Đọc “Hồ Xuân Hương - Đời và Thơ” của Vũ Nho, NXB Hội Nhà văn, 2022

Hồ Xuân Hương từ nguồn tư liệu mới

Thứ Năm, 08/09/2022, 15:48

Là công trình nghiên cứu của PGS.TS Vũ Nho dựa trên nguồn tư liệu mới, cuốn sách dày 440 trang khổ 14.5 x 20.5, gồm hai phần (Cuộc đời nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Thơ Hồ Xuân Hương) và một Phụ lục (Một số nghiên cứu về Hồ Xuân Hương).

Trong phần thứ nhất "Cuộc đời nữ sĩ Hồ Xuân Hương", ngoài kế thừa những nghiên cứu trước, điểm mới của cuốn sách là tác giả đã cập nhật những tư liệu mới xung quanh cuộc đời "Bà chúa thơ Nôm".

Trước đây, các nhà nghiên cứu chủ yếu luận đoán cuộc đời Xuân Hương qua văn thơ của bà. Không ít người còn đặt sự nghi vấn rằng Hồ Xuân Hương là nhân vật có thật hay huyền thoại? Nhà thơ Xuân Diệu từng băn khoăn: "Chúng ta nay rất tức tối và đau đớn, đứng trước tình cảnh không biết ngày sinh, tháng đẻ, năm mất của một thi hào như Xuân Hương...". Nhà thơ Hoàng Trung Thông cảm thấy sự mơ hồ, huyền thoại xung quanh cuộc đời nữ sĩ: "Người ta nói nhiều về Hồ Xuân Hương/ Nhưng người đó là ai"... Đến cuốn sách này, PGS.TS Vũ Nho đã góp phần làm sáng tỏ nhiều điểm mờ dựa trên nhiều nguồn tư liệu, trong đó có "Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương" (NXB Hồng Đức, 2021) của nhà nghiên cứu Nghiêm Thị Hằng.

Từ trước đến nay, phần tiểu sử Hồ Xuân Hương viết rất sơ lược, thiếu thống nhất, chồng chéo, mâu thuẫn. Cha của Hồ Xuân Hương là ông Hồ Phi Diễn, hay Hồ Sĩ Danh có hai luồng ý kiến. Dựa theo tài liệu đã được họ Hồ xác nhận thì Hồ Sĩ Danh chỉ dạy học ở quê, không đi ra Bắc, nên không có chuyện lấy vợ lẽ. Tác giả Vũ Nho đồng tình ý kiến này, bác bỏ cha là Hồ Xuân Hương là Hồ Sĩ Danh...

Hồ Xuân Hương từ nguồn tư liệu mới -0
Bìa tập sách “Hồ Xuân Hương - Đời và Thơ” của Vũ Nho.

Năm sinh, năm mất của bà cũng có nhiều phỏng đoán. Ngay những người viết về Hồ Xuân Hương sớm như: Nguyễn Hữu Tiến (1916), Dương Quảng Hàm (1925), Nguyễn Văn Ngọc (1927), Hoa Bằng (1950)... không ghi rõ năm sinh, năm mất mà thường ghi chung chung cuối nhà Lê, đầu nhà Nguyễn.

Bộ "Hợp tuyển Thơ văn Việt Nam thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX" (1963) cũng không xác định rõ "Bà sinh và mất năm nào, chỉ biết bà sống vào thời kỳ tàn cuộc của Lê và Trịnh, thời hưng thịnh và suy vong của Tây Sơn và buổi đầu của triều Nguyễn, có thể đến thời Minh Mệnh". GS Hoàng Xuân Hãn cho rằng "Nếu ta cho rằng trẻ dưới 30 thì phải nhận rằng nàng sinh 1777 khi cha nàng đã quá 74. Sự ấy khó là sự thực. Còn nếu nhận như tôi đã đề nghị từ đầu, nàng sinh khi cha 70 tuổi, nghĩa là vào năm 1773".

Trước Nghiêm Thị Hằng có 4 mốc năm sinh của nữ sĩ họ Hồ (1755, 1770, 1772 và 1815). Dựa theo Hồ tông thế phả, năm sinh của Hồ Xuân Hương chỉ có thể là năm 1770 hoặc 1772. Nhưng 2 năm trên không có Đào hoa chính ngọ. Nên Xuân Hương phải sinh vào năm 1773 (Quý Tỵ) mới đúng với lá số tử vi được thầy Hoàng Văn Khôi lập.

