Hồi ký "40 năm Đi, Yêu và Viết" - Nhìn lại một thuở gian khó

Thứ Sáu, 28/07/2023, 10:19

Hồi ký “40 năm Đi, Yêu và Viết” - một thước phim ký ức sống động ghi lại trọn vẹn chặng đường 40 năm cầm bút của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Tác giả gợi nhớ về một thời gian lao để thấm thía báo chí không chỉ đơn thuần là viết lách mà đích thực là những trải nghiệm đòi hỏi sự “dấn thân” bất chấp hiểm nguy hay thậm chí mạo hiểm cả tính mạng để bảo vệ tác phẩm của mình.

Tự sự bốn thập niên với nghề báo

Hồi ký “40 năm Đi, Yêu và Viết” đánh dấu hành trình 40 năm cầm bút của nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí Huỳnh Dũng Nhân. Ngay từ thuở bắt đầu bước vào nghề cầm bút, Huỳnh Dũng Nhân đã tự đặt cho mình câu khẩu hiệu “Đi, Yêu và Viết” - phải sống hết mình mới tạo ra được những trang viết hết mình.

image003.jpg -0
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về hành trình "40 năm Đi, Yêu và Viết". Ảnh: Việt Hà.

Với mong muốn không ai và không điều gì có thể bị lãng quên, tác giả tâm sự: “Cuốn sách tôi viết để cho tôi, cho gia đình tôi, cho bạn bè tôi. Năm nay, tôi gần 70 tuổi, tôi viết kẻo không kịp. Tôi chỉ muốn kể lại câu chuyện làm báo đầy thăng trầm 40 năm qua của mình. Biết đâu cũng có người nhặt nhạnh được chút kinh nghiệm làm báo từ đây”.

Theo dòng chảy ký ức của Huỳnh Dũng Nhân, độc giả sẽ được hòa mình vào một thế giới đậm đà cảm xúc. Cuốn sách không chỉ đơn thuần như một nguồn tư liệu để học hỏi kỹ năng kinh nghiệm cho những ai yêu thích nghề báo, đam mê phóng sự; nó còn mang trong mình thứ tình cảm đặc biệt của tác giả với cuộc đời, với con người, với công việc trong suốt 40 năm làm nghề đầy thăng trầm. Trong từng trang hồi tưởng, tác giả khéo léo tái hiện những câu chuyện vui buồn, những hiểm nguy tủi nhục đằng sau vinh quang mà ông đã trải qua trong suốt bốn thập niên cống hiến cho báo chí. Những ngôn từ, hình ảnh chân thực làm sống dậy những trải nghiệm, cảm xúc trong trái tim đầy máu lửa, chan chứa yêu thương của Huỳnh Dũng Nhân trong suốt hành trình làm báo của mình.

Chắc chắn, độc giả sẽ không rời khỏi mắt với những dòng chữ in đậm trong mục cuối mỗi bài viết của tác giả. Từ mỗi chuyến đi như “quăng thân” vào cuộc sống, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đều đúc rút, tổng kết những kinh nghiệm và bài học vô cùng đắt giá. Ví dụ, trong bài “Hai giờ dưới lòng đất”, để mang lại trải nghiệm “có một không hai” tới độc giả, nhà báo đã lựa chọn cách dấn thân, tham gia trực tiếp và chấp nhận trở thành một công nhân mỏ than dưới hầm lò. Hay khi viết về vụ tai nạn máy bay rơi, ông phải tìm kiếm thông tin, quan sát, lắng nghe, phỏng vấn và viết theo cảm nhận của mình. Trong những đề tài thường ngày bình dị, tác giả lại đặt mình vào vai người trong cuộc, kể những câu chuyện chân thật với ngôn từ nhẹ nhàng, bình dị, pha chút hài hước dí dỏm, mang lại tiếng cười vui tươi khiến độc giả có cảm giác như chính mình được hóa thân trong từng câu chuyện của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

Đặc biệt, cách chọn lựa trình bày cuốn sách dưới dạng hồi ký còn tạo nên sự gần gũi, chân thực và có thể dễ dàng chạm tới trái tim người đọc. “40 năm Đi, Yêu và Viết” chẳng khác nào một lời tâm sự chân thành từ sâu thẳm trái tim, tổng kết một cuộc hành trình đầy nhiệt huyết và tình yêu của Huỳnh Dũng Nhân dành cho nghề báo. Bởi lẽ đó, vượt trội hơn hẳn so với những cuốn sách thông thường, hồi ký “40 năm Đi, Yêu và Viết” chính là một tác phẩm mang đậm tình người, là một hồi ức sinh động, nối dài từ trí nhớ tác giả.

