Họa sĩ Linh Chi: Vẽ và sống là một

Thứ Bảy, 30/12/2023, 07:25

Trong bài viết về cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ Linh Chi nhân dịp xuất bản cuốn sách “Họa sĩ Linh Chi - Sống trong nghệ thuật” và triển lãm cùng tên của ông - thế hệ họa sĩ khóa Mỹ thuật kháng chiến, học trò của thầy Tô Ngọc Vân, họa sĩ Lê Thiết Cương khẳng định: “Ông vẽ như hơi thở, cũng là tự nhiên, vẽ như sống, vẽ là sống. Với họa sĩ Linh Chi, vẽ và sống là một”.

1. Hoạ sĩ Linh Chi là người duy nhất được tuyển thẳng vào lớp Mỹ thuật Kháng chiến của thầy Tô Ngọc Vân, vì ngay từ những năm 1944, ông đã có triển lãm cá nhân ở Hà Nội. Ông là một trong vài người lớn tuổi nhất khóa học quy tụ nhiều tinh hoa hội họa thời kì ấy - những hoạ sĩ mà tên tuổi và tác phẩm của họ ghi dấu ấn riêng biệt, giữ vị trí quan trọng trong nền Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Họ là họa sĩ Mai Long, Trần Lưu Hậu, Ngô Mạnh Đức, Lê Huy Hòa...

Họa sĩ Linh Chi: Vẽ và sống là một -0
Họa sĩ Linh Chi.

Ông tên thật là Nguyễn Tài Lương, sinh ở Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Ông mê vẽ từ nhỏ và rất ham học. Sau khi học xong bậc tiểu học ở Vĩnh Yên, năm 1938, ông và người em (nhà văn Trọng Hứa) được gia đình đưa ra Hà Nội để tiếp tục học Trung học. Năm 1942, ông đậu bằng Diplomere và tiếp tục học Tú tài ở Trường Thăng Long. Người dạy văn hóa cho ông thời kỳ này là: Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, các thầy dạy hội họa là Nguyễn Đỗ Cung, Trần Quang Trân. Tháng 9/1944, khi mới 23 tuổi ông đã bày triển lãm cá nhân đầu tiên trưng bày 43 tác phẩm sơn dầu và bột màu tại Phòng Thông tin Tràng Tiền (Hà Nội). Linh Chi được đánh giá là một họa sĩ trẻ nhiều tiềm năng. Sau đó, ông tham gia khóa học Mỹ thuật kháng chiến của họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Sinh thời, hoạ sĩ Linh Chi sáng tác khỏe, với nhiều đề tài phong phú, chủ yếu trên các chất liệu lụa, bột màu và khắc gỗ, cũng có sơn dầu và cả sơn mài. Ông dành nhiều tâm huyết với đề tài phụ nữ, phong cảnh nông thôn, miền núi... Những bức tranh sơn nữ dân tộc Thái, Mường, Dao Đỏ, cũng như phong cảnh núi rừng phía Bắc trong tranh Linh Chi vô cùng thuần khiết, tươi tắn, yên bình. Tranh của ông gần gụi, tình cảm. Người xem yêu thích tranh của Linh Chi không chỉ bởi những mảng màu, cách ông chọn đề tài mà còn bởi tình cảm và sự hồn hậu của ông được thể hiện trong từng tác phẩm. Ông sử dụng nhiều chất liệu khác nhau như lụa, bột màu, khắc gỗ…

“Trong đó lụa là chất liệu ông vẽ nhiều nhất và để lại dấu ấn riêng. Lụa chỉ là một chất liệu để ông vẽ, ông tỏ bày cảm xúc của mình, ông không quá nương vào cái loang nhòe vốn có của lụa mà bất kể họa sĩ nào vẽ lụa cũng khai thác. Ông vẫn diễn khối bằng đậm nhạt nhưng chỉ gợi chứ không vờn tỉa gò gẫm. Cho nên tranh lụa của ông có nhiều mảng phẳng và nghiêng về đồ họa, giữa gợi khối bằng đậm nhạt với mảng phẳng, giữa mảng phẳng và đi nét là mỹ cảm riêng có của ông. Lụa vẫn là lụa nhưng đã mới hơn, hiện đại hơn” (trích lời họa sĩ Lê Thiết Cương).

Từ năm 1954 đến khi nghỉ hưu, ông về công tác tại Nhà in Quốc gia sau đó chuyển về tại Xunhabasa (Cơ quan xuất nhập khẩu sách báo). Những năm cuối đời, ông vẫn miệt mài sáng tác. Tuy sống hết sức khiêm nhường, nhưng với tài năng hội họa của mình, họa sĩ Linh Chi đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Tranh của ông hiện đang được lưu giữ tại nhiều Bảo tàng lớn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Bảo tàng Mỹ thuật Đông Phương Moscou (Nga); Bảo tàng Á - Phi Vacsava (Ba Lan); Bảo tàng Á - Phi (Thụy Sỹ)... Nhiều tác phẩm của họa sĩ Linh Chi đã được công chúng đón nhận và hiện đang được lưu giữ trong các bộ sưu tập cá nhân ở nhiều nơi, trong và ngoài nước.