Về sắc tài, tác giả Vũ Nho nghiêng về khẳng định Hồ Xuân Hương là người đàn bà đẹp, thông minh, một kỳ nữ có học vấn, được các danh sĩ nể phục. Có thể do suy luận theo Nguyễn Hữu Tiến - người viết về Xuân Hương sớm nhất "dáng điệu tầm thước, mặt hơi rỗ hoa, mà da hơi ngăm đen, không đẹp mà có duyên thầm", nên mới có cách miêu tả dung nhan Hồ Xuân Hương "là người xấu xí, đen đủi" (theo Hoa Bằng)...

Theo lá số tử vi, bà có sao Thiên Cơ "mặt trái xoan, trắng trẻo, mỏng mày hay hạt, xinh"; sao Thái âm chiếu mệnh bà là người "da trắng, thanh tú"; xét mệnh có sao Phượng Các, Tài Mệnh có sao Hoa Cái là "người có duyên"; cung Mệnh có sao Thái Tuế là người "biết ăn nói, có thiên hướng nghề dạy học" (trang 18). Điều đó được minh chứng trong tập "Lưu Hương ký", Tốn Phong đã hết lời ca ngợi: "Mười phần sắc xuân tới nước Nam" (Bài số 8), "Người tiên rạng rỡ hiện trên mây" (Bài số 130, "Như dáng cây mai xinh đến cốt/ Mười phân sắc xuân rạng lên trời" (Bài số 22)...

Xuân Hương là "người có học, thích giao du, đi ra ngoài là người nổi tiếng. Mệnh có Tứ linh, Phượng Các, Hoa Cái, Bạch Hổ, Long Trì là người phụ nữ tài hoa có trí tuệ, giỏi giang, có nhan sắc, tạo ra uy tín cho bản thân, là người có trách nhiệm. Ở cung Quan lộc, cung Phu thê chiếu lên có sao Thiên Đức (tức làm thầy) dụng nghiêng về văn chương, sáng tác" (Nghiêm Thị Hằng).

Về tình yêu, hôn nhân của nữ sĩ họ Hồ, kế thừa các nguồn tư liệu trước, PGS.TS Vũ Nho cập nhật nguồn tư liệu mới khẳng định Hồ Xuân Hương có hai lần lấy lẽ, đó là Chiêu Hổ Nguyễn Bình Kình và ông phủ Vĩnh Tường. Không đồng tình với gán ghép Chiêu Hổ là Phạm Đình Hổ như nhiều nghiên cứu trước đó, Vũ Nho đồng tình với cách luận giải, khẳng định Chiêu Hổ chính là Nguyễn Bình Kình (Tổng Cóc). Nguyễn Bình Kình cùng bạn đến chơi Cổ Nguyệt Đường được nữ sĩ ra vế đối:

Tối ba Mươi, khép cánh Càn Khôn, kẻo nữa Ma Vương đưa Quỷ tới

Nguyễn Bình Kình đối lại chuẩn chỉ về chữ nghĩa:

Sáng mùng Một mở then tạo hóa, để cho thiếu nữ rước xuân vào

Nể phục cách ứng đối tài hoa, chủ nhân Cổ Nguyệt Đường thường xuyên đón Nguyễn Bình Kình đàm đạo thơ phú. Quan hệ phải thân mật đến cỡ nào hai người mới có thể uống rượu, đùa ghẹo, gọi là "Anh đồ tỉnh, anh đồ say", tự xưng là "chị", trách sao dám "ghẹo nguyệt giữa ban ngày", với thái độ "Này này, chị bảo cho mà biết/ Chốn ấy hang hùm chớ mó tay". Cũng phải thân lắm mới lấy cớ "vay tiền" để rồi "Trách người quân tử hẹn sai ra", bởi hẹn "năm" mà chỉ "có ba" và dám mượn chuyện chú Cuội để trách một cách tinh tế "Nhớ hái cho xin nắm lá đa"...

