Hiền Trang và cuốn sách truyền cảm hứng văn chương

Thứ Bảy, 07/09/2024, 10:08

Mùa thu năm 2022, Hiền Trang vinh dự trở thành một trong 33 nhà văn đến từ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ góp mặt tại Chương trình Viết văn Quốc tế (IWP) của Đại học Iowa (Mỹ). Mùa thu năm nay, cô ra mắt "Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ" - cuốn sách không chỉ lưu lại hành trình đáng nhớ ở Iowa mà còn truyền cảm hứng cho những ai muốn cầm bút, dấn thân vào nghiệp văn chương.

Hiền Trang là cái tên không còn xa lạ với người yêu văn chương. Chào làng văn năm 2015 với "Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ", cây bút 9X này nhanh chóng nổi lên với các sáng tác đa dạng từ truyện ngắn, tiểu thuyết đến những tiểu luận về nghệ thuật.

Trang viết rất khỏe. Chín năm vào nghề là chín tác phẩm trình làng. Nổi bật nhất có thể kể đến tập truyện ngắn "Giấc mộng lang thang trên cánh đồng cỏ úa" (đoạt giải ba cuộc thi "Văn học tuổi 20"), "Dưới mái hiên đêm những khách lạ", truyện dài "Chopin biến mất", tập truyện "Những khán giả ngồi trong bóng tối", tiểu thuyết "Quán bar trong bụng cá voi"…

Tác phẩm của cô là giấc mộng kỳ ảo hòa trộn kiến văn độc đáo giữa văn chương, hội họa, âm nhạc lẫn điện ảnh. Không chỉ vậy, cô còn ghi dấu ở vai trò dịch giả, mà nổi bật là cuốn "Chơi Jazz ở Việt Nam" giúp cô ẵm giải C ở Giải thưởng Sách quốc gia 2023.

1 hien trang.jpg -0
Nhà văn Hiền Trang (thứ hai, từ trái qua) cùng các nhà văn nước ngoài tại Chương trình Viết văn Quốc tế ở Mỹ năm 2022. 

Vậy nên không ngạc nhiên khi Hiền Trang trở thành đại diện Việt Nam góp mặt ở IWP. IWP là chương trình lưu trú được tổ chức thường niên từ năm 1967 tại Iowa - thành phố văn chương của Mỹ. Đến nay đã có hơn 1.500 nhà văn trên khắp nơi thế giới dự IWP, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Mạc Ngôn, Orhan Pamuk, John Banville, Han Kang…

Các nhà văn tham gia chương trình có ba tháng gặp gỡ giao lưu và viết lách thông qua nhiều hoạt động như xem phim, diễn thuyết, thảo luận, tham quan danh thắng… Trước Hiền Trang, Việt Nam từng có 11 nhà văn, nhà thơ nổi tiếng tham gia chương trình này như: Phan Thị Vàng Anh, Phan Triều Hải, Hữu Việt, Văn Cầm Hải, Phan Hồn Nhiên...

Đến giờ mỗi khi nhớ lại, Hiền Trang không khỏi tự hào khi đặt chân đến Iowa: "Được đến một nơi đã lưu dấu những bước chân của người hùng văn chương đi trước như Mạc Ngôn, Orhan Pamuk…, đối với tôi đó là một cảm giác rất đặc biệt. Tôi đọc họ từ khi còn là cô bé tí ti mơ làm văn sĩ. Ngẫm lại tôi chợt nhận ra, điều giúp tôi có mặt ở đây chính là nhờ tôi có ngôn từ.

Hồi bé, tôi nghe một bản nhạc của Bee Gees, tên là "Words", có câu này: "Words are all I have, to take your heart away" (tạm dịch: Ngôn từ là tất cả những gì tôi có, để lấy đi trái tim người). Câu hát ấy chưa bao giờ đúng hơn với tôi. Ngôn từ là thứ duy nhất tôi có để cuộc đời xiêu lòng và dang tay cho tôi những đãi ngộ". Rời Iowa, Hiền Trang không định viết gì cả, nhưng nhà văn Văn Thành Lê giục: "Em hãy viết về Iowa đi". Thế là tập tùy bút mà cái tên được cô lấy tứ từ bản nhạc "Words" ra đời.

"Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ" có thể xem là nhật kí nghệ thuật mà Hiền Trang ghi chép lại từ những trải nghiệm và cảm nhận của mình trong lần vinh dự tham gia IWP. Hành trình ấy như cuốn phim chậm, mà Iowa như một nhân vật, một ông tơ bà nguyệt cho cô không gian, thời gian để đối thoại với văn chương, nghệ thuật. Hay như tác giả nói vui: "Một tập tuỳ bút những chuyện hỡi ôi về văn chương, từ chuyện kỷ luật viết đến chuyện bằng hữu viết, từ chuyện viết gì khi mà những tác phẩm hay nhất trên đời đã được viết ra, đến chuyện viết bằng cái gì". Tất tần tật những chuyện hậu trường, "bếp núc" của nhà văn được tác giả hé mở để người đọc có thể thấu hiểu và nhận ra rằng "văn chương hạ giới" không hề "rẻ như bèo".

Nghề viết cũng như tất cả những nghề khác, đòi hỏi tinh thần của một chiến binh trong cuộc chiến dai dẳng của nỗi hoài nghi: Ai cũng có những nỗi sợ về việc bị mắc kẹt giữa những ngày lặp đi lặp lại, viết dưới những cái bóng của những đại văn hào hay nỗi sợ chật vật với ngôn từ. Và nghề viết chẳng hề ung dung với ám thị "nay không viết thì mai viết" vì nhà văn cũng phải chạy đua với deadline (hạn chót) không khác gì dân công sở đến giờ phải chấm công. Ở chương "Nỗi khốn khổ chung và cơn đau răng riêng" bóc tách những mâu thuẫn, để thấy văn chương đôi khi không cần cao hơn cuốn nhật ký hay ấn tượng hơn khi mượn hình ảnh "rắn ăn đuôi" - những nhà văn có xu hướng thu mình vào câu chuyện của chính mình.

Với tác giả, nghiệp viết cho người sáng tạo rất nhiều quyền năng mà những nghề nghiệp khác chưa chắc có, "rằng mình có thể tùy ý đưa cả Kurt Vonnegut hay Orhan Pamuk trở thành những nhân vật khách mời trong câu chuyện của mình". Và hơn hết, ai cũng có thể trở thành nhà văn. Hiền Trang đưa ra những dẫn chứng đầy thuyết phục. Chẳng hạn như Yiyun Li, một trong những cây bút quan trọng nhất của văn chương Mỹ đương đại, chọn nghề viết chỉ vì không thích công việc… cọ nhà xí. Văn hào Kurt Vonnegut thành công với nghiệp viết nhờ ông không theo học khoa Anh Văn mà theo khoa Hóa học.

Hiền Trang cho rằng có hàng ngàn cách để bạn bắt đầu với văn chương, coi văn chương tự nhiên như hơi thở, len lách vào từng hoạt động nhỏ nhất trong ngày và vốn dĩ, văn chương không phải là thế giới xa lạ, văn chương có trong tất cả những điều đơn giản như hơi thở của ta mỗi phút giây. Không có chủ đề nào là vặt vãnh, tủn mủn, dù cho đó là một cảm xúc thoáng qua…

Trong buổi giao lưu ra mắt sách tại TP Hồ Chí Minh, Hiền Trang thú thật rằng phải mất gần mười năm, cô mới tự tin nhận mình là nhà văn. Trước đây, đi đâu làm gì mà phải khai báo nghề nghiệp, cô luôn né tránh nghề này mà chỉ đưa ra công việc văn phòng. Bởi ở Việt Nam, mọi người vẫn mang nặng định kiến: nhà văn là một cái nghề có vẻ không ổn định, đầy tính tự phát và ngẫu hứng.

