Hội xòe Bản Phủ
Những lần lên Điện Biên Phủ, tôi mê nhất là xòe vòng của người Thái. Nhưng lần này vào hội ở Bản Phủ (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), không khí còn cuồng nhiệt hơn. Năm 2024 được coi là một xuân "Vàng" của tỉnh Điện Biên bởi đúng dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Còn hội xuân ở Bản Phủ càng thêm linh thiêng khi vào lễ tế thánh Hoàng Công Chất.
Năm nay, đúng kỷ niệm 255 ngày mất của Ngài (1769-2024) và 270 năm chiến thắng Mường Thanh (1754-2024).
Cổ thành Mường Thanh
Thật may mắn lần này, tôi được gặp nhà văn trẻ Hiếu Trung Long (biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Điện Biên). Nhà anh ở trong vùng đất cổ thành Bản Phủ thuộc xã Noong Hẹt (cách TP Điện Biên Phủ chừng 9 cây số). Cũng đã mấy lần chúng tôi hẹn gặp nhau nên tình cảm hội ngộ đúng ngày lễ lại càng ấm áp. Anh dẫn mọi người vào thành Bản Phủ cùng những câu chuyện cổ xưa về vùng đất Mường Thanh bên dòng sông Nậm Rốm.
Đây là một thành quách rộng lớn (chừng 30ha) được tướng Hoàng Công Chất (gốc quê Thái Bình) chỉ huy xây dựng, sau chiến thắng giặc Phẻ (năm 1754) và giải phóng Mường Thanh. Thành trì vững chãi được coi là Đại bản doanh của đế chế Hoàng Công Chất, người có công đem lại cơm no áo ấm cho dân nghèo người Thái ở Mường Thanh. Tại Bản Phủ có đền thờ Hoàng Công Chất và sáu tướng lĩnh người Thái cùng nhau bao năm nằm mật nếm gai.
Đã 270 năm trôi qua, người Thái nơi đây luôn nhớ ơn những chiến sĩ hy sinh vì đất nước. Trong lễ hội hàng năm, văn tế ca ngợi chúa Hoàng Công Chất luôn vang lên: "Dưới xuôi có vua/ Trên này có chúa/ Những miền từ Mường Puồn, Châu Ét/ Từ Đà Bắc, chợ Ba/ Lại phía trên từ chợ Xo, La trở xuống/ Tất cả đều quy phục chúa Mường Thanh/ Chúa thật lòng yêu dân/ Chúa xây dựng bản Mường/ Mọi người đều yên ổn…".
Sự nghiệp Hoàng Công Chất lẫy lừng trong suốt 18 năm chinh chiến. Khi chúa Trịnh đưa quân lên tấn công Bản Phủ, tướng Hoàng Công Chất lâm bệnh qua đời (1769). Quyền chỉ huy được trao cho con trai ông là Hoàng Công Toàn. Nhưng trước sức mạnh vô đối của triều đình, Hoàng Công Toàn thất thủ, bỏ thành Bản Phủ cùng thuộc hạ chạy thoát lên Vân Nam. Người Thái vùng Tây bắc tôn vinh Hoàng Công Chất là "Vua Hoàng", hoặc "Then Chất" (người trời Hoàng Công Chất).
Lễ hội ở Bản Phủ được đặt tên là "Lễ hội đền Hoàng". Nghi lễ trang trọng được tổ chức khi cúng thần vào lúc nửa đêm. Những trai tráng được chọn từ các bản hội tụ trình diễn lại cảnh tượng đêm cuối cùng của cuộc khởi nghĩa bị tấn công bất ngờ. Hình tượng được dựng lên 7 vị tướng cùng nhảy vào lửa cháy và chết đứng một cách bi hùng. Khung cảnh thật tráng lệ rực lửa bên ba cây (Si-Đa-Đề) lớn chung một gốc, tạo nên bản giao hưởng hùng ca bất tử.
Lời hát đầy trữ tình khi phần hội vang lên: "Nậm Rốm ơi hãy ngừng trôi mùa xuân/ Anh đã về với em/ Đường vui hoa ban trắng quá/ Thung lũng trổ tím hoa riềng, phấn vàng bay lả/ Ôi không gian uống rượu nắng say mềm" ("Lễ hội hoa ban" - Vũ Thành). Nhịp điệu mê say trong tiếng khèn và lung linh âm thanh đàn tính. Các chàng trai cô gái Thái, Mông, Khơ Mú, Mường sôi nổi vào lễ hội xòe và cất tiếng hát: "Nào nhảy đi nhịp bước em tôi/ Vũ điệu tình ru mời ru gọi/ Tay trong tay ríu ran ngày hội/ Lòng thầm mơ Loan Phượng thành đôi/ Vó ngựa xa dồn dập lưng đồi/ Người chiến binh khuất mờ sau núi" ("Vũ điệu Bản Phủ" - Vĩnh Hà).
Dòng sông lịch sử và thi ca
Thành cổ Bản Phủ ở ngay bên sông Nậm Rốm chạy dọc xã Noong Hẹt - Điện Biên Phủ. Chính cảng sông xưa có những binh thuyền của tướng Hoàng Công Chất nghênh chiến với quân Trịnh tấn công đại bản doanh Bản Phủ. Sức mạnh của đội quân Hoàng Công Chất được thể hiện ở biệt đội thủy binh và đoàn voi chiến. Dòng sông Nậm Rốm ẩn chứa những bí mật của thành cổ Bản Phủ.
