Hoa đào - Nét mỹ học phương Đông!

Thứ Năm, 22/02/2024, 14:24

Được bao phủ bởi một màn sương lãng mạn của truyền thuyết nên cổ mẫu luôn mời gọi sự khám phá. Vốn đã đẹp bởi sắc màu vương giả, lại nở vào mùa xuân quyến rũ, được xếp vào hàng “đệ nhất hoa” và gắn cho những phẩm chất cao quý của bậc quân tử, nên cổ mẫu hoa đào có rất nhiều lớp vỏ huyền thoại mà bóc mãi vẫn chưa thấy cái lõi sự thật.

Thân cành thanh mảnh, chúm chím nụ rồi hoa nở rực rỡ, hương tỏa thanh tao… một mình hoa đào đủ tạo nên một nét riêng của mỹ học phương Đông.

Truyền thuyết “Đào nguyên” của Trung Hoa kể, ông lão đất Vũ Lăng tình cờ thấy một cánh hoa rất đẹp từ thượng nguồn trôi về. Ngược dòng, ông tìm thấy một rừng đào dọc theo một triền suối, cảnh như cõi tiên, con người cũng đẹp như tiên… Như bị mê dụ, ông bèn trở về rồi quyết đến đó sống chứ không muốn ở chốn cũ phàm trần. Nhưng khi quay lại, tìm mãi, tìm mãi mà không thấy cảnh đẹp ấy đâu nữa. Ông đau khổ, tiếc nuối…

Tất nhiên là huyền thoại nhưng lại nói lên một sự thật: cái đẹp đích thực luôn hấp dẫn con người. Con người sẵn sàng đánh đổi tất cả để hưởng thụ cái đẹp. Cái đẹp lý tưởng là ở trong khát vọng chứ không có ngoài thực tế. Cũng như tình yêu vậy, cái đẹp không tìm thấy mới là cái đẹp vĩnh cửu nhất để mà mơ mộng. Chứ mà được sở hữu, thì… hết thi vị!!!

image001.jpg -0
Hoa đào xứ Việt!

Khởi thủy, người Trung Quốc cổ quan niệm hoa đào là thứ vật quý. Huyền thoại kể vườn đào của Tây Vương Mẫu 3000 năm mới cho quả một lần, ai được ăn sẽ trường sinh bất tử. Thế nên ở bức tượng tam đa (Phúc - Lộc - Thọ) thì ông Thọ luôn cầm trái đào. Lại có tranh tả thằng bé mũm mĩm ôm trái đào tiên tặng ông lão tức là chúc trường thọ. “Kinh thi” có câu: “Đào chi yêu yêu/ Chước chước kì hoa/ Chi tử vu qui/ Nghi kì thất gia” (Nõn nà đào tơ/ Xinh xắn nở hoa/ Nàng ta lấy chồng/ Cửa nhà ấm êm) thì cây đào là biểu trưng cho hạnh phúc với cảnh thiếu nữ lấy chồng.

Đào còn làm ẩn dụ cho người tài. Địch Nhân Kiệt, tể tướng đời Đường, thu dụng được nhiều nhân tài, người đời khen: “Cây đào, cây lí trong nước ở cả trong cửa tướng công”. Trong “Tam quốc diễn nghĩa” được cấp thêm nghĩa, đào vừa quý vừa cứng cỏi nghĩa khí, thế nên La Quán Trung mới cho ba anh em Lưu - Quan - Trương “kết nghĩa vườn đào”. Trong tín ngưỡng thờ cúng, bói toán, người ta dùng gỗ cây đào khắc thành những hình nhân treo trên cửa ra vào để đuổi tà ma, làm thân cây bút bằng gỗ đào sẽ viết nên những tiên đoán đúng về tương lai…

Cũng ở xứ Trung Hoa, câu chuyện “Lưu - Nguyễn nhập thiên thai” kể hai chàng Lưu Thần, Nguyễn Triệu đi hái thuốc lạc vào động tiên. Cảnh đẹp vô cùng lại có hai cô tiên tự nguyện làm vợ… Nhưng chỉ được nửa năm hai chàng cũng chán liền xin phép người tiên mà trở về… Những hạt cổ mẫu này rơi vào văn chương bác học nở ra những hình tượng thẩm mỹ mới bắc một cái cầu kiều nối hai bờ quá khứ và hiện tại, mà hôm nay, nếu có ai bước lên cầu đó, hầu hết đều muốn sang bờ quá khứ để được gặp tiên.