2. Triển lãm “Họa sĩ Linh Chi - Sống trong nghệ thuật” do gia đình họa sĩ và một số nhà sưu tầm tổ chức, giới thiệu đến công chúng 100 tác phẩm được chọn ra từ rất nhiều tranh của ông để lại. Trong đó, có những tác phẩm lần đầu tiên trưng bày. Cũng dịp này, gia đình ông đã xuất bản cuốn sách “Họa sĩ Linh Chi - Sống trong nghệ thuật”, lưu giữ lại những tác phẩm, ký ức về một họa sĩ cả cuộc đời lặng lẽ cống hiến cho hội họa. Có thể nói, đây là những tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Linh Chi, từ những bức tranh và ký họa thời kháng chiến chống Pháp đến sau này. Ông vẽ đa dạng đề tài, những điều dung dị quanh cuộc sống như phụ nữ áo dài, sơn nữ, cảnh nông thôn, miền núi với các chất liệu sở trường của ông như lụa, bột màu, khắc gỗ.

Họa sĩ Linh Chi: Vẽ và sống là một -1
“Phố Lãn Ông” - tranh vẽ trên chất liệu lụa của họa sĩ Linh Chi.

Sinh thời, họa sĩ Linh Chi vẫn thường nói: "Tôi rất yêu cái chói chang, mạnh mẽ của Matisse, cái dịu dàng mơ mộng của Hokusai, nhưng trên tất cả, tôi yêu văn hóa phương Đông, và cái cốt lõi cuối cùng trong tôi vẫn là người Việt Nam". Vì thế dù được học kỹ thuật của phương Tây, tiếp thu văn hóa phương Tây nhưng tâm hồn Việt Nam và cái chất Phương Đông luôn thể hiện rõ trong từng tác phẩm của ông, một phong cách phương Đông nhuần nhị, không bị trộn lẫn.

Nhà báo Đào Mai Trang viết: “Tranh của họa sĩ Linh Chi chứa đựng một góc tinh thần thuần hậu Việt Nam, dung dị, thanh bình, chan chứa tình cảm và đầy hoài niệm về một vẻ đẹp hiện thực nhưng có lẽ ngày càng rời xa thực tại xô bồ của cuộc sống bên ngoài phòng vẽ của ông. Ông đã chọn cách lặng lẽ và bình yên sống, lặng lẽ và bình yên chăm chút cho hội họa với cái đẹp của cuộc đời, theo tâm trí ông. Bởi đấy chính là con người ông, không vì hoàn cảnh mà thay đổi”.

Còn họa sĩ Ngọc Linh, người bạn đồng nghiệp với họa sĩ Linh Chi trong khóa Mỹ thuật Kháng chiến nhận xét. Suốt 50 năm cầm cọ, vẽ không biết chán, họa sĩ Linh Chi tìm tòi vẽ đi vẽ lại hai chủ đề dân tộc, bố cục trong tranh vẫn thế, sắc màu có đôi lúc chuyển biến nhè nhẹ trên các khuôn mặt thiếu nữ bầu bĩnh trái xoan theo cảm xúc của trái tim tác giả. Cho nên tranh lụa của bạn Linh Chi vẫn sống động và duyên dáng, truyền cảm xúc cho những người thưởng thức".

Là người bạn thân của họa sĩ Linh Chi, họa sĩ Mai Long cho rằng “giá trị nhân văn trong tranh Linh Chi chính là sự kết hợp hài hòa mối quan hệ giữa thái độ ứng xử trước hiện thực và lý tưởng nghệ thuật. Ông nhìn thấy cái mà ông muốn và theo cách mà ông thích nên tranh ông có phong cách riêng. Tranh của ông luôn gần gũi nhất với con người, những gì con người nhìn thấy và có thể cảm thụ được. Hơn nữa, sức sáng tạo của Linh Chi rất bền bỉ, vẽ như là hơi thở của ông”.

Quả vậy, cuộc sống đi vào tranh của Linh Chi trở nên giản dị, đẹp đẽ, trong sáng và thuần khiết hơn. Với ông, sống và vẽ là một, ông vẽ như hơi thở của mình. Chia sẻ về tranh của Linh Chi, họa sĩ Lê Thiết Cương khẳng định, xem lại gần 100 tác phẩm của Linh Chi, người xem sẽ thấy triển lãm như một cuốn nhật ký, mỗi trang là một bức tranh.

“Ông vẽ bất kể những gì ông thấy, trước mắt, quanh mình. Ông vẽ hàng ngày, ghi chép, những bức tranh kích cỡ khác nhau, những bức ký họa trên một tờ giấy tận dụng chỉ còn một mặt, những tờ bìa rọc vội. Những gương mặt người thân, bạn bè, gia đình, một dãy phố, một con đường quen thuộc, một cơn mưa mùa thu, một hồi chuông của buổi tụng kinh chiều từ chùa Chân Tiên… Tất cả đều tự nhiên, đều vốn là như vậy, giản dị, mộc mạc như bản tính của ông. Vẽ như hơi thở, cũng là tự nhiên, vẽ như sống, vẽ là sống. Với họa sĩ Linh Chi, vẽ và sống là một”.

Linh Nguyễn
.
.