Hiếu Trung Long: Mắt đại ngàn chảy tràn sóng chữ

Thứ Sáu, 03/01/2025, 10:39

Tác giả Hiếu Trung Long từng đoạt giải Ba cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ (2015-2017), vậy rồi cây bút tỉnh Điện Biên lại lặng thầm về với núi rừng Tây Bắc. Sống và viết bằng nguồn cơn mê đắm cho mảnh đất mà mình đã sinh ra, lớn lên, bám trụ.

Không như các bạn cùng tốt nghiệp khóa X của Trường Viết văn Nguyễn Du, tìm kiếm cơ hội nơi phố thị, hay sôi nổi xuất hiện trên văn đàn. Hoặc chí ít từ giải thưởng ngày đó, Hiếu Trung Long sẽ bước thật rộn ràng trên hành trình văn chương. Với anh, từ trong âm trầm, văn chương của Hiếu Trung Long tự khắc cất lên tiếng nói ngàn ngạt mà dào dạt chảy tràn lên trang viết.

Một tôi Điện Biên xanh lên văn chương

Dạo gần đây, Hiếu Trung Long trình làng 2 truyện ngắn khiến người đọc chú ý như: “Giếng hình nhân”, “Ba Ngàn, ngạt ngạt gió”. Núi rừng Điện Biên hiện lên qua câu chữ của anh đầy mê mị. Cái hay của cây bút 8X này là một giọng văn tĩnh mịch. Thể như Hiếu Trung Long gói ghém những chắt chiu của bao năm dành dụm từ miên man ký ức về rừng núi nơi đây mà đem vào truyện. Mỗi truyện ngắn là một lát cắt nhỏ về thân phận con người giữa trùng điệp núi, bạt ngàn mây và xa xăm rừng. Với 2 truyện ngắn gần đây đăng trên Báo Văn nghệ, đủ thấy một bút lực đang hồi sung mãn và kĩ lưỡng trong văn chương.

Hiếu Trung Long: Mắt đại ngàn chảy tràn sóng chữ -0
Tác giả Hiếu Trung Long.

Vốn dĩ Hiếu Trung Long là anh giáo bản, nhưng có lẽ đam mê văn chương như ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng anh. Lửa tâm càng ngày càng nồng lên, thế là anh chọn bước ngoặt cho cuộc đời mình. Hành trình văn chương đã mở ra cho chàng trai núi rừng này được thể hiện những điều mà bấy lâu nay mình ấp ủ. Được sống với niềm yêu thích, được viết những điều mình mong muốn, được đi để trải nghiệm và được đọc thật nhiều để tìm cho mình những kiến thức vốn dĩ chẳng có được ở vùng biên viễn Tây Bắc này.

Nói như Hiếu Trung Long chia sẻ thì giáo viên vùng cao yêu nghề, bám nghề vẫn còn rất nhiều, nhưng người viết văn thì quả thực rất ít ỏi. Bởi suy cho cùng, văn chương nơi heo hút này chưa đủ sức nắm níu con người ta bền bỉ với nó. Có chăng phải là một tấm lòng thành toàn tin tưởng vào con đường văn chương, mới đủ nhẫn nại mà đi.

Hiếu Trung Long hiện đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Điện Biên. Ở vị trí là một biên tập viên, anh được quen biết thêm nhiều người viết trên khắp mọi miền đất nước. Và mối lương duyên kết giao giữa tôi và anh cũng từ đấy mà ra. Thoảng khi chúng tôi hay trao đổi bài vở cho nhau đọc. Hoặc khi cần bài phù hợp với tạp chí, anh hay nhắn tôi.

Có lần đang ngồi tiếp khách trong một buổi tối, anh nhắn gấp, bảo cần liền. Thế là tôi dừng ngay bữa tối, xin phép mở máy làm việc và lục trong kho truyện để dành của mình ra, chọn một truyện ngắn gửi anh. Dĩ nhiên đâu nhanh chóng gửi và nhận, phải tương tác cùng nhau về bài vở cho đến khi đôi bên thống nhất để anh gửi bài qua bên bộ phận dàn trang.

Với văn chương, tôi và anh hình như đều đắm đuối, sẵn sàng dừng tất cả mọi thứ. Chúng tôi sẵn sàng trao đổi bất kể đó là tối muộn, chỉ cần có thể sắp xếp thời gian, là nói với nhau tất cả. Góp ý lẫn động viên nhau, hay chỉ giản đơn hỏi thăm nhau. Thậm chí, tôi biết anh hiền lành lắm, riêng tôi thì lại hay trêu ghẹo, có những buổi cứ phải chọc anh miết về câu chuyện đi tìm nguồn cảm hứng của một truyện ngắn nào đó anh viết về tình yêu.

Ngôi xưng “tôi” trong truyện của anh cứ hay bị tôi gán ghép vào chính anh, để rồi anh chỉ cười hiền, đó chỉ là một tôi của núi đồi nơi anh đã sinh ra, lớn lên, chọn ở lại sau nhiều thăng trầm của đường đời. Một “tôi” Điện Biên hiện rõ mồn một qua từng tác phẩm của anh. Có thể nói, Hiếu Trung Long là cặp mắt của đại ngàn. Bởi mỗi ánh nhìn của anh sẽ là một câu chuyện. Mỗi câu chuyện sẽ mênh mang nỗi đời. Nhưng ẩn chứa sâu hoắm của nỗi đời, kỳ thực, giản đơn lại là chuyện của đất và rừng trước bàn tay con người. Ánh mắt anh xanh tuổi đời, truyện anh xanh lên góc nhìn và văn chương anh xanh lên từ vùng đất anh hùng Điện Biên.

