Hồng tươi xuân biên cương

Thứ Bảy, 24/02/2024, 14:50

Biên cương Tây Bắc gắn với nhiều câu chuyện truyền kỳ lịch sử cội nguồn. Hơn một trăm năm trước, sông Nậm Thi, cầu Hồ Kiều ở Lào Cai là điểm nối quan trọng cho quan hệ giao thương giữa hai quốc gia, nơi tuyến đường sắt Hải Phòng - Côn Minh đi qua, động lực phát triển cho cả vùng Tây Bắc Việt Nam và Tây Nam Trung Quốc.

Ngày nay, Nậm Thi - Hồ Kiều với cửa khẩu Lào Cai còn là nơi nhộn nhịp đưa đón du khách nước ta sang khám phá cao nguyên Vân Nam mênh mông bí ẩn và ngược lại, nhất là khi xuân về, Tết đến. Đây cũng là nơi khơi nguồn cảm hứng cho những tình khúc nổi tiếng: "Bên cầu biên giới" của Phạm Duy và "Lào Cai thành phố biên cương" của Huy Thục.

"Hồng tươi mặt sông hồng tươi mặt người, mặt phố"

song nam thi-cau ho kieu.jpg -0
Sông Nậm Thi và cầu Hồ Kiều 1 trong sương sớm.

Hồ Kiều là chiếc cầu bắc qua sông Nậm Thi nối biên giới Việt - Trung. Chớm xuân 2024, lần đầu bước qua Hồ Kiều lòng tôi bồi hồi xúc động lạ thường. Mặc cho mọi người hối đi nhanh qua cửa khẩu Lào Cai để sớm làm thủ tục nhập cảnh sang nước bạn, nhưng tôi cứ mãi đứng ngẩn ngơ ngắm dòng sông nhỏ xanh trong lặng lờ chảy qua bao thăng trầm lịch sử. Mờ mờ trong sương sớm là ngã ba sông nơi Nậm Thi hợp lưu với sông Hồng cũng từ Vân Nam đổ sang.

Nậm Thi và Hồ Kiều, hai cái tên với tôi nghe vừa lạ vừa quen, như chính con sông, cái cầu biên giới này trong tâm thức người Việt, nhất là đối với đồng bào từ phương Nam xa xôi. Tình khúc "Bên cầu biên giới" của nhạc sĩ Phạm Duy viết từ thời chống Pháp vang lên trong tôi:

Ngừng đây soi bóng bên dòng nước lũ
Cầu cao nghiêng dốc bên dòng sông sâu
Sầu vương theo sóng xuôi về cuối trời
Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa.

Bây giờ đang vào xuân, nước sông Nậm Thi lặng lờ xanh trong chứ không phải nước lũ, nhưng cầu Hồ Kiều thì vẫn cao nghiêng bóng với bao nỗi niềm.

Thuộc địa phận tỉnh Lào Cai vùng biên giới Tây Bắc nước ta, Nậm Thi trước đây còn có tên sông Ngâu hay sông Ngưu. Khởi dòng từ trấn Minh Thứu phía Đông huyện Mông Tự, châu Hồng Hà thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ở thượng nguồn gọi là sông Bắc Khê, xuống dưới sông có tên Nam Khê, chảy vào Việt Nam gọi là Nậm Thi tạo thành một đoạn ranh giới tự nhiên giữa hai nước Việt - Trung trước khi hợp lưu với sông Hồng tại cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu, như lời bài ca "Lào Cai thành phố biên cương" của nhạc sĩ Huy Thục:

Nậm Thi gặp Hồng Hà òa niềm vui
Nậm Thi gặp Hồng Hà òa hồng tươi
Hồng tươi mặt sông hồng tươi mặt người, mặt phố
Thắm tươi lá cờ, cột mốc biên cương.