Cuốn tư liệu “rút ruột nhả tơ” của một “vua phóng sự”

Ngay sau khi ra mắt, “40 năm Đi, Yêu và Viết” đã nhận được sự đánh giá cao từ đông đảo các nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình nổi tiếng. Với độ dày 500 trang, đây có thể được coi là cuốn giáo trình hấp dẫn với những người cầm bút, nhất là những nhà báo trẻ, sinh viên báo chí. “40 năm Đi, Yêu và Viết” được tác giả gọi thân thương là “món quà kỷ niệm từ trái tim”, là quà tặng ý nghĩa và thiết thực mà nhà báo Huỳnh Dũng Nhân muốn dành tặng, tri ân tất cả những đồng nghiệp, bạn đọc của mình. Đặc biệt, một số bạn trẻ còn được nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ưu ái gửi tặng tận tay tác phẩm. Nâng niu cuốn sách trên tay, độc giả đều vô cùng trân trọng, tự hào coi đó như một kỷ niệm đặc biệt của riêng mình với tác giả.

image005.jpg -1
Nhà báo Mỹ Dung (thứ 2 từ trái sang) đến chung vui với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trong lễ ra mắt cuốn hồi ký. Ảnh: Việt Hà.

Bình phẩm về cuốn hồi ký “40 năm Đi, Yêu và Viết”, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung cảm thấy mình được “đọc, học và vui” với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: “Những trang viết của Huỳnh Dũng Nhân, sách của Huỳnh Dũng Nhân là rất nên đọc, rất đáng đọc! Vì tác giả đưa ta đi đến mọi miền đất nước, cho ta tiếp cận gần gũi với nhiều hạng người, nhiều loại nhân vật, đặc biệt là Huỳnh Dũng Nhân như cho ta “tiếp xúc” với ngồn ngộn sự kiện, đặc biệt là những sự kiện hiếm hoi, độc lạ, thậm chí hiểm nguy mà chỉ những nhà báo thực sự yêu nghề viết phóng sự, thực sự dũng cảm, dám dấn thân, đồng thời có nghệ thuật khai thác, khám phá mới biết được, chứng kiến rõ ràng được.

“Tôi đi bán tôi”, “Hai giờ dưới lòng đất”, “Ăn Tết trong rừng chó sói” là những bài viết như thế, lôi cuốn, thu hút làm chúng ta hồi hộp, lo lắng, chờ đợi qua từng trang viết của anh. Có những bài như “Có một em bé không được vào lớp 1”, “Ngoài ấy là Trường Sa”, “Người viết điếu văn truy điệu Bác trong nhà lao của địch” lại làm rung động sâu sắc trái tim người đọc đến không cầm lòng được! Tự dưng nước mắt cứ trào ra, như ta đang tận mắt chứng kiến những cảnh đời khốn khổ, những cảnh tượng mất mát thắt lòng. Trái lại, cũng có những bài anh lấy đề tài gần gũi, trong cuộc sống thường nhật mà được tác giả kể với giọng văn hồn nhiên, pha chút dí dỏm, hóm hỉnh của người trong cuộc như “Dân nhậu”, “Chuyện tế nhị thường ngày”, “Con đường bia bọt” làm người đọc vui vui, nhẹ nhõm, bật ra tiếng cười thật sảng khoái!”.

Đồng cảm xúc với nhà giáo Mỹ Dung, nhà báo Trần Duy khẳng định: “Nếu hai tuyển tập phóng sự “Ăn tết trong rừng chó sói”, “Tôi đi bán tôi” ra đời cách đây hơn 20 năm là sách gối đầu giường của nhiều sinh viên báo chí và người yêu thích nghề báo thì hồi ký “40 năm Đi, Yêu và Viết” còn hơn thế, bởi là “rút ruột nhả tơ” của một tác giả cả đời trót dính nghiệp viết lách, “cưỡi trên lưng cọp” phóng sự”.

Dưới góc nhìn của một sinh viên báo chí, em Đỗ Đại Dương - sinh viên lớp K66 Báo chí Chất lượng cao, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) hào hứng chia sẻ: “Em cực kỳ thích thú với những mẩu chuyện thời thơ ấu của bác Nhân, cảm giác như chính bản thân mình được trải nghiệm, được hóa thân cùng tác giả vậy. Với tư cách là một sinh viên báo chí, bản thân em đã học được rất nhiều bài học về nghề báo. Đặc biệt, mỗi bài học đều được truyền tải, lồng ghép vào trong những câu chuyện có thật mà bác đã trải qua. “40 năm Đi, Yêu và Viết” giống như một liều thuốc khơi dậy sự cố gắng, tình yêu với nghề báo trong em để rồi biết đâu trong tương lai, em sẽ có một hành trình ý nghĩa như vậy!”.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - “con sói phóng sự” hay “vua phóng sự thời kỳ Đổi mới”, được coi là một trong những cây bút phóng sự hàng đầu của Việt Nam. Ông sinh năm 1955 tại Thanh Hóa, lớn lên ở Hà Nội rồi vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và làm việc từ năm 1975 tới nay.

Những tác phẩm báo chí của Huỳnh Dũng Nhân thể hiện niềm trăn trở về xã hội, về thân phận con người với ngòi bút giàu chất trữ tình, hóm hỉnh mà sâu sắc. Ông là tác giả của 30 đầu sách nổi bật ở các thể loại phóng sự, truyện ngắn, tản văn, thơ, hồi ký, truyện thiếu nhi và giáo trình như: “Kính thưa Ô Sin”, “Chúng tôi - Một thời mũ rơm mũ cối”, “Tôi đi bán tôi”...

Không chỉ vậy, Huỳnh Dũng Nhân còn được biết đến với cương vị một nhà văn, một giảng viên của nhiều thế hệ sinh viên báo chí. Ông từng là Phó ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo.

Minh Hằng
.
.