Miên mải đại ngàn, chảy tràn sóng chữ

Mãi cho đến những ngày cuối năm 2024, anh gửi tôi tập truyện “Những cánh chim Chua Sa” vừa xuất bản. Tập truyện ngắn này, vào tháng 10, đã được trao giải Nhất, giải thưởng VHNT định kỳ 5 năm của tỉnh Điện Biên. Với 15 truyện ngắn mà Hiếu Trung Long đã cẩn trọng chọn lựa trong tập này để gửi đến độc giả cho thấy một cây bút giàu nội lực và xác tính màu sắc văn chương của mình rõ rệt nhất.

Hầu hết các truyện ngắn đều bàng bạc không gian núi rừng Điện Biên, nhưng tạo được một phong vị riêng biệt khi đan xen giữa ký ức xưa cũ của vùng đất này và câu chuyện hiện thời với bao ngổn ngang thời cuộc. Thêm vào đó, Hiếu Trung Long chọn bút pháp viết theo lối hư-thực quyện vào cùng một không gian khiến truyện ngắn anh cứ cuốn hút người đọc từ những câu chữ đầu tiên.

Hiếu Trung Long: Mắt đại ngàn chảy tràn sóng chữ -1
Bìa tập truyện ngắn “Những cánh chim Chua Sa”.

Đọc “Sa mạc xanh”, một truyện ngắn mà theo anh chia sẻ được phôi thai từ thời kỳ còn học khóa viết văn trường Nguyễn Du, truyện được gửi đến cho bạn bè của mình đọc góp ý, rồi chỉnh sửa đi lại nhiều lần đến khi ưng ý mới trình làng. Rõ ràng chính sự kĩ lưỡng khiến “Sa mạc xanh” gây ấn tượng với tôi, nhất là cách anh chia bố cục và dẫn dắt độc giả đi qua cuộc hành trình trên một sa mạc với những gian khổ chẳng lường trước được. Nhưng, con người ta luôn biết ứng biến trước những khó khăn trong quãng đời mình phải đối diện. Trong cơn nguy biến đó, bản năng sống tự khắc giúp con người ta biết cách chống chọi để tồn tại.

Theo tôi đây là một “thiên truyện”, được anh gói kỹ vào dung lượng ngắn và phân tầng như những chương nhỏ, mỗi chương mở ra một ý niệm về cuộc đời con người. Đi trên sa mạc hay đi trên những cằn cỗi đời mình? Kỳ thực, đến cuối truyện người đọc cũng tự mình tìm ra bài học sống của cát. Sự tồn tại của bất cứ sự vật, sự việc nào trong cuộc đời này, mà mình có duyên hạnh ngộ đều mang một ý nghĩa nhất định.

Chọn truyện ngắn “Những cánh chim Chua Sa” làm nhan đề của tập truyện cho thấy đây là tác phẩm Hiếu Trung Long ưng ý, vì nó đã giúp anh định danh trên văn đàn. Một truyện ngắn đầy nhức nhối về lòng tham của con người trong sự tàn phá thiên nhiên để mưu cầu lợi ích cho chính mình. Thiên nhiên vô tận và lòng tham vô đáy. Nhưng, trên hết chính là sự giác ngộ của con người trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Như một bà mẹ hiền từ, thiên nhiên cũng cho chúng ta một nguồn cơn để sống. Sống thật xanh lành như đời mây, đời cây, đời rừng… Nhưng, sự tận diệt chẳng màng đớn đau đã khiến người mẹ thiên nhiên cũng phải ra tay dạy cho chính chúng ta một bài học về sống xanh.

Đọc lại truyện ngắn đã giúp Hiếu Trung Long đoạt giải Ba của cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ năm nào vẫn còn đó giá trị của văn chương trước câu chuyện bảo vệ rừng, giữa lấy màu xanh cho núi đồi.

Nhưng có lẽ, với tôi, Hiếu Trung Long thật sự gây ám ảnh và thán phục nhất chính là truyện ngắn “Gương mặt đồng bằng”. Một câu chuyện chiến tranh của người cha được kể lại qua góc nhìn của người con. Bằng lối dựng truyện mở rộng biên độ thời gian và không gian, sử dụng cách viết đồng hiện song đôi cắt lớp và hơn hết là tứ truyện lồng truyện, Hiếu Trung Long thể hiện sự chắc tay của mình trong truyện ngắn.

Kết hợp 3 yếu tố, anh nhịp nhàng đưa đẩy câu chuyện từ thời chiến đến hiện thực, từ hư ảnh huyễn hoặc đến sự thật nghiệt ngã, từ ký ức cũ càng đến thấu cảm hôm nay. Kết truyện của Hiếu Trung Long, luôn gieo vào lòng người đọc những ý niệm riêng. Đó là bóng ma sống, kẻ lang thang trên đồng ăn linh hồn người chết để được hồi sinh hay là một thiên thần luôn đi theo để bảo vệ người lính trong cuộc chiến vệ quốc kỳ vĩ này? Câu trả lời luôn ở phía độc giả.

Tuy nhiên, văn cũng như người, lấp lánh phía sau trang viết luôn là một bức chân dung ẩn hiện lúc tỏ, lúc mờ của tác giả. Hiếu Trung Long cũng y như vậy. Tôi đọc và khép trang cuối cùng của tập truyện lại, hiển hiện trong đầu mình là một con người của của tận cùng cô độc, nhưng phía tận cùng đó lại nở ra những yêu thương xanh lành. Xanh màu núi rừng, và lành những phận người. Dưới cặp mắt của người trẻ, một người con của đất Điện Biên, chuyện đại ngàn được chảy tràn thành những cơn sóng. Lớp sóng đó nương theo câu chữ mà vương vào lòng người đọc. Chảy tràn. Một dòng miên mải.

Tống Phước Bảo
.
.