Rất nhiều nhà thơ Đường Tống đều có thơ về hoa đào viết theo lối cổ tích hóa. Câu chuyện nổi tiếng về Thôi Hộ kể nhân hội Đạp Thanh, nhà thơ đi ngao du sơn thuỷ, lạc bước đến “Đào Hoa thôn” gõ cửa xin nước uống thì được gặp một thiếu nữ. Vẻ đẹp đồng quê tinh khôi của nàng làm Thôi Hộ vừa uống nước cũng là uống luôn nhan sắc và tâm hồn thơ ngây trinh nữ. Năm sau, chàng quay lại xin cưới nàng. Nhưng chỉ còn những cây đào đang kỳ rực rỡ như cười đùa trêu ngươi... Thế là một kiệt tác của nhân loại ra đời có tên “Đề Đô thành Nam trang”: “Khứ niên, kim nhật, thử môn trung/ Nhân diện, đào hoa tương ánh hồng/ Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (Năm ngoái, hôm nay, trước cổng này/ Mặt người và hoa đào ánh lẫn nhau/ Giờ đây, mặt người không biết đã đi đâu/ Chỉ còn hoa đào cười gió Đông cũ).

Truyền thuyết xứ Việt ta kể, ngày xưa, phía Đông núi Sóc Sơn có một cây hoa đào cành lá sum suê, to lớn khác thường, bóng che phủ cả một vùng rộng. Có hai vị thần trú ngụ ở trên cây luôn mang điềm lành, may mắn, giúp đỡ dân lành. Lũ ma quỷ rất sợ uy linh hai vị thần, đến mức sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành đào là bỏ chạy.

Ngày cuối năm năm ấy hai thần lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Mấy ngày Tết, vắng mặt các thần, lũ ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái. Dân chúng đành bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ, ai không có cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình hai vị thần dán ở cột trước nhà để xua đuổi tà ma. Từ đó, thành lệ cứ mỗi dịp Tết đến, mọi nhà đều mua cành hoa đào... Thì ra, với người Việt, hoa đào là để cầu mong bình an, sau đó mới là trang trí, làm đẹp. Thương đất nước mình nhiều giặc giã, thiên tai, điều quý trước hết là sự thanh bình, yên ổn!

image003.jpg -1
Hoa anh đào Nhật Bản!

Trong thơ Nguyễn Trãi,hoa đào là mùa xuân mới mẻ, phong nhiêu: “Một đóa đào yêu khéo tốt tươi/ Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười”. Nguyễn Bỉnh Khiêm ngạc nhiên trước vẻ đẹp mà băn khoăn về nguồn gốc đào hoa: “Tiên thụ thuỳ tương quán lý tài/ Hảo xuân nhất độ hảo hoa khai” (Cây tiên bên quán bởi ai trồng/ Mỗi độ xuân về rực rỡ bông).

Trong “Truyện Kiều” dù mượn điển tích bên Tàu hay tả cảnh tả tình gì vẫn thấy sâu thẳm trong thơ nhà nhân văn chủ nghĩa Nguyễn Du một khao khát cho cô Kiều và thân phận người phụ nữ nói chung một điều bình an, bớt sóng gió. Nhà thơ luôn để cô Kiều khi thì rực rỡ nồng nàn khi thì xót xa đau buồn… dưới bóng cây đào.

