Hoa đào trong thi ca Việt

Thứ Tư, 21/02/2024, 14:25

Đã từ lâu, mùa xuân luôn được coi là mùa tưng bừng khoe sắc của các loài hoa, muôn loài thảo mộc cùng tốt tươi, cây lá đâm chồi nảy lộc. Với mỗi người Việt Nam khi Tết đến xuân về, ai cũng sẽ chọn mang về nhà mình những bông hoa tươi thắm nhất theo sở thích của từng cá nhân. Và một trong những loài hoa gắn với không khí ngày Tết nhiều hơn cả, chính là hoa đào.

1. Nếu như nhiều loại hoa khác có thể nở quanh năm thì hoa đào chỉ nở vào mùa xuân. Từ trong ca dao người Việt đã có rất nhiều câu mang hình ảnh hoa đào. Hoa đào trước hết là đại diện cho một vẻ đẹp rực rỡ của thiên nhiên: “Rằng đây thu cúc xuân đào/ Mơ xe mận lại gió chào trăng thu; Bướm vàng bướm trắng bướm xanh/ Bay qua lượn lại quẩn quanh vườn đào”. Tiếp đến, hoa đào gắn với vẻ đẹp của những thiếu nữ ở độ rực rỡ đầy xuân sắc: “Thấy em mắt phượng môi son/ Mày ngài da tuyết đào non trên cành”; “thiếp như cánh hoa đào/ Đang tươi đang tốt thiếp trao cho chàng".

Hoa đào và những biến thể ngôn ngữ khác của nó (đào, vườn đào, cánh đào…) vì thế còn có khả năng biểu tượng cho tình yêu đôi lứa, cho tuổi trẻ của mỗi con người: “Vườn đào vừa tốt vừa tươi/ Mời chàng nho sĩ vào chơi vườn đào”; “Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa”. Màu sắc rực rỡ của hoa đào còn đi vào nhiều đơn vị định danh khác như rượu đào hay lụa đào: “Tay tiên bưng chén rượu đào/ Đổ đi thì tiếc uống vào thì say”; “Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”.

sắc đào báo xuân copy.jpg -1
Chợ hoa đào ngày giáp Tết.

Vẻ đẹp đằm thắm mà mong manh của cánh hoa đào khiến ai muốn thưởng thức hoa cũng phải nhẹ nhàng, nâng niu thương tiếc. Hoa đào cùng các biến thể của nó không biết tự khi nào còn có khả năng biểu hiện về một thế giới thiên tiên, thoát tục, cách xa với chốn phàm trần.

Từ bài thơ “Tống biệt” của Tản Đà đã có bóng dáng của đào ngay từ câu mở đầu tác phẩm: “Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai/ Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi”. Cho đến tuyệt phẩm Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao thì ca từ của ca khúc là bản thiên tiên nhã nhạc quyến rũ người nghe bằng một huyền thoại khói sương. Khát vọng tình yêu, khát vọng cái đẹp và khát vọng bất tử là ba cảm hứng cùng hòa quyện và không thể thiếu đi những cánh hoa đào: “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi/ Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời/ Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan/ Quê hương dần xa lấp núi ngàn/ Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền/ Ai hát trên bờ Đào Nguyên”.

2. Sang đến thời kỳ Thơ Mới, hoa đào đi vào tác phẩm của nhiều thi sĩ. Thơ tình Xuân Diệu không thể thiếu hoa đào khi đặt bên cạnh vẻ đẹp người thiếu nữ: “Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui/ Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời/…Gió thơm phơ phất bay vô ý/ Đem đụng cành mai sát nhánh đào” (Nụ cười xuân).

Còn với Vũ Đình Liên, hoa đào gắn với vẻ đẹp đặc trưng của ngày Tết cổ truyền nhưng đồng thời cũng thấm đẫm nỗi buồn bởi sự mai một của một vẻ đẹp văn hóa. Đó là thú chơi thư pháp bên cạnh hình ảnh những ông đồ cho chữ: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua/…Năm nay đào lại nở/ Không thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ " (Ông đồ).

Nhưng có lẽ Nguyễn Bính là thi sĩ Thơ Mới đưa hoa đào vào thơ nhiều hơn cả. Hoa đào trong thơ Nguyễn Bính có thể gắn với nỗi buồn của những tình yêu dang dở: “Hoa đào từng cánh rơi như tưới/ Xuống mặt sân rêu những giọt buồn/ Như những tim tình tan vỡ ấy/ Nhện già giăng mắc sợi cô đơn” (Thôi nàng ở lại). Hoa đào có thể gắn với nỗi nhớ của những người yêu nhau: “Chàng ở nơi đâu? Thiếp ở nhà/ Cây đào năm ngoái lại ra hoa/ Chân trời rượu uống môi chàng ướt/ Cửa sổ mưa bay lệ thiếp nhòa" (Xuân thương nhớ).

Hoa đào gắn với những bước đường giang hồ lưu lạc trong một nỗi nhớ quê hương không thể nào nguôi của thi sĩ chân quê: “Vườn nhà thấp thoáng hoa đào nở/ Chị vẫn môi son vẫn má hồng/ Áo rét ai đan mà ngóng đợi/ Còn vài hôm nữa hết mùa đông/ Cột nhà hàng xóm lên câu đối/ Em đọc tương tư giữa giấy hồng” (Xuân tha hương), “Hoa mai quán trọ trắng như sương/ Len với hoa đào dưới khóm dương/ Dang dở một thân nơi đất khách/ Tết này ta lại ngắm hoa suông” (Quán trọ).

