ Trần Dần khi “Đọc mùa sạch”, cũng với giọng thơ tự do nói trên, Hữu Việt đã khắc họa khá hay về một nhà thơ lớn: “Gặp thơ Trần Dần/ gieo mầm trên đất xấu/ Vần đồng dao/ mà cồn cào sáng tạo/ một khát khao sạch suốt mùa/ Gặp những thế chữ vô song/ trong trận đại chiến từ/ Nghe tiếng rung/ của đại thụ cầm/ đòi sạch như đòi sống.../ Tiếc mình không biết nhiều về ông”.
Trong dòng chảy của thi ca Việt Nam hiện đại, Trần Dần là một tên tuổi đặc biệt, vừa dị biệt, dữ dội, vừa sâu sắc và tiên phong. Bài thơ “Đọc mùa sạch” của Hữu Việt không chỉ là một lời tri ân, một cúi đầu trước tài năng của người đi trước, mà còn là một cuộc đối thoại thầm lặng giữa hai tâm hồn thơ: một đang đọc và một đã sống trọn đời cho chữ nghĩa.

Bên cạnh những bài thơ “chấm phá chân dung” về các nhà thơ mà mình yêu mến, Hữu Việt cũng có những quan sát, phát hiện từ cảnh vật thiên nhiên các tứ thơ mới mang màu sắc triết luận như “Cây ở phố Hàng Trống” với nhiều suy ngẫm: “Rễ cây dù mọc ngược/ Vẫn tìm nơi đất lành/ Những chòm râu minh triết/ Buông xuống từ trời xanh/ Tọa thiền bên hồ linh/ Đời gọi là cây Phật/ Xòe tán lá từ bi/ Qua thăng trầm vận nước/ Quý lấy tiện làm gốc/ Cao lấy thấp làm nền/ Đó mới là cội phúc/ Cây nói cùng nhân gian”.
Ở bài thơ này, hình ảnh rễ cây được nhân hóa thành “chòm râu minh triết”, gợi liên tưởng đến hình ảnh những vị hiền nhân, ẩn sĩ hay nhà sư già đầy trí tuệ. Cây - một vật vô tri - nay hiện lên như một người thầy im lặng, giao tiếp với trời đất bằng sự tĩnh tại và điềm đạm.
Đáng chú ý, bài thơ “Mắt bò” được lấy làm tựa đề cho tập rất tâm đắc của mình, Hữu Việt đã với đến một chiều kích thi ca khác. Trong bài thơ, hình ảnh một con bò lặng lẽ đứng nhai mưa, kiên nhẫn - chịu đựng - không than phiền. Cái "nhai mưa" là một hình ảnh rất thơ: con bò không nhai cỏ, mà nhai mưa - nhai những giọt thời gian, nhai nỗi lạnh buốt, nhai cả đời sống nhọc nhằn.
Bài thơ không nói nhiều, nhưng đủ để thấy cái mỏi mệt, nhọc nhằn của thân phận lam lũ âm thầm. Con bò ở đây không còn chỉ là động vật - nó hiện lên như một biểu tượng của tầng lớp lặng thầm, chịu thương chịu khó, mà ánh mắt buồn kia, như phản chiếu cả một chiều đông ở miền thôn dã, cả một nỗi đời kéo dài không lời than.
Từ ánh mắt con bò - hay đúng hơn là từ ánh mắt ký ức - nhà thơ nhìn lại mình, nhìn lại quá khứ đã đi qua mà có thể chính mình đã lãng quên, đã bỏ quên những giá trị thật thà, cần mẫn, giản dị: “Tôi gặp/ một con bò kiên nhẫn đứng nhai mưa/ Nó không đứng chơi, trên vai ách nặng/ mắt rợp buồn chiều đông/ Người đánh xe ngồi hút thuốc lào cách một xa không/ Tôi nói với bò: "Chào anh". Con bò - im lặng/ như một hiểu lầm, như một cách xa/ Tôi đã thấy/ trên đồng, dưới sông, bờ đê, ngõ nhỏ/ bò đen bò vàng bò kéo cày bò nhai cỏ,/ sao chỉ nhớ/ cái con bò kiên nhẫn nhai mưa-quá-khứ/ Im lặng nhìn tôi/ như một lỗi lầm, như một cách xa”.
Qua các tập thơ đã in, tôi thấy trong thơ Hữu Việt có hai dòng chảy lặng lẽ đan vào nhau qua năm tháng, đã làm nên sự sinh động của một từ trường thơ. Trong đó, nhiều bài thơ (ở thể loại vần điệu), tác giả nghiêng về phía sự chọn lọc, tinh tế trong từng câu, chữ mượn thiên nhiên để tả nỗi lòng, để thăng hoa cảm xúc. Và, ở không ít bài thơ khác (ở thể loại tự do), tác giả đã nghiêng về phía nhận diện đời sống xã hội và con người, để nâng cao tính tư tưởng trong mạch thơ trữ tình thế sự và trữ tình nhân sinh. Sự cân bằng giữa hai dòng chảy đó đã làm nên chân-dung-thơ và chất thơ Hữu Việt những tháng năm này.