Hồi ức về gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ: Ký ức là "Những ô cửa gió lộng"

Thứ Bảy, 07/09/2024, 14:15

NXB Kim Đồng vừa cho ra mắt cuốn sách "Những ô cửa gió lộng" nhân kỷ niệm 36 năm ngày mất của nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Đây là tập hồi ức cảm động của tác giả Lưu Tuấn Anh - con trai nhà thơ Xuân Quỳnh viết về mẹ, về dượng, về cha ruột, về các em trai Minh Vũ và Quỳnh Thơ.

Những chia sẻ của tác giả Lưu Tuấn Anh trong "Những ô cửa gió lộng" giúp bạn đọc hiểu hơn về cuộc sống của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ trong những năm tháng đầy yêu thương và khó nhọc cũng như những điều sâu kín họ đã gửi gắm lại trong các tác phẩm của mình.

Đã 36 năm kể từ mùa hạ cuối cùng của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ và Quỳnh Thơ (29/8/1988 - 29/8/2024), người thân, đồng nghiệp, bạn bè và công chúng vẫn nhắc, nhớ đến họ. Đã có nhiều đêm thơ - nhạc được tổ chức, nhiều vở kịch được dàn dựng, nhiều cuốn sách được xuất bản. Nhưng, bấy nhiêu dường như vẫn là chưa đủ. Giờ đây, những người ruột thịt của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cũng đã dần chia sẻ những câu chuyện của mình về người đã khuất sau một thời gian dài im lặng vì không muốn nhắc lại những ký ức gợi nhớ về nỗi mất mát đau buồn.

1.jpg -0
Nhà thơ Xuân Quỳnh, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cùng các con Tuấn Anh, Quỳnh Thơ, Minh Vũ (hàng dưới từ trái sang). Ảnh: Tư liệu gia đình

Anh Lưu Tuấn Anh là con trai của nhà thơ Xuân Quỳnh với người chồng đầu là nghệ sĩ violin Lưu Tuấn; MC Lưu Minh Vũ (tên ở nhà là Kít) là con trai của nhà thơ - nhà biên kịch Lưu Quang Vũ với diễn viên điện ảnh Tố Uyên; chỉ có bé Lưu Quỳnh Thơ (tên ở nhà là Mí) là con chung của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Sự ra đi đột ngột của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ và Quỳnh Thơ khiến không chỉ Lưu Tuấn Anh, Lưu Minh Vũ mà cả người chồng cũ của Xuân Quỳnh là nghệ sĩ Lưu Tuấn rơi vào khủng hoảng tâm lý kéo dài, nhiều năm tháng sống trong đau thương, u buồn.

Theo lời tâm sự của tác giả Lưu Tuấn Anh: "Vừa vào lớp 1 thì bố mẹ tôi chia tay nhau, mẹ tôi có gia đình mới. Tiếp theo đó là những tháng ngày vất vả, thiếu thốn kéo dài của thời bao cấp. Rồi, tôi lớn lên cùng với hai gia đình trong một hoàn cảnh đặc trưng của những đứa trẻ có bố mẹ li dị nhưng vẫn ở gần nhau. Đó là quãng thời gian đặc biệt và vô cùng hạnh phúc của tôi. Một bên là bố tôi hết lòng vì con, lo cho tôi từng bữa ăn, nuôi tôi bất chấp khó khăn và cô đơn. Bên kia là mẹ tôi, dượng Vũ và các em, một gia đình ấm áp, đầy tiếng cười, yêu thương và sẻ chia. Trớ trêu thay, chiến tranh không lấy đi người thân của tôi mà lại là một tai nạn trong thời bình. Tôi mất gia đình thứ hai khi đang tận hưởng niềm hạnh phúc đủ đầy của một người có tất cả. Bỗng phút chốc, tôi thấy mình trắng tay đứng trước cuộc đời trống rỗng và vô định...".