Chỉ khi dự trại viết ở Iowa, Hiền Trang mới nhận ra nhà văn là một nghề đáng trân trọng và cao quý như bao nghề. Lần ấy, cô đang xem phim thì một cặp đôi người Mỹ đến làm quen. Khi nghe cô giới thiệu là nhà văn, họ không hỏi gì thêm mà vui vẻ xin chụp hình, xin chữ ký. Từ giây phút đó, cô mới thực sự nhận ra mình yêu công việc nhà văn, mình cần nghiêm túc với văn chương và có một cam kết rõ ràng với con đường đã chọn.

2 tuy but.jpg -1
Tập tùy bút "Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ" của tác giả Hiền Trang.

Những điều Hiền Trang gửi gắm trong "Tất cả những gì tôi có là ngôn từ" trở thành nguồn cảm hứng thúc giục những bạn trẻ đang cầm bút, muốn cầm bút không thể chần chừ thêm nữa. Bởi như cô nói: "Một bạn hỏi khoảnh khắc chọn lựa văn chương là lúc nào, tôi thì nghĩ khoảnh khắc nào cũng phải lựa chọn văn chương. Lý do để không viết bao giờ cũng nhiều lơn lý do để viết. Có cả tỷ thứ sẵn sàng nhao ra bảo ta trì hoãn việc viết. Cho nên lựa chọn viết hôm nay, chưa chắc ngày mai viết tiếp, phải chọn trong từng giây từng phút mới được".

Nhà văn Văn Thành Lê đánh giá: "Đây là cuốn sách rất đặc biệt và truyền cảm hứng đến những tác giả trẻ, những người quan tâm đến môi trường văn chương nghệ thuật. Cuốn sách của Hiền Trang giống như những đường dẫn, những gợi mở rất thiết thực để họ có thể bắt đầu bước vào hành trình với văn chương".

Hồi Hiền Trang ra mắt tác phẩm đầu tiên, cha mẹ cô tự hào lắm. Nhưng đến khi cô viết cuốn thứ hai thì họ bắt đầu lo: "Chẳng lẽ con bé muốn theo đuổi văn chương hay sao?". Mà văn chương thì lắm nỗi đoạn trường. Nhưng đến bây giờ, nhìn hành trình con gái đi qua và gặt hái, cha mẹ cô đã có thể yên tâm bởi Hiền Trang tin rằng:

"Mặc dù văn chương là con đường không hề dễ dàng nhưng nó đem lại cho tôi quá nhiều niềm vui mà tôi nghĩ không bao giờ mình có được. Trong tùy bút, tôi có nhắc đến một kí ức văn chương mà tôi nghĩ là ký ức đẹp nhất của mình trong Chương trình Viết văn đó. Buổi tối, tôi đang đi dạo bên hồ Michigan thì gặp một ông lão giao hàng cho hãng Amazon. Chiếc xe đạp cũ kỹ của ông chở lỉnh kỉnh rất nhiều hàng hóa. Gặp tôi, ông hỏi đường. Tất nhiên khách lạ như tôi không biết.

Trò chuyện một hồi, ông biết tôi đến từ trại viết Iowa. Ông kể rất nhiều về thành phố văn chương đấy rồi tặng cho tôi một bài thơ. Đó là bài thơ cuối cùng của Federico Garciá Lorca trước khi mất. Ông đọc bài thơ bằng tiếng Tây Ban Nha rồi lại đọc bản tiếng Anh. Giây phút đó tôi chợt nhận ra ao ước của mình: nếu làm một người viết mà sau này mình qua đời, có một người rất bình thường đọc tác phẩm của mình cho một người bình thường khác nghe trong một ngày cũng cực kỳ bình thường, thì quả thực mình đã sống không uổng".

Mai Quỳnh Nga
.
.