Hôm nay “Mùa xuân chín” thật rồi

Thứ Sáu, 22/04/2022, 15:55

Đối với những nhà thơ thực tài, những bài thơ thực hay, nhiều khi ta cảm thấy như tất cả đã được bày sẵn ra đấy, như thể người viết chẳng phải dụng công gì mấy. Tính hồn nhiên là biểu hiện dễ thấy nhất của những tác phẩm nghệ thuật thành công.

MÙA XUÂN CHÍN

Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi:
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây. . .
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý vị và thơ ngây...

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
- Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?

*

Mở đầu bài thơ, tác giả viết:
Trong làn nắng ửng khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang

Hôm nay “Mùa xuân chín” thật rồi -0
Nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912 - 1940).

Đối với những nhà thơ thực tài, những bài thơ thực hay, nhiều khi ta cảm thấy như tất cả đã được bày sẵn ra đấy, như thể người viết chẳng phải dụng công gì mấy. Tính hồn nhiên là biểu hiện dễ thấy nhất của những tác phẩm nghệ thuật thành công. Đọc mấy câu tả cảnh trên đây chẳng hạn, ta thấy hình như chúng là một thế giới đã có sẵn trong hồn Hàn Mặc Tử, bởi chúng là sự đúc kết đã thành máu thịt trong con người vốn gắn bó với thiên nhiên quê kiểng từ tấm bé: cái màu khói sương vẫn thường bảng lảng trên đầu cau mái rạ của làng quê Việt Nam đã từng biến thôn Vĩ Giạ thành một nơi “sương khói mờ nhân ảnh” giờ lại có mặt ở đây với “khói mơ tan”.

Tôi sẽ không lẩn thẩn để khen rằng nhà thơ có con mắt tinh tường đến nỗi nhìn thấy cả những vết lấm tấm vàng trên mái nhà. Những màu sắc tươi tắn và tràn đầy sức sống ấy có ở khắp nơi trên mảnh đất nhiệt đới này và nó vẫn tràn ngập trong hồn ta mỗi độ xuân về, dù ta có nhìn hay không nhìn vẫn luôn thấy nó. Chính nhờ vì cách nhìn, cách nghe bằng hồn ấy nên mới có thể nghe ra được cái tiếng “sột soạt gió trêu tà áo biếc”, mà hai tiếng “sột soạt” nhất định phải được phóng đại qua cái ampli thường trực của những cái lỗ tai thi sĩ.

Trong nghệ thuật, tái hiện lại được thế giới bên ngoài đúng như nó có đã là một thành công đáng kính trọng, nhưng những nghệ sĩ thực sự vĩ đại phải làm được nhiều hơn thế: Họ phải tái tạo một thế giới độc lập song song với thế giới thực, vừa gợi về thế giới thực, vừa ám ảnh nó, nhưng tuyệt nhiên không phải là bản photocopy của nó. Thế giới này của nghệ thuật là một thế giới ảo, chỉ tồn tại trong tâm linh của một con người là tác giả của nó, nhưng nếu nó có sức sống, nó sẽ tìm thấy sự đồng tình, đồng ý trong những tâm hồn đồng điệu.

Trở lại với Hàn Mặc Tử, ta sẽ thấy ngay cái làm nên sự độc đáo trong bài thơ này của ông (cũng như ở nột số bài thơ khác) là sự can thiệp mạnh mẽ của tâm thế cá nhân. Khi nghe những cô thôn nữ hát hò lúc lao động hay vui chơi như họ vẫn thường làm thế bao đời nay liệu có ai như ông thốt ra được cái ý nghĩ vừa thường tình vừa kỳ lạ:

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi…”.

Câu thơ xuất thần sánh ngang tiếng sét giữa trời quang mây tạnh, làm bật tung ra cả một khoảng sâu thăm thẳm cho ta nhìn vào tận đáy tâm hồn của cảnh vật. Tất cả đã không còn vẻ dửng dưng bề ngoài, mà được lật tẩy, được đào bới đến tận cùng. Thật đơn giản, mà cũng thật mù mờ phức tạp. Một nỗi gì không ra buồn, không ra vui, không yêu cũng chẳng ghét... Nó chỉ thốt nhiên làm ta sực tỉnh giấc mộng yên bình, để nhận biết mình đang có mặt giữa cái mớ bòng bong có tên là cuộc đời này.

Hôm nay “Mùa xuân chín” thật rồi -0
“Chị ấy năm nay còn gánh thóc” - Thơ Hàn Mặc Tử.

Có phải vì sau cú sốc tâm lý này mà đoạn thơ tả cảnh tiếp theo như thấm thía tâm can và mang nhiều tâm trạng chủ quan hơn:

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của nước mây. . .
Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc

Nghe ra ý vị và thơ ngây....”.