Ký ức đau buồn về việc cùng lúc mất mẹ, mất em và người dượng đáng kính khiến anh Lưu Tuấn Anh như khép chặt lòng mình, từ chối mọi câu hỏi gợi nhớ về người thân. Lần đầu tiên anh mở lòng chia sẻ về chuyện gia đình mình là sau đúng 20 năm khi biến cố lớn ấy xảy ra. Anh kể: "Năm 2008, nhiều tờ báo muốn viết về gia đình mẹ và dượng tôi để kỷ niệm ngày mất của họ. Tôi từ chối tất cả các lời đề nghị phỏng vấn về gia đình. Chuyện gia đình thiêng liêng, tôi muốn giữ riêng cho mình chứ không phải để kể cho thiên hạ. Trời xui đất khiến thế nào mà Trang, cô bạn thân của tôi hồi đó làm cho Báo điện tử VietnamNet lại nằng nặc phỏng vấn tôi và Kít... Bài phỏng vấn hai anh em tôi khá dài được đăng lên mạng với vô số phản hồi từ độc giả...".

Sau này, anh Lưu Tuấn Anh và MC Lưu Minh Vũ đã nhẹ lòng và thoải mái hơn trong những câu chuyện chia sẻ về gia đình, vì thế mà độc giả có cơ hội hiểu hơn về cuộc sống "con anh, con tôi, con chúng ta" nhưng đầy ấm áp, yêu thương, bao dung của gia đình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ.

Tác giả Lưu Tuấn Anh kể lại kỷ niệm về mẹ Quỳnh sau chuyến đi công tác dài ngày ở Quảng Bình, Quảng Trị với tư cách là nhà báo với những câu chuyện về chiến tranh, về những cái chết trên chiến trường; kể về mẹ dạy anh cách yêu thương những người em là Kít - Mí và những người xung quanh, kể về sự "buồn ngẩn ngơ như người mất hồn" cả tuần của mẹ khi mất chiếc xe đạp đầy kỷ niệm mà bác Mai để lại khi bác vào sinh sống trong TP Hồ Chí Minh, kể về sự ám ảnh và đau lòng của mẹ khi anh bẫy chết một con mèo hoang thường đến ăn vụng món lạp xưởng trong chạn...

Không chỉ thế, ngay cả khi đã ly hôn với người chồng đầu và có cuộc sống mới, nhà thơ Xuân Quỳnh vẫn quan tâm đến người chồng cũ, mong muốn và còn đứng ra làm "bà mối" những mong nghệ sĩ Lưu Tuấn tìm được người phụ nữ tốt để lấy làm vợ. Thậm chí, bà còn đau lòng khi nhìn thấy mẹ chồng cũ tuổi đã cao mà bưng cái thúng đi bán bỏng ngô ở cổng trường học, dù mẹ chồng cũ không phải đi bán hàng để mưu sinh mà vì đơn giản là bà cụ không thể ngồi không cả ngày được.

Mẹ Quỳnh cũng run lên xót xa khi thấy con trai nhờ bạn Sơn có hình dáng gầy gò "như hạt thóc lép" đến phụ giúp sửa nhà, phải làm công việc nặng nhọc trong khi con mình mập mạp. Mẹ Quỳnh còn hoảng hốt khi biết con mình thường "ăn cơm chực" ở nhà bạn Sơn có gia cảnh không hề khá giả (vì bố mất sớm) và cứ áy náy mãi về việc sợ con mình "mồm gầu lưỡi chổi" ăn hết phần của con người ta, nên có dịp phù hợp đã chở một bao gạo đến gửi để "đóng góp" cho suất ăn của Lưu Tuấn Anh ở nhà bạn.

Nhờ sự quan tâm và cách đối nhân xử thế đầy ân tình của mẹ mà sau này mẹ mất, Lưu Tuấn Anh có một thời gian dài ở bên nhà Sơn. Anh kể: "Cái không khí gia đình ấm áp ở đó đã giúp tôi xoa dịu nỗi đau và lấy lại sự cân bằng. Cô Mai trở thành mẹ nuôi và gia đình Sơn cũng là gia đình tôi...".