Cách đây 270 năm, dòng sông lưu dấu những trận đánh của đội quân Hoàng Công Chất làm tan tác đội hình giặc Phé. Chúng vượt qua sông Nậm Rốm tháo chạy lên phương bắc và bị tiêu diệt tại cửa ải vùng biên Tây Trang. Chừng 200 năm sau, dòng sông Nậm Rốm tiếp tục là chứng nhân sự thất bại của giặc Pháp xâm lược trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954). Quân đội ta vượt qua cầu Mường Thanh trên sông Nậm Rốm tấn công sào huyệt giặc Pháp và bắt sống Tướng Đờ cát.
Chiến thắng Điện Biên Phủ của quân dân ta vang dội thế giới. Và, dòng sông Nậm Rốm xứng danh định hình dòng sông lịch sử hào hùng của dân tộc ta từ 270 năm qua: "Chiến công Điện Biên cờ bay gió lộng/ Cùng chiến thắng Mường Thanh xưa trùng điệp hoan ca/ Bên thung lũng vàng đồng lúa bao la" ("Lễ hội hoa ban" - Vũ Chung).
Ít nơi nào có dòng sông riêng biệt như thành phố Điện Biên Phủ. Thượng nguồn sông Nậm Rốm bắt nguồn từ dãy núi Pú Huổi Luông (cao 2.100m), dài chừng 35km. Dòng sông chảy qua thành phố Điện Biên Phủ rồi hòa cùng sông Nậm Nưa xuôi sang đất Lào (nhập vào sông Mê Kông). Thành Bản Phủ, huyện Điện Biên một thời là trung tâm vùng lúa Mường Thanh bao gồm cả thị trấn Điện Biên Phủ. Sau này, thị trấn tách ra, phát triển nâng cấp từ thị xã lên thành phố. Khi đó huyện Điện Biên xây dựng huyện lỵ của mình tại xã Thanh Xương (mang tên thị trấn Mường Thanh).
Dòng sông lịch sử Nậm Rốm chảy qua giữa thung lũng mênh mang và đưa nước và phù sa về cho đồng lúa Mường Thanh. Khi chúng tôi tìm tới nghệ nhân Lò Văn Phớ ở bản Him Lam 2, mới hay chuyện cổ tích về hoa ban cùng bản trường ca "Xống chụ xon xao" (Tiễn dặn người yêu) của dân tộc Thái phần nào có cội nguồn từ sông Nậm Rốm. Trung tâm văn hóa Thái gắn bó với con sông của thành phố Điện Biên Phủ. Đó là ấn tượng sâu sắc trong các festival hàng năm như lễ hội Hoa ban, Hội Ném còn Quốc tế và nhất là Bản Phủ (lễ hội ông Hoàng Chất).
Nghệ nhân Lò Văn Phớ thường tham gia các lễ hội trên sông Nậm Rốm. Ông cất lên tiếng hát cùng cây đàn tính réo rắt trong mọi cung bậc với lời ca: "Em là nàng tiên bông hoa ban trắng/ Khóc ngày đêm hóa kiếp tình yêu/ Từ đỉnh núi thác hoa ban đổ xuống/ Thung lũng vàng đồng lúa Mường Thanh/ Nhịp điệu xòe trong đêm hội hoa ban".
Ông kể, sinh hoạt văn hóa của người Thái nổi bật trong hàng chục vũ điệu. Xòe vòng dành cho mọi người tham gia trong bất cứ lễ hội nào. Rồi ông mang cây khèn ra thổi và nhảy nhẹ nhàng trong vũ điệu xòe nhạc. Tôi bị thôi miên với tiếng nhạc hòa bè rền vang bên ngôi nhà sàn của nghệ nhân. Thế rồi ông chợt sững người với lời ca trong ký ức như đang hồi xuân: "Tung còn một đóa hoa tình/ Mong em đón được tuyết trinh một đời/ Và mơ tình trọn tình ơi/ Hội làng thành cổ một đời nên duyên" ("Hội còn" - dân ca). Xa xa thành cổ Bản Phủ chìm lấp trong những vũ điệu quạt hoa của các dân tộc ít người về đây. Dòng sông Nậm Rốm dịu dàng trôi qua thành phố mang theo những cánh hoa đào tươi thắm sắc hồng.
Lời tiễn dặn người yêu
Nghệ nhân Lò Văn Phớ khẳng định, trong kho tàng văn học dân gian của người Thái nổi bật, nhất là truyện thơ "Xống chụ xon xao". Bản trường ca này dài tới 1.846 câu theo bản soạn do Mạc Phi sưu tầm. Trước kia, người Thái trong từng khu vực đều có phong trào theo học thuộc lòng từng câu thơ hay qua phương thức truyền miệng của các nghệ nhân. Phần lớn trong các cuộc hát giao duyên hay đám cưới, họ thường trao tình bằng những câu thơ trích từ bản trường ca "Xống chụ xon xao".
Các lễ hội luôn vang lên lời đối đáp thân thương: "Đôi ta yêu nhau, đợi tới tháng Năm lau nở/ Đợi mùa nước đỏ cá về/ Đợi chim tưng ló hót gọi hè". Hoặc tại một góc thuyền trên sông lại ngân nga: "Lòng ta thương nhau trăm lớp nghìn trùng/ Bền chắc vàng như đá/ Yêu nhau trọn đời gỗ cứng/ Yêu nhau. Yêu trọn kiếp đến già".
Nghệ nhân Lò Văn Phớ lim dim đôi mắt trong tiếng đàn Then dấm dứt. Ông hát như trong mơ: "Không lấy được nhau mùa hạ/ Ta sẽ lấy nhau mùa đông/ Không lấy được nhau thời trẻ/ Ta sẽ lấy nhau lúc góa bụa về già". Đuôi mắt ông rớm lệ trong tiếng nhạc tiếc nuối ngân nga nỗi xót xa, thương nhớ trên dòng sông Nậm Rốm cuộn trôi.