Đoạn thơ tả tiếng hát của người thôn nữ vào thời khắc của mùa xuân chín này hình như đã chung đúc cả hồn vía lẫn bút pháp Hàn Mặc Tử ở mức độ phổ biến nhất - tức là biến sự cách điệu và đột biến thành ra phổ cập, với hàng loạt từ ngữ giàu hình tượng và biểu cảm: vắt vẻo, hổn hển, thầm thĩ, ý vị, thơ ngây... Rõ ràng cái thế giới được miêu tả ở đây đã xa lắm với thế giới thực của cảnh trí tự nhiên, nhưng lại mang rất nhiều cảm quan riêng của nhà thi sĩ. Đó là thứ cảm xúc phức tạp, đầy tiên cảm và với cường độ mạnh mà chỉ có ở những con người hiện đại, sống sâu sắc với nội tâm mới có. Vì vậy, tuy cùng có đối tượng miêu tả chung là cảnh trí thôn quê, nhưng cách nhìn, cách cảm của Hàn Mặc Tử và Nguyễn Bính chẳng hạn là hoàn toàn khác nhau. Điều này càng thể hiện rõ rệt ở hai câu kết của bài thơ này như một dấu ấn đặc thù của tâm thế tác giả:

Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”.

Câu thơ gây ấn tượng mạnh này rốt cuộc là do cái gì vậy? Đóng bài thơ bằng một câu hỏi thì tức là biến đóng thành mở, mà mở không biết đến đâu. Đấy là một phép. Phép thứ hai: Ba khổ rưỡi phía trên toàn ngôn ngữ tả, mà tả những cảnh dẫu cũng chi tiết, nhưng vẫn là chung chung, đại phàm vào cữ mùa xuân chín thì ở đâu cũng có thể bắt gặp; đột ngột câu kết lại xoáy vào một người, thêm nữa, một cảnh.

Cảnh và người ở trên kia là của trời đất, của thiên hạ; còn cảnh và người sau rốt này là của riêng tác giả, là cái chốt đọng lại trong hồn người thơ sau khi đã đi qua bức tranh toàn cảnh. Nó tựa như một nốt chủ trong bản nhạc, điểm lóe sáng của bức tranh, nó mở ra một cánh cửa nhỏ nhưng hun hút đi vào cõi tâm linh của một con người là tác giả…

Có thể nói, tất cả hồn của bức tranh đọng lại ở hình ảnh kết thúc này. Mà hình ảnh ấy được diễn tả ra sao? Nếu ở những nhà thơ như Nguyễn Bính, tất cả đều rất rõ ràng, dễ hiểu - mọi buồn, vui, yêu, ghét, nhớ thương đều có  lý do và đối tượng cụ thể, thì Hàn Mặc Tử phức tạp hơn và tinh vi hơn lại nhớ đến một “chị ấy” vu vơ chẳng rõ quan hệ  tình cảm ra sao - yêu thương hay bạn bè, hàng xóm, ruột thịt… hay chẳng là gì cả. Thế thì sao lại nhớ? Chính cái nhớ bâng quơ ấy là đặc thù trong tâm thế con người hiện đại, cái mà Hoài Thanh gọi là “Bâng khuâng khó hiểu của thời đại" (khi ông nói về Thâm Tâm). Nếu như tác giả chỉ cần hé lộ mối quan hệ nào đó với nhân vật "chị ấy" thì lập tức ông đã biến thành Nguyễn Bính.

Nhưng Hàn Mặc Tử vẫn là Hàn Mặc Tử, nên “chị ấy” vẫn là “chị ấy”, một hình ảnh rất hư để bao gồm được rất nhiều thực, rất trừu tượng để bao gồm được rất nhiều cụ thể, rất chung bởi lắng đọng quá nhiều riêng… Tất cả chất liệu của câu thơ giản dị và rất thực: Một người phụ nữ gánh thóc bên bờ sông dưới trời nắng chang chang - nhưng con người, công việc, cảnh trí lặng lẽ và lầm lụi ấy đã trở thành tinh chất của cảnh quê và hồn quê muôn thuở. Sự phức tạp, tinh vi của tâm hồn chỉ có thể chuyển tải bởi những thủ pháp cách điệu rất cao của thơ hiện đại tựa như bút pháp ấn tượng trong hội họa chẳng hạn.

Bởi thế, cùng với cả bài “Mùa xuân chín”, hai câu kết đầy bất ngờ, vừa sâu thẳm vừa hồn nhiên đã giúp ta cảm nhận về một hồn quê đằm thắm, gieo vào ta một cảm xúc nao nao khó tả, thứ cảm xúc mà chỉ có ngôn ngữ nghệ thuật mới diễn đạt nổi.

Anh Ngọc
.
.