2.jpg -1
Hồi ký "Những ô cửa gió lộng" của tác giả Lưu Tuấn Anh cùng các tác phẩm của nhà thơ Xuân Quỳnh đã in ở NXB Kim Đồng.

Hồi ức "Những ô cửa gió lộng" gây xúc động bởi những tâm sự chân thực và lòng biết ơn của tác giả đối với đấng sinh thành cũng như các thành viên trong gia đình. Bên cạnh hình ảnh và những kỷ niệm thân thương, những bài học làm người của mẹ Quỳnh, độc giả còn bắt gặp một Lưu Quang Vũ tài hoa mà trắc ẩn, ấm áp và hào phóng, hết lòng yêu thương vợ con, luôn đấu tranh không khoan nhượng, không thỏa hiệp với cái xấu, cái ác; một bé Mí thông minh, tài hoa như cha và mẹ, lại đáng yêu và thuần khiết như một thiên thần; một Lưu Minh Vũ rất thân thiết với tình thương đã vượt ra khỏi giới hạn máu mủ ruột rà; một nghệ sĩ Lưu Tuấn chỉn chu, ân tình, yêu thương gia đình, không chỉ "gà trống nuôi con" mà còn vô cùng yêu thương đứa con riêng của vợ cũ là bé Mí.

Tác giả Lưu Tuấn Anh còn kể lại kỷ niệm đau thương sau ngày mẹ, bé Mí và dượng Vũ mất: "Một tuần tiếp sau đó, ngày nào bố tôi cũng khóc gọi Mí. Tôi biết những giọt nước mắt ấy còn dành cho cả mẹ tôi nữa vì ông vẫn còn thương bà. Ông khóc nhiều tới nỗi thẫn thờ như mất hồn và hai mắt sưng húp gần như không mở ra được. Chưa bao giờ tôi thấy bố tôi khóc và đau khổ như vậy, kể cả sau này khi bà nội tôi mất. Sau khi tôi mất mẹ, dượng và em, khu tập thể 96 Phố Huế không còn là nơi vui vẻ với tôi nữa. Mọi thứ ở nơi này đều gợi cho tôi nỗi đau mất mát. Không còn Mí, bố tôi hụt hẫng như người mất hồn. Ông trầm tính hẳn đi và ánh mắt ông trở nên buồn. Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy ông rơm rớm nước mắt và gọi tên em...".

Anh Lưu Tuấn Anh chia sẻ trong cuốn hồi ức: "Đã bao năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm về ngày xưa vẫn theo tôi từng ngày. Những kỷ niệm có lúc dồn dập đổ về như sóng thôi thúc tôi phải làm gì đó. Và, tôi viết, như một món nợ ân tình phải trả...".

Thật không dễ dàng khi viết thiên hồi ức về người thân, nhất là giữa cuộc đời sôi động hiện đại, luôn bận rộn và thiếu thời gian tĩnh tại để hoài niệm về những "người trong cõi nhớ". Có thể vì vậy mà tác giả Lưu Tuấn Anh (sinh năm 1966), con trai của nhà thơ Xuân Quỳnh khi đã thực sự trưởng thành, dù đã khai bút những dòng đầu tiên vào mùa thu năm 2004, nhưng phải đến 9 năm sau, bản thảo mới hoàn thiện rồi dần trở thành cuốn hồi ức "Những ô cửa gió lộng".

Anh chia sẻ: "Những câu chuyện trong cuốn sách này là tập hợp các mảng ký ức mà tôi mất 9 năm để hồi tưởng và sắp xếp lại. Ký ức là những ô cửa sổ mở ra một vùng trời bao la lộng gió. Bầu trời trong xanh như con mắt trẻ thơ. Và, những cơn gió của hoài niệm miên man thổi mãi...".

Nguyệt Hà
.
.