Sau cùng, hoa đào còn gắn với cả một dự cảm tiên tri của Nguyễn Bính về ngày tạm biệt cuộc đời. Ông đã trút hơi thở vào ngày cuối cùng của năm âm lịch Ất Tỵ, như muốn để lại một mùa xuân mãi mãi cho trần gian, đúng như những câu thơ ông từng viết trong bài “Nhạc xuân”: “Hôm nay là xuân mai còn xuân/ Một cánh đào rơi nhớ cố nhân/ Cung nữ như hoa vườn Thượng uyển/ Ai về Chiêm quốc với Huyền Trân?/…Huyền Trân ơi/ Mùa xuân, mùa xuân, mùa xuân rồi/ Giờ đây chín vạn bông trời nở/ Riêng có tình ta khép lại thôi!”.

Có thể nói, hoa đào là một trong những loài hoa gợi lên cháy bỏng nỗi khát khao đoàn tụ sum họp, khát khao được trở về bên những người thân, bên gia đình yên ấm, đặc biệt là trong những ngày cuối năm: “Con biết xuân này mẹ chờ tin con/ Khi thấy mai đào nở vàng bên song” ("Xuân này con không về" - Nhạc và lời: Trịnh Lâm Ngân).

ngày tết ai cũng muốn chọn mọt cành đào thắm thật đẹp để đónn xuân.jpg -0
Ngày Tết ai cũng muốn chọn một cành đào thắm thật đẹp để đón xuân.

3. Sau 1975, hoa đào tiếp tục đi vào nhiều tác phẩm của các nhà thơ tên tuổi. Đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hòa bình thống nhất, lòng người cũng vì thế mà phơi phới sắc xuân mỗi khi một năm mới sắp về: “Hoa đào trước ngõ em qua/ Sáng nay bỗng ướm cành hoa vào mùa/ Đầy vườn lộc biếc cây tơ/ Năm đi chưa hết, đã ngờ xuân đâu” ("Hoa đào nở sớm" - Chế Lan Viên). Tình yêu với hoa đào cũng là tình yêu với quê hương, là những kỷ niệm luôn đong đầy: “Em hiểu lòng ta với/ Còn thương nhớ hoa đào/ Em hãy về áo đỏ/ Như Nguyên đán năm nào/ Sài Gòn không mưa bụi/ Mùa đông hay mùa xuân/ Em có là chim sẻ/ Tha mây về cuối năm” ("Thương nhớ hoa đào" - Đỗ Trung Quân).

Do những đặc trưng của địa lý - khí hậu mà ở Việt Nam, hoa đào thường được coi là loài hoa đặc trưng vào mùa xuân của miền Bắc còn hoa mai được coi là loài hoa đặc trưng vào mùa xuân của miền Nam. Nếu như thi sĩ Đỗ Trung Quân sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, rồi lại viết những câu thơ về hoa đào thấp thoáng bóng hình một người con gái đất Bắc, thì nhà thơ Trần Mạnh Hảo lại là người gốc Bắc nhưng sau này chuyển vào Nam sinh sống, ông đã viết về hoa đào trong tâm thế nhớ thương quê cũ: “Yêu hoa đào, ngắm hoa mai/ Tôi về Nam gửi hồn ngoài Thăng Long/ Hoa đào xưa gió long đong/ Mới hay tài sắc đừng mong xuôi chèo/ Bướm ong còn biết vượt đèo/ Hoa đào xưa của ta theo một đời/ Hồn hoa năm cũ lại cười/ Một thời xuân bởi còn người đào hoa…”. (Hoa đào năm ngoái).

Đến Tết Giáp Thìn này, nếu còn tại thế, nhà thơ Vân Long (1934 -2022) sẽ tròn 90 tuổi. Ông có một hành trình thơ bền bỉ kéo dài hơn nửa thế kỷ với nhiều bài thơ câu thơ đầy say đắm, trẻ trung, tha thiết với cuộc sống và tình yêu.

Trong gia tài thơ của Vân Long có một bài thơ khá đặc biệt mang tên “Cây đào năm ngoái” mà tôi muốn dùng để khép lại bài viết này: “Đất chẳng có một tấc/ Sống lơ lửng tầng hai/ Lại chơi đào cả gốc/ Hết Tết đào cũng phai/ Đành bưng sang vườn bạn/ Đào lại nảy thêm nhành/ Lúc nhớ, sang vườn ngắm/ Lòng lại lơ thơ xanh/ Tết sau, mua gốc khác/ Cứ như người phụ tình/ Qua vườn chào gốc cũ/ Bùi ngùi buồn một mình”.

Một bài thơ viết về mùa xuân, về hoa đào nhưng lại mang trong đó cả niềm vui và nỗi buồn, mang cả bao đắm say với đời sống nhưng cũng đồng thời không ít những tự vấn trong thế giới nội tâm. Làm sao để vừa sống đúng được với lòng mình, vừa giữ được trọn vẹn những thủy chung tình nghĩa cho dù đối với một gốc đào, cho dù đối với những cánh hoa. Tưởng như chuyện không có gì mà bài thơ đã thực sự mang một chiều sâu của cảm xúc và lay động tất cả những người đọc, nhắc nhở mỗi chúng ta phải nhìn lại những gì đã qua trong từng ngày từng giờ.

Biết bao thế hệ thi sĩ từ cổ chí kim đã viết về hoa đào. Những biểu hiện sáng tạo của mỗi tác giả, tác phẩm có thể khác nhau nhưng thông điệp đều có những điểm chung gặp gỡ. Đó là tình yêu với cái đẹp, với quê hương xứ sở và cội nguồn; là những khúc ca đắm say về tình yêu đôi lứa, giúp ta gột rửa đi bao muộn phiền để thắp lên niềm vui và đắm say bất tận với cuộc đời.

Mỹ Anh
.
.