Kim Trọng ngắm Kiều cũng dưới bóng cây đào: “Cách tường phải buổi êm trời/ Dưới đào dường có bóng người thướt tha”. Chiếc kim thoa của nàng cũng được “đạo diễn” Nguyễn Du đặt trên cành đào: “Lần theo tường gấm dạo quanh/ Trên đào nhác thấy một cành kim thoa”. Cây đào làm chứng nhân cho mối tình chớm nụ: “Dưới hoa sẽ dặng tiếng vàng/ Cách hoa đã thấy có chàng đứng trông”. Sau này cảnh ngộ và tâm trạng Kim Trọng đau buồn, tê buốt, bẽ bàng cũng dưới bóng đào: “Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Có 23 câu thơ “Kiều” lấp ló hình tượng hoa đào, với “đào tiên”, “đào nguyên”, “đào tơ”, “đào non, “đào phai”, “đào lý; “má đào”, lại có cả “buồng đào”…

Người Nhật lấy hoa anh đào làm quốc hoa vì cho rằng hoa ấy tượng trưng cho mùa xuân, cái đẹp, sự viên mãn, hạnh phúc... Người Nhật quý hoa đào đến mức coi đó không chỉ là chuẩn mực thẩm mỹ, còn là chuẩn mực của lẽ sống: “Là hoa thì hãy là hoa đào, là người thì hãy là Samurai”.

Truyền thuyết Nhật kể, một lần chàng trai trẻ đi ngang qua sông Sumida ở Tokyo gặp một cô gái xinh đẹp đang đứng trên một chiếc thuyền. Đó là một nàng tiên Konohana-Sakuya-Hime, hiện thân của hoa anh đào. Họ trở thành bạn bè và cùng nhau đi tới một ngọn núi cao. Đến nơi, nàng tiên yêu cầu chàng trai chặt hạ cây tuyết tùng. Khi đốn cây, chàng phát hiện ra bên trong cây đó là một cây anh đào tuyệt vời diễm lệ, tràn đầy sức sống… Từ đó cây anh đào đi vào văn hóa Nhật biểu tượng cho cái đẹp, sự tươi vui, điềm lành, sự phục sinh... Theo thời gian, dòng phù sa văn hóa Samurai Nhật còn bồi đắp thêm nghĩa biểu tượng cho sự đổi mới, sự độc lập, thích nghi hoàn cảnh.

Không chỉ là một nguồn mạch văn hóa của dân tộc Nhật (với Lễ hội hoa anh đào - gọi là Hanami, thành kính, thiêng liêng), còn là cảm hứng thẩm mỹ cho văn học, rõ nhất là trong thể thơ haikư truyền thống: “Một cành đào đơn sơ/ Một buổi sáng đẹp trời/ Trang điểm một hồ sâu” (Buson). Chỉ một cành đào nhỏ, đơn sơ nhưng đúng thời điểm (buổi sáng), đúng không gian (đẹp trời) có thể làm đẹp cả những thứ gì vốn thăm thẳm u tối, u buồn nhất (hồ sâu). Nhà thơ Basho còn nâng hoa đào lên thành Phật, đem cái đẹp, cái thanh tao “cứu độ chúng sinh”: “Trước cành hoa đào/ Rộ đời hương sắc/ Nam mô hoa đào”…

Cuối bài viết, xin mời bạn đọc nghe bài hát “Ai lên xứ hoa đào” nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Nguyên: “Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi/ Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi/ Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ/ Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ”. Bài hát viết năm 1960 nhưng có cảm giác nó “phi thời gian” như cổ tích. Người Nhật, người Trung Quốc lên Đà Lạt ngắm hoa đào, chỉ nghe giai điệu bài hát cũng có cảm nhận nó “phi không gian” vì Đà Lạt chẳng khác gì xứ đào nguyên trong truyền thuyết Trung Hoa, Nhật Bản. Nhờ men theo lối cổ tích hóa nên hoa đào đã nở hoa trong lòng người chăng!?

Nguyễn Thanh Tú
.
.