Sông Nậm Thi có chiều dài gần 170km, lưu lượng trung bình 84,7m³/s, với hơn 20 phụ lưu tiếp thêm nước. Chỗ hợp lưu giữa sông Nậm Thi với sông Hồng có độ cao 76,4m, là điểm có độ cao thấp nhất tính từ vùng thượng nguồn ở cao nguyên Vân Nam. Sông Nậm Thi bên phía Trung Quốc có lưu vực gồm phần Đông Nam của châu Hồng Hà và một phần Tây Nam của châu Văn Sơn thuộc tỉnh Vân Nam. Khi chảy vào Việt Nam, lưu vực dòng sông này gồm hai huyện Mường Khương, Bảo Thắng và thành phố Lào Cai thuộc tỉnh Lào Cai.

Do địa hình núi cao rừng rậm, nhiều loài động thực vật quý hiếm sinh sống tạo nên những khác biệt nên khí hậu lưu vực sông Nậm Thi cũng rất chênh lệch. Đến nay, nhiệt độ tối đa vùng này từng lên tới 40,9oC, còn thấp nhất là 2,1oC. Ở đây, lượng mưa lớn, độ ẩm cao, mùa hè kéo dài. Nhờ đó, thung lũng sông Nậm Thi có thể trồng trọt hai vụ một năm với các loại cây nông sản phổ biến là lúa, ngô, đỗ tương, đậu phộng và các cây trồng khác như chuối, dứa, hạt tiêu, quế, cao su,… Nằm gần quốc lộ 70 từ lâu đã mọc lên một nông trường cao su quốc doanh bên sông Nậm Thi mang lại nhiều lợi ích kinh tế.

Ngoài việc cấp thoát nước tưới tiêu cho trồng trọt, sông Nậm Thi còn có trạm bơm cung cấp nguồn nước cho Nhà máy Nước Lào Cai với công suất 12.000m³/ngày đêm, phục vụ cho đời sống an sinh xã hội của thành phố Lào Cai. Đồng thời, sông Nậm Thi còn là tuyến giao thông đường thủy gắn liền với đường bộ và đường sắt. Từ trấn Chỉ Thôn bên châu Hồng Hà, sông Nậm Thi chạy song song với đường sắt Côn Hà đến Hà Khẩu. Đây là một phần của tuyến đường sắt Côn Minh - Hải Phòng. Khi đổ vào Việt Nam, sông Nậm Thi cũng chảy song song với đường bộ đoạn qua tỉnh Lào Cai của quốc lộ 70, tuyến giao thông huyết mạch nối Lào Cai với các tỉnh thành đồng bằng sông Hồng. Đoạn cửa sông Nậm Thi trước khi hợp lưu với sông Hồng có hai cây cầu đường bộ và đường sắt cùng mang tên Hồ Kiều bắc qua cửa khẩu biên giới Việt - Trung.

"Bên cầu biên giới… lặng nghe dòng đời từ từ trôi"

trung tam thuong mai cua khau lao cai.jpg -1
Một trung tâm thương mại ở cửa khẩu Lào Cai.

Nhà văn Đoàn Hữu Nam, một người gắn bó lâu năm với Lào Cai cho biết, sông Nậm Thi và cầu Hồ Kiều là "chứng nhân" lịch sử thăng trầm của vùng biên giới này. Khi từ đồng bằng lên núi rừng biên cương lập nghiệp và sáng tác, chiếc cầu và dòng sông trở thành người bạn tri kỷ cho ông những lúc vui buồn và bước vào trang văn ông một cách tự nhiên. Tâm trạng của nhà văn họ Đoàn có gì đó giống như nhạc sĩ họ Phạm năm xưa:

Bên cầu biên giới
Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi
Sông nước xa xôi
Mây núi khắp nơi
Không tỏ một đôi lời…
Ôi giấc mơ qua
Mộng đời phiêu lãng giang hồ
Sống trong lòng người đẹp Tô Châu
Hay là chết bên bờ sông Danube
Những đêm sáng sao…

Hơn một trăm năm trước khi chưa xây dựng cầu Hồ Kiều cũng như tuyến đường sắt Điền - Việt thì vì cách biệt núi cao sông sâu nên giao thương giữa hai vùng biên giới rất khó khăn hạn chế, chủ yếu bằng thuyền nhỏ, với hàng hóa hiếm hoi trao đổi qua lại. Ngày 28/3/1898, cầu Hồ Kiều bắc qua dòng Nậm Thi được khánh thành là một sự kiện quan trọng không chỉ đối với Lào Cai.