Trước đây, nhiều tài liệu nghiên cứu, đưa vào nhà trường về Tổng Cóc chủ yếu vẫn theo Nguyễn Hữu Tiến rằng thua bạc mà chết rồi khẳng định "Xuân Hương than khóc và có thơ". Theo đó, nhiều nhà nghiên cứu gắn bài thơ "Khóc Tổng Cóc" với thái độ hả hê, mượn cách chơi chữ (cóc, bén, nòng nọc, chuộc) để chửi rủa, đay nghiến là không hợp với người tinh tế, yêu chữ nghĩa như bà chúa thơ Nôm. Vì thế, tác giả khẳng định bài thơ trên là khóc cho mối tình đã chết chứ không phải khóc cho người chết...

Hồ Xuân Hương làm lẽ lần thứ hai là ông phủ Vĩnh Tường. Theo tác giả, các cứ liệu về lần làm lẽ này không thống nhất, mâu thuẫn, thậm chí trái ngược. Xuân Hương kết hôn được ít lâu thì ông Phủ mất và bà có bài thơ khóc chồng: "Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ôi...". Tác giả nhận thấy việc Xuân Hương lấy ai trước: Tổng Cóc hay ông phủ Vĩnh Tường cũng không rõ ràng.

Theo nhà nghiên cứu Hoa Bằng năm 1950, ông phủ Vĩnh Tường vẫn chưa có tên. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, ông Phạm Ngọc Khánh (2013), ông phủ Vĩnh Tường tên là Phạm Viết Ngạn. Trong ba ông phủ Vĩnh Tường thì đúng chỉ có ông Phạm Viết Ngạn có vợ lẽ là Xuân Hương, song tác giả Nghiêm Thị Hằng bác bỏ ông Phạm Viết Ngạn là ông phủ Vĩnh Tường và khẳng định Trần Phúc Hiển mới là ông phủ Vĩnh Tường...

Ngoài hai lần làm lẽ, Hồ Xuân Hương tiếp xúc, bầu bạn văn chương với nhiều "danh sĩ đương thời như: Phạm Quý Thích, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du, Mai Sơn Phủ, Tốn Phong, Trần Quang Tĩnh, Trần Phúc Hiển, Chí Hiên...", trong đó phải kể đến mối tình với Nguyễn Du...

Dựa trên tài liệu từ trước đến nay, tác giả lập niên biểu tóm tắt nữ sĩ Hồ Xuân Hương:

Hồ Xuân Hương là nhân vật có thật. Bà sinh ngày 30/8/1773 (13/7 Quý Tỵ), mất ngày 14/8/1822.

Khoảng 1788-1790: gặp gỡ với Nguyễn Du, làm 5 bài thơ "Mộc đắc thái liên" (Mơ được hái sen). Khi biết Nguyễn Du được thăng Đông Các học sĩ, chuẩn bị đi sứ, viết bài thơ "Cảm cựu kiêm trình cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu".

Khoảng 1800-1801: Gặp gỡ nhiều văn nhân, trong đó có Chiêu Hổ (Tổng Cóc); làm câu đối và 3 bài thơ "Trách Chiêu Hổ 1, 2, 3".

1804: Chủ động bỏ Tổng Cóc về Thăng Long; viết bài thơ "Khóc Tổng Cóc" - khóc cho một mối tình đã chết.

1814: Đầu năm, theo Trần Phúc Hiển đến Yên Quảng. Đến gần sở lỵ, Trần Phúc Hiển giữ ý, nên để Xuân Hương trở về Thăng Long.

1814: Gặp lại Tốn Phong, nhờ chàng viết tựa tập thơ "Lưu Hương ký".

1814-1816: Bà Hà Thị (mẹ nữ sĩ) mất năm 1814. Năm 1816 đoạn tang mẹ.

1816-1818: Kết duyên lần 2 với Trần Phúc Hiển; viết chùm thơ chữ Hán (5 bài) về Hạ Long.

1818: Trần Phúc Hiển bị tố tham nhũng kết án tử; năm 1819 chết ở quê Quảng Nam.

"Hồ Xuân Hương - Đời và Thơ" ra đời vào thời điểm ý nghĩa, nhân Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh các "Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 - 2023", trong đó có hai nhà thơ Việt Nam là Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương. Cùng các nhà nghiên cứu, PGS.TS Vũ Nho đã góp thêm công trình nghiên cữu về nữ sĩ Xuân Hương - người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được UNESCO vinh danh nhân kỷ niệm 250 năm sinh và 200 năm mất của "Bà chúa thơ Nôm".

Lê Thị Bích Hồng   
.
.