Đặc biệt, 12 năm sau, vào ngày 1/4/1910, đường sắt Hải Phòng - Côn Minh, tức dự án đường sắt Điền - Việt hoàn thành, chính thức giao thông toàn tuyến sau gần 10 năm khởi công, đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng mở ra một thời kỳ phát triển kinh tế, xã hội cho vùng Tây Bắc Việt Nam và Tây Nam Trung Quốc, nơi có trữ lượng lớn tài nguyên khoáng sản và lâm sản mà thực dân Pháp âm mưu khai thác.

Từ đó, cầu Hồ Kiều bắc qua sông Nậm Thi đóng "hai vai", vừa đường bộ vừa đường sắt. Cùng với tuyến đường sắt Hải Phòng - Côn Minh, cầu Hồ Kiều góp phần tạo động lực cho việc hình thành các đô thị nơi đường sắt đi qua, như Hải Phòng, Hà Nội, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai của Việt Nam và Hà Khẩu, Tân Cai, Kiến Thủy, Trình Cống rồi vươn lên tận Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Lào Cai trở thành một trong những cửa khẩu lớn nhất nước. Chợ Cốc Lếu bên dòng Nậm Thi được khai trương, nhân dân hai nước qua lại mua bán tấp nập cho tới ngày nay, như lời nhạc Huy Thục: "Cốc Lếu ơi còn nghe tiếng ngựa thồ/ Mang đào Sa Pa về chợ/ Ngọt mận đường Tam hoa phố đón gió rừng/ Thơm mùi rượu San Lùng/ Em gái bản Mông, em gái bản Thái".

Hơn 125 qua, trải bao mưa nắng thăng trầm, có lúc cầu Hồ Kiều bị đánh sập một phần trong chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979. Đến lúc quan hệ hai nước bình thường hóa thì cầu cũng được phục dựng nối nhịp trở lại. Khi chuẩn bị bước sang thế kỷ XXI, quan hệ giao thương Việt - Trung cần nâng cao, nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng lớn. Chính quyền hai nước đàm phán thống nhất xây dựng thêm một cây cầu đường bộ bắc qua sông Nậm Thi mang tên cầu Hồ Kiều 2.

Khởi công xây dựng từ ngày 16/9/1999, cầu Hồ Kiều 2 do cán bộ kỹ sư hai nước Việt Nam và Trung Quốc hợp tác thiết kế, thi công với kinh phí từ ngân sách của chính phủ hai nước. Cầu Hồ Kiều 2 dài 138m, rộng 14m, được chính thức đưa vào sử dụng ngày 8/1/2001. Kể từ khi khánh thành cầu đường bộ Hồ Kiều 2 thì cầu Hồ Kiều 1 chỉ còn đảm nhiệm chức năng là cầu đường sắt.

Những năm đại dịch COVID-19, có thời điểm Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất tạm thời ngưng giao thông, giao thương qua cây cầu lịch sử Hồ Kiều để phòng, chống dịch bệnh. Gần một năm nay, mọi sinh hoạt mới dần trở lại bình thường, dù chưa thực sự phồn thịnh như trước đây. Hai chiếc cầu Hồ Kiều trở lại sứ mệnh quan trọng của mình, nối nhịp đôi bờ Nậm Thi đưa những chuyến hàng xuất nhập khẩu thông thương.

Bước vào xuân con Rồng 2024, Lào Cai hứa hẹn càng nhộn nhịp, thịnh vượng hơn hòa trong sự phát triển chung của đất nước. Mặt trời bình yên nắng ấm chiếu rọi sông núi biên cương tươi hồng hoa cỏ sau mùa đông sương mờ giá lạnh!

Phan Phú Yên
.
.